Các nội dung chính
- 1 1. Nguyên nhân của cuộc di cư
- 2 2. Lạng Chượng chuẩn bị lực lượng tiến quân
- 3 3. Đoàn quân dân Thái từ Mường Lò tiến về Mường Chiến (thuộc huyện Mường La ngày nay)
- 4 4. Đoàn quân Thái đụng độ quân Khơ-Mú ở sông Đà
- 5 5. Đoàn quân Thái tiến vào Mường La
- 6 6. Lạng Chương thu phục các thủ lĩnh người La Ha, Khơ Mú, Kháng, bình định các mường La, Mụak, Muổi
- 7 7. Đoàn di cư Thái tiến vào Mường Ék, Mường Quài, Mường Ảng
- 8 8. Đoàn di cư tiến vào Mường Thanh rộng lớn
- 9 Ghi Chú:
Tây Bắc Việt Nam được gọi là Xứ Thái vì ở đó người Thái cư trú rộng khắp. Các bản mường Thái liền một dải từ Mường Lò đến Mường Tấc, Mường La đến Mường Muổi rồi Mường Thanh. Người Thái sinh sống qua bao đời quanh bốn cánh đồng rộng lớn Thanh – Lò – Than – Tấc. Tuy nhiên để người Thái có được một vùng đất rộng lớn và yên bình qua hàng trăm hàng ngàn năm, thì cha ông người Thái đã phải đổ máu chinh phục, khai phá và bảo vệ mảnh đất ấy qua bao nhiêu thế hệ.
Cuộc di cư dưới sự lãnh đạo của Chúa Lạng Chương là tiền đề quan trọng nhất cho sự tồn tại của các bản mường Thái chúng ta.
1. Nguyên nhân của cuộc di cư
Đầu thế kỷ thứ XI : Sau khi Tạo-Lò qua đời, Lạng-Chượng nói chuyện với sáu anh trai, nhắc lời cha truyền lại, đất Mường-Lò đã chia hết cho sáu anh, đến khi em út trưởng thành thì không còn Mường nào chia phần cho đến cai quản được nữa.
Là người em trai thứ bẩy, út nên từ nhỏ Lạng-Chượng còn có tên Tạo Căm-Lả. Cậu Tạo học giỏi, tinh thông các sách sử, văn học, thạo mọi luật tục, biết tổ chức cai quản Bản Mường từ đời ông nội là TạoXuông truyền dạy các con cháu. Tạo thích đua đấu, ham học tập đường cung kiếm nên võ nghệ cao cường. Tạo khéo nom chọn mã và có tài luyện voi chiến, ngựa chiến dũng mãnh đến thuần thục.
Căm-Lả có tầm nhìn xa trông rộng, cậu thường nói :” Đất Bản Mường ta không phải chỉ bó hẹp trong pham vi đất sáu Mường từ Lò Luông,Lò-Cha, Lò-Gia, Mường Min-Lung, Mường Vơn-Veng và Mường Pục-Mường Meng. Nhìn xuống phía nam và sang phía đông, đấy là vùng đất của vua chúa người Kinh đang ở và vùng đất người Mường đã có chủ. Nhưng hướng Tây-Bắc còn rộng lớn, mênh mông”.Tạo muốn đi mở mang Bản Mường lên phía ấy.
Thấy em út có chí lớn , sáu người anh là Ta-Lảu, Lặp-Li, LòLi, Lạng-Ngạng, Lạng-Quang đứng đầu là anh cả Ta-Lúc đều hết lòng chăm lo sửa soạn cuộc di dân lớn tiến vào vùng Tây-Bắc của chú em út. Tạo Căm-Lả và các anh đều biết cuộc di dân lớn của em sẽ gặp khó khăn bởi vùng đất ấy tuy còn rộng nhưng nhiều nơi đã có chủ, ngoài người Thái ta ra còn có dân tộc khác nữa. Một số nơi đất người Xá ở đã có thủ lĩnh của họ. Khi Tạo đến lập Mường mới ắt sẽ có va chạm, thậm chí tranh giành với họ sẽ gặp gian nguy nên phải tổ chức chặt chẽ , sửa soạn chu đáo, phải có lực lượng dân binh mạnh đi tiên phong và bảo vệ dân.
Cả bẩy anh em đều nhất trí thành lập một Đoàn dân binh mạnh đặt dưới sự chỉ huy chung của Tạo Căm-Lả. Ý kiến đưa ra Hội-đồng bô lão và các chức sắc đều hưởng ứng.
2. Lạng Chượng chuẩn bị lực lượng tiến quân
Các Tạo thông báo, ra lệnh sức các trai tráng khắp sáu Mường thuộc Mường-Lò gồm có các Mường Lò-Luông, Lò Cha, Lò-Gia, MinLung, Vơn-Veng và Mường Pục-Meng, tất cả mọi người nam giới khỏe mạnh của các dòng họ từ 18 đến dưới 40 tuổi đều phải vào dân binh gọi là “ côn bản”.
Chọn con trai các chức sắc ngành hành chính từ Tạo Bản , quan Bản, con các ông trong Hội-đồng kỳ mục Mường (lụk ông Mương), con các ông trong Hội-đồng bô lão (lụk thảu ké hang Mương) và con các ông ngành thần quyền như con các “ông Mo”, “ông Chang”, “ông Ho-Hé “… làm chỉ huy.
Về vũ khí, chủ yếu tự trang bị cho mình, thanh niên nam giới Thái ai cũng có một thanh kiếm “đáp” thật tốt, tự làm lấy cung “công chang”, nỏ tên tẩm thuốc độc, đã có súng kíp nhưng hồi ấy còn chưa có nhiều. Tạo Căm-Lả tổ chức lập các lò rèn đánh “cháo” dáo một xiên, “lảng” dáo hai, ba xiên, “pen” rìu lưỡi chọc, cắt, chém đều được và chế thêm súng kíp.
Dân binh biên chế theo cụm Bản, cụm Mường thành nhiều đội luyện tập cách đánh xa và đánh gần. Đánh xa thì dùng các Đội súng kíp, cung nỏ bắn vào kẻ địch. Dùng tên tẩm độc bắn vào người, dùng tên tẩm dàu mỡ đốt bắn lửa vào cháy nhà gianh doanh trại của kẻ thù. Khi đánh gần sát nhau thường tướng chọi tướng , quân chọi quân. Tướng dùng voi, ngựa chiến quần nhau với tướng giặc. Tướng ngồi trên lưng voi hoặc ngựa chiến bắn nhau, khi giáp sát nhau thì đấu bằng vũ khí đâm có cán dài như “cháo” dáo một xiên, “lảng” dáo 2-3 xiên hay “pen” rìu lưỡi sắc chặt, chém cắt cổ, giáp nhau nữa thì đấu kiếm.
Trang phục của dân binh cũng tự túc, mặc áo cánh quần dài bằng vải Thái nhuộm đen chàm, chân ống quần thắt dây buộc lại cho gọn, đi giầy vải (hài phải) tự túc hoặc đi chân đất, đầu đội mũ đỏ nhọn chóp tròn. Chỉ huy thì có ba tua vải vàng đàng sau gáy, Đội trưởng cụm Bản tua ngắn chừng 10 phân, Đội trưởng cụm Mường tua vàng dài chừng 15 phân, Đoàn trưởng tua vàng dài chừng 30 phân. Các chỉ huy phó thì đội mũ đỏ có tua bằng vải trắng phía sau gáy.
Biên chế theo ba cấp , Bản và cụm Bản ( có thể liên kết vài Bản với nhau), cấp trên Bản là “lộng” và cụm lộng (các lộng sáp nhập với nhau thành cụm lộng để thêm đông lực lượng khi đánh lớn. Cao nhất là Binh-đoàn cấp Mường do Lạng-Chượng chỉ huy chung. Từ khi đứng ra chỉ huy quân thì gọi theo tên lớn, không gọi Tạo Căm-Lả như khi còn nhỏ tuổi nữa.
Bộ chỉ huy của Lạng-Chượng có bô lão làm cố vấn các ngành,Hội đồng kỳ mục có bốn “ ông Xổng” , một Thừa phái và có “Ông Mo,Ông-Chang” giúp việc.

