TÒNG ĐÓN – ĂM CA – Truyện kể dân gian Thái (Bản dịch)

Tòng Đón và Ăm Ca là nhân vật có thật vào thế kỷ XVII. Ăm Ca tên thật là Cầm Ăm Ca (ꪁꪾ ꪮꪾ ꪀꪱ) con gái của chúa đất Mường La phìa Cầm Cong. “Nàng là người thông minh biết nhiều, giỏi chữ nghĩa nên thường giúp tạo sắp xếp việc bản mường. Một hôm, nàng nằm mơ thấy được kết hôn với một người nghèo khổ. Nàng theo giấc mơ đi đến Nậm Pàn nơi Văng Mòn gặp được Tòng Đón. Nàng bèn cưới Tòng Đón và xin phép cha vỡ đất cùng chồng ở đấy xây bản, dựng mường”.

1. Ăm ca:

Từ xưa đến nay dân tộc Thái không có người phụ nữ nào tài giỏi được cầm quyền bao giờ, nay thấy chuyện có một không hai trong lịch sử nên ông bà, cha mẹ kể truyền lại để cho các con, cháu, chắt đời sau được biết.  Hồi ấy, vào thời Ta Ngân làm đại Phìa đóng sở lỵ ở Mường Muổi (bây giờ là Thuận Châu tỉnh Sơn La). Tại Mường La do ông Cầm Coong làm Phìa thủ lĩnh đóng mường lỵ tại Viêng Giảng (nay là vùng bãi bằng đất Bản Giảng thuộc phường Quyết Thắng thành phố Sơn La). Ông Cầm Coong kết duyên cùng Nàng Dăm là con gái Tạo Ten ở Chiềng Khừa. Phìa mường sống bên Nàng Bà cầm quyền làm Phìa cai quản dân khắp mường (nay là vùng đất huyện Mường La và thành phố Sơn La). Từ đó tới nay tính ra đã trải qua mười tám đời người. Phìa chăm lo xây dựng bản mường thịnh vượng, dân yên ổn làm ăn sinh sống và ngày càng thêm được mở mang, kinh tế, văn hóa phát triển. Phìa giữ mọi luật tục ông cha xưa đã đặt ra, việc thờ cúng lễ hộ, chữ Thái được học và dùng trong công việc ở địa phương và sáng tác thơ ca, bản mường thật an vui.

Nhà Phìa sung túc, tiền của có dư, không thiếu thốn gì. Chỉ khốn một nỗi đã lâu, mong mõi mãi mà ông bà vẫn chưa sinh được đứa con nào. Phìa phải mổ trâu mời thầy mo mường đến cúng cầu tự lên Then Bảu Ló (nữ thần Bà Mụ đúc khuân thai nhi) và Then Phắt Phán (thần số phận) xin cho có con. Nàng Dăm mang thai sang tháng thứ mười, sinh một bé gái rất xinh, Phìa đặt tên nàng Ăm Ca.

Tòng Đón – Ăm Ca (Minh họa)

Phìa Cầm Coong vui mừng nhưng vẫn muốn có thêm con trai để nối dõi tông đường. Chức Phìa mường khi ngài có tuổi cao phải có con trai mới trao quyền Phìa nối tiếp được vả lại con trai còn giữ lễ bái, giỗ tết, thờ cúng tổ tiên.  Phìa nghĩ tại Nàng Dăm hoi, khó sinh nở được đông con nên Phìa lấy bà nàng Hai cũng lâu không sinh nở, ông lại lấy bà nàng Ba sau rồi cũng có được con trai nhỏ.  Ăm Ca lớn lên càng xinh gái, học giỏi và rất thông minh. Nàng giỏi văn, tinh thông luật bản, lệ mường, giỏi việc cai quản bản mường và “Hịt puk tạo peng quan”  lệ sắp đặt các chức sắc bản mường. Nhiều lần nàng đã cố vấn cho cha những việc khó khăn trong cai quản, xây dựng bản mường cần phải ra sức khéo léo giải quyết. Nàng được Phìa cha và hội đồng bô lão toàn mường công nhận là một phụ nữ thông minh, tài giỏi nay mới thấy có một Ăm Ca này ! Lệ xã hội bản mường Thái không cho phép phụ nữ được cầm quyền bất kể từ cấp thấp nhất là “quan bản, chá bản” ở thôn bản, lên đến cấp “mường nok” cấp tổng xã, không nói gì đến châu mường (cấp huyện). Thế nhưng thấy Ăm Ca tài cao, được Hội đồng bô lão toàn mường nhất trí, Phìa Cầm Coong nhiều lần đã trao quyền cho con gái là nàng Ăm Ca giúp cha tham gia công việc mường, nàng làm việc chắc chắn, cẩn trọng, giải quyết mọi công việc chính xác, có lý có tình, đem lại kết quả rất tốt, nàng đã được dân tín nhiệm cao. Tuy vậy Ăm Ca vẫn chỉ là cố vấn cho cha, lệ mường Thái không cho phụ nữ được làm Phìa.  Năm Ăm Ca mười tám tuổi, nàng tài cao lại xinh đẹp nhất vùng, nhiều con trai “Tạo” kể cả những vị Phìa trẻ tuổi từ các mường khác đã nhờ manh mối đến xin cầu hôn nhưng nàng đều từ chối, không nhận lời với ai. Không thấy nàng quan hệ tìm hiểu yêu đương gì, người ta chỉ thấy nàng chăm lo việc công của bản mường. Ăm Ca còn khéo xem tướng số, tính sổ tử vi, đoán mệnh chính xác. Nàng đã tự xem số mệnh của mình, biết thân phận nàng sẽ phải kết duyên cùng dân thường, không hợp lấy con quan hoặc người là Phìa, Tạo. Chồng nàng sẽ là một người nghèo khổ hiện đang trú ngụ tại nơi Phương Đông. Người này Then Chăng đã se duyên định sẵn cho cuộc đời của hai người. Biết kỹ hơn, người ấy sinh sống bên bờ sông tại bản Hát gần vực nước Văng Môn. Đến mùa mưa tới, khi  vừa tạnh trời, đất còn ẩm, nàng đi kiếm măng gặp được người sẽ là chồng của nàng.

Đêm nằm ngủ, nàng mơ gặp người ấy, thấy dáng người mặt trắng trẻo xinh trai, tươi như hoa. Mộng rằng hai người chỉ nhìn thấy nhau rồi tạm xa cách. Nhớ đến giấc mơ, nàng mong ngóng chóng thành hiện thực. Nàng nghĩ thương anh chàng kia quá!

2. Tòng Đón:

Chàng ta đang sống tại bờ vũng nước suối lớn Văng Môn cùng mẹ đẻ bị hóa chồng. Chàng mặc áo rách, sờn gấu, thường ngồi câu cá về kiếm bữa. Thế nhưng trông người sạch sẽ, khuân mặt đẹp trai, so với nhiều chàng con nhà giàu, quyền quý chưa chắc đã xinh trai bằng chàng. Gái tơ gặp chàng đã có người thốt lên rằng: Ước mong sao được gặp trao đổi tâm tình với chàng và lấy được chàng thì dù cuộc đời có bị nghèo khổ đến đâu cũng không hề hối hận. Tuy con nhà nghèo nhưng chàng là người khôn ngoan, hiểu biết sống phải lẽ với đạo lý làm người. Chàng sống lủi thủi một mình tự nghĩ mình tủi phận nghèo hèn, không dám giao du gì với ai! Một đêm Tòng Đón trằn trọc không sao ngủ được. Đến quá nửa đêm, vừa chợp mắt, nửa tỉnh nửa mơ, chàng thấy có một ông già đến ngồi phía chân đệm chàng đang nằm. Nhìn kỹ thấy rõ hai bên má nhăn nheo, tóc bạc trắng toát, bộ râu dài trùm kín từ dưới tai xuống đến cằm, vầng trán nhô ra, người lớn cao to. Cụ già này nói chuyện rành giọt căn dặn chàng kỹ lưỡng:

– Mi là người có số mệnh trời đã định đoạt, mi sẽ là người được hưởng sung sướng. Mi sẽ lấy được vợ đẹp duyên cùng một nàng giàu có, con nhà quyền thế. Nếu mi muốn nom thấy mặt cô nàng sẽ là vợ của mi ấy, ngày mai tiết trời quang mây tạnh cô ta sẽ qua đây, mi chỉ mới được nom thấy mặt cô nàng. Phải chờ ngày tới số, hai người gặp mặt trò chuyện, trao đổi tâm tình với nhau đã mới có thể thành. Mi nhớ, sẽ có một đợt mưa tầm tã, đến ngày trời lạnh, mi hãy đến nơi mặt núi đá xù xì sẽ được gặp cô nàng đi tới đó. Hai người sẽ được nói chuyện với nhau kỹ càng. Rồi chờ đến ngày lành, người khác gả nàng cho mi. Mi sẽ được làm Tạo quyền cao, lúc ấy mi muốn khai phá ruộng đồng mở mang mường bản, mi hãy mổ trâu làm lễ cúng cầu thần nước, khấn mời Vua thủy tề nơi Văng Uông xơi cỗ rồi giúp mi, dù trăm công nghìn việc khó khăn, trở ngại, thần ta khác về giúp nhà ngươi hoàn thành.
Ông già râu dài, tóc bạc căn dặn Tòng Đón kỹ càng xong tự nhiên biến mất. Chàng mờ mắt ra không thấy có người nào ngồi gần nơi chàng nằm. Té ra đó là một giấc mơ làm chàng phải suy nghĩ ! Giấc mơ ấy liệu có thành hiện thực hay không ? Ông già kia là ai ? Liệu có phải thần đến báo mộng cho mình hay chỉ là một giấc mơ hão huyền ? Lời ông già nói chuyện, căn dặn, chàng nhớ rất kỹ không sai một chút nào.
Trời sáng, Tòng Đón ngủ dạy, cầm cần câu ra bờ sông, ngồi khuất bên một bụi cây gần đường, câu cá như thường lệ. Chàng ngồi chờ mãi, suốt từ sáng đến tận lúc mặt trời lên cao, đã gần trưa. Ngó lên bầu trời chỉ thấy đàn én liệng qua lại. Chàng ngóng mãi chẳng thấy một bóng nàng nào đi tới, ngồi nghĩ mung lung đến nỗi cá cắn câu rung cần chàng cũng không buồn giật.

3. Ăm Ca và Tòng Đón – duyên trời đưa lối

Ăm Ca ngồi nhà thấy buồn muốn đi chơi đâu cho khuây khỏa. Sáng sớm hôm sau nàng liền thưa với cha:

– Con xin phép đi dạo chơi vùng sông Nậm Pàn.

Cha nàng tùy ý con không hề ngăn cản. Ông sai mấy đứa gái hầu thắng yên cương vào con la cho cô cưỡi và chúng bay đi hộ tống theo cô. Một tốp con gái lên đường băng núi dài suối cạn dong duổi trên quãng đường xa vắng. Gặp đàn vượn đu đưa chuyền cây từ cành nọ sang cành kia, tìm ăn lá rau non. Bầy chim giang cổ dài cất tiếng gáy từng đôi làm bạn đường với các cô. Con chim gáy cũng gù ghì bên bạn đực. Con nào có đôi nó gáy tiếng to, con nào sống lẻ tiếng khẽ gù buồn. Ăm Ca cũng nghĩ thấy cảnh mình buồn, thương thay nghĩ đến người sẽ là chồng yêu quý của mình nơi đâu mà mãi vẫn chưa được gặp mặt. Trên đường đi, ngồi cưỡi trên lưng con la nàng chỉ nghĩ đến chàng. Núi tiếp núi chập chùng qua đi rồi tới bờ sông Nặm Pàn thoáng đãng, dòng nước trắng trong chảy êm trôi. Nàng bảo các cô đàn em lên tiếng hát giọng ngân dài cho vui. Tiếng ngân vang vọng vách núi đá nơi bờ bến.

Tòng Đón đang ngồi dưới gốc một cây to mong ngóng, chợt nghe tiếng hát, không còn chăm chú đến việc câu cá, chàng ngoái cổ lại trông, thấy một tốp đông các cô gái đang trên đường đi gần đến chỗ chàng ngồi. Nấp bên lùm cây, mắt lướt tầm nhìn, thấy toàn các cô gái trẻ nước da trắng ngần, mặc diện đẹp, áo long lanh những bộ cúc bướm bạc nẹp trên nền hồng đào, cô nào cũng đẹp tựa như sinh ra được đúc sẵn một khuân. Chàng nhìn thấy mà ngây ngất cả người! Chàng tự nghĩ đến thân phận mình, kẻ thấp hèn nghèo khó xứng đâu được với các nàng. May ra trông vào phúc đức Then Bun cho duyên phận ghép vào thành đôi! Sống nơi hẻo lánh xa xôi, nay được nhìn thấy những người đẹp, khác nào như giấc mơ vậy! Chàng tự nhủ mình: “Ta cứ xem rồi sẽ ra sao? Biết đâu nếu Then tác thành thì chuyện sẽ thành sự thực chưa biết chừng”.
Nàng Ăm Ca đi gần tới nơi, chàng thấy rõ nàng Ăm Ca người đẹp tuyệt trần, dáng thanh tao, da trắng hồng, mặt tươi, nước da nàng trắng đều mịn màng tựa như trứng gà bóc, thật quá đẹp! Ăm Ca nhìn thấy Tòng Đón một chàng trai nghèo khó đang ngồi dưới gốc cây trông lại phía nàng. Tuy nhà nghèo nhưng anh này dáng người dong dỏng cao, mặt hồng hào, nom thấy mặt chàng, nàng muốn nhìn mãi. Liên tưởng đến giấc mộng báo chẳng sai chút nào. Tòng Đón ngồi dưới gốc cây vừa run sợ vừa xấu hổ bởi trên thân mình chàng đang mặc chiếc áo mỏng manh sờn rách, áo rách trùm lên miếng vá che kín khỏi hở người ra. Chàng sợ các nàng trẻ trông thấy chàng thế này nghĩ mà quá chừng tủi phận. Áo rách đã vậy quần cũng vá chằng, ống quần sờn bơm, chàng xấu hổ tưởng như đã bị chết cứng nửa người. Nàng nhìn thấy chàng, chưa nói năng gì, nàng cùng tốp các cô gái đàn em tiếp tục đi qua đó đến bờ sông Nậm Pàn thăm xem vùng đất nhiều nơi. Nàng thấy ở đâu có bãi trũng bằng phẳng còn là rừng hoang đầy cỏ và rừng dướng mọc um tùm. Địa thế này có thể đến khai hoang, phá rừng đào đắp thành ruộng đồng cầy cấy lúa. Nàng xem thấy có một con suối cạn nhưng nước còn sâm sấp và gần đó có suối nước lớn chảy qua. Nàng qua con suối, đi men theo bờ bên kia ngược lên phía ngọn sông Nậm Pàn.
Tốp người đi tiếp, qua thác nước ngược lên nữa có dòng suối nhỏ chảy, chưa rõ đến tận nơi đâu. Nàng muốn rồi sau đây còn mở mang rộng thêm đồng ruộng nên gắng công đi xem xét nhiều vùng đất. Nàng đi đến một chỗ có ít thửa ruộng hẹp nơi đầu nguồn nước. Tại đấy có mấy nếp nhà nhỏ mới đến cư trú, quanh nhà và đường đi lối lại vẫn còn um cây cỏ hoang. Số người này, họ tránh việc công nơi bản mường đông đúc đến đây lập bản nhỏ lèo tèo nơi rừng vắng. Thấy cảnh sống của dân thế này, nàng động lòng thương, nàng rủ tốp đàn em vào đây nghĩ lại dừng chân dọc đường. Vài ba nếp nhà nhỏ rủ nhau mới đến khai hoang, cơ ngơi cuộc sống của họ còn xuềnh xoàng, chưa trồng trọt được gì là bao. Dân ở đây mừng vui đón tiếp nàng, mở rượu cần mời nàng và họ mổ gà vịt nấu cỗ mâm lớn khiêng đến, nàng và các đàn em cùng dự cơm tiếp đãi của dân nơi đây. Cơm rượu no đủ, tối hôm ấy nàng ngủ lại bản nhỏ này.

Sớm hôm sau nàng lại tiếp tục lên đường, băng qua núi, qua rừng, lội suối, có những quãng bên đường cỏ cây hoa lá đua chen nhau mọc. Nàng đi dọc theo một suối cạn chỉ còn sâm sấp nước, qua khu rừng già ẩm ướt, mem theo con đường mòn tới một nơi có tràn ruộng nhỏ người ta đang trồng lúa sớm bởi họ thiếu thóc không đủ ăn đến chờ mùa lúa. Qua đó, nàng tới chân vách núi đá, nom thấy rừng cây cuỗm, cây quoéo “mak chai” quả còn xanh. Nàng dừng chân ngồi nghĩ sai đàn em đi theo nghoèo muỗm xanh ăn chua trước bữa cơm trưa. Nàng đặt tên nơi ấy Bản Muông. Nàng rủ các em lại tiếp tục lên đường tới chỗ có một bãi bằng rộng tới sát chân núi, xem kỹ ra nếu khai phá sẽ không thành ruộng thửa ruộng, đất mặm lại khô cằn, bãi mọc đầy lau sậy. Tới đây đã trưa, thấy đói, nàng dừng chân nghỉ lại bên đường bọn đàn em chặt những ngọn lá lau sậy trải thay dát ngồi và dọn cơm ăn bữa trưa. Nàng đặt tên vùng đất này là Ỏ Muông mặn muối. Nàng sai các em cắm cọc đánh dấu mốc khu đất của nàng làm chủ sẽ đến mở mang. Tốp người lại ra đi, qua một bãi rừng cây trúc dài “mạy lay” trên đường về nhìn xa nom thấy thành lũy, nàng sắp tới nhà. Thành này ngày xưa người Xá rồi tiếp đến người Lào tới xâm chiếm đã dựng nên và sửa sang lại chắc chắn. Đời Ta Ngân làm đại Phìa đóng sở lỵ ở Mường Muổi đã đưa quân và voi chiến đến đánh dẹp, giặc thua chạy tan tác. Từ đấy Xá chạy bạt lên núi vùng xa hẻo lánh trốn tránh và tàn quân Lào chạy lui về nước Lào, từ đó ta chiếm lại. Cho đến ngày nay thành vẫn còn vững chắc. Do có sự tích ấy nên vùng đất có tên Phiêng Đôn. Bản mường nhiều giặc giã đến cướp bóc, dạo ấy lại có giặc Xấc Giẳng từ phương bắc kéo quân đến cướp phá bản mường, dân ta khổ sở điêu đứng. Phìa ta ra sức dẹp, mãi mới đánh đuổi được giặc chạy ra khỏi bản mường, từ đó dân ta được trở lại cuộc sống yên vui. Nơi khu rừng trúc dài ấy Ăm Ca đánh dấu mốc và đặt tên Tông Lay. Tuy đứng trên vùng cao nhìn về thấy thành lũy nhưng đoạn đường còn xa. Các cô vẫn còn đi trên quảng đường rừng dài, nghe tiếng loài chim, bầy giang kêu trong rừng vắng, gió thổi nhẹ đung đưa lay ngọn các khóm tre, đi một quãng nữa tới hang một núi đá. Tiết trời oi bức, họng khô khát nước, Ăm Ca xuống ngựa dừng chân nghỉ sai các em đi múc nước nguồn trong mát uống. Các cô em múc nước mát về, đặt trầu bổ cau đựng vào chiếc khay nan bưng tới mời nàng chị uống nước xơi trầu. Tại đấy có vài nhà dân và một tràn ruộng nhỏ, Ăm Ca đặt tên nơi ấy gọi là Bó Ma. Xong nàng lại tiếp tục một đoạn đường nữa trở về.

Tới nơi cột xích voi vào khu thành Viêng Giảng quang đãng, về tới nhà. Trước hết, nàng lên lầu chào cha, cô trình cha là Phìa Cầm Coong và mẹ đẻ cô Nàng Dăm biết cô đã về. Cô đi vắng lâu ngày mẹ mong ngóng cô mãi. Cô kể chuyện lại quãng đường xa cô đi xem xét vừa qua, con đi nhiều nơi nên lâu trở về, bởi con có ý định khai phá một số vùng đất rừng hoang khai phá cho thành đồng ruộng đưa dân đến ở  đông đúc, mở mang thêm ruộng đất mường ta. Những chỗ định đến, có thể khai phá được con đã đánh dấu cột mốc. Nghe con nói, Phìa cha, cùng Phìa bà rất vui mừng. Ông bà khen con gái và nhắc lại rằng: tuy là gái nhưng con có số, có tài dựng mường gom dân là vậy! Ăm Ca thưa tiếp cùng cha mẹ rằng: “con muốn được mở mang bản mường tiếp nối cho đời sau, mường ta rực rỡ đến đâu chờ xem đến ngày thành công tùy trời trong sáng và ánh sao tỏa rọi tới”.

Thưa chuyện cùng cha mẹ xong, Ăm Ca lên phòng lầu riêng của mình. Nghĩ nơi phòng vắng, nàng nghĩ đến người sẽ là chồng yêu của nàng. Tiếc ngày qua ngày, mong mỏi hoài, mặt trời lặn, tối đến đi ngủ. Nàng mơ thấy gặp Tòng Đón, hai người bên nhau nói chuyện tâm tình. Nàng thấy tại một khu rừng già bên vũng nước lớn giữa sông, trời xe duyên cho hai người nên đôi lứa. Bỗng giật mình tỉnh dậy, biết đó chỉ là một giấc mơ. Nàng ngồi thở dài, chẳng thấy chuyện Tòng Đón nơi đâu. Trong trái tim nàng chỉ có hình bóng chàng, đêm tối ngắm bầu trời thấy sao sa và ánh trăng lọt qua kẽ phên vách dọi vào phòng nàng. Tự nhủ rằng chỉ có nàng nghĩ đến chàng chẳng yên, đêm ngủ không sao chợp mắt, nằm chằn chọc bỗng trời sáng. Ngủ dậy nàng ra khỏi phòng, xuống vườn ngắt bông hoa vừa hé nở, tay cầm hoa mà lòng chẳng vui, nàng nghĩ đến chàng.

Nói tới Đón, hôm nọ vừa mới nhìn thấy mặt nàng có một lần, về nhà cứ nghĩ nhớ. Một đêm chàng nằm ngủ mê. Mơ rằng chàng với nàng trở thành đôi vợ chồng, được sống bên nàng thỏa mãn lòng mong ước. Mơ thấy hai người yêu thương nhau, rủ nhau lên lầu trình diện Phìa cha, được cha mẹ gả con gái cho và chàng trở thành con rể của một vị Phìa thủ lĩnh mường bản. Bỗng giật mình tỉnh dậy, đó chỉ là giấc mơ. Nghĩ thấy tủi phận nhưng Tòng Đón vẫn còn trông mong vào số phận, biết đâu nếu được Then Chăng se thành ắt sẽ nên duyên. Nhưng rồi cứ nghĩ luẩn quẩn, nếu trời không tác thành đôi lứa thì quả là tội nghiệp cho kiếp một anh nghèo. Chàng mơ tưởng nhiều đến nàng mà buồn, đến bữa cơm chẳng buồn ăn. Suốt mấy ngày liền trời mưa tầm tã, bỗng trời tạnh, mặt trời mọc, tia nắng rọi vào rừng già. Tòng Đón cầm chiếc nỏ, đeo ống tên vào lưng, xuống cầu thang lững thững đi đến chân vách núi đá.

Nàng Ăm Ca đang ngồi nhà buồn, suốt mấy ngày liền trời mưa tầm tã. Nàng mong hôm nào tạnh mưa, trời nắng ráo, đường khô, đi đâu mới đi được. Nàng vẫn nhớ đinh ninh giấc mơ hẳn thần báo mộng. Mơ rằng trời mưa suốt ba ngay đêm liền, ứng nghiệm đúng bởi hôm nay vẫn còn đang mưa. Khi nào tạnh mưa, trời nắng lên, ta hãy đi tới núi đá Pha Đao. Nàng thực hiện theo giấc mộng báo. Mưa suốt ba ngày đêm liền, bỗng rồi trời tạnh, nắng lên nàng trình cha xin cho phép con được đi dạo chơi kiếm măng trong rừng. Cha nàng bằng lòng, không ngăn cản gì con. Cô bảo các cô gái hầu theo cô, đem dao thuổng đeo thứ đựng đi chơi kiếm măng. Tốp gái hầu theo cô lên đường. Lát rồi họ đi tới vách đá chân núi. Các cô rủ nhau vào rừng kiếm măng. Vừa vào một quảng nghe tiếng có người đang chặt chém cây rừng, các cô tới gặp hỏi thăm anh này đến đây làm gì mà vào rừng có một mình. Anh chàng đáp, tôi đặt bẫy đánh bắt chim thú từ hôm qua, nay đến thăm xem có con chim, sóc, gà rừng nào mắc bẫy của tôi không ? Rừng rậm quá, tôi chạt phát cây cỏ lấy lối đi đó thôi!      Nghe tiếng nói, Ăm Ca vội bước ra, gặp nom mặt anh chàng này là ai, đã mấy ngày qua nàng đang mong mỏi được gặp Tòng Đón. Thấy nàng bước lại gần, anh chàng bỗng sợ hãi nấp tránh đằng sau một lùm cây có gai. Chàng vừa xấu hổ lại vừa sợ đến run cả người. Nàng lên tiếng hỏi: “anh nào mà lẩn tránh ở đây vậy? Hãy ra đây cho tôi hỏi thăm đôi điều chàng ơi!”

Chàng nhìn thấy Ăm Ca, đôi mắt long lanh dáng sắc sảo, mặt trắng hồng tươi đẹp. Không thể trốn tránh được nữa, chàng liền từ phía sau bụi cây bước ra, tới gần chỗ nàng. Chàng lên tiếng chào hỏi:

– Các nàng tới đây tìm kiếm gì vậy ? Hay có công việc gì mà các nàng tới vùng này ? Vào rừng mùa mưa cỏ lau sậy đang um tùm rậm rạp lắm.

Hai người chằm chằm nhìn nhau. Nàng đáp:

– Tôi không có việc gì, chẳng qua chúng tôi tới rừng bên này kiếm măng đó thôi! Tôi không lo ngại sợ gì gấu, hổ, bởi chúng tôi nhiều người, tôi đã có các em gái bảo vệ đi theo.

Nàng bảo mấy cô em xa nàng ra, nàng có câu chuyện muốn nói riêng với chàng. Nàng hỏi thăm gia đình chàng ở đâu ? Song thân chàng còn khỏe mạnh cả không ? Và chàng đã có gia đình cả chưa? Tòng Đón đáp lời Ăm Ca:

– Nàng hỏi thăm đến mà tôi vừa buồn, vừa cảm động đến trào nước mắt. Cảm ơn nàng đã thăm hỏi đến kẻ nghèo khó này. Xin nói thực, không dấu diếm gì nàng, tôi nghèo khổ mồ côi cha từ nhỏ, sống bên mẹ tôi cùng trong một cảnh nghèo. Từ tôi còn bé, nhờ mẹ tôi kiếm cơm, đào củ mài rừng nuôi tôi qua nhiều năm, nay tôi được lớn lên bằng này. Mẹ tôi đặt tên cho tôi từ bé là Tòng Văn Đón. Nhà tôi sống cùng bà con trong bản Văng Môn. Ruộng không có, đói thiếu, sớm tối mẹ tôi phải đi ăn xin nàng ơi! Hoàn cảnh nhà túng thiếu, hai mẹ con nuôi nhau còn không đủ, lấy gì mà cưới vợ, tôi vẫn sống đơn lẻ bên mẹ tôi mà thôi!

Biết rõ hoàn cảnh của Tòng Đón, Ăm Ca trao đổi tâm tình với chàng:

– Anh đừng buồn, đừng lo gì nữa. Đôi ta Then trên trời cao đã định số kiếp, chúng ta sẽ được chung sống một gia đình. Biết số mệnh của mình, em vẫn mong đến ngày nào đó sẽ được gặp chàng. Em đây tên là Ăm Ca, ở thành Viêng Giảng giúp cha em chăm lo cai quản, xây dựng đất mường. Dân các bản trong khắp mường đều dưới quyền cha em coi sóc. Thành lũy nơi cha em đóng bản doanh to rộng, nay đã gặp anh, em mời Tạo về nhà em thành đôi cùng sinh sống. Của cải trong gia đình em không thiếu thứ gì, vùng đất toàn mường rồi Phìa cha em sẽ trao quyền cho vợ chồng ta cai quản.

Tòng Đón đáp lời trao đổi tâm tình với Ăm Ca:

– Tôi đây con nhà nghèo khó, bị người ta ví như loài chuột rừng, sống lủi thủi, có dám ngẩng mặt lên nhìn ai bao giờ. Giao dịch, nói năng với mọi người còn chưa nên lời. So với nàng, không khác gì con cầy nhỏ nhọ mà sánh sao được với voi nơi rừng cây cao cả. Tôi phận thấp hèn đâu dám nghĩ tới lên tận ngôi sao trên trời. Xin nàng đừng nói đến việc đó làm tôi thêm phiền lòng. Tôi không có lỗi gì với nàng dù là nhỏ xíu bằng lá gan con bọ mò.

Ăm Ca thấy cần từ tốn khuyên giải thêm và cần thực tâm với chàng để chàng tin. Nàng hạ thấp giọng thì thầm và nhích lại ngồi sát bên chàng. Nàng cầm bàn tay chàng nói:

– Anh đừng lo không sợ chút gì cả. Bởi đôi ta trời đã se duyên, em đến đây tìm anh do thần báo mộng, gặp anh dạ em bồi hồi, mừng vui khôn xiết.

Hai thân hình ngồi sát bên nhau, tự nhiên cả hai đều cảm thấy ấm lòng, mê mẩn tâm hồn như giấc mộng mơ đêm trước. Tòng Đón thực lòng nói với Ăm Ca:

– Nhà tôi quả thực rất nghèo khó, quần áo rách cũng chẳng đủ che thân, người tôi gầy còm, nước da xanh bủng do ăn uống thiếu thốn. Nàng thương đến, đã nói với tôi những điều tốt lành, tôi chỉ biết sớm tối sinh sống bên mẹ nghèo, tôi chỉ biết cám ơn lòng tốt của nàng đối với tôi mà thôi!

Ăm Ca lại tiếp lời:

– Số phận đem đến, trời đã định kiếp se duyên, em không dám chê xấu nghèo. Đôi ta trở thành chồng vợ sống với nhau suốt đời đến trọn một kiếp người. Anh lo gì đến bộ quần áo mặc, việc ấy là trách nhiệm của phụ nữ, anh hãy để em liệu. Anh đừng lo gì đến phận nghèo mà sinh ảnh hưởng buồn phiền, em xin hứa với anh trong suốt cuộc đời, em sẽ không bao giờ nhắc nhủ đến quá khứ đói nghèo của anh, để anh tủi lòng.

Hai bên thông suốt, không còn điều vướng mắc riêng tư, nàng chủ động ôm chặt lấy chàng má hai người áp sát vào nhau, hai thân hình quấn quyện nhau như một. Khác nào như ruộng đồng đang hạn hán bỗng nhiên gặp mưa rào. Cảnh tượng này thì đến đàn chim nom thấy cũng ngất ngây quên bay lượn! Thế rồi nàng nói với Tòng Văn:

– Đôi ta hãy về nhà em anh ơi! Ta về ra mắt, trình diện thưa cùng Phìa cha của chúng mình!

– Không có lệ đám cưới nào như thế này bao giờ. Thấy tự nhiên anh về với em, Phìa ông thấy một kẻ nghèo khó đến xin cưới vợ tay không, anh sợ cha sẽ đuổi anh đi. Và còn họ hàng thân thích bên em sẽ không nể mà thương tình gì đối với anh!

– Tất cả mọi điều đó anh hãy yên tâm để em lo liệu mọi bề chu toàn. Việc tác thành cho đôi ta cha mẹ đều  biết và đã sẵn sàng mừng vui tiếp nhận. Khi xem số tử vi và có thần báo mộng, em đã nói chuyện với cha mẹ em. Bố mẹ em đều đã biết số kiếp em sẽ lấy chồng là dân thường người nghèo sau mới làm nên nghiệp lớn, sung sướng, có quyền cao chức trọng có danh tiếng để lại đời đời cho mai sau.

Lúc đó, Tòng Đón thông suốt, không còn lo lắng, thú vui, chàng ôm chặt thơm má nàng mãi chẳng muốn rời. Rồi chàng nói với nàng:

– Nay anh đã rõ cả rồi nhưng ta hãy tạm xa nhau ít ngày nữa đã. Hiện mẹ anh đang ở nhà ngóng mong anh về. Lâu thấy anh về, mẹ anh sẽ buồn phiền, lo sợ, mẹ anh đi tìm anh không thấy sẽ khóc đến khàn cổ. Xin nàng hãy tạm trở về một mình. A về nhà nói chuyện này với mẹ anh, mẹ anh chọn xem ngày tốt sẽ sang xin hỏi cho phải đạo lý.

Ăm Ca vẫn giữ lại, không cho chàng về nhà với mẹ, nàng nói với chàng:

– Anh hãy nghe em thu xếp, bây giờ hai chúng ta thẳng đường lớn sóng đôi cùng đi về nhà em. Việc nhà anh, em sai bọn gái hầu sang thưa cùng mẹ để mẹ được rõ mà yên tâm. Các em gái đón mời mẹ sang ở bên này cùng chung sống với vợ chồng ta.

Thế rồi Tạo theo nàng cùng sóng bước, các cô gái hầu đi theo sau. Đến Viêng Giảng mở cửa thành, nàng và chàng thẳng lên lầu chính. Tòng Đón và Ăm Ca quỳ lạy thưa cùng Phìa cha, Nàng mẹ và cả các bà nàng gì Bé. Ăm Ca thưa mọi chuyện trước sau, nay đã gặp Tòng Đón và chàng trai đã được trời se duyên, xin cha mẹ tác thành cho chúng con trở nên vợ chồng. Phìa cha, Nàng mẹ và các nàng mẹ Dì đều vui mừng thuận ý, thương hai con. Phìa cha công nhận hai con là vợ chồng và tuyên bố từ nay trao quyền Phìa mường cho con rể và Ăm Ca là Nàng Phìa sinh sống, làm việc giúp chồng. Phìa sai mổ lợn, trâu mở tiệc cưới lớn, mời đông khách tới dự mừng vui. Hội đồng bô lão toàn mường, các Phìa tổng ngoài mường và giữa mường, các chức sắc trong mường, các Phìa tổng ngoài mường và giữa mường, các chức sắc trong mường, các quan bản toàn mường đến dự lễ cưới và mừng tiệc cưới rất đông. Ai cũng chúc mừng nàng Ăm Ca đẹp đôi. Mừng Phìa cha có rể quý sánh bên gái tài giỏi, được trao cho trọng trách cầm quyền làm Phìa nối tiếp dòng dõi cha truyền con nối. Chúc mừng bản mường an vui, đời đời phồn thịnh, dân đều một lòng tin tưởng, cung kính tuân lệnh Tạo Nàng Phìa trẻ.

Bên nhà mẹ đẻ Tòng Đón, Ăm Ca cho các cô gái hầu đến báo tin để bà biết. Bà đứng ngoài sàn nhà mong ngóng mãi không thấy con trai về, đến chiều mặt trời xuống thấp khuất sườn núi sắp tối đến nơi bà càng thêm lo lắng, nóng lòng. Đi từ tờ mờ sáng đến suốt cả ngày , không bao giờ con bà đi đâu lâu đến thế. Bà đoán chắc hẳn  có sự gì chẳng lành đến với con bà chăng? Lúc này con bà đang ở đâu, đang đứng nơi gốc cây nào trong rừng hay bị ma rừng bắt giữ con bà, hãy xin trời soi xét, thả cho con bà về, nó hiền lành không có tội gì với ai bao giờ! Bỗng bà thấy có một tốp người toàn phụ nữ mặc sang trọng đi tới. Họ hỏi bà:

– Nhà Tòng Đón ở đâu?

Tạm nguôi việc mong con, bà trả lời các cô gái:

– Chính tôi đây là mẹ đẻ của Tòng Đón.

Cả tốp các cô gái, mọi người đều ngồi xổm xụp xuống kính trọng chào bà mẹ và xin thưa:

– Hiện nay Tạo ở bên nhà Nàng, Phìa mường đang làm lễ thành hôn cho hai vợ chồng Tạo Tòng Đón và Nàng Ăm Ca, xong sẽ trao quyền Phìa mường cho Tạo và Nàng cai quản dân mường. Chúng con được sai tới đây mời mẹ đi cùng chúng con về mường lỵ sống cùng Tạo và Nàng.

Thấy vậy, bà mẹ quá vui mừng, bà nói:

– Tòng Đón con tôi được thế này tôi mừng đến như không bao giờ chết! Nhờ ơn Phìa và các quan chức trong mường dạy dỗ, nâng đỡ, thương đến con tôi! Tôi nhà nghèo, con tôi chưa giỏi giang gì mà cầm quyền bản mường. Nay tôi như đã được ngồi lọng cưỡi vong, kiếp người cải tử hoàn sinh vậy!

Tốp các cô gái đón bà mẹ lên đường đến gặp con trai  và nàng dâu mới. Ăm Ca rất quý mẹ chồng, nàng chăm nom cho bà chu đáo, ngày ba lần sớm chưa chiều nàng nhắc các cô gái giúp việc nhớ đun pha bưng nước nóng cho bà tắm rửa, chăm sóc cơm nước chu đáo. Khi gia đình có của ngon vật lạ gì, nàng đều bưng biếu mẹ chồng trước. Nàng thường nhắc Tạo chăm lo công việc bản mường, việc trông nom nuôi mẹ là trách nhiệm của nàng, Tạo yên tâm, không việc gì phải lo đến. Bà mẹ sống sung sướng, an nhàn nhờ vợ chồng con mình, bà quên đi kiếp khổ quãng đời đã qua.

