VÀI LỜI GIỚI THIỆU VỀ SINH HOẠT HẠN KHUỐNG CỦA NGƯỜI THÁI

Hạn Khuống (nguồn: internet)

Cách đây chưa đến một thế kỉ, vùng nào có đồng bào Thái (đặc biệt là Thái Đen) là có tục sinh hoạt Hạn Khuống – Vài nơi dân tộc La Ha cũng có tập quán này. Đến nay một số vùng nước Lào anh em còn chơi Hạn Khuống.

Hạn Khuống nghĩa đen tiếng Thái là “sàn sân” tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Cái sàn hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1 đến 1,5m. Mặt sàn có diện tích từ 16 đến 24m2, sàn lát bằng dát tre hoặc phên nứa, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cái thang ba bậc. Ở giữa sàn có một cửa ra vào, lên xuống bằng cái thang ba bậc. Ở giữa sàn có một bếp lửa rộng hẹp tùy theo kích thước cửa Hạn Khuống. Đặc biệt Hạn Khuống được trang trí bằng 5 cây “lắc sáy”. Có thể ví “lắc sáy” như cây nêu ngày tết ở miền xuôi. “Lắc sáy” là một cây bương dài từ gốc đến ngọn tỉa hết cành nhánh, trên ngọn chót để nguyên chùm lá treo lủng lẳng những hình con ve, con chim, hoa quả, xúc xích được đan bằng lạt xanh đỏ trông thật rực rỡ. “Lắc sáy cốc” (tức là cây nêu gốc) cao đẹp nhất dựng ở giữa sàn cạnh bếp lửa. Bốn cây kia dựng ở 4 góc xung quanh.

Mỗi Hạn Khuống có từ 5 đến 10 tổ viên gái chính thức trở lên – gọi là “Xao lắc sáy” và có một tổ trưởng – gọi là “Tổn Khuống” (nghĩa là gốc sàn). Trong các buổi sinh hoạt cô Tổn Khuống ngồi dựa vào cây “lắc sáy” gốc, còn 4 cô kia chia nhau ngồi cạnh bốn “lắc sáy” khác ở 4 gốc.

Hạn khuống được phục dựng ở Chiềng Khoang, Quỳnh Nhai, Sơn La. 
Đồng bào Thái có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Trong các ngày lễ hội như xên bản, xên mường (cúng thổ công) hoặc những ngày cúng giỗ lớn như xên bun, xên khuôn, xên có tén (cúng cầu hồn, cầu phúc)hoặc xên hưỡn (giỗ tổ) ăn cơm mới, mừng nhà mới, cưới xin… là dịp vui chơi múa hát, tiếng trống chiêng linh đình.

Song những dịp vui như thế phải hàng năm, hai ba năm mới có một lần hoặc phải có cỗ bàn tiệc tùng mới thấy. Còn tục sinh hoạt Hạn Khuống đối với nhân dân lao động Thái nhất là thanh thiếu niên thì như cơm bữa. Từ lúc bước chân xuống thang ra khỏi nhà đến mảnh nương, thửa ruộng sản xuất, nhặt rêu, bắt ốc, tìm măng, hái củi lúc nào, nơi nào cũng nghe câu hò, tiếng hát và chuẩn bị cho sinh hoạt Hạn Khuống ban đêm. Mặt trời vừa chấm núi, chị em đã hò nhau lấy củi góp cho Hạn Khuống.

(hát lấy củi)

Về đến nhà, vừa đặt gánh củi xuống là lao ngay vào việc lợn gà bếp núc, quẩy ống bương ra bến múc nước, vừa đi vừa ới nhau chuẩn bị lên Hạn Khuống. Thanh niên trai, tan nương, tan ruộng cũng rủ nhau vào rừng tìm nứa làm khèn, làm sáo và chẻ lạt nhuộm xanh đỏ để lên Hạn Khuống đan giỏ hoa tặng bạn…

(có hát làm khèn sáo)

Hạn Khuống là nơi tụ họp đông vui, thường sinh hoạt vào hai mùa Thu Đông khô ráo, tương đối nhàn rỗi, là mùa có bông để bật, có sợi để kéo, có chỉ để thêu, vừa sản xuất thi nhau đàn hay hát giỏi. Các cô gái kéo sợi mịn, thêu khăn đẹp, con trai đan lát khéo, thổi sáo hay, đàn môi giỏi. Hai bên công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ, và lời ăn tiếng nói. Trai gái có đôi đẹp lứa cũng nhờ Hạn Khuống. Trước kia, mỗi bản có từ 1 đến 5, 6 Hạn Khuống. Có bản còn có tới 12 Hạn Khuống.

Hạn Khuống là linh hồn của bản mường, tượng trưng cho sự phồn vinh no ấm của quê hương.

Trên miền núi xa xôi hẻo lánh, sương sa gió lạnh, ngọn lửa Hạn Khuống vẫn còn luyến tiếc tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống này.

(Hát nuối tiếc về Hạn Khuống)

Các cô gái sắp về nhà chồng cũng quyến luyến Hạn Khuống đến hát chia tay và bàn giao Hạn Khuống cho lứa tuổi kế tiếp.

Dựng xong Hạn Khuống, đêm đầu tiên làm lễ khánh thành. Thanh niên nam nữ trong bản góp nhau thức ăn, thức uống mời các cụ cùng ăn mừng tại chỗ. Sau đó dọn dẹp đi, sinh hoạt Hạn Khuống bắt đầu.

Chiếc thang Hạn Khuống được cất đi. Cô Tổn Khuống (gốc sàn) bước vào vị trí cạnh “lắc sáy” gốc gần bếp lửa ngồi quay mặt ra, dùng chiếc guồng sa của mình chắn ngang cửa lên Hạn Khuống vừa kéo sợi vừa thay mặt chị em tiếp  các bạn trai. Các cô khác tản ra 4 góc và sẵn sàng tiếp ứng khi Tổn Khuống cần. Ngọn lửa Hạn Khuống bốc lên sáng rực cả một góc bản. Các cây “lắc sáy” lung linh mọi màu sắc quyến rũ. Thanh niên các vùng lân cận kéo sang, mỗi đoàn cử ra một hai người đàn hay, hát giỏi nhất đại diện xin lên Hạn Khuống. Cuộc thi tài bắt đầu.

–         Trai hát xin thang.

–         Gái Tổn Khuống đáp, cò cưa mãi mới cho lên.

–         Trai lại xin ghế ngồi.

–         Gái lại thoái thác mãi mới hát mời ngồi.

–         Trai lại xin điếu hút – chán chê gái mới đưa cho và hát mời hút thuốc thật lịch sự.

Đến đây, thắng thua đã rõ. Các trai bản qua thử thách đã được cô Tổn Khuống đồng ý cho dự cuộc vui cho đến lúc tan Hạn Khuống. Người thua cuộc không được ai tiếp cay cú, ra về. Từ đó Hạn Khuống trở lại sinh hoạt bình thường.

Không phải đêm nào nam nữ thanh niên cũng đến đây chỉ để xin thang, xin điếu mãi. Nhìn thấy ngọn lửa Hạn Khuống đỏ ai muốn vui thì đến. Trừ bạn trai nào lạ mặt chưa qua thử thách, còn mọi người bất kể già trẻ đều tự do lên xuống Hạn Khuống. Các em thiếu nhi cũng đến góp vui, đồng thời học ăn học nói, học kéo sợi, thêu thùa, đàn hát. Thỉnh thoảng các cụ cũng đến xe gai, bện thừng kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe. Kẻ lên người xuống, kẻ đứng người ngồi. Tiếng hát quyện tiếng đàn, tiếng sáo xen tiếng bật bông, kéo sợi, quay tơ. Hết hát lại nói lại cười, thật là râm ran nhộn nhịp chẳng khác gì đàn chim chào mào mừng bông lau mới trổ. Đi nương bị đứt tay, đi ruộng cán mai gãy, nghe hoẵng kêu vượn hót, trồng ngô tốt, nương lúa xanh cũng thành đề tài trao đổi. Các bà các cô bận con mọn không lên xuống Hạn Khuống được cũng ở nhà trên, sàn dưới nói vọng sang góp ý nhắc nhở đàn em sinh hoạt tốt lành. Các cụ cao tuổi ngủ không yên cũng tựa gối, dựa lưng vào đống chăn đệm nghe con cháu đàn hát. Đêm về khuya, sương xuống, chị em lấy áo trùm đầu, dịch vào gần bếp lửa tiếp tục sinh hoạt. Người già trẻ em muốn ngủ về nhà trước. Thanh niên muốn vui ở lại vui. Càng khuya tình duyên càng đằm thắm. Tiếng nói giao duyên càng ngọt ngào như giọt sương đêm. Đôi khi mải vui quá, buổi sinh hoạt kéo đến trăng lặn, gà gáy. Dụi bếp đi, chị em rủ nhau tan Hạn Khuống, bịn rịn chia tay.

(Hát tan Hạn Khuống)

Như vậy, một lần nữa ta có thể khẳng định Hạn Khuống không chỉ là nơi đàn hát vui chơi giải trí mà là ngọn lửa thân thương làm nơi hội tụ đông vui vừa văn nghệ vừa sản xuất buổi tối. Nó là nơi trường học lứa tiếp lứa truyền giao truyền thống sinh hoạt văn hóa tốt đẹp cho nhau. Nó là nơi trai gái tìm hiểu nhau một cách công khai lành mạnh, lựa chọn tình yêu chính đáng, trai tài gái đảm, xứng lứa vừa đôi. Tục ngữ Thái có câu: “nhìn trai gái khi xuống suối xúc cá, nhìn trai gái khi đội nắng đắp bờ ao” và “yêu nhau chớ yêu vội, yêu vội không bền lâu”. Đúng vậy, trai gái được bộc lộ tình yêu một cách công khai thì tình yêu mới trong sáng, ít sinh đẻ ngoài giá thú, vợ chồng hòa thuận, ít khi có li hôn.

Tuy nhiên, Hạn Khuống muốn được sống lại và phát triển theo trào lưu văn hóa mới hiện đại phải được chắt lọc lấy những yếu tố lành mạnh, đượm đà bản sắc dân tộc và được bổ sung nhuần nhuyễn những yếu tố tiến bộ phù hợp với yêu cầu và phương thức sinh hoạt nam nữ thanh niên hiện nay.

Một số hình ảnh về Hạn Khuống (nguồn: internet)

Các lễ hội của bản mường được tổ chức tại Hạn Khuống của bản mường đó.

Nam thanh nữ tú người Thái hằng đêm đến hạn khuống để giao duyên . 

Các cô gái Thái thi nhau trổ tài thêu dệt trên Hạn Khuống. 

—–

Cầm Biêu (nguyên tác).

Từ : Văn hóa và Lịch sử người Thái ở Việt Nam, Chương trình Thái học Việt Nam – Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa (Đại học Quốc gia Hà Nội). NXB Văn hóa Dân tộc,1988. Trang 548-553.

 

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *