Khái quát về bản mường Thái

ꪹꪣꪉ ꪢ꫁ꪥ ꪜꪲ 1932

Cách đây hàng ngàn năm, người Thái có phong trào thiên di đi tìm vùng đất mới mà họ gọi là “pay to mương”. Từ vùng Xip xong păn na của Vân Nam Trung Quốc, họ đã thiên di dọc theo sông Mê Kông (người Thái gọi là Me Khong) để lập nên các mường như Lạn Na (triệu ruộng), Lạn Xạng (triệu voi), Xu kho thay, Pha Yao… sau đó các mường nhỏ kết hợp với nhau thành mường lớn hơn và hình thành hai quốc gia Lào và Thái Lan. Phía Sông Hồng, họ cũng thiên di xuống và hình thành các vùng người thuộc ngữ hệ Tày – Thái ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Cách đây khoảng một ngàn năm, Tạo Xuông, Tạo Ngần đã dẫn người Thái xuống khai phá đất Mường Lò (thuộc Yên Bái ngày nay). Rồi ông Lạng Chượng (con Tạo Lò, cháu Tạo Xuông) đã đem quân đi mở mang vùng đất để lập nên các mường: Mường La, Mường Muổi, Mường Mụa, Mường Quài, Mường Thanh…. tạo nên một vùng Thái đen liền nhau về lãnh địa.

Hình ảnh ngã ba sông tại Mường Lay những năm 1920. Nguồn : https://vi.m.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:Laichau.jpg

Đơn vị hành chính chỉ có 2 đơn vị là bản và mường.
Bản là đơn vị tổ chức cư dân ổn định, có ranh giới đất đai rõ ràng. Nên người Thái thường có thuật ngữ quen thuộc là “đin bản” (đất bản). Mỗi bản có từ vài nhà đến vài chục nhà, bản lớn có đến cả trăm nóc nhà. Đất bản bao gồm các vùng đất tự nhiên như sau:
Đất thung lũng được tưới và bồi đắp bởi sông suối đủ điều kiện để khai phá thành ruộng lúa. Người Thái quan niệm là bản thì phải có ruộng, nên từ “bản” luôn gắn liền với từ “na” thành “bản na”. Trước đây, đất ruộng này chủ yếu là phục vụ cho các thành viên trong bản. Nhưng khi xã hội bản mường phát triển, đất ruộng đã trở thành bổng lộc cho những người có chức sắc của bản và mường (sẽ nói kỹ sau).
Đi đôi với đất ruộng, mỗi bản còn có núi rừng để làm nương rẫy, hái lượm, săn bắn và khai thác lâm thổ sản. Núi rừng của bản được chia thành hai khu vực rõ ràng là khu vực giành cho trồng trọt và khu vực cấm. Khu vực giành cho trồng trọt sẽ được các hộ gia đình chặt phát để làm nương rẫy, sau vài năm, đất cằn thì bỏ hoang và đi khai phá mảnh đất khác. Đất bỏ hoang sau vài năm, cây cỏ phát triển tốt lại được khai thác lại làm nương rẫy. Còn khu vực cấm lại được chia thành hai loại nữa là: Loại để khai thác lâm sản như gỗ, tre, măng… và loại để phục vụ cho cuộc sống tâm linh như rừng tha ma, rừng tu xửa, đon khuông…

ꪹꪤꪷꪙ ꪼꪝ꪿ ꪜꪰꪒ ꪜꪱ ꪘꪰ꫁ꪉ ꪘꪮꪉ ꪨꪺꪉ ꪹꪣꪉ ꪢ꫁ꪺꪥ

Ngoài ra đất bản còn có cả các đoạn sông, đoạn suối, khe lạch để khai thác thuỷ hải sản. Những đoạn sông suối này cũng được quản lý chặt chẽ, được chia thành các vùng cấm hay vùng tự do khai thác.
Mỗi bản sẽ có một người đứng đầu gọi là “Tạo bản” (nếu người đó thuộc lớp quý tộc) hoặc “quan bản” (nếu người đó thuộc lớp bình dân), giúp việc cho người đứng đầu bản có “chá bản” (nghĩa là phó bản). Khi hình thành một bản mới, người đứng đầu (được gọi là chảu xửa) phải làm lễ với thổ công thổ địa, chôn một cây cọc ở một vùng đất thiêng nơi cửa ngõ của bản. Chỗ chôn cọc được gọi là “tu xửa”. Chiếc cọc đó được gọi là “lắc xửa” (hay lắc bản) và thường được dùng lõi của loại gỗ tốt. Những người kế tiếp người đứng đầu cũng đều phải chôn “lắc xửa”.
Theo tục lệ, hàng năm, hay vài ba năm người ta phải tổ chức cúng cầu an cho bản (gọi là xên bản) với hình thức hiến sinh trâu, lợn gà… cho thần linh và tổ chức ăn uống cộng cảm và vui chơi tại nơi hiến tế.

Mường là đơn vị tổ chức xã hội theo cộng đồng lãnh thổ. Thời khởi đầu, mường chỉ là một vùng lãnh thổ do một lãnh chúa cai quản, giọ là “Phìa”. Đất mường có ranh giới rõ ràng, thường là theo các địa giới tự nhiên như sông suối, triền núi, thung khe…
Đến khoảng thế kỷ XV, một số mường (thường là từ 5 đến 6 mường) gộp lại thành một mường lớn hơn gọi là “mường chu” hay “châu mường”. Trong đó sẽ có một mường trung tâm gọi là “mường cuông” (mường trong) và 4, 5 “mường nọk” (mường ngoài). Mỗi một mường chu sẽ có một trung tâm hành chính giành cho tầng lớp quan lại và quý tộc gọi là “chiêng” (đọc chệch thành chiềng). Ví dụ Châu Mường La có mường trong là Mường La, đất chiềng là Chiềng An, các mường ngoài là: Mường Bú, Mường Chùm, Mường Chiến, Mường Trai, Mường Bằng; Châu Mường Muổi có mường trong là Mường Muổi, đất chiềng là Chiềng Ly (Đi), mường ngoài là Mường Sại, Mường Piềng, Mường Lằm và Chiềng Pấc; Châu Mường Mụa có mường trong là Mường Mụa, đất chiềng là Chiềng Dong (bản Ban ngày nay), mường ngoài là Mường Bon, Mường Chanh, Mường Hung, Chiềng Cang…
Ở một số mường ngoài cũng có đất chiềng như Mường Chanh có Chiềng Quen, Mường Sại có Chiềng Muôn…
Ở mỗi châu mường có một số thành luỹ quân sự bảo vệ chiềng gọi là “viêng” như Viêng Hai, Viêng Giảng (Mường La), Viêng Lán (Mường Vạt), Viêng Lò (Mường Lò)… Mỗi một mường nhỏ (cả mường trong và mường ngoài) được chia làm các “xổng” như: Xổng Păn, Xổng Pọng, Xông Ho Luông, Xổng Quan Cuông. Mường nào nhỏ quá gọi là “lộng” (lộng thì không chia thành xổng) như Lộng Mường Pia (Mường La), Lộng Mường Ék (Mường Muổi), Lộng Mường Mờn (Mường Mụa)…
(Lưu ý: Ngày xưa một chiềng tương đương với đơn vị một bản. Nhưng sau khi hoà bình lập lại, người ta chia lại đơn vị hành chính mới là xã. Ở Sơn La, do những người tham mưu cho chính quyền mới không am hiểu về lịch sử và xã hội Thái nên đã tuỳ tiện đặt tên cho hầu hết các xã có chữ “Chiềng” như Thị xã Sơn La có 8 xã, đã có 7 xã mang tên “Chiềng”: Chiềng Cơi, Chiềng An, Chiềng Xôm, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ, Chiềng Sinh, Chiềng Đen. Việc làm này đã gây cho nhiều người hiểu sai về chữ “chiêng”, họ nhầm tưởng tưởng là đơn vị hành chính tương đương với xã).
Trong tiêu chuẩn của một mường, cần phải đủ một số tiêu chí nhất định như: Có rừng phòng hộ ở đầu nguồn nước, rừng dành cho việc khai thác tre, gỗ để dựng nhà, phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống không được chặt đốt làm nương. Ở mỗi mường đều có “minh bản nen mương” (hồn thiêng bản mường), có nơi chôn “lắc mương” (cột hồn mương), có núi rừng “rợp bóng bản mường”. Đầu mường có “rừng hồn chiềng” gọi là “Tu Xen”, cuối mường có “rừng hồn chiềng” gọi là “Tu Pọng”, cạnh mường có khu rừng mang tên “Chiềng Kẻo” là khu rừng tha ma của mường. Đồng thời phải có một số khu rừng, cửa sông suối dành cho việc cúng tế. Các khu vực này đều được kiêng cấm, không được chặt cây, phá phách…

