Các nội dung chính
Trải qua nhiều đời định cư, bao nhiêu cuộc chinh chiến, thiết lập bản mường, Xứ Thái bước vào thời kỳ phát triển hưng thịnh nhất và thống nhất vào thời chúa Ta Ngần (ꪔꪱ ꪹꪉꪷꪙ 1373 – 1416?) khi ông đã dẹp yên các thế lực nội bộ, thống nhất được các mường phía bắc quy phục và lập được nhiều chiến công “được vua Kinh tôn dùng, vua Lào mến phục”.
Sau đời Ta Ngần, trên vùng cư trú của người Thái đã dần phân chia thành 16 đơn vị “châu mường”. Đây là sự phân chia lãnh địa của các dòng quý tộc Thái, hoàn toàn không có ý nghĩa phân chia tộc người riêng biệt. Bởi vậy người Thái mới gọi khu 16 châu Thái bằng một danh từ riêng: “Síp hốc chàu Tāy” (mười sáu châu Thái) và coi đó như một tên gốc, đầu tiên định ra ý niệm chung về “Đất Thái” (Đìn Tay). Người Thái có câu ca dao: Đất Thái ta có 16 châu từ ngày xưa truyền lại” (Đìn Tāy mī síp hốc chàu té lāng chiê̄n vạy). Như vậy ý niệm về khu vực “Mười sáu châu” đã bám dễ từ trong dân gian. Đó là kết quả của hự hình thành khối Thái miền Tây Bắc trong các giai đoạn lịch sử trước, nhất là thời Ta Ngần thế kỷ XIV. Mười sáu “châu mường” đó có thể kể như sau: (xin lưu ý, số lượng vị trí các châu mường không có định mà luôn biến động theo thời gian – BTV)

1. Mường Lò
Khu vực Mường Lò xưa bao gồm các huyện Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay.
Đây là một “mường” xuất hiện từ khi ngành Thái Đen di chuyển từ Mường Ôm, Mường Ai đến cư trú. Bởi vậy người Thái Đen vẫn coi đất này là “quê cha đất tổ”. Trong tang lễ, họ có tục đưa hồn người chết lên trời ở với tổ tiên. Ở người Thái Đen hồn người chết bao giờ cũng được đưa tới đất Mường Lò quê tổ. Ở đó “hồn” sẽ qua thăm đất mả tổ tại khu rừng gọi là “Đông quai ha” (ꪶꪒꪉ ꪁꪫꪱꪥ ꪭ꪿ꪱ – rừng trâu chết – người Thái Đen có tục người chết phải mổ trâu tiễn đưa hồn. Con trâu cũng là của chia cho hồn người chết về cõi trời tiếp tục làm ruộng với “đẳm”). Sau khi rời “Đông quai ha”, “hồn” sẽ leo lên núi đến địa điểm “Nặm tốc tát” để qua “cái càu của người Xá bắc” mà thoát lên không (xem tập “Lam tang” (dẫn hồn người chết – bản tiếng Thái).
Khi xuất hiện Mường Lò, ở vùng lòng chảo đã được người ta chia thành ba khu mường nhỏ. Mường Lò Luông (Mường Lò lớn) được chọn làm nơi trung tâm của vùng lòng chảo, cũng là trung tâm toàn châu mường. Mường Lò Cha (gọi tắt là Mường Cha). Mường Lò Gia (gọi tắt là Mường Gia). Ngoài phạm vi vùng lòng chảo, Mường Lò còn gồm những người nhỏ khác:
- Mường Hồng, Mường Hằng: Xưa, người Thái ở đất này có tục dùng một cây tre vầu to đục làm thang bắc lên nhà gác. Thang đó gọi là “lay bẻ” (thang con dê). Trong câu ca dao có câu ‘Mường Hồn bắc thang bẻ” (Mương Hồng cái lay bẻ – ꪹꪣꪉ ꪶꪬꪉ ꪀ꪿ꪱꪥ ꪼꪨ ꪵꪚ꫁), đã nói lên đặc trưng về nhà ở của người vùng này. Cho đến năm 1435 trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi lời “cần án” của Nguyễn Thiên Tích đã có huyện Trấn Yên tức Mường Hồng, Mường Hẳng xưa.
- Mường Nặm, Mường Piu nay là xã Thượng Bằng La.
- Mường Pục, Mường Mẻng nay là xã Đại Lịch.
- Mường Min nay là xã Gia Hội.
- Mường Lùng nay là xã Tú Lệ.
Và tất cả những xã này, nay đều thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái.
Mường Lò còn có tên là Văn Chấn (không tương đương với tên huyện Văn Chấn ngày nay – BTV). Mặc dù đất Mường Lò có thể đã nằm trong đất Châu Đăng của thời lý và lộ quy hóa của thời Trần (?) nhưng cho đến nay chưa có tư liệu nào ghi về tên Văn Chấn. Phải đến năm 1435 trong lời “cẩn án” của Nguyễn Thiên Tích ghi trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi mới ghi nhận huyện Văn Chấn thuộc phủ Quy Hóa (của thừa tuyên Hưng Hóa).
2. Mường Tiến (hay Chiến)
Đây là một “mường” được Quam tô mương ghi nhận có từ thời Ta Ngần (thế kỷ XIV) với cái tên “Mường Pá phang” (có nghĩa là mường trời Thét). Trung tâm của “châu mường” đặt ở Mường Xo. Tên Mường Xo do người Thái đặt từ khi di cư từ Mường Xo luông tới.
Theo chuyện dân gian, đất Mường Xo thường xảy ra tai nạn sấm sét. Tại đất này đã xuất hiện vị thủ lính có “gồng” nên bị sét đánh nhiều lần không chết mà chỉ bị đen một bên mặt gọi là “Cụ trời mặt đen” (ꪜꪴ꪿ ꪡ꫁ꪱ ꪘ꫁ꪱ ꪒꪾ). “Tiến” là từ tượng thanh của tiếng sét trong ngôn ngữ Thái. Như vậy có thể tên mường này lấy theo cái tích này chăng?
Khi xuất hiện Mường Tiến đã có nhiều “mường nhỏ” gộp lại:
- Mường Chiên hay Chiềng Phung còn có tên cổ nữa là Khinh Khoái. Tên này vốn không phổ biến nên ít người biết đến (về sau tên Khinh Khoái lại là tên để chỉ đất Mường Sại phần đất của Mường Muổi giáp với Mường Chiên).
- Mường Than, Mường Khim, Mường Can nằm trong cánh đồng lòng chảo Than Uyên.
- Mường Mả còn gọi là Lương Tiên, Mường Sát còn gọi là Dương Quỳ, Mường Bo còn gọi là Cam Đường.
- Mường Kim, Mường Tháo (hay Mường Khóa)
Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (lời “cẩn án” của Nguyễn Thiện Tích) đã ghi tên Quỳnh Nhai thành một châu thuộc phủ Yên Tây. Quỳnh Nhai là tên của Mường Chiên có thể đã phiên âm từ “Khinh Khoái”(?). Châu Văn Bàn thuộc Quy Hóa. Như vậy, năm 1435 khi xuất hiện châu Quỳnh Nhai, Văn Bàn thì Mường Chiên, Mường Kim, Mường Tháo (Khóa) cũng không nằm trong châu Mường Tiến nữa.
Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi thổ âm là Mường Thu (có thể là phiên âm từ Xo).
Mường Tiến còn có tên là Châu Tiến hay là Châu Chiêu Tấn. Có lẽ tên Châu Tấn cũng là tên mất nguồn từ Châu Tiến một tên phiên âm theo cách đọc đã chuyển hóa về ngôn từ. Tên chiêu tấn được ghi nhận thành một Châu trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi. Đó là Châu thuộc phủ Yên tây trong thừa tuyên Hưng Hóa. Thời nhà Nguyễn đời Tự Đức thứ tư (1851) đặt lỵ sở ở Dương Quỳ.
Năm 1891 thực dân pháp lập ra tỉnh Lào Cai trong đó gồm cả một phần Châu Chiêu Tấn và phần đất này vẫn gọi là châu Châu Tấn. Tại Mường sao chúng cho đặt một sự đại lý và gọi là đại lý Phong Thổ (Phong-to). Năm 1895 thực dân Pháp đặt Phong Thổ thành châu riêng. Nằm trong đạo Tân Lai. Đến năm 1909 châu Phong Thổ lại nhập về tỉnh Lào Cai. Năm này thực dân Pháp còn đặt ra châu Than Uyên hay còn gọi là Châu Than. Than Uyên là tên một thôn thuộc Dương Quỳ vốn là lỵ sở của châu Chiêu Tấn thời nhà Nguyễn.
Hiện nay Mường Xo hay huyện Phong Thổ, Mương Than huyện Than Uyên (sau tách thành hai huyện Than Uyên, Tân Uyên) thuộc tỉnh Lai Châu.
3. Mường Tấc
Mường Tấc xưa bao gồm phần lớn huyện Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La) và khu vực Thu Cúc, Sơn Đoài thuộc huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ngày nay.
Cho đến nay vẫn chưa có lý giải nào nói về sự xuất hiện châu Mường Tấc. Song có thể biết chắc rằng trước khi người Thái Đen vào Tây Bắc đã có Mường Tấc. Vì khi người Thái Đen tới Mường Lò thì tập Táy pú sớc đã có câu: “Mường Tấc là mường của nàng người Kinh sống bên tạo” (Mương Tấc, mương nang Kèo ma dú. Ma dú phèng tạo – ꪹꪣꪉ ꪹꪔꪷ꪿ꪀ, ꪹꪣꪉ ꪙꪱꪉ ꪵꪀꪫ ꪣꪱ ꪤꪴ꪿. ꪣꪱ ꪤꪴ꪿ ꪣꪱ ꪵꪠꪉ ꪕ꫁ꪱꪫ). Mường Tấc là mường của người Thái Trắng. Nếu lấy mốc thời gian phù hợp với sự có mặt với ngành Thái Trắng ở miền Tây Bắc, có lẽ sự có mặt của họ ở đây ít nhất cũng phải từ thế kỷ VIII Công nguyên. Trung tâm mường đặt ở giữa cánh đồng lòng chảo gọi là Mường Tấc hay “Viềng Tấc” (nay là Bản Viềng).
[…]
Châu Mường Tấc xưa gồm nhưng mường nhỏ như sau:
- Mường Pùa, Mường Muông, Mường Do, Mường Lang. Nay là những vùng thuộc huyện Phù Yên.
- Mương Cúc, Mường Át (vùng Thu Cúc), Mường Tông, Mường Tắn (vùng Lai Đồng), Mường Vân, Mường Veng (có thể là vùng Xuân Đài). Nay là đất người Mường cư trú thuộc huyện Tân Sơn, Phú Thọ
4. Mường Sang
Người Thái xưa còn gọi là Mường Mok với nghĩa “mường có mây bao phủ, hay có sương mù”.
Tên “Mường Sang” xuất hiện trong truyền thuyết về cuộc du dân lớn của người Thái Trắng từ Lào sang. Đó là tên phát âm chệch của “Mường Khang” có nghĩa là mường gang thép. Tương truyền, khi Pha nha Nhọt Chom Cằm (Nhọt Cằm) (thủ lĩnh cuộc di dân Lào vào Mường Sang) sinh ra, được ba năm đầu không ăn, không nói, ngồi khóc. Vua cha rất lo mới bế con đi chỉ tất cả những món ngon nhất để xem con thích ăn món nào sẽ cho ăn món đó. Nhọt Cằm không chỉ vào những món “cao lương mỹ vị” mà chỉ vào lưỡi cày bằng gang thép. Vua cha bèn bẻ mũi nhọn của lưỡi cày đem về tán nhỏ mớn chàng. Chàng đã ăn lưỡi cày đó mà lớn lên như thổi, trở thành chàng thanh niên tuấn tú. Để kỷ niệm công ơn của Nhọt Cằm, khi đến nới cư trú ổn định người ta mới đặt quê hương mới của mình là “Mường Khang”. Và về sau Mường Khang chuyển âm thành Mường Sang. (Theo Tài liệu do cụ Hà Hem, Sở Văn hóa Tây Bắc (Khu tự trị Tây Bắc) sưu tầm năm 1858).
Trung tâm của châu đặt ở Mường Sang nới có núi “Pha Khỉ sút” (núi sáp ong) và chùa Vặt Hồng gắn liền với truyền thuyết của tổ tiên người Thái di cư từ Lào sang. Khi xuất hiện Mường Sang thì châu mường này vốn rất rộng đất, bao gồm nhiều mường nhỏ:
- Mường Chiềng Ký (nay thuộc châu Đà Bắc tỉnh Hòa Bình)
- Mường Ét, Xiềng Khọ (Chiềng Cọ) (nay thuộc nước Lào).
- Chiềng Đi, Chiềng Ban hay Tú Nang, Pua Tao, Chiềng Cang, Chiềng Ve, Xuân Nha (nay vẫn là những vùng đất đặt thuộc huyện Mộc Châu)
Mường Sang còn có tên là Mộc Châu. Mặc dù đất Mộc Châu đã thuộc lộ Đà Giang thời Trần, nhưng tên Mộc Châu đã được ghi nhận trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi và thời Lê Sơ.
Về ý nghĩa của tên Mộc Châu hiện có hai ý kiến một là tên phiên âm từ tiếng Thái )Mường Mok). Hai, đó có thể là tên chỉ châu có nhiều gỗ (đất mộc) vì Xưa nay Mộc Châu vẫn nổi tiếng về gỗ quý.
Năm triệu bình thứ nhất đời Lê Thánh Tông (1434) Triều đình thừa nhận ranh giới đất Mộc Châu tương đương đất Mường Sang. Nhưng đến thời Cảnh Hưng đời thứ 36 đời Lê Hiến tông (1775) Chúa Trịnh đã thấy đất châu quá rộng, anh em trưởng thứ bất hòa nên đã chia làm 3 châu: Đà Bắc (so với đất Mường sang cũ là Mường Chiềng Ký), Mã Nam (so với đất Mường sang cũ là Mường Ét – Xiềng Cọ); và Mộc Châu.
Hiện nay Mường Sang vẫn là huyện Mộc Châu thuộc tỉnh Sơn La.
5. Mường Vạt
Mường Vạt được nhắc đén trong Quam tô mương thời Lò Lẹt (khoảng thế kỷ XIII) tương đương với thời kỳ người Thái thiên di từ Lào sang đến địa bàn Mường Sang.
Nói về sự xuất hiện của tên gọi Mường Vjat hiện có ý kiến cho rằng đó là tên đọc lệch của chữ “Vặt”. Người Thái gọi đạo phật là “Vặt” (?). Người Thái châu mường này vốn từ đất “Vặt” ở bên Lào sang nên đặt tên nơi cư trú của mình là Mường Vạt (Vặt). Song cũng có ý kiến cho rằng vì đàn ông ở châu mường này có thói quen mặt áo xẻ bên nách có miếng vải ở làn trong của vạt áo đằng trước. Người Thái gọi miếng vải đó là “vạt” nên có tên Mường Vạt(?).
Trung tâm Mường Vạt đặt ở Chiềng Khong nên Mường Vạt cũng có tên là Chiềng Khong. Khoảng thể kỷ XVI Mường Vạt còn có tên là Mường Pha Ví.
Mường Vạt bao gồm các mường nhỏ gộp lại: Chiềng Đông (Xiêng Đông), Chiềng Sàng (Xiêng Xàng), Mường Khoa, Mường Lựm, Mường Ái. Nay là những vùng thuộc huyện Yên Châu (Sơn La).
Đời nhà Trần gọi Mường Vạt là Mường Việt (Việt là phiên âm của Vạt). Thời Lê Sơ gọi là Việt Châu. Thời nhà Nguyễn năm Minh Mệnh thứ III (1822) mới đổi Việt Châu thành Yên Châu.
6. Mường Mụa
Mường Mụa được nhắc đến trong tập sử thi Táy pú sớc từ thời kỳ Lạng Chượng dẫn dắt ngành người Thái Đen từ Mường Lò lên Mường Thanh (khoảng thế kỷ XII). Mường Mụa bao gồm các xã thuộc huyện Mai Sơn (Sơn La) ngày nay.
7. Mường La
Mường La xưa bao gồm Thành phố Sơn La và phần lớn các xã thuộc huyện Mường La ngày nay.
Tên Mường La xuất hiện từ thế kỷ XII. Đó là tên đồng nghĩa với tên Mường Lò. Có lẽ tên châu mường này được đặt để nhớ đất Mường Lò quê tổ. Theo Quam tô mương của Mường La nói: khi Lạng Chượng đưa người Thái tới Mường La, đã dựng nhà để cúng tổ tiên tại nơi trung tâm mường. Ngày cúng tổ tiên họ Lò (họ quý tộc) là ngày “hài” (tức ngày Bính) nên đặt địa điểm dựng nhà cúng đó là bản Hài. Nay xác định đó là bản Hài thuộc phường Chiềng An thành phố Sơn La. Xưa kia vì bản Hài là trung tâm châu mường nên gọi là Viềng Hài.
Trung tâm châu mường gọi là Chiềng An nên tên châu mường cũng gọi là Chiềng An. Những mường nhỏ thuộc phạm vi châu mường có: Mường Trai hay Chiềng Nghiêm, Mường Bú hay Chiềng Biên, Mường Chùm, Mường Chiến. Theo Quam tô mương, khoảng thế kỷ XV sau đời Ta Ngần có Duông Cằm là thủ lĩnh, Mường La bắt đầu phát triển thế lực. Đến khoảng thế kỷ XVII đời thủ lĩnh Bun Phanh, Mường La đã trở thành châu mường có ảnh hưởng khắp vùng “Mường Sáu Châu Thái”.
Khoảng thời Lê Mạt, Mường La được Trịnh Sâm đặt là châu Sơn La. Như vậy thế kỷ XVIII triều đình cũng xác nhận Mường La là một châu mường tách khỏi ảnh hưởng của Mường Muổi (Thuận Châu).
8. Mường Muổi
Hiện nay chưa biết ý nghĩa tại sao có tên Mường Muổi, nhưng có thể nói chắc chắn rằng đó là một mường xuất hiện và đồng thời nổi tiếng từ khi Lạng Chượng dẫn người Thái di cư từ Mường Lò đến (thế kỷ XII). Nó trở thành trung tâm các vùng cư trú cả người Thái ở miền tây nói chung.
Trung tâm Mường Muổi gọi là Chiềng Ly (hay còn gọi là Chiềng Pha) nên châu mường cuang được mang hai tên này.
Các mường nhỏ thuộc phạm vi châu mường gồm có:
- Mường Sại hay Chiềng Muôn (nay tách thành hai xã Mường Sại (Chiềng Muôn cũ) và Chiềng Bằng), Mường Piềng hay Chiềng Khoang nay thuộc huyện Quỳnh Nhai (tách từ Thuận Châu đồng thời sáp nhập vào Quỳnh Nhai năm 2004).
- Chiềng Pấc, Mường Ék hay Chiềng Ve nay nay thuộc Thuận Châu.
- Mường Lằm đã tách nhập vào huyện Sông Mã (từ ngày 7-5-1955 khi khu tự trị Tây Bắc(?) ra đời).
- Mường Quài nay là Tuần Giáo. Thời Lê Mạt tách khỏi Mường Muổi thành châu riêng.
Mường Muổi còn có tên là Thuận Châu. Tên Thuận Châu tuy mới xuất hiện thời Lê sơ nhưng đất Mường Muổi có thể đã được ghi nhận rtong châu Lâm Tây của thời Lý. Đời Trần thì gọi là Mỗi Châu (Mỗi là do phiên âm từ chữ Muổi). Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi ghi nhận tên Thuận Châu. Tên này xuất hiện với ý nghĩa các tù trưởng ở đây đã sớm quy thuận nhà vua. Như vậy tên Thuận Châu ra đời vào năm 1435.
Hiện nay Mường Muổi vẫn là huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La.
9. Mường Thanh
Mường Thanh tên cũ là Mường Then. Một tên mường gắn liền với các thần thoại và truyền thuyết về sự phát sinh dân tộc Thái. Đó là đất tổ của nhiều ngành Thái ở Đông Nam Á. Khi Lạng Chượng đưa bộ phận người Thái Đen từ Mường Lò vào Mường Thanh thì lúc đó đã có hai mường; Thanh Nữa (Thanh trên) cắm từ bản Nong Hẹt đổ ngược về đầu sông Nặm Rốm. Tại đây có trung tâm Mường THanh là của toàn châu mường; Thanh Tảư (Thanh dưới) từ bản Nong Hẹt đổ xuôi về cuối sông Nặm Rốm. Tại đây có Viềng Sam Mứn (Thành Tam Vạn) cổ kính của người Thái Lự xây dựng. Các mường thuộc Mường Thanh xưa gồm:
- Mường Phăng, Mường Nhà, Mường Lói nay thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
- Mường Luân nay thuộc huyện Điện Biên Đông.
- Mường Lèo, Mường Và, Sốp Cộp nay thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La.
- Mường U (gồm cả Mường U Tảư, Mường U Nưa) nay đã thuộc tỉnh Phong Sa Lỳ đất Lào.
Mường Thanh xuất hiện trong sách Hưng Hóa xứ phong thổ lục của Hoàng Bình Chính với cái tên động Mãnh Thiên (một tên phiên âm bằng chữ Hán của Mường Then). Vì lúc đó một thủ lĩnh phong trào nông dân nổi tiếng là Hoàng Công Chất đã lấy trung tâm Mường Thanh để xây đắp thành lũy gọi là thành “phủ Chiềng Lè” (tên Thái và phiên âm là Trinh Lệ). Thời đó Mường Thanh trở thành căn cứ của phong trào nông dân nổi dậy chống triều đình Lê – Trịnh mục nát; đồng thời cũng là trung tâm toàn thể khu vực “Mường sáu châu Thái” đúng như câu:
“Đây! Dưới xuôi có vua
Trên này có chúa.
Những miền như Mường Puồn, Châu Ét
Từ Đà Bắc, chợ Bờ
Lại phía trên như Mường So, Mường Là đổ lại
Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh…”
Hoàng Công Chất (sau con là Công Toản) ở đất Mường Thanh từ năm 1754 đến 1769. Sau khi phong trào bị triều đình đàn áp, đến năm Cảnh Hưng thứ 38 (1977) triều đình đặt Mường Thanh là châu Ninh Biên thuộc phủ Yên Tây. Triều đình lúc đó cũng thừa nhận rằng ranh giới của châu Ninh Biên có tất cả 12 mường nhỏ gộp lại(?) trên tiếp giáp với Nâu Giang (Nậm U) và các nước Nam Man Xa Lý (miền Phong Sa Lỳ) dưới tiếp giáp Tuần Giáo, tả tiếp giáp Ai Lao, hữu tiếp giáp Lai Châu…
Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) nhà Nguyễn lập ra phủ Điện Biên bao gồm châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu lỵ sở đặt ở châu Ninh Biên. Từ đó mườngthanh mang tên Điện Biên Phủ.
10. Mường Lay
Tên Mường Lay có thể xuất hiện từ khoảng thế kỷ VIII (hoặc muộn hơn vào thế kỷ X) lúc xảy ra cuộc nội phản của binh lính Thái với các thủ lĩnh của người nói tiếng Tạng – Miến các thủ lĩnh Thái đã và đặt tên là Mường Lay (lay có nghĩa là đuổi).
Trung tâm Mường Lay gọi là Chiềng Vai và tên này cũng trở thành tên của châu mường. Mường Lay xưa gồm các mường nhỏ gộp lại là:
- Mường Mùn (Mồn). Trong Dư địa chí đã ghi nhận Mường mùn là Luân Châu thuộc phủ Yên Tây. Đến đời Cảnh Hưng đổi thuộc phụ Gia Hưng. Năm 1920 thực dân pháp nhập Luân Châu vào Tuần Giáo, hiện nay là xã thuộc huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
- Mường Tè, Mường Bum (Bôm), Pù Phang, Mường Mô. Ngày mùng 7 tháng 5 năm 1955 những mường nhỏ này được tách khỏi Mường Lay để thành lập huyện Mường Tè. Hiện nay huyện Mường Tè thuộc tỉnh Lai Châu.
- Mường Chà nay chia làm 3 xã Chà Tở, Chà Cang, Chà Nơ, gọi chung là “Ba Chà”.
Mặc dù Mường Lay có thể đã là đất thuộc châu Lâm Tây đời nhà Lý, nhưng năm Khai Hựu thứ 9 đời Trần Hiến tông (1337) mới đặt Mường Lay là châu Ninh viễn. Mùa xuân năm Nhâm Tý (1432) đúng một năm sau khi Lê Lợi dẹp xong Cát Hãn, nhà vua đổi châu Ninh Viễn thành châu Phục Lễ Với ý nghĩa là tù trưởng Mường Lay đã quy phục triều đình. Và đến năm 1435 Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi ghi là Châu Lai (do phiên âm chữ Lay – TG). Ngày mùng 1 tháng 1 năm 1910 Duy Tân thứ tư thực dân Pháp lập ra tỉnh Lai Châu từ đó Lai Châu trở thành tên tỉnh. Mường Lay vẫn tên là Châu Lai.
Thị xã Mường Lay nay thuộc tỉnh Điện Biên.
11. Mường Tung (Tum), 12. Mường Hoàng (Hoan hay Váng).
Hai mường này người ta thường gọi gộp lại là Mường Tung Hoàng (hay Mường Tum Vang). Cũng như Mường Thanh (Then) người Thái coi mường này như “đất tổ” xa xưa. Đó là cõi Mường Phạ (trên trời) nơi hương hồn tổ tiên sống vĩnh cửu nên người ta gọi là “Mường Tung Hoàng ngoài vòm trời” (Mưỡng Tung Hoang nọk phạ). Người Thái coi vòm trời nơi ta có thể thấy được là “trời” còn ở phía tầng trên – “ngoài vòm trời” là Mường Phạ (Mường trời).
13. Mường Tiêng, 14. Mường Chiềng Khem.
Hai mường này người Thái gọi gộp lại là Mường Tiêng – Chiềng Khem.
15. Mường Chúp, 16. Mường Chiềng Mì.
Cầm Trọng (tác giả). Trích từ Người Thái Ở Tây Bắc Việt Nam.
(Nội dung ghi về các châu thuộc huyện, tỉnh đã được thay đổi so với bản gốc – 1977)
Đang cập nhật…..