Dân tộc Thái ở Việt Nam đều nói chung có truyền thống ở nhà sàn. Nhìn tổng quát, nhà sàn người Thái ở khắp các vùng đều giống nhau về những nét cơ bản. Song do hoàn cảnh địa lý khác nhau và do sự tiếp thu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau về kiến trúc giữa các dân tộc anh em sống xen kẽ nên nhà sàn của người Thái ở từng vùng cũng có sự biến tấu khác nhau ở một số chi tiết kiến trúc.
Nhà sàn của người Thái ở vùng Tây Bắc Việt Nam đại thể có các loại như: Nhà cột chốn gọi là Hươn Phăng Đin, nhà cột kế gọi là Hươn Tó Ký, nhà 2 hàng cột gọi là Hươn Tháng Khứ, nhà 4 hàng cột gọi Hươn Khay Liêng hay Hơn Hoa. Một lẽ dĩ nhiên, nhà càng ít hàng cột càng bé và ít gian, nhà càng nhiều hàng cột càng to và nhiều gian. Tất cả bấy nhiều loại nhà, về kiến trúc phần mái chỉ có hai kiểu: mái hồi cong và mái hồi thẳng. Nhà mái hồi cong gọi là Hươn Tụp Cống, nhà mái hồi thẳng gọi là Hươn Tụp Lặt. Từ năm 1955 trở về trước nhà của ngành Thái đen mái hồi cong, nhà của ngành Thái trắng mái hồi thẳng.
Loại nhà cổ từ xa xưa nhất truyền lại là nhà cột chôn. Nhà cột chôn tuy bộ khung đơn giản tốn ít cây que, nhưng lại khổ công về lây cột, bởi chỉ có lõi các loại gỗ thật tốt thì phần chôn đất mới không chóng mục. Về sau, những loại gỗ tốt để lấy lõi đã cạn dần nên xuất hiện nhà cột kê. Làm nhà cột kế phải tốn nhiều công, tốn nhiều cây que làm bộ khung mới bảo đảm độ vững chắc. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người Thái, ngoài thời gian lao động trên ruộng nương ra, tất cả đều diễn ra trong nếp nhà sàn như ăn, nằm, ở, nấu nướng, rửa ráy, phơi phóng đến nghề phụ như canh cửi, làm các dụng cụ lao động, đan lát các đồ dùng… Các thứ đồ linh tinh chưa phải dùng luôn thường ngày thì cất để trên trần. Cối giã gạo và tiểu, đại gia súc các loại đều để dưới gầm sàn. Xung quanh nhà có hàng rào bảo vệ.
Theo truyền thống của gia đình người Thái, mỗi đứa con sau khi đã lấy vợ, lấy chồng chưa được phép ra ngoài riêng ngay mà vẫn phải ở trong nhà bố mẹ một thời gian khá dài. Người Thái có tục ở rể lâu ngày, lấy con của dân rể 3 năm, lấy con của tầng lớp quý tộc ở rể 12 năm. Bởi thế người con gái sau khi lấy chồng vẫn cùng chồng lại nhà bố mẹ của mình một thời gian dài mới về nhà chồng. Con trai, sau khi mãn hạn ở rể ai cũng phải đón vợ con con mę với bố về ở chung trong nhà bố mẹ một thời gian mới được làm nhà riêng. Do đó, dù muốn hay không, người chủ nhà nào cũng phải lo đủ nhà cho con cái sum họp. Càng nhiều con cái càng cần phải có nhà rộng. Điều này xuất phát từ quan niệm của cả dân tộc Thái về trách nhiệm của bố đối với con cái và ngược lại trách nhiệm của con cái đối me. Nếu bố me cô gái chịu để cho con rể ở rể ít ngày mà sớm cho con gái về nhà chồng thì có nghĩa là họ tự rẻ rúng con gái, không làm cho con gái mình đáng giá để bên nhà chồng coi trọng nàng dâu ; nếu bố mẹ chàng trai không đón con trai và con dâu về sống trong nhà mình một thời gian là thể hiện sự nghèo khó không đủ sức lo đón dâu về, không biết vun vén hạnh phúc cho con, để mặc cho con cái tan tác. Về phía con cái: Nếu người con trai nào đã mãn hạn ở rể mà không đưa vợ con trở lại nhà bố mę và nàng dâu nào không làm dâu một thời gian trong nhà bố mẹ chồng mà đòi ra ở riêng ngay là người bất hiếu, bị thiên hạ chê bai. Xưa kia không hiếm trong cùng một gia đình mà có đến 2, 3, 4 cặp vợ chồng con trai cùng chung sống hòa thuận với bố mẹ. Sau khi bố mẹ khuất mặt, các cặp vợ chồng, anh em mới chia tay nhau ra ở riêng. Song, dù anh em chung sống thương yêu, hòa thuận đến mấy chăng nữa khi đã không còn bố mẹ thì cũng buộc mỗi người phải có nhà riêng. Ở đây ngoài trách nhiệm của người làm cha làm mẹ đối với con cái như đã nói trên thì còn mang nặng ý nghĩa tâm linh nữa.

Về tâm linh: Người Thái quan niệm vụ trụ có 3 tầng: tầng trời, tầng đất và tầng dưới mặt đất. Tầng trời là tầng trên gọi Tê Đa, tầng đất là tầng giữa gọi Chuông Cang và tầng dưới mặt đất gọi là Pựn Cỏng. Đồng thời họ cũng quan niệm rằng có tổ chức xã hội ở cả 3 tầng. Trên trời là Mường Phạ, hay Mường Bôn, trên mặt đất gọi là Mường Lam hay Mường Chuông Cang, dưới mặt đất gọi là Mường Cỏng hay Mường Tảư. Do đây ngôi nhà sàn của họ cũng có khái niệm ba tầng: Pện Lang, Hạn Cang, Tế Đa. Pựn Lang là nền, Hạn Cang hay còn gọi Chuông Cang là sàn nhà, Tế Đa hay còn gọi Thản Hạnh là trần. Con người sinh sống ở Mường Chuông Cang, sau khi chết thì thể xác xuống Mường Công, hồn vía biến thành kiếp ma lên sống vĩnh hằng ở trên Mường Trời. Ai đã tắt thở tại ngôi nhà của mình – cũ hay mới, to hay nhỏ, giàu hay nghèo – thì kiếp ma người đó ở Mường Trời cũng được sống vĩnh hằng trong ngôi nhà như thế. Trường hợp người chưa có nhà riêng, mà chết tại nhà bố mẹ hay nhà của anh em thì kiếp ma cũng vĩnh viễn không có nhà riêng, chỉ có sống nhờ như trước khi chết. Đời người ai được làm chủ nhà thì kiếp ma mới thành chủ nhà. Bởi quan niệm như trên nên, mỗi cặp vợ chồng, khi quá tứ tuần trở đi ai cũng dồn sức dồn của làm nếp nhà tương đối khang trang. Nếu bố mẹ thượng thọ mà nhà đã cũ nát thì con trai phải lo làm nhà mới khang trang để khi bố mẹ “ lên trời ” sẽ được ở vĩnh hằng trong ngôi nhà mới. Những người bị sa cơ lỡ nghiệp túng bấn, đời đã già vẫn không lo nổi nếp nhà thì buồn tủi vô cùng.
Trong nếp nhà sàn cổ của người Thái chứa đựng bao điều đáng được tôn trọng, chẳng hạn về kiến trúc, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, nề nếp sinh hoạt tốt đẹp thường ngày cũng như ý niệm về tôn giáo của người Thái cổ…
Ngày nay nó đang được nhanh chóng biến tấu các nét kiến trúc tạo hình và mất đi một số nội dung chứa đựng trong nếp nhà sàn để phù hợp với sự biến chuyển nhanh chóng của xã hội. Vì thế nhà sàn cổ của người Thái cần được nghiên cứu, khảo tả, bảo tồn.
Điều bình thường trong cuộc sống là ai càng nghèo khó và neo đơn thì nhà càng nhỏ bé và sơ sài, ai có được cuộc sống tương đối thì nhà cửa tương đối, ai càng giàu sang và quyền lực càng cao thì nhà cửa càng khang trang, cao lớn. Song nếp nhà bình thường phổ biến trong dân tộc Thái là nếp nhà 3 gian, 2 hàng cột chôn.
Do đó, ở bài viết này chúng tôi xin nói về nếp nhà sàn cổ 3 gian, 2 hàng cột chôn, mái hồi cong của người Thái đen. Cụ thể là nhà sàn cổ tại vùng Mường Muổi, huyện Thuận Châu, Sơn La. Chúng tôi sẽ mô tả từ cách thức dựng nhà, lễ lên nhà mới và ăn mừng cho đến những quy định trong nhà về các tập tục, nề nếp sinh hoạt…
GHI CHÚ
(*) Tuy tiêu đề bài viết là Vài nét khái quát về nhà sàn người Thái Việt Nam, tuy nhiên trong nội dung tác giả chỉ nêu lên những nét khái quát về nhà sàn người Thái vùng Tây bắc. Tuy nhiên chúng tôi vẫn để nguyên tiêu đề ban đầu của tác giả.
Trích NHÀ SÀN CỔ NGƯỜI THÁI VIỆT NAM – Vương Trung, trg 9 – 13.