Các nội dung chính
Khởi nghĩa Lam Sơn là một cuộc khởi nghĩa vĩ đại mang ý nghĩa lớn lao, giải phóng Việt Nam ra khỏi ách đô hộ nhà Minh suốt 13 năm gian khổ. Trong cuộc khởi nghĩa ấy có nhiều dấu ấn của các thủ lĩnh người Thái với những vai trò khác nhau. Xin được nêu ra để mọi người cùng tham khảo, để thấy rằng từ xưa người Thái cũng đã có vai trò nhất định trong xã hội Việt Nam.
1. CÁC TÙ TRƯỞNG LIÊN QUAN.
Năm1400, Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần lập nên triều Hồ. Nhà Minh lấy cớ sang đánh nhà Hồ giúp nhà Trần mà xâm lược nước ta. Thuở ấy, các tù trưởng vẫn được cai quản các mường, có thể kể đến như: Ở Tây Bắc, Đèo Cát Hãn (hay Cướt Cằm – ꪹꪀꪒ ꪁꪾ) làm chủ Mường Lay (châu Ninh Viễn), Mứn Hằm (ꪢꪳ꪿ꪙ ꪬꪾ) làm thủ lĩnh Mường Muổi (Mang Mỗi/ Thuận Châu), Xa Khả Sâm ( hay Xa Khả Tham, tên tiếng Thái là Xa Căm Xam/ꪏꪱ ꪁꪾ ꪎꪱꪣ); vùng Thanh Nghệ có Cầm Bành là tri phủ châu Trà Lân (hay Trà Long, tức Tương Dương), Cầm Quý là tri phủ châu Ngọc Ma (Trấn Định), Cầm Lạn là phụ đạo Quỳ Châu.
Nhà Minh đô hộ gây ra nhiều đau khổ trong nhân dân. Năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương cùng Lê Thạch, Lê Hữu khởi binh ở núi Lam Sơn Thanh Hóa, để đánh đuổi giặc Minh.

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, quân Mường Lay, Lào, Bồn Man ngoài mặt là phò giúp, nhưng lại thông đồng với quân Minh.
Năm 1422, quân Lam Sơn tiến đánh đồn Quan Gia ở núi Chí Linh (Thanh Hóa) bị quân Lào và Minh đánh vào hai mặt, phải chạy về đồn Khôi Sách. Quân Lào, Minh bao vây 4 mặt. Quân Lam Sơn phải cầu hòa với địch.
Tiến thoái lưỡng nan, Bình Định vương hầu các tướng bàn kế tiến thủ. Quan thiếu úy Lê Chính nói rằng: “Nghệ An là đất hiểm yếu, đất rộng nhiều người, ta hãy vào lấy Trà Long (Tương Dương) rồi hạ thành Nghệ Anh,…
2. CẦM BÀNH CHỐNG CỰ VỚI QUÂN LAM SƠN.
Bình Định Vương Lê Lợi bèn tiến vào Nghệ An, đi đến núi Pu Lạp (thuộc Châu Quỳ), Cầm Bành đem 5000 quân phối hợp với tướng nhà Minh là Sư Hựu, Trần Trí ra đón ở mặt trước, Phương Chính ra đón ở mặt sau.
Lợi dụng lúc ban đêm, quân Lam Sơn phục đánh Phương Chính, sau đó quay lên đánh Cầm Bành, Sư Hựu và Trần Trí. Quân Minh thua to phải rút về thành Nghệ An.
Tháng 11 (âm lịch) năm ấy, vua Lê Lợi sai người chiêu dụ Cầm Bành nhưng Bành không theo và một mình cùng với hơn nghìn quân lập rào sách phòng thủ đợi viện binh. Vua Lê Lợi đem quân đến vây.
Được một tháng trời mà không thấy quân đến cứu viện. Phương Chính cũng muốn giải vây cho Cầm Bành nhưng vì sợ khí thế quân Lam Sơn nên không giám tiến quân, bèn đưa thư xin vua Lê Lợi giải vây Cầm Bành. Lê Lợi lại làm thư trôi song cho Phương Chính, ý rằng: cũng muốn giảng hòa để trở về Thanh Hóa, nhưng vì Cầm Bành ngăn lại, mong cho Phương Chính cho người đến hòa giải.
Phương Chính sai Trần Đức Nhị đến bảo Cầm Bành giảng hòa.
Cầm Bành biết quân cứu viện không tới nên đã đầu hàng quân Lam Sơn. Cầm Bành đã theo về với vua Lê Lợi nhưng có ý làm phản nên bị giết.
3. CẦM QUÝ VÀ XA KHẢ SÂM QUY THUẬN.
Năm 1425, vua Lê Lợi đem quân đến huyện Thổ Du (nay là Thanh Chương), tri phủ châu Ngọc Ma là Cầm Quý đem 8000 quân và 10 con voi đến theo giúp – Tổng hợp từ Việt Nam sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư.
Đến cuối năm 1427, quân Lam Sơn đã bình định được Nghệ An và Thanh Hóa uy danh lừng lẫy lắm. Vua lập ra mười điều quân luật và ba điều răn cho quân và các quan văn võ.
Tháng 5, phụ đạo Mường Mộc (Mộc Châu) Xa Khả Sâm quy thuận. Vua Lê Lợi “trao cho Xa Khả Sâm chức nội tư không đồng bình chương sự, tri Đà Giang trấn thượng bạn, ban cho túi Kim Ngư (túi có hình con cá bằng vàng), tước trụ quốc quan phục hầu; cho Xa Lộc làm Kim ngô vệ thượng tướng quân, tước đại trí tự, Xa Hát, Xa Bàn, Xa Điểm (các con của Xa Khả Sâm) đều chức Ngọc kiểm vệ đại tướng quân, tước minh tự, đều cho quốc tính (họ Lê)” – Theo Đại Việt sử ký toàn thư.
Vua cấm không được thông đồng bán mắm muối cho Cầm Lạn (lúc ấy vẫn đang cố thủ ở Châu Quỳ), phàm thấy người áo đỏ ở Mường Mộc chở mắm muối về thì không được ngăn cấm. Cầm Lạn xem tình thế ấy nguy mà theo hàng quân Lam Sơn.
Tư không Lê Khả Sâm (tên Xa Khả Sâm sau khi mang quốc tính) dâng 3 con voi, cùng vòng bạc, vàng và chiêng đồng; Lào cũng dâng sản vật địa phương.
4. VUA LÊ ĐÁNH DẸP ĐÈO CÁT HÃN.
Ở mạn Tây Bắc lúc ấy lại có Đèo Cát Hãn từ Mường Lay (vốn ngả về nhà Minh nhiều hơn) tiến đánh Mường Muổi. Chuyện là phụ đạo Mường Muổi là Mứn Hằm có cầu viện Đèo Cát Hãn khi quân Mường Thanh (lúc ấy thuộc Lào) tiến đánh. Giặc tan, Mứn Hằm trả lại đất Mường Chiên, Mường Chiến (vùng này vốn thuộc Mường Lay, chúa Pét Lạn đã trao cho chúa Ta Ngần từ trước đó), nhân cơ hội này đánh vào đất Chiềng Muôn của Mường Muổi – Theo Quam Tô Mương. Quân của nhà Lê lên đánh dẹp Đèo Cát Hãn, Cát Hãn lại cầu binh nhà Minh (thế nên đó cũng là một cớ mà nhà Minh sang xâm lược nước ta).
Tháng 11 (Â.L) năm 1427, Vua Lê Lợi sai chủ thư thị sử Trần Hổ, dưới sự giúp sức của Lê Khả Sâm, chiêu dụ Đèo Cát Hãn, Đèo Cát Hãn thuận và đem quân, voi về theo. Châu Ninh Viễn (Mường Lay) được đổi thành châu Phục Lễ.
Khi khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi bờ cõi, thì có nhiều tù trưởng lại nổi lên làm nghịch. Trong đó có, Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái ở Thái Nguyên, Đèo Cát Hãn ở Phục Lễ.
“Tháng 11 năm 1430, vua đi đánh nghịch tặc ở châu Thạch Lâm trấn Thái Nguyên là Bế Khắc Thiệu và Nông Đắc Thái. Bấy giờ, Khắc Thiệu và Đắc Thái tranh quyền nhau, cho nên vua thân chinh đi đánh.
……………
Nhâm tý, năm thứ 5 (1432) (Minh, Tuyên Đức thứ 7). Mùa xuân, tháng giêng, sai thần vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ. Đèo Mạnh Vượng là con tù trưởng Đèo Cát Hãn ra hàng, cho ở Đông Kinh, lập làm tư mã, rồi năm sau giết chết. Mùa đông, tháng 11 vua thân chinh đi đánh châu Phục Lễ (hay Mường Lễ)” – Đại Việt sử ký toàn thư.
Sau khi bình định xong, trên đường đại quân hồi kinh, Lê Lợi có làm hai bài thơ: một, cho khắc trên vách núi Pú Huổi Chỏ (bên tả ngạn sông Đà, thuộc Mường Lệ nay thuộc xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu); hai, cho khắc trên vách đá Hào Tráng (gần Chợ Bờ, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày nay) – Theo wikipedia.org.
Từ đó, Đại Việt được thống nhất, Mường Lễ (Lai Châu) và Ai Lao sáp nhập vào Đại Việt; Chiêm Thành cũng vượt biển đến cống.
Tham khảo:
1) Đại Việt sử ký toàn thư
2) Việt Nam sử lược
3) Quan Tô Mương (Biên niên sử Thái)
4) Bách khoa toàn thư mở (wikipedia.org)
One Reply to “CÁC THỦ LĨNH THÁI VÀ VUA LÊ LỢI TRONG VÀ SAU KHỞI NGHĨA LAM SƠN”