4. Tòng Đón và Ăm Ca xây dựng bản mường

thấy được ý chí quyết tâm của hai con là Ăm Ca và Tòng Đón, Phìa Cầm Coong đã trao quyền làm phìa Mường cho Tòng Đón. Từ ngày Phìa Cầm Coong trao quyền làm Phìa mường cho con rể và con gái giúp chồng cai quản bản mường, ông bà an nhàn nghỉ dưỡng già. Tòng Đón –  Ăm Ca chăm lo xây dựng bản mường ngày càng phồn thịnh được dân ca ngợi, uy tín ngày càng cao. Phìa Tòng Đón được vợ kèm cặp, trở thành người tài, chữ nghĩa có trình độ văn học cao, nắm chắc và vận dụng hay các luật bản lệ mường. Phìa cũng tổ chức lực lượng bán vũ trang trong dân bảo vệ bản mường tốt, giặc đến cướp phá bị hẹp, dân sống an vui. Phìa Tòng Đón  bên nàng  Ăm Ca cầm quyền Phìa Mường được lâu năm. Từ Phìa Cầm Coong lấy thêm vợ thứ, rồi may mắn cũng sinh được một cậu con trai tên Tạo Cầm Bun. Nàng Ăm Ca luôn quan tâm dạy bảo, đào tạo cho em mình sau sẽ nối tiếp Tòng Đón. Khi Cầm Bun lớn lên, vợ chồng Tòng Đón trình lên cha Cầm Coong:

– Đất mường ta ruộng đồng còn hẹp nhiều nơi thung lũng vẫn còn bỏ là rừng hoang. Có ruộng đồng, mở mang thêm các bản dân mới phát triển thêm phồn thịnh. Chúng con xin trao quyền trông nom bản mường cho em Cần Bun, vợ chồng con đi khai hoang vùng Nặm Pàn, ở nhà có việc gì khó khăn cần đến chúng con, cha cho em gọi chúng con về giúp đỡ.

Nghe con rể, con gái nói vậy, Phìa cha không ngăn cản, ông khen các con đã có sáng kiến hay và chịu khó, chịu khổ bỏ công sức ra đi trực tiếp lo khai hoang mở mang bản mường, xưa nay rất hiếm có Phìa mường nào làm được việc có ích lớn vì mai sau như các con vậy.  Tòng Đón – Ăm Ca tổ chức lực lượng đi khai hoang, Phìa cha cho chọn số người đi, lấy thanh niên nam nữ có sức khỏe tốt, gia đình không bận người già, con mọn. Do đã xem xét từ trước nên Ăm Ca đã có sẵn dự kiến một số địa điểm vùng ven sông Năm Pàn trở về. Đến khu thung lũng rừng hoang, trước tiên Phìa cho phát rừng chọn địa thế lập bản, dựng lều lán, nhà tạm ở đã, sau khi có cơ sở làm ăn rồi mới lo dựng nhà bền vững. Vợ chồng Phìa cũng ở nhà tạm. Có chỗ ở, chỗ thổi nấu ăn, ngày ngày Phìa và Nàng hướng dẫn dân đi phát hoang, chặt sạch rừng lau sậy, cỏ cây, đắp bờ, cầy cuốc, dọn sạch các rể gốc cây, đào mương, lấy nước vào cầy cấy. Nhiều thửa gộp lại thành tràn ruộng, có nơi thành một cánh đồng. Mỗi khu đồng ruộng ít nhất từ ba hộ gia đình trở lên lập thành một bản. Hai vợ chồng lập một hộ gia đình. Nhiều bản lập thành một mường ngoài mường (sau này là tổng hay xã).  Đất rừng nhiều, thung lũng thấp còn là rừng hoang nhiều, nhưng muốn khai phá thành ruộng, cái khó là lấy nước từ đâu cho chảy đến mà cấy. Tạo và Nàng tính kế phải làm “phai” đắp đập ngăn nước suối, làm “lốc” cọn quay múc nước suối đổ vào máng, đào mương đưa nước từ máng dẫn chảy về đồng ruộng. Phìa Tòng Đón đang suy nghĩ tính kế làm mương và hệ thống dẫn thủy nhập điền thế nào quả là việc rất khó khăn. Đêm đến nằm ngủ, có thủy thần về báo mộng:

– Ta là thủy thần vũng nước Văng Vuông, ngươi muốn đắp dựng “mương phai” cho thành hãy mổ trâu nấu cỗ, mời thầy “mo” đến cúng cầu, ta sẽ giúp.

Phìa thấy khó nghĩ nhưng rồi đã thực hiện theo mộng báo. Phìa cho tìm mua một con trâu đực to khỏe, đem về làm thịt nấu cỗ cúng, mo mường đến khấn mời thủy thần nơi vũng sông Văng Uông về xơi cỗ, cầu giúp Phìa dựng “phai” thành công cho dân có nước đưa về đồng ruộng cầy cấy.   Một hôm, trời giữa trưa đang nắng chang chang bỗng tối sầm, gió thổi ào ào đổ cả cành cây, đất rung chuyển, thấy điềm lạ, Phìa Tòng Đón đoán chắc đã động đến thủy thần, ngài đang ra tay dựng mào. Bỗng nhiên có một người lạ mặt đến gặp bảo:

– Phìa muốn làm “phai” chỗ nào, nơi con suối nào, hãy đóng cọc đánh dấu cho thủy thần biết để còn liệu giúp. Và Phìa thông báo cho mọi người dân khi thấy có hiện tượng ban ngày tự nhiên trời tối sầm, gió lớn, đất rung như sắp bị đổ nhà, cứ yên tâm, không ai được chửi bới, nói bậy, kêu ca điều gì.

Thế rồi người ấy biến mất.  Phìa đi xem xét dòng suối chảy , chọn chỗ sẽ dựng đắp “phai” đóng cọc đánh dấu sẵn. Phìa thông báo cho dân biết việc đang cúng cầu thần thủy tề giúp phù hộ cho dân làm “phai” lấy nước vào ruộng đồng cầy cấy. Sửa soạn xong suôi, Phìa khấn trình báo thần thủy tề. Ngay chiều hôm ấy , mặt trời vừa lặn, sâm sẩm tối, các hộ gia đình dân vừa ăn xong bữa cơm chiều đang nghỉ ngơi. Lúc ấy thuồng luồng dưới vũng sông hàng đàn kéo nhau tới chỗ Phìa đánh dấu định dưng phai. Dân trong vùng nghe ầm ầm rung cả đất khu thuồng luồng di chuyển, đất trên lưng núi lở hàng mảng rơi ào xuống làm dân trong mường sợ hãi quá. Người ta sợ những tảng đá lớn trên núi đổ sập xuống thì sẽ bị tan nát cửa  nhà, người sẽ bị chết ! lại thêm gió bão vù vù thổi mạnh từng cơn, tưởng như cả bầu trời sắp sập xuống đến nơi, dân càng khiếp sợ, hoảng hốt mất hồn bạt vía. Trời tối sầm, gió mạnh một lát rồi yên. Nhiều người dân kêu khấn cầu tới trời cho được tai qua nạn khỏi, dân chúng con không có tội lỗi gì với trời! Thế là đoàn thuồng luồng dưới nước kéo nhau đi về vũng sông của họ, cơn mưa rào ập xuống rồi tạnh, sáng hôm sau mặt trời hé nắng lên, thời tiết bình thường, bản mường dân bình an, không có sự cố gì sảy ra.

Phìa đích thân đến chỗ đoạn suối đánh dấu định ngăn dòng nước đắp “phai” thấy giữa suối nổi lên một cồn cát do nước suối lên to vét bồi thành, Phìa bảo:

– Đấy là thuồng luồng giúp người đắp phai dang dở rồi bỏ thôi không làm nữa!

Phìa buồn rầu, tiếc rằng dân đã không làm theo lời dặn trước của thuồng luồng nên không được thần giúp cho đến xong việc dựng “phai”. Do phìa có lễ to cầu khấn thuồng luồng về giúp đắp “phai” cho dân nhưng đang tiến hành thì dân kêu van xin lên đến Trời can thiệt, buộc thần thuồng luồng phải thôi, ngừng ngay việc giúp người dựng “phai”. Phìa nghĩ thấy đáng giận vì bảo dân không nghe, lắm người khó đòng lòng nhất trí với nhau được. Tuy vậy Phìa lại tiếp tục cầu khấn xin thần thuồng luồng giúp lại cho. Phìa lại mổ trâu nấu cỗ, mời thầy “mo mường” đến cúng, xin thần thuồng luồng nơi Văng Uông xá tội cho kẻ trần gian dại dột, hãy tiếp tục đưa quân đến giúp Phìa dựng tiếp “phai” ngăn nước cho thành công. Thần thuồng luồng cũng có giúp vì dân đã có lễ cầu, nhưng chỉ làm được một phần việc, thần cho nước suối cạn, tạo sự dễ dàng cho người đắp “phai”. Thần thuồng luồng cử người trực tiếp đến nói chuyện với Phìa Tòng Đón. Một quan quân của thần thuồng luồng biến thành một người lạ đến bảo Phìa rằng:

– Lời hẹn trước đã không thể thực hiện trở lại được nữa, do dân kêu cứu nên bị Trời ngăn lại. Bây giờ Phìa hãy bảo ban dân đem công sức ra mà dựng “phai”. Chặt nhiều cây gỗ to chắn ngăn dòng suối, đắp thành “phai”. Chặt nhiều cây gỗ to chắn ngăn dòng suối, đắp thành “phai”, làm cọn lấy nước đổ lên máng nương dẫn vào ruộng mà cầy cấy. Thần thuồng luồng chúng tôi sẽ phù hộ Phìa hoàn thành công việc.

Nói đén đấy người thần biến mất. Phìa gọi các chức dịch đến họp bàn tính kế tiếp tục dựng “phai” nước. Phìa phân chia cho dân vào rừng chọn các cây gỗ dài, thẳng khuân về chất đống bên bờ suối chỗ sắp đắp “phai”. Khi đã đủ gỗ, huy động đông người khoe, vác gỗ xuống xếp, gỗ to nặng xếp dưới cùng, loại vừa vừa xếp giữa, loại nhỏ hơn xếp trên cùng, ngáng ngăn chắc lớp gỗ ken chặt lại với nhau, nước chảy không thể đánh cuốn trôi. Đan phên ngăn, rồi xếp đá, nhét rơm, nèn chặt đất thành “phai” ngăn dòng nước dâng cao. Một bên đầu “phai ” thả một dòng nước chảy siết, đặt cọn nước quay gọi là “lốc” có các ống bương tự múc nước dưới suối đổ lên máng. Đào mương sẵn, máng đổ xuống mương dẫn nước chảy vào ruộng chia đi khắp cánh đồng cầy cấy. Nhờ sức dân và được thần thủy tề phù hộ, Phìa Tòng Đón dựng xong “phai ” vững chắc, mùa nước lũ “phai ” vẫn trụ, không bị trôi. Tính theo số nước đủ cung cấp cho tràn ruộng, Phìa cho tiếp tục khai hoang mở ruộng đồng ngày càng thêm rộng ra. Có nhiều ruộng, dân cày cấy thu hoạch được nhiều thóc. có nhiều thóc gạo dân dư của ăn và chăn nuôi gia súc phát triển. Thừa thóc được bán, dân có tiền bạc, đời sống sung túc. Nàng Ăm Ca và Phìa Tòng Đón rất đỗi vui mừng bởi đã thực hiện thành công mong ước trong cuộc đời vợ chồng nàng và chàng. Vùng dọc suối lớn Nặm Pàn đã mở mang được khá nhiều ruộng đồng và lập nên nhiều làng bản phát triển. Phìa và Nàng đã có thể nghỉ ngơi hưởng lộc lành đã tốn nhiều công sức dựng nên. Nàng nói:

– Rộng đồng để lại cho dân hưởng mãi đời đời mai sau. Ta phải đặt thành lệ tỏ lòng biết ơn người đã có công dìu dắt dân đi khai hoang. Tiền bạc rồi tiêu hết, thần nước và ông cha ta đã phù hộ cho ta. Ta nên dành nguồn lợi vũng nước mà cúng bái.

Thế rồi ông Mo Luông nhân đi kiểm tra “mương phai”, dọc theo dòng suối thấy có một vũng suối sâu ông đặt tên Văng Lao. Ông Nghè Mường tìm ra được một vũng suối sâu đặt tên vũng Mo Pao. Ông Chang tìm ra một vũng suối sâu nữa gọi là Văng Toong. Các vũng nước này là những nơi có nguồn lợi thu hoạch cá hàng năm. Sau mỗi mùa nước lũ rút đi, người Thái thường đóng cũi cá và thả bùng nhùng xuống giữa vũng nước suối sâu gọi là “có hụm” làm chỗ cho cá tập trung đến ở, mùa khô nước suối rút cạn, người ta đến quây dỡ cũi và bùng nhùng, bắt được nhiều cá. Số cá thu được người dân dùng một phần để cúng lễ, hội cá vui liên hoan và chia về khắp các hộ gia đình ăn tiệc cá. Nàng Ăm Ca đặt ra lệ:

– Nhờ Phìa Tòng Đón dẫn giắt dân ta đi khai hoang mà nay ta có 3 vũng nước, sau này hãy để một vũng dành thờ cúng Tạo.

Đáng ra Phìa nên nghĩ dưỡng sức thảnh thơi nhưng cả Phìa và Nàng đều thấy mình vẫn còn sức, chưa già hẳn, bản mường vẫn còn hạn hẹp ruộng đồng, thung lũng rừng hoang vẫn còn nhiều, lúc ấy đang ở Chiềng Dong, hai ông bà lại tiếp tục tổ chức đi khai hoang ở nơi khác. Đang khai hoang bản Ta Bó Na Dưn, vùng đấy có một thung lũng thấp khá rộng còn bỏ um tùm cỏ cây rừng, Phìa để cho Chá Xọn đến đấy khai phá. Thế rồi Quảng Căm Xin cùng góp sức đến khai hoang với Chá Xọn. Tại đấy có bãi cỏ hươu nai đến sinh sống hàng đàn. Phìa nói: “Ở đây, khi có cúng lễ có thể đi săn thịt hươu nai, đỡ phải mổ lợn, mổ trâu”. Tạo lại đi khai phá và ở bản Na Liêng một thời gian lâu. Bản mường mở rộng, tổ chức hệ thống chức dịch ngày càng thêm đông, chức dịch phải có ruộng chức được cấp. Tạo và Nàng lại trở về vùng hạ lưu con suối Nặm La, có một vùng đất trũng kéo dài sát dãy núi đá cao, hai ông bà lại chuyển tới đó tổ chức khai hoang, lập nên một vùng nhiều làng bản đủ thành một “Xổng” (một tổng) đặt tên Chiềng Xôm. Phìa và Nàng rất vui mừng nhưng còn thấy cần lợi dụng sẵn nước bên con suối, thế đất rừng còn có thể khai phá tiếp ruộng đồng chạy dài giữa hai dãy núi đá có suối nước chảy giữa. Đất ở đây nhiều tảng đá to lộc cộc, chỉ có thể đắp thành những thửa ruộng hẹp, nhiều bờ. Phìa định đào mương lấy nước chảy xuống phía dưới để mở mang thêm một tràn ruộng nữa ở khu rừng hoang này. Nhưng khốn nỗi gặp mỏm đá nhô ra ngăn cách, mương không thể thông qua. Khó khăn này Phìa phải cầu khấn để thánh thần giúp sức mới có thể hoàn thành. Phìa cho mổ trâu nấu cỗ, mời thầy “Mo” đến cúng, khấn cầu tới thần thuồng luồng nơi vũng sông sâu Văng Uông giúp cho. Cúng cầu xong lập tức động đất xảy ra ngay đêm hôm ấy. Mọi người đều ở trong nhà, yên lặng Phìa đã dặn trước, không ai được kêu ca, oán thán sợ sệt. Lát rồi phía chân núi đá nhô ra ầm ầm có tiếng đá đổ, rung cả nhà. Quãng gà gáy gần sáng, trời yên lặng, sáng ra, Phìa ra xem nơi đào mương dang dở gặp mỏm núi đá ngăn cách tự nhiên đã được dọn thành một đường đất mỏm đá thụt vào, có lối cho người đào đất thông mương. Phìa hoàn thành công việc đào mương và mở dài tiếp ruộng đồng. Phìa và nàng vui mừng lắm! Dân ca ngợi:

