Chúa Ta Ngần (1373 – 1416)- Nhân vật lịch sử

Ta Ngần (Con trai Ta Cằm, cháu ruột của Chúa Ngu Háu – Lò Lẹt) là thủ lĩnh Mường Muổi vào những năm 1373 – 1416, tương ứng với các đời vua Trần Duệ Tông ( 1372 – 1377 ), Trần Phế Đế ( 1377 – 1388 ), Trần Thuận Tông ( 1388 – 1398 ), Hồ Hán Thương ( 1401 – 1407 ) và chấm dứt vào những năm đầu nước ta bị quân Minh xâm lược ( 1408 – 1416 ). Đây cũng là thời gian vua Xam Xen Tay ( 1373 – 1416 ) trị vì nước Lào. Ta Ngần siết chặt sự thông nhất ở khu vực trung tâm : Mường Muổi, Mường La, Mường Mụa mà ngày nay là liên ba huyện ở giữa tỉnh Sơn La là Mai La Thuận (Mai Sơn, Sơn La, Thuận Châu ).

Nong Luông của Chúa mường (Ao Lớn) – Mường Muổi xưa. Hàng năm chúa cho người dân tha hồ bắt cả tại Nong Luông.

Khi Ta Cằm mất, Ta Ngần đã báo để hai anh em là Ta Đếch ( Mường La ), Ta Tòng ( Mường Mụa ) về chịu tang cha. Không những khước từ hai anh em này còn chạy lên Mường Lay, Mường Là (huyện Kim Bình – Vân Nam, Trung Quốc ngày nay ), kéo quân về quấy phá bản mường và ép anh phải chuyển ngôi thủ lĩnh Mường Muổi cho Ta Đếch. Lúc đó, Ta Ngần đang lo việc tang gia cha ở Mường Quải. Tức quá, bà Xen Mường đã lên sàn nhà cao, gióng tiếng mắng quân Mường Lay, Mường Là vi phạm điều tối kị trong luật tục Thái. Quân Mường Lay, Mường Là sợ quá bèn rút về quê. Ta Ngần đành cùng hai em là Cầm Nặm Nan và Ta Đăm thu xếp tang lễ cha, vắng Ta Đếch, Ta Tòng.

Việc xong xuôi, ông mới sang nói với vua Xam Xen Tay ở Mường Luông cho quân giúp Ta Ngần trừ được Ta Đếch và xử lý cách chức Ta Tỏng, đưa Mường Mụa, Mường La lại với Mường Muổi.

Thời đó, ở phía Bắc, các thế lực thống trị Mường Lay, Mường Tiêng, Chiềng Khem, Mường Chúp, Mường Mi… dùng vũ lực tranh chấp lẫn nhau quyền bá chủ.Thủ lĩnh Mường Lay Pétlạn Tănghéngxmơica đã nhiều lần xuống Mường Muổi cầu cứu Ta Ngần. Sau khi suy xét kỹ, Ta Ngần đã phái thủ hạ tin cẩn là Phatumehạng lên tìm cách dàn hòa. Sau hơn một năm, Phatumehạng, đã mời được những người đứng đầu các mường lớn như : Ấn Nham, Ấn Păn, Tạo Nỏi, Tạo Nhay, Tin Tong, Tạo Cuông tới gặp Pétlạn Tănghéngxmơica ở Mường Lay để bàn bạc. Do thu xếp mọi quan hệ khôn khéo, Phatumehạng đã tổ chức được lễ lớn để các thủ lĩnh cùng cắt đầu ngón tay nhỏ máu vào bát rượu ăn thề, từ đó không còn tranh chấp gây cảnh thương tàn.Mọi mường đều quy tụ về Mường Muổi, tự nguyện dâng vật cống Mường Muổi hàng năm để Ta Ngần lựa chọn đem về xuôi tiến vua Kinh.

Ta Ngần được vua Lào mến phục. Cũng trong thời gian đó, ở Chiềng Ten, Chiềng Tủm đất Lào có giặc từ  bên ngoài vào quấy rối. Vua Xam Xen Tay đã cho người sang xin Ta Ngần giúp. Ta Ngần đã cử con cả là Pha Nhu và em út là Xong Khuôn đưa quân Mường Muổi sang cùng vua Lào đánh đuổi giặc.Sau trận thắng lớn ở Chiềng Ten, Chiềng Tum,Vua Lào Xam Xen Tay rất kính nể Ta Ngần. Thế lực của Mường Muổi trở nên hùng mạnh hơn lúc nào hết.

Vua Xam Xen Tay coi các mường lớn, nhỏ quy tụ Mường Muổi là (bản anh mường em) nên đã đem hai thớt voi mang tên Cả ( hùng ) và Han ( dũng) có đôi ngà vắt chéo bọc bạc, bọc vàng cùng hai quản tượng giỏi sang biếu Ta Ngần. cùng với việc đó, vua Xam Xen Tay đã chính thức phong dải đất hai bên bờ sông Mã, thời đó được gọi là Hin Xong Phòng và Mường Thanh ( Song Thanh ) thuộc vào Mường Muổi để Ta Ngần cai quản. Nhận được đất, mường, voi, Ta Ngần đã xuôi về tiến vua Kinh. Có một tập Quam tô mương sưu tầm được ở Mường Piềng tháng 3/1971 ghi rõ là vua Thuẩn Tông, nhưng đối chiếu lại thấy ứng với vua Trần Thuận Tông niên hiệu Quang Thái ( 1388 – 1398 ).

Nhà Trần suy vong. Hồ Qúy Ly đoạt quyền lập ra nhà Hồ. Thế rồi vương triều mới này cũng bất lực và đất nước đã rơi vào ách thống trị tàn bạo của quân nhà Minh – Trung Quốc. Mặc dù vậy Ta Ngần vẫn tình nguyện đưa miền đất do mình cai quản thuộc cương vực triều đình Việt Nam. Có lẽ vì thế nên nhà Trần, sau đó là Hồ Hán Thương đã cho Ta Ngần được làm chúa để thừa lệnh trông coi một vùng đất đai rộng lớn. So với các khu vực địa lý ngày nay, có thể thấy vùng đất thời Ta Ngần cai quản gồm ba tỉnh : Sơn La, Điện Biên và Lai Châu

Nhờ đạt được nhiều công lao, Ta Ngần đã được vua Kinh tôn dùng, vua Lào mến phục.Đối với nhà vua, ông là bầy tôi trung thành. Đối với vua Lào, ông luôn luôn giữ được thế hữu nghị, không lệ thuộc. Ông mất vào năm 1416

Tổng hợp Nguyễn Văn Hòa (Nguyên tác)

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *