“Ta leo” (ꪔꪱ ꪵꪨꪫ – mắt cáo) là một tấm phên nhỏ nan tre, đan hình “mắt cáo”, có 6 cạnh (hình lục lăng), là dấu hiệu kiêng kỵ để kiêng tránh, cấm kỵ, rất phổ biến trong sinh hoạt ở cư dân Thái.
Khi nghiên cứu ở miền Tây Nghệ An, Tiến sĩ Vi Văn An cho biết:
…”Hình mắt cáo đã trở thành vật tượng trưng cho sự che trở con người. Vật đó được gọi là “Ta leo”” (mắt cáo).
Ban đầu “Ta leo” được thầy mo sử dụng để trừ tà, che chở và phù hộ cho người đau ốm. Tới nay, các thầy mo vẫn tin rằng: khi phải ngủ trong rừng một mình hay ngủ một nơi nguy hiểm nào đó, họ chỉ cần buộc chăng một mảnh chài cũ trước cửa là có thể an tâm.

Với tư cách là những người có thể liên hệ được với trời – đất, thần linh, ma quỷ, sự độc quyền của tầng lớp thầy mo trong việc sử dụng “Ta leo” lâu dần đã trở thành vật biểu tượng của sự kiêng kỵ. Bởi vậy, trong một số nghi lễ giải hạn, khi trong nhà có sản phụ…, bao giờ các thầy mo cũng cắm một cái “Ta leo” hình mắt cáo, có sáu cạnh đan bằng nứa, buộc ở chân cầu thang để làm dấu hiệu kiêng kỵ.
Để tăng thêm tính huyền bí và nghiêm trọng của sự việc, họ còn buộc thêm cạnh “Ta leo” một cành lá xanh báo hiệu trong nhà có sự việc không bình thường. “Ta leo” còn được cắm ở đầu bản vào những dịp cúng bản (xên bản), cúng mường (xên mường) và nhất là khi cúng trừ dịch bệnh, hạn hán…
…Người Thái tin vào một lực lượng siêu nhiên vô hình nào đó, có thể che chở và phù hộ cho họ luôn được mùa màng bội thu. Vì thể, cùng với quá trình canh tác nương rẫy, người Thái đồng thời cũng tiến hành kèm theo một loạt các nghi lễ và tín ngưỡng.
Trong thực tế, nhận thức và việc làm của họ đôi khi lại trùng hợp ngẫu nhiên. Điều đó càng củng cố lòng tin vào sự che chở và phù hộ của các lực lượng siêu nhiên thần bí, rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Từ đấy, biểu tượng “Ta leo” một lần nữa được sử dụng vào mục đích che chở, bảo vệ mùa màng.
Lòng tin này còn được nhân lên trong tiềm thức của cư dân làm nương rẫy nến mức cho rằng: “Ta leo” được coi như biể tượng khẳng định chủ sở hữu của mảnh nương, khiến cho ma quỷ, muông thú khiu nhìn thấy cũng kinh sợ, không dám bén mảng đến.
Người Thái khi đối xương xong thường cắm vài cái “Ta leo” cao vút ở những gò đất cao nhất. Còn ở chính giữ – nơi dựng chòi nương, người ta trồng cả một cây “Ta leo” gồm nhiều loại như “Ta leo” hò” (“Ta leo” đơn) có một hình mắt cáo, “Ta leo” nhiều hình mắt cáo (“Ta leo” kép). “Ta leo” me mải (“Ta leo” bà góa – trên “Ta leo” này còn giắt vào một khúc gỗ đẽo thành hình dương vật)…
Trong các hoạt động kinh tế hằng ngày, “Ta leo” còn được dùng làm dấu hiệu của chủ sở hữu như gắn “Ta leo” vào một cây gỗ quý, cây ăn quả trong rừng, cây có tổ ong hay một vũng suối có nhiều cá… để chiếm lấy.
Như vậy, tập quán dùng “Ta leo” của người Thái ở miền Tây Nghệ An là một tín ngưỡng dân gian phổ biến, phản ánh một hình thức tôn giáo thời kỳ sơ khai. Nó chẳng những trở thành biểu tượng của sự che chở, bảo vệ, dấu hiệu kiêng kỵ và sau cùng là dấu hiệu của chủ sở hữu tồn tại cho đến tận ngày nay. Nó còn phản ánh đời sống tâm linh mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân nông nghiệp”.
Bài viết được trích từ sách Văn hóa tộc người Thái, NXB QĐND năm 2016 (Cầm Trọng – Chu Thái Sơn – Chủ biên)
Chân thành cảm ơn anh Lò Văn Khổng (Sông Mã, Sơn La) đã cung cấp bức ảnh này.