– Qủa là số nàng và Tạo được trời sinh ra làm việc mường có ích cho ngàn dân thật vậy!

Tòng Đón nói với dân:

– Người ta ra sức khai phá rừng hoang thành ruộng đồng trù phú, nhưng ta làm được nhờ có thần thánh phù hộ, nơi đây dân hãy chăm cúng cầu tạ ơn các thần.

Từ đó tục cúng bản, cúng thần mỏ nước (thủy tề) hàng năm vẫn giữ đều. Mỗi kỳ cúng lễ có kèm hội vui. Phìa nói:

– Ruộng đồng được ta khai phá ra, với số dân như hiện nay, ta đã có dư thóc gạo ăn. Nhưng hồ ao thả cá là nguồn lợi lớn về thức ăn ta còn thiếu.

Lúc ấy xem ra vùng đất đang ở sinh sống, chưa tìm đâu ra địa điểm đào hồ ao, bởi nơi ấy không những cần có chỗ mà còn cần phải có nước chứa lưu thông. Phìa lo và ước mong có ao hồ thả cá nhưng chưa làm được, ý người nhưng thần đã biết. Thần thuồng luồng cử quan quân đi dò xét để giúp Phìa Tòng Đón. Quân thuồng luồng biến thành một con hoẵng trắng đến chân núi bản Chiềng On đứng quan sát khắp vùng xong hoẵng đi men xuống quanh tràn ruộng. Dân bản thấy có con hoẵng hô hoán nhau đi vây bắt làm thịt. Thịt hoẵng được xẻo ra thành nhiều miếng nhỏ chia phần cho khắp các hộ gia đình trong bản. Mọi nhà đều nấu nướng thịt hoẵng ăn ngay bữa cơm chiều lúc chợp tối hôm ấy. Trong bản có một hộ gia đình bà hóa, chỉ có hai người, bà mẹ và cô con gái, nhà đóng cửa đi vắng cả. Người ta treo xâu thịt hoẵng giắt ngoài phên vách trên đầu cầu thang cho nhà bà hóa. Hai mẹ con bà hóa đi vắng lâu, đến tối vẫn chưa thấy về, xâu thịt hoẵng vẫn còn nguyên treo để ngoài phên vách, không có ai ăn. Thần thuồng luồng không thấy hoẵng trắng quân của mình trở về, biết tin hoẵng đã bị người ta bắt giết ăn thịt! Thần gầm lên tức giận lệnh cho quan đem quân đến giết sạch dân bản Chiềng On. Chiều hôm ấy, thuồng luồng chuyển quân từ vũng nước dưới sông, một đoàn hùng dũng vũ khí đằng đằng, tới ẩn nấp trong khu rừng đầu bản, dân không biết. Chập tối hôm ấy, Tạo Tòng Văn từ Bản Na Liêng đi dạo cho khuây khỏa sang Chiềng On, vào bản thấy ngoài sân và các ngả đường qua lại có những cây gỗ chắn ngáng ngổn ngang chướng ngại, trời nhá nhem tối, nom không rõ lắm. Tạo đi tránh, men theo dia các nền nhà dân bản đến chơi vui nơi sàn nhà một cô gái. Tạo nói chuyện, hỏi cô gái:

– Bản ta ai dựng nhà mới mà kéo gỗ cột kèo về chất ngổn ngang đầy đường vậy.

Cô gái đáp:

– Trong bản em hiện không có gia đình nào đang chuẩn bị gỗ dựng nhà mới, anh nói đùa cho vui đấy chứ gì?

Tự nhiên, trời tối sầm đen nghịt, không chút bóng trăng sao, đất bản rung chuyển ầm ầm lật đổ tất cả các nhà. Lúc trời tối sầm, đất bắt đầu rung, sợ quá cô gái vội nắm bàn tay Tạo, hai người dẫn nhau ra khỏi bản chạy lên hướng chân núi. Tự nhiên như có một hơi gió nhẹ thổi vào tai Tạo thành tiếng người bảo Tạo:

– Hãy buông tay cô gái này ra nếu không sẽ chết cả hai người!

Tạo sợ quá vội buông tay cô gái ra chạy đi, lập tức cô gái ngã đùng chết ngay! Dân bản Chiềng On già trẻ lớn bé chết sạch! Chỉ còn sống sót hai mẹ con bà hóa nghèo bởi không được ăn thịt hoẵng trắng là hoẵng thần. Đất Bản Chiềng On sụt sâu xuống, quanh vũng sâu cỏ mọc um tùm, nai hoẵng đến ở. Thần thuồng luồng hóa phép cho người đến nói chuyện với Phìa Tòng Đón:

– Thần ta đã giết sạch dân bản Chiềng On vì họ có tội đã ăn thịt bạch hoẵng của ta, đất bản của họ bị ta dìm thấp xuống, ta cho quân ngậm nước sông phun vào, nay đã thành hồ nước, ta cho người thả cá thỏa lòng mong ước của ngươiình ảnh

Sau này Phìa gọi là hồ Nong Mon Ngựak Téng (Hồ nước thuồng luồng lập). Phìa đem các giống cá từ nhiều nơi đến thả, đặt lệ hàng năm cứ đến tháng Bẩy Thái (tức tháng giêng âm lịch) mở lễ hội đánh cá. Vào các dịp này, Ăm Ca đều rời lầu đến dự. Đánh được cá, dân đem nấu cỗ cúng lễ, dân bản hưởng cỗ cơm rượu mừng vui ca hát. Số cá được chia đều cho các hộ dân trong vùng ăn liên hoan. Lệ cúng có hai mâm cỗ cá, một mâm lễ dâng tạ ơn thủy thần và một mâm lễ dâng các thần hoàng đã có công khai phá xây dựng cai quản bản mường các đời trước.  Ngày nay, dân ta truyền lại câu chuyện đời Tòng Đón đẹp duyên bên nàng Ăm Ca đã có công khai phá ruộng đồng, mở mang rộng thêm nhiều làng bản, dân phát triển thêm đông đúc. Ngoài số bản lẻ tẻ, đã lập nên hai vùng đất trở thành hai tổng là xã Mường Bằng hiện thuộc đất huyện  Mường La và xã Chiềng Xôm (Nay thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La). Nơi Mường lỵ thành lũy Viêng Giảng  do con trai Phìa Cầm Coong là Cầm Bun cai quản. Phìa Tòng Đón và Nàng Ăm Ca sinh sống rồi qua đời tại đất Chiềng Xôm.
Theo Tòng Đón-Ăm Ca và Quam Xon Cốn – Nguyễn Văn Hòa – Nhà xuất bản Lao động, 2011

Bài viết liên quan:

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *