Các nội dung chính
Nhiều tộc người đã có nhận xét rất đúng rằng: người Thái là tộc người biết may mặc và mặc đủ. Trang phục của họ phân biệt theo giới tính; phân biệt thường phục với lễ phục; trang phục mang trên cơ thể người chết và người để tang; trang phục khi lao động và khi đang ở nhà; trang phục trong mùa nóng bức và mùa thoáng đông gió lạnh. Ngoài ra, trang phục còn có sự phân biệt ở hai độ tuổi: chưa thành niên với khi đã trưởng thành.
I. Nam phục
Khi lớn tuổi nam giới thường mặc quần may theo kiểu “chân què”, không dùng dải rút mà khâu cạp để thắt dây lưng, chỉ có hai loại là quần dài và quần đùi. Áo có hai kiểu để mặc thường ngày và lễ phục.
Do tiếp thu qua người Việt, trang phục nam giới của người Thái đang trên đà Âu hóa rất mạnh. Nhưng trong nghiên cứu văn hóa, chúng ta vẫn có thể tìm thấy được cách ăn vận cũ từng tồn tại. Khi lớn tuổi nam giới thường mặc quần may theo kiểu “chân què”, không dùng dải rút mà khâu cạp để thắt dây lưng, chỉ có hai loại là quần dài và quần đùi. Áo có hai kiểu để mặc thường ngày và lễ phục. Ngày nay, nam giới đã ưa chuộng các kiểu mũ có bán trên thị trường. Xưa, họ đội hai loại khăn tràm chàm đen không phân biệt Thái Đen, Thái Trắng. Thường ngày họ đội khăn có tên là “đỡ” (chọc); còn trong lễ phục, người ta cuốn khắn bằng một vải đen chàm có tên là “cộm” (khăn pau). Đến khi nằm xuống, thân nhân cũng quấn cho quanh đầu một sải vải như thế.
Trước đây, nam thanh niên đi chân đất, về già có người dùng giầy vải mua của ngưởi Hoa. Thời Pháp thuộc, quý tộc và chức dịch đã bắt đầu ăn vận Âu phục, đi bít tất, giầy da. Ngày nay, hầu hết thanh thiếu niên đều đi giầy, dép.
Thời xưa, chỉ có nam giới nhà giàu sang mới đeo vòng ngọc thạch mua của người Hoa hoặc vòng bạc có chạm hai đầu rồng chầu nguyệt gọi là :vòng đầu hổ mang” (pók khèn ngu háu). Thứ vòng bạc này được coi như “bùa hộ mệnh” (fétiche) mà tiếng Thái gọi là “chống” (cặm).
II. Nữ phục
Y phục Thái in đậm bản sắc văn hó tộc người vẫn chiếm ưu thế một cách rõ rệt. –
Nữ phục cũng bắt đầu có hiện tượng Âu hóa, nhưng so với nam giới diễn ra chậm hơn. Với họ, y phục Thái in đậm bản sắc văn hó tộc người vẫn chiếm ưu thế một cách rõ rệt. Khi quan sát trang phục này, nhiều người cho là độc đáo vì tôn lên được vẻ đẹp trời ban! Có lẽ vì thế mà cụm từ “cô gái Thái” đã trở thành biểu tượng trong văn hóa folklore Việt Nam.
Trừ các trường hợp ngoại lai như bị Âu hóa, Hán hóa hoặc Việt hóa đang diễn ra hiện nay. Nữ giới khi trưởng thành đều mặc váy khăn liền [ (váy ống) – xỉn hay múc]. Váy của nhóm Thái ở miền Tây Bắc thường không có màu nào khác ngoài sắc đen tuyền. Người Thái ở Phù Yên (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) và một số vùng Thanh Hóa, mặc váy có cạp cao, thắt ngang ngực như người Mường. Người Thái ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, trên đoạn gần dấu váy có thêu hoặc dệt đáp thành dải đường viền hoa văn ngang mang nhiều màu sắc.
Trong đó, váy Thái Đen bố trí hoa văn hình quả trám nằm dọc theo chiều thẳng đứng. Ngược lại vời người Thái Trắng, các hình hoa văn quả chám cắt ngang trục thân. Khi mặc, có hai cách gấp đầu váy. Một là, theo cách “gập đôi bên” (tộp phượng) như cư dân ở Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình) và miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An. Hai là, mặc theo kiểu “thắt cuộn” (hặng pau) – đều mép bên (phải, trái) đều gấp cộm vào điểm cố định ở phần cạp giữa bụng, tạo ra đường xếp nếp ở giữa đôi chân. Do đấy, phần thân váy phía sau bó sát vào thân làm lộ rõ những đường cong của nửa thân dưới.
Khác với váy, áo của phụ nữ được thể hiện nhiều hình, nhiều vẻ hơn. Về màu sắc có thể thấy: đen, trắng, vàng, đỏ, xanh, hoa..; về mốt (mode), Áo bị Âu hóa mạnh. Trong khi áo cổ truyền chỉ có hai kiểu:
1. Thường phục
Trong sinh hoạt thường ngày cũng như khi cần làm dáng, phụ nữ Thái mặc loại áo có tên là cỏm. Ngữ nghĩa của cỏm là cộc, cụt, ngắn. Vậy tại sao áo lại mang tên đó? Áo cộc tay, người Thái gọi là “áo cỏm cộc tay” (xửa cỏm khen tển) phân biệt với “áo cỏm dài tay” (xửa cỏm khen hĩ). Chữ cỏm ở đây chỉ độ dài – ngắn của thân áo. Như vậy, nhìn váo chiếc áo cỏm thấy ngay cái gọi là cộc, cụt, ngắn của nó được giới hạn ở phần thân áo vừa chấm thắt lưng, nó không nằm vào hai bên cánh tay. Chính từ đó mới đòi hỏi ở người thợ may phải có kỹ thuật cắt khâu để chiếc váy vừa ôm sát lấy thân người mặc, thể hiện được thẩm mỹ Thái.

Áo cỏm có sự phân biệt giữa hai nhóm Thái Đen và Thái Trắng. Với áo của nhóm Thái Đen, dải viền hai vạt giao nhau (ở cửa áo) để cài cúc không liền với cổ áo; trong khi áo của nhóm Thái Trắng thì cổ và đường viền đó liền một dải, có tên là áo liền cổ (xửa co long). Áo Thái Đen theo đó phải tạo theo kiểu cổ đứng.
Thực ra áo cỏm của người Thái Đen xưa cũng là “áo liền cổ”, vào cuối thể kỷ XIX đầu XX, một bà chẩu mường lớn tên là Cầm Nàng Phák (Tiêng) ở Mường Mụa đã cải tiến thành cổ đứng như hiện nay.
Trên hai đường viền vạt áo xẻ ngực, bình thường người ta cài cúc đồng và nếu không kiếm được thì người ta cũng thay bằng hạt kiếm mua ở chợ. Khi mặc, muốn sang trọng, người ta mặc áo cỏm cài cúc bạc hình đôi bướm, nhện, ve sầu hay hình hoa nhài…
Nói đến vẻ hoàn mỹ của trang phục nữ, không thể không nói tới dải thắt lưng dệt bằng sợi tơ tằm có chiều dài hơn 2m tức bằng một sải và một khuỷu tay theo cách đo truyền thống Thái. Nó không chỉ là dải vải để thắt giữ chỗ cạp váy, nó còn là điểm tạo dáng thắt đáy lưng ong của các bà, các chị.
Ngày nay, quan niệm thẩm mỹ trên trang phục đã thay đổi, Hiện tượng vỏ hẳn áo cỏm để thay thế bằng áo sơ mi đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở thị trấn, thị xã và vùng ven quốc lộ. Do tiếp thu Âu phục qua người Việt, áo cỏm thái cũng được cải tiến.
Trong khi các kỹ thuật cắt may khác vẫn giữ nguyên. Người ta thêm vào đó đôi vai bồng, làm cho kiểu áo cổ truyền tăng hẳn độ bay lượn.
2. Lễ phục
Xưa, quan niệm mặc áo cỏm nhập lễ phục là không đúng nên có bộ lễ phục riêng, Song kể từ năm 1954 trở lại đây, việc mặc lễ phục áo dài coi như vắng hẳn. Một lễ phục xưa có hai kiểu:
2.1 Xửa nhinh
Áo dài màu đen chàm cắt theo kiểu xẻ nách bên phải phổ biến ở vùng Thái Đen có tên là “áo gái” (xửa nhinh), hoặc có thể gọi ngay tên “áo dài” (xưa hĩ) để phân biệt với áo cỏm. Tuy mang tên là “áo gái” nhưng trang phục này dùng chung cho cả nam và nữ.
2.2 Xửa chai
Áo dài kiểu mặc chui đầu (pỏn chỏn) có tên là “áo trai” (xửa chai) hoặc “áo lớm” (xửa luông). Loại này chỉ dành cho nữ giới, đồng thời chỉ để quý tộc và chức dịch mặc trong lễ cúng mường (xên mường) và cũng có hai loại:
2.2.1 Một là:
Áo của nhóm Thái Đen có màu đen chàm buông dài xuống giữa bụng chân. Ở mặt trong có táp một mảng trang trí theo cách khâu ghép những miếng vải nhiều màu, xếp thành hình tam giác trong các ô vuông sát kề nhau, hoặc những miếng thổ cẩm gọi là khít, nho chạy dọc theo hai xống ngực nối xuống tạo thành mảng ở phần lưng gấu. Khi mặc chỉ thấy mặt vải của thân áo đen tuyền song vì đây là lễ phục và đặc biệt lại là đồ khâm liệm nên bình thường ít khi thấy mặc. Chỉ vào mùa đông tháng giá. Khi ấy, người mặc thường lộn phía trong ra ngoài để các màu của mảng trang trí phô ra như được khuôn vào nền áo cỏm và vày đen tạo thành một lối trang phục sinh động.
2.2.1 Hai là:
Áo Thái Trắng ở phía miền Tây Bắc – cũng mang màu đen có độ dài tương tự.Do tiếp thu kỹ thuật may Âu phục từ người Pháp đưa đến trước đây nên loại trang phục này đã được cải tiến nhiều lần. Tuy vậy, vẫn không thoát ly những nét cơ bản của nguyên gốc. Áo chui đầu nhưng lịa chiết ly ở eo để tạo dáng “thắt đáy lưng ong” nên thân áo chia thành hai phần rõ rệt. Nửa trên được cắt phỏng theo áo cỏm, có thêm vai bồng, khi mặc, áo bó sát thân, cổ áo đồng thời là lõ khoét để chui đầu, có hình quả tim chạy uốn theo đường vải viền được khâu đúnh bằng các loại chỉ màu. Lỗ khoét ấy hở một phần ngực để khi mặc sẽ hiện lên vài hàng cúc bạc của áo cỏm lót bên trong. Nửa dưới thân asom do đặt vị trí chiết eo ở hai cánh sườn đã làm tăng hẳn sức bay của y phục.

Với tất cả những yếu tố kỹ thuật tạo mốt đó, từ lâu áo nữ Thái Trắng đã trở thành trang phục của các điệu múa (xòe) nổi tiếng của vùng Mường Lay (Điện Biên), Phong Thổ (Lai Châu), Quỳnh Nhai, Mường Chiến (Sơn La). Ngày nay các đoàn văn công đã nghiên cứu, cải tiến để dùng nó làm đạo cụ cho các diễn viên múa. Đương nhiên, vẫn dễ thấy việc làm ấy còn nhiều điểm chưa đạt, do đã để lộ rõ những nét không phù hợp vì chưa nắm chắc được kỹ thuật tạo mốt của truyền thống Thái.
Trang phục nữ còn có tấm khăn đội đầu. Nữ Thái Đen đội khăn “piêu” (thực ra piêu đã có nghĩa là khăn rồi) bằng vải đen tràm có một sải tay, ở hai đầu có thêu hoa văn hình kỷ hà bằng chỉ nhiều màu. Cùng với áo, váy, chiếc khăn này đã được nhiều người ca ngợi bằng văn – thơ, nhạc – họa và điện ảnh…

Có một chi tiết liên quan đến tên gọi của khăn, ít ai để ý miêu tả, đó là những hoa cuộn và thêu chỉ màu gọi là kút, đính thành chùm ở đường viền hai đầu. Nếu chùm ba gọi là piêu kút xam và chùm năm gọi là piêu kút hả. Trong quan niệm của người Thái, số chẵn (2,4) tượng trưng cho hạnh phúc đôi đứa, và 3, 5 chính là sự phát triển con cái – hệ quả của hạnh phúc vợ chồng trọn vẹn.
Nữ giới nhóm Thái Trắng không chít khắn piêu mà thường mua khăn vuông len hoặc khăn buông trắng để cuốn.
Kiểu để tóc của phụ nữ Thái cũng phân biệt khá rõ trong ngành Thái Đen và Thái Trắng. Khi chưa lấy chồng, con gái nhóm Thái Đen búi tóc đằng sau gáy (khót phôm); khi có chồng, búi tóc ngược lên đỉnh đầu và hơi nghiêng về bên trái (tẳng cảu) nếu chồng chết, trong thời gian để tang họ búi tóc lưng chừng giữa đỉnh đầu và gáy gọi là “búi tóc kiêng” (khót phồm căm) hay búi tóc bà góa (khót phồm me mải).

Hết tang lại búi tóc ngược như khi chồng còn sống. Con gái Thái Trắng không lấy tóc làm tín hiệu đã có chồng hay chưa lấy chồng, họ chỉ búi ra đằng sau hay cuốn lên đầu, nhưng không vấn bọc khăn như kiểu nữ giới người Việt hay người Tày, Nùng. Đặt ở đằng sau, búi tóc được hạ thấp xuống để có thể đung đưa trên vai, làm tăng thêm nét sinh động của trang phục.
Ngày nay chị em đã biết và dần dần đi giầy, dép. Xưa phụ nữ Thái toàn đi chân đất. Do tiếp thu văn hóa Âu Tây, con gái các tầng lớp phìa tạo có đi giầy, dép nhưng không phổ biến lắm.
Nói đến trang phục nữ, cũng cần kể tới vòng đeo nơi cổ tay và xưa còn đeo cả ở cổ, bây giờ đã vắng hẳn. Hai bên dái tai thường được đeo đồ trang sức hình ống (óng hu) hoặc hoa (cỏng hu), còn ngón tay đeo nhẫn. Những trang sức này, người khá giả dùng để vàng, bạc, ngọc, ngà; người không có cũn đeo vòng đồng, xương và trong truyền thuyết, người con gái nhà nghèo còn đeo vòng bằng dây mây rừng.
Nhìn chung, trang phục Thái thể hiện tính tộc người ngay từ tuổi thơ cho đến khi về già và lúc lâm chung. Trẻ em 5 – 10 tuổi, cách ăn mặc đã phân định theo giới: con trai mặc áo nam với chiếc quàn có đai đeo lên cổ, đầu cạo trọc, có thể để chỏm hoặc chòm che thóp. Con gái mặc áo khâu liền váy và bắt đầu nuôi tóc, chuẩn bị cho việc kết búi. Lớn lên có y phục nam, như như đã trình bày ở trên. Người chết, thân nhân vận phục tang màu trắng, không mang sắc phục màu đen trong nhưng ngày có nghi thức tang lễ.
Theo Văn hóa tộc người Thái, NXB QĐND năm 2016 (Cầm Trọng – Chu Thái Sơn – Chủ biên)
Lịch sử văn hóa dân tộc Thái tổng hợp