
Cầm Văn Oai (hay Cầm Bun Oai) sinh năm 1871 tại bản Ban, Mường Mụa tức Mai Sơn, Sơn La ngày nay. Tên tiếng Thái là Cầm Thạch. Ông là nhà văn hóa ở Tây Bắc Việt Nam. Cha ông là chi châu Mường Mụa (Mai Sơn) Cầm Văn Thanh. Năm 1874, Cầm Văn Thanh được vua Hàm nghi ban kiếm và ấn tín chỉ huy quân Thập châu*.

Năm 1885, Cầm Văn Oai được Hội đồng bô lão Mường Mụa đưa lên làm thủ lĩnh Mường Mụa thay cha, lúc đó ông mới 14 tuổi. Năm Thành Thái thứ 19 (1900) ông được triều đình nhà Nguyễn phong hàm ngũ phẩm và đặt tên chữ là Văn Oai. Hội đồng bô lão ở Mường Mụa đặt thêm danh hiệu là Bun Oai (ꪁꪾ ꪚꪴꪙ ꪮꪫꪱꪥ). Chính quyền bảo hộ Pháp còn cho ông giữ chức Quản đạo để đứng đầu lính địa phương Mười hai châu Thái.
Là nhà văn hóa, ông đã để lại nhiều tác phẩm thơ văn Thái cổ. Những bài thơ tả cảnh thiên nhiên hoành tráng của quê hương Mường Mụa. Hai truyện thơ dài viết theo thể loại tự sự kể về hai lần phải đi công cán ở những miền đất ngoài Mường Mụa. Một tập kể chuyện chuyến đi Mường Lay (Quam Mương Lay – 1885) với trên dưới 2000 câu thơ. Một tập kể các sự kiện xảy ra ở vùng tả ngạn sông Đà thuộc Mường La và một phần Mường Lò (Văn Chấn) trong những năm 1886-1887 với ngót 3000 câu thơ, lấy tiêu đề là Quăm Mương Chiến (Kể chuyện Mường Chiến).

Tác phẩm nổi nhất của ông để lại là tập sách nhan đề “Lời khuyên người” (Quam xon côn). Với 548 câu có vần, ông vừa sưu tầm, chọn lọc các tục ngữ, vừa sáng tạo thành những châm ngôn ứng xử nhân tình thế thái. Tập sách này có giá tri đạo đức và triết lý mang đậm bản sắc tộc người Thái ở nước ta. Đến nay đọc lại, nhiều đoạn hầu như vẫn in nguyên giá trị giáo dục. Chẳng hạn đoạn khuyên người phải sống đoàn kết và tập hợp thành cộng đồng mới có sức mạnh như:
“Vỗ tay cần nhiều ngón – Bàn bạc cần nhiều người
Đừng tự sống cảnh cô quạnh – Nghe ầm ầm phải mau lui tới – Nghe tiếng đồn xôn xao phải vội đến coi – Có cộng đồng mới nổi – Nhập vào hội cùng người mới hay”.
(Tốp mư ha lai nịu – Cáo kịu ha lai côn – Nha tóm tỏ hák dú – Nghin hưn hựn len phăng – Nghin năn nương len bớng – Mí mú pưng chắng nổi-Khảu cuông hội đom pươn chắng đi).
Năm 1934, vì tuổi già sức yếu Cầm Văn Oai qua đời. Hội đồng bô lão đưa Cầm Văn Dung (con trai) lên kế tục cha. Đám tang của ông được tổ chức hết sức đinh đình. Ðây là sự kiện được người Pháp đặc biệt quan tâm và trong ký ức của người dân như ông Vì Văn Vần thì đó là một đám tang đặc biệt chưa từng thấy.

“Ðám tang kéo dài hơn một tháng.Các Châu người Thái ở Tây Bắc đều về dự đám tang. Hằng ngày đều mổ trâu bò để cúng, còn lợn và gà vịt thì giết không biết bao nhiêu mà kể. Các Châu Mường đến viếng đám tang đều mang theo lễ vật là trâu, bò và rượu, thuốc phiện và thực phẩm. Họ dự đám tang với gia chủ và ăn uống linh đình”. Người ta đã chọn một cây gỗ lớn, khoét thân bên trong thành một chiếc quan tài rồi rải phụ liệu ướp xác bên trong, đám tang kéo dài hơn 1 tháng mà không thấy hiện tượng xác phân hủy. Thi hài của ông được hỏa thiêu, tro cốt của ông Oai được mang sang bên kia cánh đồng và chôn bên một dòng suối. Cạnh đó có một tảng đá lớn khắc ghi tên và công trạng của ông đối với người Thái tại Mai Sơn.- Theo Tuổi trẻ Online.
Nguyên Tác Nguyễn Văn Hòa | Lịch sử văn hóa dân tộc Thái tổng hợp.
Ghi chú: Thập châu (Mười châu Thái) tên gọi vùng Tây Bắc xưa. Tùy vào từng thời kỳ mà có 16 châu, 14 châu, 12 châu, hay 10 châu mà có tên gọi khác nhau. Nhưng trong dân gian người Thái vẫn quen gọi là Xíp hốc châu Tay (Thập lục châu – Mười sáu châu Thái) tên gọi ban đầu của vùng này.
Bài viết liên quan:
-
Thủ lĩnh Cầm Bun Phanh – Anh hùng chống giặc ngoại xâm thể kỷ XVII
- Chúa Ta Ngần – Đại chi châu Cai quản 16 châu Thái cuối thế kỷ XIV đầu thể kỷ XV