ꪩꪱꪒ ꪨꪺꪉ ꪹꪣꪉ ꪩ꪿ꪱ ꪜꪱꪉ ꪼꪔ

“Lắc mường”, tức là cột hồn mường, là trụ cột của đất nước. Cột hồn mường được cụ thể hóa bằng những cái cột bằng gỗ lõi không mối mọt, được đặt trang trọng trong mâm lễ cúng mường – “xên mường”. Sau khi cúng xong, ông mo và người đứng đầu mường bí mật đem chôn ở bốn góc của đất “chiềng”. Trong quan niệm xưa, nếu kẻ thù phát hiện ra nơi chôn cột mường và đào phá, tức là đã xâm phạm đến chủ quyền, có thể gây rối loạn cho bản mường, tiến tới lật đổ hệ thống cai trị hoặc xâm chiếm bản mường đó. Người Thái cho rằng Then luông từ trên trời giữ dây mường nối với cột mường, khi nào dây mường còn chắc thì vận mệnh của mường còn hưng thịnh và ngược lại, nếu Then luông buông dây mường thì cột mường lung lay, thiên tai địch họa sẽ đổ xuống bản mường.
Một tiêu chí nữa là phải có hồ nước để nuôi cá và có các khúc sông cấm bắt cá tự do (pa văng hảm) để hàng năm tổ chức đánh cá cộng đồng.
Luật mường quy định sau vài ba năm người ta phải tổ chức cúng cầu an cho toàn mường (gọi là xên mường). Lễ hội cầu an cho mường của người Thái luôn gắn liền với nghi lễ hiến sinh thờ thần nước, nguồn nước – vị thần gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh của cộng đồng. Theo quan niệm lâu đời của người dân bản mường, nếu không tổ chức lễ cúng toàn mường, không hiến lễ vật (cặp trâu đen trắng) cho các vị thần linh thì sản xuất sẽ không thuận lợi, hay xảy ra hạn hán hoặc lũ lụt, thần linh không phù hộ cho được nhân khang, vật thịnh, cộng đồng bình an. Thường thì người ta tổ chức lễ cầu an cho mường trước, sau đó lần lượt làm lễ cầu an cho bản hoặc liên bản.
Khi cúng cầu an cho mường, người ta sẽ chọn một người làm “chảu xửa”. Người được chọn thường là người trong hàng ngũ quí tộc có công khai phá nên vùng đất ấy. Trong quan niệm của người Thái, mường không chỉ là nơi ở của những người còn sống, mà còn là nơi trú ngụ của những linh hồn người qua đời. Bởi vậy bản mường còn là nơi chứa đựng linh hồn của tất cả các linh hồn của mường đó, mà “hồn chủ” là hồn của người được bản mường chọn áo để cúng theo nghi lễ từ ngàn xưa và được gọi là “chảu xửa” (nghĩa là chủ áo).
Đứng đầu châu mường là “Án nha” và một hệ thống quan lại (Án nha uý, Ông Pọng, Ông Xen, Ông Păn…). Những người này phải là người trong dòng họ quý tộc, tức là thuộc các họ “Lò lớn”, gồm các họ: Cầm, Bạc Cầm, Điêu (Đao, Tao), Hoàng, Hà (Kha Khăm), Sa (Vi Khăm).
Ở các mường nhỏ vẫn do các Phìa cai quản. Án nha và Phìa sẽ tiến cử và bổ nhiệm bộ máy thống trị gọi là “Thảu ké hang mương” (như một hội đồng bô lão toàn mường), dưới sự chỉ đạo của các ông xen, ông pọng hay mo mường. Những người này cũng phải là người quý tộc. Họ bình dân chỉ được làm các chức từ Xổng đến bản. Khi cần, người bình dân cũng sẽ được tiến cử nhưng phải làm thủ tục đổi họ (tữ đẳm).

Nguồn: Bài viết của nhà nghiên cứu Cà Văn Chung được đăng tải lên tại: https://goo.gl/HAXN2r

Bài viết có sử dụng ảnh của Fanpage Lịch sử Sơn La, địa chỉ https://www.facebook.com/HistorySonLa/

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *