Là người Thái, sinh năm Cá Cạu (Quý Hợi, 1683) đời vua Lê Huyền Tông – Cảnh trị nguyên niên, có công lớn trong việc chỉ huy quân đánh đuổi giặc cỏ Phẻ ( Pong) hay Phẻ Co, Phẻ Kiền và Giẳng từ Vân Nam và Thượng Lào tràn tới giày xéo vùng Tây Bắc.
Cha là Cầm Bun Pành, người đứng đầu châu Mường La dưới thời vua Lê Hi Tông (1676 – 1705) và chúa Định vương Trịnh Cam ( 1680-1709). Mẹ ông là bà Cầm Bình, con gái của người đứng đầu Mường Chanh – mường phía ngoài thuộc châu Mường Mụa (Mai Sơn, Sơn La ngày nay). Vào khoảng 25 tuổi, ông được giao cai quản bản Tam ( nay thuộc xã Chiềng Đen), thị xã Sơn La), theo nguyên tắc tổ chức bản mường thời phong kiến “con nhà họ Tạo được phân ruộng; con nhà nòi được phân bản lấy dịch vụ”.

Dưới thời vua Lệ Dụ Tông (1706-1705) vào những năm niên hiệu Bảo Thái (1720-1729), miền Tây Bắc bị giặc Phẻ (Pong) tràn từ Thượng Lào vào giầy xéo. Sau đó, giặc Giẳng lại từ Vân Nam tràn tới tranh dành và dồn giặc Phẻ (Pong) vào cách đồng Mường Thanh. Cầm Bun Phanh đã cùng với Cầm Pơng, thủ lĩnh Mường Muổi chạy thoát sang Mường Bằng. Hai tạo được người Mường Bằng che dấu, nuôi nấng. Cầm Bun Phanh là người trí dũng song toàn. Ông cùng Cầm Pơng chiêu mộ, luyện tập binh mã, chỉ huy quân tiến từ vùng Nặm Pàn, chém đầu tướng giặc là Nông Dịn Thong, giải phóng Mường La, Mường Muổi, Mường Mụa. Cầm Pơng được ông cử trở lại làm thủ lĩnh và tổ chức binh mã ở Mường Muổi. Phía Mường Mụa, được biết tin Cầm Phẳn đang ẩn náu trong rừng sâu ven sông Mã chạy giặc, Cầm Bun Phanh bèn cử ngay người đi tìm đón về tiếp tục làm người đứng đầu. Dưới sự chỉ huy chung của Cầm Bun Phanh, quân của người Thái ở Muổi, La, Mụa thời đó khá mạnh.
Bị thất bại tại ba mường trung tâm ở vùng Tây Bắc, quân Giẳng khắp nơi lâm cảnh hoang mang cùng quẫn. Thừa thắng, Bun Phanh cho Cầm Pơng kéo quân lên phía bắc truy quét giặc Giẳng đóng ở châu Tiến (Chiêu Tấn) gồm: Mường Chiên (Quỳnh Nhai), Mường Khim, Mường Canh (Than Uyên), Mường Hồng, Mường Tháo (Văn Bàn), Mường Xo (Phong Thổ), Mường Là [huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc)]. Sau đó lại tiến sang phía đông giải phóng cư dân trên giải đất thuộc tả ngạn sông Thao thuộc tỉnh Lào Cai ngày nay gồm: Mường Dọ, Mường Bo, Mường Vảy, Mường Cái, Mường Mả, Mường Sát (huyện Bát Sát), Căm Lang (Cam Đường). Bun Phanh có Cầm Phẳn hỗ trợ, trực tiếp cầm quân truy quét giặc ở phía nam lần lượt giải phóng Mường Xang (Mộc Châu), Mường Vạt (Yên Châu), Mường Hạ, Mường Mun (Mai Châu), Mường Bi, Mường Sàng vùng người Mường ở Hòa Bình ngày nay. Từ đó Bun Phanh tiếp tục truy quét giặc ở Mường Pở, Mường Cảu, Mường Xàm, Mường Xen (nay thuộc tỉnh Hua Phăn nước Lào).
Bị truy đuổi ở khắp nơi, quân Giẳng đã chạy dồn vào cánh đồng Mường Lò. Trong một trận tập kích, Bun Phanh đã chém được một chỉ huy giặc Giẳng là Lỏ Sán Sun ở Cửa Nhì ( nay là lỵ của huyện Văn Chấn – Yên Bái), bắt được nhiều tù binh Giẳng. Ông không những không chém mà còn tha bổng cho họ trở về quê cũ, lại còn cho phép những ai có gia đình đều có thể ở lại làm ăn sinh sống.
Trong thời gian chiếm đóng, quân Giẳng đã giết hết con nòi tạo, trị vì đất Mường Lò trong suốt các thế kỷ XI-XVII và đốt hết sách chữ Thái, trong đó có bộ Quăm tô mương. Có lẽ vì thế đến nay, ta không biết gì về tung tích các chi họ anh ruột của Lạng Chượng: Ta Đúc, Ta Đảu, Lặp Li, Lo Li, Lạng Ngạng, Lạng Quang. Khi quân của Cầm Bun Phanh vào giải phóng Mường Lò khỏi tay giặc Giẳng đã không thể tìm được con tạo làm người đứng đầu. Bun Phanh bất đắc dĩ phải cử Cầm Bun Janh dẫn theo bộ hạ hình thành bộ máy tổ chức một đơn vị châu mường Thái theo mẫu hình Mường La thời đó. Họ còn đem theo
Quăm tô mương nên bộ sách này ở Mường Lò giống các bản sao từ Mường La. Ông cho mở lễ hội Xên cha lớn để mừng chiến thắng và tổ chức lại bản mường theo thể thức thời Ta Ngần thế kỷ XIV.
Ông được vua Kinh tin dùng. Nhà vua cuối đời Bảo Thái – có lẽ là Lê Dụ Tông năm Bảo Thái thứ 6 hoặc 7 (1727, 1728) đã ban sắc chỉ Nhất Hầu và phong cho ông tước Gia Ngãi tướng quân. Về danh nghĩa, triều đình đã cho phép Cầm Bun Phanh được cai quản một vùng rộng lớn gồm miền tả ngạn sông Hồng, nay tương đương một dải thuộc tỉnh Yên Bái, Lào Cai liền sang phía tây, thời đó gọi là “Mường Sáu châu Thái”* (Xíp hốc châu Tay) cùng với khu vực tương ứng với miền tây bắc tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hủa Phăn thuộc nước Lào ngày nay. Ông còn được vua Lào mến phục. Nhà vua ở Mường Luông Pra bang, triều đại Inthasom (1727-1776) cấp phong danh hiệu Upsayphạkhưng có nghĩa là “đấng cao siêu – chiến thắng – tiếng tăm vang lừng”. Người Thái thường gọi ông là Phia Minh có nghĩa “quang minh chính đại”.

Cầm Bun Phanh là người có công chống giặc ngoại xâm, đồng thời là người đứng đầu vùng Tây Bắc thời đó. Trung thành với triều đình, ông quyết không để miền Tây Bắc do mình cai quản lại trở thành một căn cứ riêng, tách biệt khỏi tổ quốc thống nhất. Là người chống lại việc chia cắt miền Tây Bắc của Hoàng Công Chất, ông đã bị Hoàng Công Chất bắt giam ở thành bản Phủ Chiềng Lề, Mường Thanh và mất năm 1763, thọ 80 tuổi.
BunPhanhVaHoangCongChat