Đoàn dân di cư tình nguyện đi theo thủ lĩnh “Tạo”, tổ chức đi theo từng hộ gia đình và theo từng dòng họ, người từng Bản có thể xáo trộn, đi lập Bản Mường mới không nhất thiết phải theo Bản Mường cũ. Trước khi lên đường các chủ hộ đều được phổ biến thấm nhuần luật tục lập Bản Mường mới của Tạo-Lò quy định họ Lường làm “Mo”, họ Lò làm “Tạo”. Mo và Tạo hai ngành chức năng khác nhau. Mo được Tạo kính nể nhưng Tạo lại là cấp trên ngành hành chính của các Ông-Mo. Tổ chức cơ bản từ hộ gia đình, mỗi gia đình có thể đông người bao nhiêu nhân khẩu tùy ý , khi đi lập Bản Mường mới cần phát triển nên cứ một đôi vợ chồng sinh một con nữa tách ra ở riêng thành một hộ gia đình mới. Khi di cư, tìm được từng vùng đất rừng thung lũng khai hoang có đồng ruộng cầy cấy thì lập thành từng Bản. Mỗi nơi có từ ba hộ gia đình trở lên được tổ chức thành một Bản, cho đặt tên Bản , chọn cử có một “Quan Bản” đứng đầu và một “Chá Bản” giúp việc. Bản nào người đứng đầu là nòi thuộc dòng họ tầng lớp trên được gọi “Tạo Bản”cũng có một “Chá Bản” giúp việc. Nơi nào có từ ba Bản trở lên được đặt thành một “ Xổng”. Chọn người nào làm “Quan Bản “ hay “Tạo Bản” phải trình lên “Ông Xổng” công nhận. Khi lập thành “Xổng”chọn ai làm “Ông Xổng” phải trình lên được “Phìa Mường” công nhận. Khi có tử ba, bốn “Xổng” trở lên được thành lập một Mường. Mường cấp dưới cơ sở là “Mường lộng” hay Mường lỵ gọi là “Mường cuông Mường” đều phải do cấp “Chảu Mường” đặt tên Mường và bổ nhiệm chức sắc đứng đầu là “Tạo-Mường” hay “ Phìa Mường lộng”, Phìa Mường lỵ “Phia Mương cuông mương”. Khi có từ ba Mường lộng , bốn “xổng” và một Mường lỵ thì được lập một Mường có “Chảu Mương” , xưa gọi là “Phìa” sau này gọi “Án nha Mương” do con nhà nòi Tạo được bổ nhiệm. Cấp “Chảu- Mương”, “Phìa” hay “Án nha Mương” có cơ quan hành chính giúp việc, trong đó có 1 Thừa phái, có “Quan sự[1] Quan Phòng[2]Ông Pách[3]Quan Chiềng[4]…Phòng tín ngưỡng “Hỏong tư xên” có “ Ông Mo[5], Ông Chang1, Ông Ho-hé2, Nàng Một3, Nàng Téng4…”,Hội đồng Kỳ mục “Pưng ông Xổng” và Hội-đồng bô lão “Thảu ké hang Mương” .
Những Mường lớn còn đặt chức “lam” là sứ giả có quan hệ giao dịch , thông báo công việc và thu thuế đóng góp tại các Mường dưới quyền cai quản. Khi lập thành một vùng rộng lớn, không kể có đến bao nhiêu
Mường có ” Chảu-Mường , Phìa-Luông “ hay “ Án nha Mương” mỗi Mường đều độc lập cai quản lấy Mường của mình. Các Chảu-Mường Thái họp lại tôn lấy một “Mường Luông” làm Mường trung tâm, xoay quanh trục đồng tâm . Tổ chức này về sau thành hiện thực đã có 16 châu Thái (Xíp hôốc chau Tay) và khi giảm mất đi 6 châu thì còn lại khu Thập- châu (Xíp chau Tay), có lúc do Mường-Muổi làm Mường trung tâm (Mường luông), ở thời Cầm Bun-Phanh thì do Mường Chiềng-An làm trung tâm, ông Phìa đứng đầu châu trung tâm ấy gọi lai “Phìa luông” đại Phìa.
Đoàn dân di cư lên đường có một Đội dân binh đi trước dẫn đường và bảo vệ, tiếp sau đến đoàn dân đi theo từng tốp hộ gia đình, từng dòng họ, theo Bản Mường cũ của mình gộp lại thành đoàn lớn. Nhà nào cũng đem theo gồng gánh . Quần váy áo, vải vóc, tiền bạc, đồ trang sức, đồ dùng quý của từng người trong từng hộ gia đình được đựng xếp vào trong những chiếc “ Ca bem” đan bằng nan mây vót nhẵn, đan hoa văn hình cái rương có bốn góc vuông dựng đứng, bên trên có nắp đậy, có chỗ xâu móc khóa, có quai để đeo, mang xách hay xâu vào đòn gánh. Mỗi người có thể gánh hai chiếc “Ca-bem”, nếu người gánh khỏe có thể xếp thêm chăn đệm buộc vắt lên trên nặng vừa sức mình gánh. Thóc giống, thóc ăn và gạo đem ăn đường được đựng vào bao tải, nam nữ đều gánh được. Thóc gạo, chăn màn, nồi ninh xôi, xanh chảo, nồi chậu, bát đũa thìa đĩa dễ vỡ phải lót xếp vào “Ca bung” gánh hoặc thồ trên lưng ngựa. “Cabung” đan bằng nan tre mau, ken mây, có hai quai để mang xách hoặc xâu vào đòn gánh , nom tựa chiếc bồ nhỏ hở miệng, người Thái thường dùng để đong thóc nên hay đan hai cỡ, “Ca-bung” to đủ mỗi gánh 5 yến ta thóc, “Ca-bung” nhỏ đủ mỗi gánh 3 yến ta thóc nên thường có tên gọi Bung 5 hoặc Bung 3.
Hộ nào đi đều phải mang theo diêm lửa, muối ăn, thức ăn khô như thịt cá sấy khô dành ăn được trong nhiều ngày đi đường, bao dao đeo ngang lưng, nam giới mang theo lưỡi cầy đúc bằng gang, rìu đẵn cây, mai xẻng, nữ mang thêm thuổng đào đất phòng còn đào kiếm thức ăn như đào củ mài, đào củ măng, đào bắt con dúi… Gia súc giắt đi theo, phải có con trâu làm đầu cơ nghệp, bò, lợn, dê, chó, gà, vịt, chim câu, chó mèo…vật nuôi làm giống.
Người Thái sinh sống bằng nghề trồng lúa nước là chính để có thóc gạo ăn , chăn nuôi gia súc và họ có nghề phụ làm nương, làm vườn nên khi di cư họ còn mang theo hạt ngô giống, hạt bầu bí, các giống khoai, cây củ, hạt rau các loại, hạt một số quả cây, hạt bông, cây hạt nhuộm vải, trứng tơ tằm… để tự túc đồ mặc, đồ nằm đắp, đồ nghề dệt thêu thùa.
Ghi chú:
Ghi chú giữa bài
Ông Chang: Chức thầy tính lịch Thái, nông lịch, dự báo thời vụ giúp Phìa chỉ đạo cầy cấy từng vụ lúa trong năm và cùng Ông Mo lo việc cúng tế thần Mường.
Ông Ho-Hé: Chăm lo mọi việc vật chất phục vụ cúng tế, thu rượu thịt, gạo đủ sử dụng cho các cuộc cúng tế.
Nàng Một: Bà nàng thầy cúng nữ chuyên cúng cầu các nữ thần.
Nàng Téng: Nàng bà trông nom xắp xếp đồ tế lễ cho đúng theo thủ tục.
3. Đoàn quân dân Thái từ Mường Lò tiến về Mường Chiến (thuộc huyện Mường La ngày nay)
Sau khi đã sửa soạn đầy đủ , Lạng-Chượng ấn định ngày tổ chức lên đường. Đoàn dân di cư từ sáng sớm tập trung tại Mường Lò- Luông đầy đủ, cả sáu người anh đều ra tiễn chân chú em út, bà con họ hàng của những người đi di cư cũng đến tiễn rất đông. Sau hồi trống lệnh xuất quân, Đoàn người di cư tấp nập lên đường. Từ Mường Lò-Luông đi bộ qua hết tràn đồng ruộng leo lên đoạn đèo ngắn rừng rậm giữa sáng ngày bỗng đoàn tiên binh gặp một con hoẵng lông vàng như lông bò chạy ngang qua đường trước mặt rồi lẩn biến vào rừng sâu. Đoàn người vẫn tiếp tục đi , một đoạn nữa bỗng lại gặp một con chim cuốc vụt chạy qua trước mặt. Đội tiên binh báo tin tới thủ lĩnh Lạng-Chượng nói:”Ngày đầu chúng ta xuát quân gặp hoẵng và cuốc cản đường là điềm chẳng lành!Tại sao vậy? “. Ông bảo “ông Mo” bói xem quẻ, “ông Mo” thưa rằng:” Chúng ta tiến thoái đều lưỡng nan” lui về sẽ không hay , đi tiếp sẽ gặp điều chẳng lành! “ông Mo “ cầu xin quẻ tiếp xem sao? Được tổ tiên phán: Tại ông tiến quân không làm lễ cúng “xên cha “.
Đoàn dân di cư đi lên đến Mương-Min (Gia Hội) có đông nhà trú, Lạng-Chượng cho dừng chân nghỉ lại.Ông bảo các chức sắc Phòng tế lễ mổ đôi trâu , một con đen, một con trắng nấu cỗ, dựng giàn thờ giữa trời, làm lễ cúng “Xên pang cha đáp”, Ông đứng làm chủ lễ, ông Mo tiến hành thủ tục cúng cầu hồn tử sĩ, xin đến vong linh hai ông nội là TạoXuông và Tạo-Ngân phù hộ cho cuộc di dân đi mở mang các Bản Mường mới được thành công. Lạng-Chượng đứng lạy được hồn hai ông nội, tổ tiên chứng giám ban cho mọi sự tốt lành.
Chọn ngày giờ lành, Lạng-Chượng lại tiếp tục đưa đoàn dân di cư lên đường. Đoàn dân có dân binh đi tiên phong và hậu vệ, dẫn nhau cùng cất bước lên qua Mường-Lung (Tú-Lệ), vòng vèo leo lên dãy núi cao mang tên đèo chọc trời Khau-Phạ âm u. Khi đến đỉnh núi, LạngChượng leo lên mỏm đá cao nhất nom xuống , nhìn xa xa thấy có một số Bản Mường đông đúc, đồng ruộng xanh tươi khá rộng, đẹp mắt, ông cho dẫn đoàn người hướng đi đến vùng ấy. Đoàn dân đi vòng vèo theo ven sườn núi, xuống qua đèo Xam-Xíp đi tới đất Mường nơi đấy.Mường này dân Thái dòng Trắng đến ở khai phá rừng thung lũng thành nhiều tràn ruộng đồng, trồng lùa lên tốt, thường được mùa nên dân có đời sống sung túc, chăn nuôi nhiều đại gia súc, trâu bò ngựa, dưới sân sàn nhà các hộ gia đình, lợn chó từng đàn tung tăng chạy, gà vịt cũng có nhiều đàn. Dân ở nơi đây nam nữ, già trẻ đều mặc lành lặn, thanh thiếu niên diện đẹp, nhẫn bạc trang sức đeo ngón, vòng đeo cổ tay lóng lánh. Hộ gia đình nào cũng dựng nhà sàn gỗ năm gian rộng rãi, cột to vững chắc , lợp gianh. Nơi đây người ta lập thành một Mường-lộng tên gọi Mường-Chiến, có một ông Tạo đứng đầu cai quản tất cả các Bản trong toàn vùng gọi là Tạo-Chiến.
Dân nơi đấy mến khách, khi thấy đoàn dân di cư của Lạng-Chượng tới nơi , Tạo-Chiến và quan các Bản ra đón tiếp niềm nở. Đoàn dân di cư được bố trí phân chia đến nghỉ tạm trú chân tại các nhà dân ở nhiều Bản. Gia đình nào cũng nấu cơm rượu mời khách tiếp đãi chu đáo, không để khách phải tự túc nấu ăn. Đoàn dân di cư của Lạng-Chượng dừng chân nghỉ lại tại Mường-Chiến khá lâu ngày. Riêng thủ lĩnh được Tạo-Chiến đưa về nhà mình đón tiếp chu đáo, thịnh tình và mở tiệc chiêu đãi khao các chức sắc. Lạng-Chượng nói với Tạo-Chiến về ý định của Đoàn di cư sẽ đi mở mang các Bản, Mường mới trên vùng đất miền Tây-Bắc rộng lớn. Tạo-Chiến ngỏ ý sẽ cấp cho một số vùng đất có thể khai hoang mở mang thêm được vài Bản mới ở đây nữa nhưng Lạng-Chượng thấy vùng này đất đai không lấy gì làm rộng lắm nên tỏ lời cảm ơn, không để hộ dân di cư nào ở lại. Tạo-Chiến mến mộ chàng thanh niên tài ba, chí lớn này nên đã gả con gái nàng cho Lạng-Chượng làm vợ. Lễ cưới được tổ chức linh đình, mọi phí tổn Tạo-Chiến đều chu cấp, không lấy của cải, thịt trâu bò, lợn gà, gạo rượu gì , ông bảo Lạng-Chượng dành để đi đường, việc di cư còn cần đến nhiều công sức và tiền của. Đám cưới Tạo lấy Nàng tổ chức nghi lễ đầy đủ theo luật tục, ăn uống, múa xòe, chiêng trống, ca hát suốt ba ngày đêm. Chỉ bớt đi một tục đưa Nàng về thăm nhà chồng được miễn bởi Lạng-Chượng còn đang trên đường dẫn dân đi di cư. LạngChượng cưới vợ xong công bố từ nay xin nhận Mường-Chiến là vùng đất Bản bác, Mường ngoại. Ông quỳ xuống cúi đầu lạy tạ ơn bố mẹ vợ xong, chon ngày giờ lành lại dẫn đoàn dân di cư tiếp tục lên đường. Tạo-Chiến cấp cho vợ chồng Lang-Chượng ít tiền bạc và gạo , thức ăn khô đem đi đướng đủ dùng trong nhiều ngày. Mọi người dân di cư nghỉ tại nhà nào , các chủ hộ gia đình ấy đều thổi xôi, làm thịt gà hoặc trứng luộc,“chéo”1 muối gia vị chấm, gói thức ăn đưa tiễn từng hộ di cư tiếp tục lên đường. Dân Mường-Chiến ra tiễn chân đoàn di cư của Lạng-Chượng, vẫy chào nhau chật cả đường, cho đến khi đoàn người đi khuất , ai mới lại trở về nhà người ấy.
Đoàn dân di cư của Lạng-Chượng rời khỏi Mường-Chiến tiếp tục lên đường, hân hoan vui mừng, bằng lòng khi được dân cùng dân tộc mà họ lại là dòng Thái Trắng tiếp đón, giúp đỡ người dòng Thái Đen thật nhiệt tình, chân thật. Bản thân Lạng-Chượng và đoàn di cư đều mừng thấy thủ lĩnh của mình đã có Nàng bà mới. Họ khen bà xinh đẹp lại khéo ăn ở, đối xử tốt với mọi người dân di cư, bất kể từ già đến trẻ, từ nam đến nữ ai cũng đều mến mộ bà Nàng.
4. Đoàn quân Thái đụng độ quân Khơ-Mú ở sông Đà
Đoàn người kéo nhau đi trên đường xa, băng qua nhiều đoạn rừng liên tiếp, leo qua nhiều dốc núi đi tới một vùng đất có người ở, tên gọi Bản-To gần bên tả ngạn sông Đà.
Vùng hai bên bờ tả hữu ngạn sông Đà có các Bản người XáCảu[6] (11) đang ở khá đông đúc. Họ sống trên lưng các triền núi trùng trùng điệp điệp từ dưới Mường-Chiên[7] xuống đến Tạ-Bú[8], họ bạt đất núi cho phẳng làm nền, dựng nhà sàn ở từng nếp thường nhỏ hẹp hơn nhà Bản người Thái. Họ sống chủ yếu bằng nghề phát nương rẫy trồng lúa ngô, hoa màu và đánh bắt cá trên các vùng sông suối ven sông Đà. Toàn vùng người Xá ven sông Đà nơi đây sống dưới sự cai quản của một thủ lĩnh tên gọi Khun-Quảng. Họ có đông quân lính đóng đồn trên lưng triền núi, canh gác giữ các Bản, đất rừng và khúc sông vùng dân họ ở. Họ có đủ vũ khí thô sơ thời ấy, quân họ thạo đánh nhau nơi rừng núi và sông nước. Họ có ngựa và có cả voi chiến.
Đoàn dân di cư của Lạng-Chượng vừa được dân Thái Trắng ở Mường-Chiến tiếp đón trọng thị nên đang vui vẻ lên đường tiếp, chủ quan không cho dân binh đi trinh sát dò xét trước xem tình hình có thuận lợi hay không và liệu có gặp chinh biến gì mà có cách ứng phó kịp thời.
Quân Khun-Quảng canh gác trên núi cao , nhìn thấy Đoàn dân di cư của Lạng-Chượng kéo nhau tới vùng đất kiểm soát của họ, có dân binh dẫn đường và hộ tống, liền đem quân đi chặn đường đánh.
4.1 Quân Thái thua trận ở Sông Đà
Đoàn dân di cư khi vừa qua vùng đất Bản-To tiến ra bờ sông Đà gặp con suối lớn, đang tiến hành bắc “cuộm” cầu treo vượt qua suối, sửa soạn đẵn gỗ lớn khoét làm thuyền độc mộc và đóng nhiều bè chắc chắn để cả đoàn người vượt sông sang bên hữu ngạn sông Đà, bất ngờ bị quân người Xá tiến đánh. Quân Khun-Quảng bắn nỏ, cung tên tẩm độc diệt một số dân binh rồi xông vào chém giết, quân của Lạng-Chượng chống đỡ yếu ớt , trở tay không kịp nên bị thua to. Người chết la liệt, máu chảy lênh láng khắp chiến trường. Theo sách “Quam-Tô-Mương” kể chuyện Bản Mường viết thì nói: dân binh của Lạng-Chượng bị tử trận đến 800 dũng sĩ (tai pét họi cốn han) và võ tướng chỉ huy tên là Căm-Tang cũng bị tử trận nơi bờ quãng vũng nước sâu sông Đà thường gọi VăngĐoi, Văng-Quai.
Quân người Xá của Khun-Quảng chỉ đánh giết quân của Lạng-
Chượng, không đánh giết dân nên đoàn dân di cư vẫn được an toàn. Lạng-Chượng bị thất bại nặng, quân tan tác rút lui, khiêng xác nhau đi chôn cất, ông ta khóc làm tang ma cúng qua quýt cho tử sĩ xong , kéo nhau lên trú quân ở một Bản người Thái tên gọi Ít-Oong củng cố lai lực lượng, dân di cư thấy sợ nhưng vẫn tin tưởng tuân theo chỉ dẫn của thủ lĩnh.
Thủ lĩnh người Xá là Khun-Quảng thấy Lạng-Chượng bị thua đau, gần như đã bị tiêu diệt, còn lại ít tàn quân không đáng đếm xỉa đến nữa đã nói: “Lạng-Chượng biết sợ ta, hoảng hồn đến phải khóc” nên không đuổi đánh nữa, kể cả đường bộ lẫn đường thủy, tha cho họ lui mà đi sống ở nơi khác.
4.2 Lạng Chượng cầu viện binh từ Mường Lò, đáng bại Khun Quảng vượt sông Đà
Lạng-Chượng không chịu thua, bèn cấp tốc một mặt cử KhunDuông phi ngựa đi đường bộ suốt ngày đêm trở về Mường-Lò và mặt khác cử Khun-Dáng cấp tốc xuôi thuyền theo sông Đà đến Vạn-Yên thì tạt lên về Mường-Lò báo tin gấp về việc Lạng-Chượng bị quân người XáCảu của Khun-Quảng đánh thiệt hại lớn. Nay quyết trả thù và kế hoạch dẫn dân di cư tiến lên xây dựng Bản Mường khắp vùng Tây-Bắc vẫn vững tâm không hề thay đổi. Xin anh cả và năm anh cấp tốc gửi giúp em có viện binh mạnh . Ta-Lúc kêu gọi cả sáu anh em góp sức tổ chức tập trung quân đem đầy đủ vũ khí trang bị, lập tức tiến đến cứu viện. Một đoàn binh cường theo Khun-Duông hành quân đường bộ lên và một đoàn dũng binh được trang bị mạnh tiến ngược theo dọc tả ngạn bờ sông Đà do Khun-Dáng dẫn đường hành quân cấp tốc tới Ít-Oong.
Nhận được hai Đoàn quân hùng mạnh của các anh gửi tiếp viện, Lạng-Chượng chọn ngày giờ lành, đội mũ tướng, đeo gươm chỉ huy xuất quân đi đánh trả thù , tiêu diệt quân người Xá-Cảu của Khun-Quảng. Do bị lực lượng lớn tiến đánh, quân Khun-Quảng chống lại không nổi, bị tiêu diệt, tướng cầm đầu bị giết chết. Tàn quân chạy bạt vía, về dẫn gia đình bỏ Bản quê chạy, người trở lên vùng núi đầu nguồn, người xuôi theo dọc sông Đà trở xuống sống trên các sườn núi vùng đất Mộc-Châu. Sau khi đánh thắng quân người Xá-Cảu và giết chết thủ lĩnh Khun-Quảng của họ, hai Đoàn quân được Ta-Lúc và các anh gửi tiếp viện không trở về Mường-Lò nữa. Lạng-Chượng tổ chức khao quân mừng chiến thắng tại Ít-Oong xong họ nhập vào Đoàn đại quân của LạngChượng tiếp tục hành quân tiến lên phía Tây-Bắc tìm vùng đất mới khác, mở rộng Bản Mường người Thái.
Khu đất từ Bản Ít-Oong ra Tạ-Bú bờ sông Đà, đất thung lũng bằng hẹp, đã có cư dân cũ ở đấy, Lạng-Chượng không để bộ phận nào trong số dân di cư của mình ở, tất cả đều lại tiếp tục lên đường.
5. Đoàn quân Thái tiến vào Mường La
Đoàn dân di cư leo băng qua rừng núi hiểm trở, lội qua suối, vượt qua sông Đà sang phía hữu ngạn. Lên bờ, men theo con suối NặmBú gồ ghề nhiều chỗ có đá nhọn, sắc dễ cứa đứt chân, họ liền theo suối đi ngược lên. Đi mãi đến một chặng núi cao gọi tên Khau-Pha, dãy núi chỉ có một kẽ cho người leo qua được gọi là Kéo-Teo. Vượt qua kẽ đèo rồi xuống dốc ngoằn ngoèo, đoàn người đi xuống đến một vùng có đất thung lũng, xung quanh toàn những quản núi đá cao cây cổ thụ um tùm , xanh rì. Gần đấy có một con suối từ miền trên chảy xuôi đến đây suối chảy chui xuống hang đá, chỗ này có tên gọi Nặm khảu hú. Vùng này xem ra có thể phá rừng, khai hoang lập một Mường mới được vì tiện có thung lũng lại sẵn bên suối dễ dẫn nước vào đồng ruộng nhưng thủ lĩnh vẫn chưa quyết định gì. Đoàn người tiếp tục đi đến một nơi thấy có con suối nước trong vắt, cá bơi từng đàn nom rõ biết loại cá gì, dưới lòng suối có cát vàng lẫn đá cuội, đưa tay xuống khoắng thấy nước lạnh hơn nước sông suối khác. Lần lên đến ngọn nguồn hóa ra con suối từ trong một hang đá to chảy ra, bên ngoài cửa hang có nhiều trùm cỏ tóc tiên xanh tươi mơn mởn và có rừng cây hoa trứng gà tỏa mùi thơm ngát, nước trong hang đá sâu ngập con sào, cảnh rất đẹp, hang đó gọi là Thẳm Tát- Toong. Con suối có tên Nặm-Bó-Cá, chảy ra nhập vào suối Nặm-La. Hai bên bờ suối Bó-Cá có vùng rừng hoang thung lũng bằng, từ đó có thể mở rộng thành một khu đồng ruộng khá rộng ăn liền ra ôm lấy vùng suối Nặm-La cho đến tận sát chân núi đá. Lạng-Chượng nom phong thủy thấy vùng này đẹp , núi cao bao bọc, nhiều suối nước chảy, thuận tiện cho việc lập Bản Mường, mở mang phát triển kinh tế trồng lúa nước của người Thái. Lạng-Chượng lần vết từ chỗ cửa suối Bó-Cá ngược theo dòng suối Nặm-La đi lên phía trên , thấy có một hẻm hẹp nhưng qua đó đi lên phía trên nữa tìm ra một khoảng rừng thung lũng lớn có thể khai phá thành một khu đồng ruộng rộng bát ngát, sau này khi bắt đầu mở mang ông đặt tên là “Phôổng tôông Chiêng-Căm” Khu cánh đồng Chiềng-Cầm.
Ông quyết định cho xây dựng vùng đất này thành một Mường, có nhiều Bản, đủ bốn ông “Xổông” Kỳ mục và có Phìa Mường lỵ đặt tên Mường Chiềng-An. Thế nhưng có điều chưa thuận do vùng này đang có người Xá ở, họ xưng làm chủ đất Mường của họ.
Lạng-Chượng nghĩ lại, rút ra từ bài học xương máu đau đớn bị Khun-Quảng đánh bại, ông nói:” Ta đi tìm kiếm vùng đất mở mang Bản Mường nếu không giết kẻ cầm đầu chống đối tại địa phương, ta sẽ không thể được yên ổn mà lập Bản, xây dựng Mường của mình”.
6. Lạng Chương thu phục các thủ lĩnh người La Ha, Khơ Mú, Kháng, bình định các mường La, Mụak, Muổi
Lạng-Chượng quyết tâm ra sức xây dựng Mường Chiềng-An nhưng tại đó đang có người Xá do hai anh em Quảng-Têm và Quảng-Mi làm thủ lĩnh, có khá đông quân , đầy đủ vũ khí , đang đóng đồn lớn tại hủm Bôm-Tạu. Ông bàn với các dũng sĩ của mình , cần phải đánh tan đồn này của người Xá ta mới có thể an lòng xây dựng Bản Mường của ta được yên ổn. Lần này ông thận trọng, cử dũng sĩ đi trinh sát, bí mật xem xét doanh trại, lực lượng và địa hình quanh khu đồn của đối phương để có kế hoạch đánh chắc thắng. Bôm-Tạu là một vùng hủm bãi bằng không rộng lắm nhưng hiểm trở, có các dãy núi cao bao bọc, có đặt một trạm tiền tiêu trên ngọn núi Đá Đen quan sát rõ khắp các vùng xung quanh. Khi phát hiện có đối phương nào đến, họ có thể dựa vào núi mà phục kích đánh ngăn kẻ thù từ bên ngoài, không cho tiến vào chiếm đồn của họ được. Từ Bôm-Tạu tiện nhiều đường tiến thoái. Phía Bắc có đường lên Mường-Muổi (Thuận-Châu ngày nay), phía Nam xuống vùng suối NặmLa có khu cánh đồng Chiềng-Cầm, có đèo cao Pom Đán-Đăm. Phía Đông có đường nhỏ qua các kẽ núi đi Bản-Tam thông xuống Phiêng-Ngùa, Bản-Cá ra vùng sông Đà. Phía Tây và Tây-Bắc có đường đi MườngChanh , đi Muổi-Nọi ra vùng sông Mã rộng lớn. Địa thế vùng Bôm-Tạu rất có lợi cho người chiếm đóng.
6.1 Trận đồn Bôm Tạu
Sau khi cho quân bí mật đi dò xét kỹ lưỡng , Lạng-Chượng hạ quyết tâm đánh tiêu diệt đồn Bôm-Tạu. Ông tổ chức lực lượng thành hai lớp quân tiến đánh:
Lớp tiên phong dùng một lực lượng nhỏ đánh vào bằng cách bắn súng kíp, cung tên nỏ tẩm độc, tên quấn bông tẩm dàu đốt lửa bắn vào nhà lợp gianh của Quảng-Têm, Quảng-Mi xong hô quân xung phong vào chém giết. Đánh nhau kéo dài suốt một ngày, một đêm không thể chiếm nổi đồn. Nhiều đợt xung phong đều bị đánh bật ra. Lạng-Chượng đành phải cho quân rút lui, nghỉ lại sức vài ngày, sửa soạn đánh tiếp đợt sau.
Đợt sau, Lạng-Chượng dùng kế hỏa công, cho quân đi tìm kiếm mua được một đàn dê chọn toàn con to khỏe. Trước tiên cho quân bắn phá đồn xong, dòng đàn dê đã được tẩm dàu chẩu, mỡ lợn phết vào mình đốt cháy, giắt đuổi đánh chúng xông vào nhà đồn trại quân Xá. Nhà gianh, trời hanh khô, lửa bốc cháy ngùn ngụt khắp nơi, lan nhanh từ nhà nọ sang nhà kia, quân của Lạng-Chượng xung phong vào đánh chém giết chết hai tướng người Xá cả Quảng-Têm và Quảng-Mi. Còn sót lại tàn quân chạy tan tác. Về sau số dân người Xá những gia đình tàn binh này có người chạy đi xa, có người lẩn ở lại địa phương rồi tự khai trở thành Thái hóa mang họ tên người Thái.
6.2 Thu phục Khun Ăm Păm, tổ chức xây dựng Mường La thành Mường kiểu mẫu
Sau khi Lạng-Chượng đánh tan đồn Xá Bôm-Tạu rồi nhưng vẫn còn một cánh quân người Xá do Khun Ăm-Păm chỉ huy đang hoạt động chiếm giữ vùng đất Chiềng-An nên chưa thể yên. Lạng-Chượng lại đưa một cánh quân đi đánh, Ăm-Păm không dám chống lại, chạy trốn thoát thân, tàn quân của họ đem gia đình chạy trốn tan tác đi các ngả tìm nơi sinh sống trên các vùng lưng sườn núi. Từ đó đất Chiềng-An được yên ổn, người Thái xây dựng Bản Mường.
Địa thế khu thung lũng bằng Chiềng-An có nhiều dãy núi cao bao quanh, kẽ núi phía đông-bắc có đường đi ra sông Đà, phía bắc có kẽ núi thông lên đất Mường-Muổi, phía tây-nam có thung lũng hẹp thông lên cánh đồng lớn Chiềng-Cầm. Phía đông có một dãy núi đá cao, trên mỏm núi tiện đặt tiền tiêu quan sát. Thung lũng chỉ có thể khai phá mở được đồng ruộng đến sát chân núi đá này. Lạng-Chượng cho dựng nhà ở tại khu đất giáp núi đá cao bên bờ suối Nặm-La, khi có đồng ruộng xong lập Bản dân đặt tên Bản-Hài, lấy Bản đấy dựng nhà thờ làm nơi cúng tế tổ tiên của Mường Chiềng-An. Khu đồng ruộng và Bản Mường nơi đây ông giao cho Khun-Dáng làm Tạo ở lại chăm lo xây dựng , mở rộng Bản Mường Chiềng-An (sau là huyện Mường-La cũ, ngày nay địa danh thu hẹp chỉ còn lại là Phường Chiềng-An thuộc thành phố tỉnh Sơn-La). Sau khi dẹp yên loạn lạc, lập được Mường Chiềng-An, đưa Khun-Dáng lên làm Tạo, ông ta tổ chức bộ máy cai trị cấp Mường, có hệ thống tín ngưỡng đủ “Mo, Chang”, có cơ quan hành chính giúp việc, đủ bốn “Ông Xổng” trong Hội đồng kỳ mục gồm “Ông Pằn” Kỳ mục thứ nhất, “Ông Poọng” Kỳ mục thứ hai, “ÔngHo-Luông” Kỳ mục thứ ba và “Ông Lam-Ho”, Kỳ mục thứ tư. Có “Phìa Mường cuông mương” gọi là Phìa Mường lỵ, có “Thảu ké hang Mương” Hội đồng bô lão cùng các viên chức nha lỵ đủ bước đầu dựng một Mường. Khi phát triển mở rộng Mường và thành lập các cấp xuống đến cơ sở các Bản do Khun-Dáng tự lo liệu.
6.3 Chinh phục và xây dựng Mường Chiềng Dong (Mường Mụa – Mai Sơn)
Sau khi tổ chức bộ máy cai quản một Mường kiểu mẫu xong , chọn ngày tháng lành, làm lễ xuất quân, Lạng-Chượng lại tiếp tục dẫn đoàn di cư đi mở mang thêm đất Mường mới khác. Lần này , LạngChượng phân chia lực lượng làm hai cánh quân, cánh thứ yếu tiến theo đường tây-nam hướng sang phía tây đi mở mang lập Mường Chiềng Dong. Nơi đây, một vùng thung lũng không rộng lắm, xung quanh có các dãy núi đá cao bao bọc, kẽ núi mở đường từ Chiềng-An đi xuống và một kẽ thông sang phía tây, có đường đi sang nước Lào. Người Xá cư trú tại đây không đông, khi thấy đoàn quân dân di cư của Lạng-Chượng tới đông, họ sợ nên tự bỏ nhà rủ nhau đi lên lưng chừng núi ở lập Bản mới, nhường lại khu đất bằng cho người Thái khai hoang mở ruộng đồng, hai bên không sẩy ra tranh chấp lẫn nhau. Đoàn dân Thái lập một Mường , đặt tên Mường Chiềng-Dong (sau này là huyện Mai-Sơn thuộc tỉnh SơnLa). Theo kiểu mẫu của Mường Chiềng-An đoàn dân di cư trụ lại một phần xây dựng mường mới, phần lực lượng còn lại tiếp tục tiến sang phía tây đến bờ sông Mã giáp đất nước Lào họ xây dựng một số “Mường Lộng” nhỏ đặt tên Mường Sốp-Cộp, Mường-Và phân chia ranh giới giữa ta với nước Lào, vùng đất này đặt dưới quyền cai quản của Mường Chiềng-Dong. Tiếp đó đoàn quân dân di cư quay lên lập Mường-Lầm rồi đi gặp cánh quân chủ yếu.
6.4 Bày mưu đánh bại Khun Ăm-poi, chiếm đất Mường Muổi
Vừa lúc Lạng-Chượng mới tiến lên giáp vùng đất Mường-Muổi gặp trở ngại, nguy hiểm. Tại đây đã có tên Mường, một vùng đất có uy thế lớn của chúa đất người Xá. Cánh đồng và đất rừng thung lũng bằng nơi đây không rộng lắm , có nhiều dãy núi đá cao bao bọc, nhiều con suối, có mỏ nước ngầm, tiện dẫn nước vào đồng ruộng. Nơi Mường lỵ có thủ lĩnh người Xá đóng bản doanh trên đồi Khau-Tu do Khun Ăm-Poi cầm đầu. Mường này là Mường lớn, có nhiều Mường nhỏ dưới quyền nên vùng rừng đất khá rộng. Lạng-Chượng quyết tâm chiếm Mường-Muổi nhưng cần suy tính kỹ lưỡng, bởi Khun Ăm-Poi đóng đồn trại trên đồi hiểm trở, lực lượng quân sự và trang bị vũ khí khá mạnh, họ có cả voi chiến. Quân của họ quen thung thổ, giỏi đánh nơi miền núi, chiến đấu hăng, trung thành với chủ tướng.
Đánh Khun Ăm-Poi bằng cách nào để chắc thắng , LạngChượng suy tính đủ kế. Nếu dốc lực lượng tiến đánh đồn Khau-Tu ắt sẽ bị tổn thất, hy sinh nhiều xương máu nhưng chưa chắc có thể tiêu diệt được quân Xá nơi đây. Cuối cùng ông hạ quyết tâm dùng mỹ nhân kế. Khi đại quân của Lạng-Chượng tiến gần đến Mường-Muổi, đã cử một đoàn sứ giả đem lễ vật đến thăm biếu Khun Ăm-Poi quà quý, xin được kết nghĩa bạn bè, hai dân tộc cùng chung sống hòa bình, cùng xây dựng Bản Mường hai vùng Xá-Thái với nhau trên đất Mường-Muổi. Những chỗ nào là Bản của người Xá vẫn cứ ở yên, dân Thái của LạngChượng không động chạm tới , chỉ có một số ít dân di cư đến đây khai hoang vài vùng đát rừng thung lũng mở thành đồng ruộng cầy cấy rồi lập Bản gần ruộng. Bộ phận lớn dân Thái, Lạng-Chượng sẽ đem đi lên mở mang phía Mương-Quai. Khun Ăm-Poi đón mừng, mở tiệc rượu tiếp đãi đoàn sứ giả Thái trịnh trọng, nhận quà biếu và nhận lời bang giao bằng hữu, kết nghĩa huynh đệ, Lạng-Chượng tôn Khun Ăm-Poi là anh.
Sau khi tất cả đoàn quân dân Thái di cư đã tới Mường-Muổi, Lạng-Chượng đích thân đến thăm Khun Ăm-Poi, trong bữa tiệc chiêu đãi ông tỏ tình thân thiết bền chặt và ngỏ ý muốn gả gái nàng cho Khun ĂmPoi làm vợ thứ. Thấy vậy vị thủ lĩnh người Xá này mừng lắm. Sau khi Lạng-Chượng trở về ít ngày, Khun Ăm-Poi cử một đoàn bô lão cùng các ông bà mối đem lễ vật đến xin cưới Nàng người Thái. Chọn ngày lành , ông ta tổ chức lễ cưới linh đình, đón vợ nàng về dinh thự trên đồn trại Khau-Tu, truyền cho dân Xá mừng vị chủ tướng của mình cưới vợ nàng, dân toàn Mường mừng đám cưới, nổi chiêng trống ầm vang ăn tiệc và nhẩy múa vui chơi suốt ba ngày đêm liền.
Bỗng một hôm Lạng-Chượng cho mổ trâu bò mở tiệc lớn mừng bang giao hữu hảo giữa hai bên. Đoàn quân dân di cư của người Thái mời thủ lĩnh Khun Ăm-Poi và các tướng sĩ quan trọng của người Xá trên đồn Khau-Tu đến dự tiệc. Lạng-Chượng đã bí mật sắp sẵn kế hoạch điều binh khiển tướng. Bữa tiệc vui, Lạng-Chượng chúc rượu Khun ĂmPoi nhiều đợt. Mỗi lần nâng chén, các tướng sĩ người Xá đều nâng cạn chén theo thủ lĩnh. Khi thấy Khun Ăm-Poi và các tướng của ông ta đã ngà ngà say rượu, quân của Lạng-Chượng xông vào chém cổ đứt đầu Khun Ăm-Poi chết. Những tướng sĩ tùy tùng của Ăm-Poi trong bữa tiệc sợ quá, tay không có vũ khí chống đỡ, vùng chạy trốn, có người cũng bị quân của Lạng-Chượng chém chết, người thì bị thương máu tóe ra, một số người thoát thân chạy trở về doanh trại. Ngay lúc ấy , một đoàn quân của LạngChượng bố trí mai phục sẵn trong rừng gần đó xung phong ra, ào lên chiếm doanh trại của Khun Ăm-Poi trên đồi Khau-Tu. Quân lính người Xá bị mất tướng, lại bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, không ai chỉ huy ai, bỏ đồn, bỏ của cải, chạy trốn thoát thân lẩn vào rừng. Các Bản người
Xá có người đi lính cho Khun Ăm-Poi đều sợ, đem gia đình chạy đi ở lưng núi xa, người chạy lên phía bắc, người lên tới tận vùng biên giới giáp đất Hán, kẻ chạy xuống vùng núi phía Nam, có một số hộ xuống ở dưới vùng đất Mộc-Châu lên lưng chừng núi lập Bản, phát nương rãy trồng trọt để sinh sống.
Chiếm được đồn Xá, quân người Thái thu được toàn bộ chiến lợi phẩm. Vũ khí các loại đều còn nguyên vẹn, ngựa voi chiến bỏ lại, quân lương thu được nhiều thóc gạo, hàng đàn trâu bò, lợn gà và quân Thái lục soát kho bạc thu được nhiều vàng, tiền, châu báu của Khun ĂmPoi.
Lạng-Chượng chiếm được toàn bộ vùng đất Mường-Muổi nhưng bản thân ông không ở lại lập nghiệp lớn tại đây. Xem địa thế, ông bảo:” Đất thung lũng bằng vùng này hẹp, khai phá ruộng đồng chạy theo dòng suối Nặm-Muổi hẹp, quản núi đá cao giữa Mường có một hang đá lớn, trong đó có con quỷ dữ Da-Mom Da-Bai đang ở, đất này chưa xứng để ông ở lập nghiệp lớn”. Ông giao cho Khun-Duống làm Tạo và cho một số dân lo việc xây dựng Bản Mường tại Mường-Muổi. Việc lập Mường đã có luật tục của Tạo-Lò và đã có kiểu mẫu Mường Chiềng-An, Khun-
Duống tự lo liệu, xắp đặt tổ chức Mường của mình
7. Đoàn di cư Thái tiến vào Mường Ék, Mường Quài, Mường Ảng
Chọn ngày tháng lành, Lạng-Chượng lại tiến quân giắt dẫn đoàn người Thái di cư đi tiếp lên phía bắc, thấy có một khu đất rừng thung lũng có thể khai phá mở mang ruộng đồng, ông để lại đấy một ít dân lập một Mường nhỏ giao thuộc Mường lớn Mường-Muổi, đặt tên Mường mới này gọi là Mường-Ek.
Số dân di cư đem đi đợt đầu từ Mường-Lò , Lạng-Chượng đã rải ra xây dựng được ba Mường lớn là Chiềng-An, Chiềng-Dong và Mường-Muổi, nay còn lại số ít. Sau khi chiếm được vùng đất MườngMuổi nổi tiếng xong, Lạng-Chượng cử người về Mường-Lò báo tin tới anh cả Ta-Lúc và năm anh thứ Ta-Lảu, Lặp-Li, Lò-Li, Lạng-Ngạng, Lạng-Quang. Sáu anh trai ở sáu Mường đều rất vui mừng khen tài cán của chú em út, nhất trí thấy thắng lợi này càng cần cổ vũ, hưởng ứng việc mở rộng thêm nhiều Bản Mường nữa của dòng họ Thái Đen Tạo-Lò. TaLúc khởi xướng chủ trương vận động đưa thêm nhiều lực lượng quân dân di cư lên tiếp thêm cho Lạng-Chượng còn xung sức, tiến quân chưa ngừng, đất đai vùng Tây-Bắc còn rộng lắm.
Nhận được quân và dân tiếp viện cho hành trình tiến lên mở mang tiếp các Bản Mường mới khác nữa. Chọn ngày giờ lành, Lạng-Chượng lại làm lễ tiếp tục xuất quân đi lên phương bắc. Từ Mường-Ek đi lên núi cao trùng trùng điệp điệp, ông chọn một kẽ núi thấp nhất để vượt đèo rất vất vả, đi vòng men theo sườn núi đến kẽ đèo, leo lên mỏm núi cao quan sát, ông thấy dưới chân núi phía trước có vài thung lũng, có suối nước chảy, có thể khai phá thành đồng ruộng được, ông đặt tên kẽ núi đường nơi đấy là đèo Pha-Đin bởi quân của ông phải mở đường đào đất thành vách, xan phẳng mặt đường đủ đưa voi ngựa và dân từ già trẻ đến lớn bé mới có thể qua lại được dễ dàng.
Nghỉ trên đỉnh đèo một lát đỡ mệt , mọi người giở gói cơm trưa ra ăn nhưng ăn xong thiếu nước uống . Một số người đeo ống nước đi đường, phần lớn phải chịu khát chờ xuống chân đèo mới có nước nguồn hoặc múc nước suối uống. Ăn cơm trưa xong, đoàn người tiếp tục men qua các sườn núi đi xuống. Khi xuống đến chân đèo, mặt trời trở về hoàng hôn sà xuống thấp lấp ngọn núi, đã sắp lặn, báo hiệu sắp tối đến nơi. Tại đấy có một Bản người Thái đã đến ở từ lâu, đoàn dân di cư cố gắng tới đó nhưng chỉ vào nhờ nhà nghỉ được ít người, ưu tiên cho vợ chồng thủ lĩnh và người già , trẻ nhỏ. Tất cả Đoàn đều phải lợp tạm lều lá chuối ở ngoài Bản. Bản đây đã có tên, dân địa phương tự xưng mình là Tay Bốc (Thái cạn).
Đoàn dân di cư của Lạng-Chượng đến đây không có sự tranh chấp vì cùng là người Thái với nhau. Tại đây có một vùng rừng hoang trên đất bằng có thể khai phá thành đồng ruộng, sẵn các dòng suối dễ dẫn đưa nước vào ruộng cầy cấy nhưng có ruộng trũng vũng lầy. Vùng không khí lạnh, mùa hè về tối sau khi mặt trời lặn trở về đêm ngủ phải đắp chăn, mùa đông tuyết rơi, có đêm nước đông đóng thành tảng nước đá. LạngChượng không ưng ở đây. Có hai vùng thung lũng bằng cách nhau không xa, ông cho lập thành hai Mường. Mường-Huak nhỏ hơn, là Mường phụ thuộc đặt dưới quyền cai quản của Mường lớn là Mương-Quai. Mường nhỏ ông giao cho Khun-Dai làm Tạo và cho ở lại một số ít hộ dân di cư cùng nhau xây dựng mở mang Bản Mường. Mương-Quai mường lớn , ông giao cho Khun-Dẹ làm Tạo cùng một số hộ dân ở lại lo khai phá ruộng đồng xây dựng Bản Mường. Bản Tay Bốôc địa phương sáp nhập vào thuộc Mương-Quai đặt dưới quyền cai quản của Tạo Khun-Dẹ. Những người Thái Tay-Bốc thổ dân nơi đây cũng là người dân dưới quyền cai quản của thủ lĩnh Khun Bó-Dôm từ đã lâu đời.
Sau khi thành lập xong Mương-Quai, Lạng-Chượng tiếp túc dẫn đoàn quân, dân di cư đi nữa tạt sang phía tây tới một khu đất thung lũng rừng hoang nom địa thế, phong cảnh rất đẹp. Xung quanh núi cao bao bọc, giữa khu thung lũng có con suối chảy thẳng dọc suốt, khi khai phá mở mang thành cánh đồng ruộng, phía giáp núi dựng lên khu dãy nhà Bản, phong thủy thật đẹp nhưng vùng đất không được rộng mấy, chưa đạt ý muốn của ông nên ông không ở lại. Ông cho một số ít dân di cư ở đấy xây dựng Bản Mường gọi tên Mường-Ảng có nghĩa là Mường khoe sắc đẹp. Ông dẫn đoàn quân, dân di cư tiếp tục cuộc hành trình lên phía Tây- bắc. Đi gần nửa ngày đường lên đến một vùng có núi cao, xanh um cây cổ thụ, quanh khu núi bao bọc, ở giữa một khu rừng thung lũng đất bằng, có suối nước, tiện khai phá ruộng đồng, lập Bản cho dân ở. Ông cho cầy cấy, ngay từ vụ năm đầu đã không được tốt, cây lúa cấy xuống mọc thưa thớt, khóm lúa không to mập, bông lúa ít hạt chắc, không thu hoạch được nhiều. Giữa đồng lúa đàn chim cuốc lủi chạy qua mắt thường người ta nom thấy rõ hở lưng con chim do cây lúa lên không tốt kín ruộng.Thời tiết lạnh quá, mùa đông trời sáng muộn, mặt trời mọc muộn.Nhiều đêm rét quá nước lã đóng băng, sương đếm sa xuống phủ trắng nóc nhà gianh. Khi trời ấm lên, ruồi vàng trong rừng bay ra từng đàn, chúng bám đốt hút máu trâu, bò, lợn làm chậm lớn, có khi bị chết. Ruồi vàng bám đốt cả người ta , ai đi rừng sơ ý bị chúng đốt về sinh ngứa, gãi toét ra thành ghẻ lở. Không kể ban ngày hay về đêm, khi ngủ đều phải nằm màn để chống cả ruồi lẫn muỗi.
8. Đoàn di cư tiến vào Mường Thanh rộng lớn
Phía trên đầu Mường có một dãy núi cao ngất, một hôm Lạng-Chượng đem theo ít quân cận vệ đích thân vào rừng leo lên đỉnh quản nuí cao nhất ngắm nhìn bốn phương. Ông quan sát thấy dưới xa xa có một khu đất rừng thung lũng bằng rộng mênh mông, giữa có một con sông chảy dài chạy suốt dẫn nước đưa sang phía tây chảy gộp vào sông lớn thuộc đất Pathết Lào. Bao bọc thung lũng lớn có nhiều dãy núi cao và có một quả đồi độc lập. Khu đất này rộng lớn quá sức tưởng tượng của ông, rộng hơn đất Mường-Lò quê cha của ông nhiều. Ông nói: “ Nhờ có mảnh đất hẹp này tôi tìm ra đất rộng nên đặt tên Mương-Phăng, có nghĩa là Mường Nghe ngóng”. Ông để lại xây dựng Mường-Phăng một ít dân , đây là Mường nhỏ thuộc dưới quyền cai quản của Mường lớn ông sắp xây dựng trên thung lũng lớn. Tiếp đó, ông dẫn đại bộ phận, tất cả số quân và dân di cư, ông đưa xuống vùng thung lũng rộng lập Mường này tốt. Sử Thái ghi lại lời của ông khen:” Mương đi xơi đi lai, Mương môn xượng cóp đôổng lôộng côộng cớng khau quai” dịch là “Mường tốt thật là tốt, tròn trĩnh tựa cạp nong, cong cong thế sừng trâu”[9](14).
Đến vùng thung lũng lớn, Lạng-Chượng thấy nơi đây lác đác đã có Bản dân ở rất thưa thớt, lọt thỏm trong khu đất rừng bằng phẳng rộng lớn, họ đều tự xưng là người Thái và đều nói tiếng Thái. Họ gọi tên Bản của họ theo vùng cư trú, những Bản gần sông suối sống nghề chài lưới bắt cá, tự xưng mình Tay-Nặm (Thái nước) và những Bản ở trên cạn sinh sống bằng nghề làm ruộng, làm nương tự xưng Tay-Bốôc (Thái cạn). Tất cả các Bản người Thái vùng này đều đã được lập Mường có tên gọi Mường-Thanh đã từ rất lâu đời.
Cuộc hành trình tìm đất mở rộng Bản Mường người Thái suốt từ Mường-Lò sang, Lạng-Chượng đã lập thành các Mường Chiềng-An, Chiềng-Dong, Mường-Muổi, Mương-Quai, đến đây đạt mục đích cuối cùng, ông lấy vùng đất Mường-Thanh ra sức xây dựng làm nơi lập nghiệp suốt đời mình.
Mường-Thanh trước đấy từ thế kỷ thứ IX về trước đã có thủ lĩnh Khun-Bó-Dôm cai quản, đất cũ rộng ăn sang đến giáp sông MêKông, con trai cả của ông là Khun-Lo làm vua Mương-Xoa, khi người Lào lập quốc gia đã lấy đất sang đến tận giáp Mường-Thanh. Con trai thứ hai của Khun Bó-Dôm là Khun-Lạn đi cai quản Mương Tung-Hoang (tức Mương Ôm, Mường-Ai). Sau khi Khun Bó-Dôm qua đời, đến đời con cháu ông nối tiếp lập nghiệp tại Mường-Thanh bị suy yếu cả thế lẫn lực. Khi Lạng-Chượng đến xây dựng mở rộng Bản Mường mới, có lực lượng hùng mạnh, lại đều là người Thái với nhau cả nên không có sự va chạm tranh giành, chém giết lẫn nhau giữa hai thế lực cũ và mới.
Hai tác phẩm cổ kể chuyện lịch sử có Quam-Tô-Mương (Kể chuyện Bản Mường) và Táy Pú-Xấc (Đường chinh chiến thời ông cha) đều do cha con Tạo-Lò và anh em của Lạng-Chượng khởi xướng viết để lại nên chỉ nói đời họ, rất ít nói tới đời cha con Khun-Bó-Dôm.
Lạng-Chượng tổ chức lại Mường-Thanh chia thành hai Mường gọi là Thanh Nưa (Thanh Thượng) và Thanh Tăử (Thanh Hạ). Mỗi Mường đều có bộ máy hành chính riêng, có một Tạo đứng đầu cai quản do ông điều hành chung cả hai Mường gộp lại thành một Mường Thanh lớn.
Ông giao việc cử “Thảu ké hang Mương”Hội-đồng bô lão đứng tổ chức khai quặng lấy gang đúc lưỡi cày, luyện thép lập lò rèn đánh dao, rìu, cuốc, mai, thuổng…cho dân dùng và làm súng kíp, đánh kiếm, gươm dáo trang bị cho dân binh bảo vệ Bản Mường thêm mạnh.
Sẵn biết nghề làm đồ gốm, ông cho tổ chức dạy dân khắp các nơi đều biết nặn nung nồi đất, ấm, bát, đĩa to nhỏ các loại. Chậu và chum, hũ, vò…đều được nặn nung. Người Thái thường cần dùng nhiều để chế biến và dành thức ăn lâu dài. Chum, hũ ủ rượu cất, làm rượu cần, làm măng chua để giữ có cái ăn từ năm này đến mùa măng sang năm khác. Hũ dùng để muối dưa chua, đựng cá mắm…
Lạng-Chượng mải miết dốc sức chăm lo xây dựng MườngThanh, mở mang thành hai khu cánh đồng rộng lớn, bát ngát, bản thân ông ít quan tâm đến việc xây dựng gia đình riêng. Bà vợ cả là nàng Mường-Chiến không có con. Sau khi công việc dựng Mường hoàn thành,
Lạng-Chượng lấy bà vợ thứ hai là người Bản-Pe. Năm sau sinh ra được một cậu con trai, ông mừng lắm, đặt tên gọi Khun-Pe, lấy tên Bản ngoại đặt tên cho con mình. Bà chăm lo nuôi con mau lớn khôn, ông chăm lo dạy bảo học hành giỏi văn võ và thành thạo luật tục xây dựng, cai quản Bản Mường.
Khi Khun-Pe lớn lên, Lạng-Chượng cho tổ chức lễ cưới, lấy Nàng trong họ về làm con dâu. Ít lâu sau vợ chồng Khun-Pe sinh được một cậu con trai đặt tên gọi Khun-Mứn.
Năm tiếp năm qua đi, Lạng-Chượng ngày một già yếu, ông xin nghỉ việc và giao quyền làm Tạo cai quản Bản Mường cho con trai là Khun-Pe.
Khun-Pe lên làmTạo ở Mường-Thanh chưa được bao lâu đã sinh yếu đau bệnh tật, phải nghỉ lo cầu cúng, thuốc thang, bỏ trễ nải việc Mường, Lạng-Chượng lại phải đứng ra trông nom, gánh vác công việc Bản Mường giúp con. Khun-Pe đã chữa nhiều thứ thuốc, các thầy thuốc giỏi biết nhiều bài thuốc hay đều đã được mời đến chữa nhưng bệnh không thuyên giảm. Việc nuôi dưỡng cũng hết sức chăm sóc chu đáo nhưng sức khỏe của Khun-Pe cứ suy yếu dần. Người xanh gầy, yếu quá, đã sớm qua đời từ lúc tuổi còn trẻ, mới ba mươi hai.
Khun-Pe mất, con trai là Khun-Mứn còn nhỏ, mới mười ba tuổi, lúc này Lạng-Chượng lại phải ra làm Tạo tiếp tục lo việc Mường, chờ nuôi dạy cháu nội cho đến khôn lớn. Năm đủ mười tám tuổi, ở lứa tuổi trẻ nhất trong đời làm Tạo theo luật tục, Lạng-Chượng đưa cháu nội là Khun-Mứn lên làmTạo Mường-Thanh thế quyền ông nội.
Ghi Chú:
- Quan sự: Chức sắc của các châu Mường được hưởng ruộng chức thay cho lương, phụ trách công việc trị an Bản Mường. Có quyền đem lính ở Mường đi bắt người phạm các tội sai với luật Mường đem nhốt tạm giam tại nha đường chờ Phìa xét xử, nhẹ thì phạt rồi cho về, nặng có thể bị bắt làm nô lệ ở nhà Phìa hoặc nặng nữa có thể bị xử tử hình, không có trại giam tù lâu dài.
- Quan phòng: Chức sắc của cấp Mường được hưởng ruộng chức không có tiền lương tháng, phụ trách phòng chống giặc giã, tổ chức và luyện tập dân binh , thời bình thì giáo dục nhân dân giữ yên Bản Mường, giữ chề độ luật lệ đi dân binh khi cần thiết.
- Ông Pách: Chức sắc của cấp Mường chuyên đi truyền lệnh, chỉ thị, trát sức của Chảu Mương xuống các Mường “ lộng” mường nhỏ cấp dưới , cấp “Xổng” và cơ sở dưới cùng là cấp Bản.
- Quan Chiềng: Chức sắc được thay mặt Phìa đi giao dịch với các Mường khác, giao dịch cả xuống cấp dưới. Khi Phìa có công việc gì phải đi hoặc đứng ra nói thưa trình thay Phìa. Có khi còn được cử đi tâu trình, nộp thuế hay biếu nạp vật quý lên vua quan cấp trên hoặc cử đi quan hệ với nước láng giềng (sang Lào).
- Ông Mo: Chức thấy cúng cấp châu Mường, chuyên cúng tế các thần Mường và cúng tổ tiên nhà Phìa.
- người Xá-Cảu: nay gọi là dân tộc Khơ-Mú.
- Mường-Chiên: nay là huyện Quỳnh-Nhai thuộc tỉnh Sơn-La.
- Tạ-Bú: vùng đất thuộc huyện Mường-La , nơi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn-La ngày nay.
- Thế sừng trâu: cả đoạn trích trong sách Quam-Tô-Mương đã dẫn
Trích Những hiểu biết về đường chinh chiến dựng mường thời ông cha của người Thái vùng tây-bắc Việt-Nam.
Nguyên tác Nguyễn Văn Hòa