TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO VÀ QUAN NIỆM VỀ LINH HỒN – Văn hóa tâm linh dân tộc Thái (phần I)

Một người có thể theo tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào. Tuy nhiên, trong mỗi con người chúng ta đều có “đức tin”. Đức tin tốt sẽ dẫn cho ta làm những việc tốt đẹp, hướng thiện. Ngược lại, sai lầm trong đức tin sẽ làm cho chúng ta phạm phải những việc xấu xa.
Đức tin của con người có được từ việc tiếp thu các tôn giáo, tín ngưỡng. Quan niệm về linh hồn luôn phổ biến trong suy nghĩ của tất cả chúng ta.


1. Tín ngưỡng và tôn giáo của người Thái

Người Thái quan niệm đất nàu vốn phân chia thành hai mường, tương đương với quan niệm hai thế giới. Đó là “thế giới của sự sống” tiếng Thái là ꪹꪣꪉ ꫛ (Mương côn –  Mường người, cõi trần thế) và “thế giới hư vô” là ꪹꪣꪉ ꪠꪲ (Mương phi – cõi linh thiêng).
Hiểu đúng nghĩa, “phi” không thể dịch là “ma”,  đơn giản như số đông vẫn hiểu. Ma của người VIệt thực chất là một phần rất nhỏ của “phi” trong khái niệm ở đây. Thế giới hư vô của người Thái có ba không gian tồn tại. Một là không gian của mỗi con người có phi khoăn (ꪠꪲ ꪄꪫꪽ) tương đương với ”linh hồn “ hay “vía”. Hai là không gian của “cõi linh” hiểu theo nghĩa cụ thể của mường phi được phân thành 2 phần. Phần ác gồm các ma thiêng – quỷ dữ có thể do người chết biến thành và cũng có thể có sẵn trong tự nhiên. Phần lành có tổ tiên –  phi đẳm hay phi hươn. Ba là không gian của cõi trời có phi then hay then.

2. Quan niệm về hồn – linh hồn của người Thái

2.1 Linh hồn

Cũng như mọi tộc người khác, cư dân Thái quan niệm có sự sống là do có linh hồn tồn tại trong thể xác, nhưng tư duy và cách giải thích hoàn toàn mang màu sắc riêng. Thể xác là con người, linh hồn là cái bóng. Ma hoặc người biết ma thuật có thể làm hại chính cái bóng đó khiến cho thần xác giật mình, ốm đau hoặc chết. Vậy muốn cho tai qua nạn khỏi thì phải cứu lấy cái bóng đó tiếp tục tồn tại khỏe mạnh trong thể xác. Do có quan niệm như thế nên tiếng Thái mới có thuật ngữ “hồn bóng” (khoăn ngau – ꪄꪫꪽ ꪹꪉꪱ). “Cái bóng” không cảm nhận được bằng các giác quan nên thuộc lính vực siêu nhiên, gọi chung là phi – phi khoăn. Mỗi con người có “30 hồn ở phía trước và 50 hôn ở phía sau” (xam xíp khoăn mang nả hả xíp khoăn mang lăng – ꪎꪱꪣ ꪎꪲꪚ ꪄꪫꪽ ꪣꪱ꪿ꪉ ꪘ꫁ꪱ ꪬ꫁ꪱ ꪎꪲꪚ ꪄꪫꪽ ꪣ꪿ꪱꪉ ꪨꪰꪉ). Đó là các hồn của từng bộ phận cơ thể như: mắt, tóc, tim, phổi, chân, tay,.. Trong đó có hồn chủ là hồn bao trùm, gọi là chính hồn, ngụ ở đỉnh đầu – nơi có xoáy tóc. Người Thái gọi chỏm xoáy trên đầu là “đỉnh hồn” (chom khoăn – ꪊꪮꪣ ꪄꪫꪽ).

Hình ảnh trong lễ làm vía
Nguồi: doisongphapluat.com

Vì là một loại phi nên hồn có thể tạm thời tách khỏi thể xác để đi vào “cõi hư vô” (Mường phi). Sau đó lại trở về thân xác tiếp tục sống. Ngược lại, nếu hoàn toàn ở lại trong “cõi hư vô” thì thân xác chết.
Niềm tin vào các linh hồn như thế đã dẫn đến sự ra đời của nghi thức, nghi lễ. Một là các loại nghi thức và nghi lễ mang tên “sửa sang hồn” (peng khoăn – ꪵꪝꪉ ꪄꪫꪽ). Hai là nghi thức “gọi linh hồn lạc” (hịa khoăn đông – ꪭꪸꪀ ꪄꪫꪽ ꪶꪨꪉ). Ba là nghi lễ lớn trong đời người gọi là “cũng linh hồn” (xên khoăn – ꪹꪎꪸꪙ ꪄꪫꪽ).
Thường nhật, các linh hồn ngụ ở áo của chủ. Tiếng Thái gọi áo là xửa nên trở thành thuật ngữ chỉ linh hồn. Nói rõ hơn nếu không gọi linh hồn là phi khoăn thì cũng gọi là xửa (xửa khoăn). Bởi vậy khi tiến hành các nghi thức, nghi lễ, người ta phải lấy áo của đương sự và người thân thích đặt cạnh mâm cúng.
Linh hồng người tồn tại nhờ có cai gọi là minh, nen, khớ (ꪣꪲ꪿ꪉ, ꪵꪙꪙ, ꪹꪄꪷ꪿). Minh là nền để linh hồn trụ. Nen là trục mọc thành hình chóp như măng mọc nên mới có thê “măng nen” (ꪘꪷ꪿ ꪵꪙꪙ). Trên đỉnh chóp của mỗi nen nối với một sợi dây vô hình (Sai nen – ꪎꪱꪥ ꪵꪙꪙ) để buộc cái móc (ꪄꪷ ꪵꪙꪙ) ở chạn của then bẩu (ꪬꪲ꫁ꪉ ꪵꪖꪙ). Chết đồng nghĩa với việc dây nen đứt, móc nen rơi, măng nen đổ. Khái niệm về minh và nen lúc bình thường được thể hiện bằng câu tục ngữ: “Minh đặt nen dựng” ( Minh đa nen tẳng – ꪣꪲ꪿ꪉ ꪒꪱ ꪵꪙꪙ ꪔꪰ꫁ꪉ). Vì có quan niệm này nên khi làm lễ các nghi thức, nghi lễ liên quan đến linh hồn, người ta phải làm các nghi thức, nghi lễ sao cho “minh vững nen bền” (Minh têm nen mẳn – ꪣꪲ꪿ꪉ ꪹꪔꪸꪣ ꪵꪙꪙ ꪢ꫁ꪽ). Khớ còn gọi là khọk nghĩa là mệnh. Người Thái quan niệm mệnh người min g manh như sợi chỉ bông nên gọi là sai khớ (dây khớ). Dây khớ đứt là chết, đồng nghĩa với mệnh tận.

2.2 Một và Mo

Có một lực lương siêu nhiên giữ chức năng bảo vệ linh hồn mang tên là Một (ꪶꪣꪒ). Đấy là lực lương siêu nhiên thuộc dòng nữ – Me Một. Người ta nói, có Khoăn thì có Một. Khoăn không có Một thì sẽ chơi vơi, dễ bị ma và các lực lượng ma thuật làm hại; Một càng khỏe thì linh hồn càng vững. Ngược lại, Một yếu thì thân thể hay lâm cảnh “hồn xiêu phách lạc”.
Người bình thường, Một không biểu hiện cụ thể. Có một số người do Một xuất thần nên biết sử dụng thủ pháp ma thuật. Một xuất thần theo đường hiền thì thành người chuyên làm ma thuật chữa bệnh, tiếng Thái gọi người ấy là Một. Một xuất thần theo đường ác thì không gọi là Một mà tùy theo điều chuyên làm ác mà gọi.
Ở đây cũng cần phân biệt thuật ngữ là MộtMo. Một là thầy cúng có nam có nữ. Mo có nghĩa chung là người hiểu biết sâu rộng một lĩnh vực nào đó. Nếu biết về đường cúng – lễ thì gọi là Mo phi. Nếu giỏi và hay chữ là Mo năng sư (ꪢꪷ ꪙꪰ꪿ꪉ ꪎꪳ). Nếu giỏi về đường thuốc gọi là Mo da (ꪢꪷ ꪤꪱ)…


Bài viết được trích từ sách Văn hóa tộc người Thái, NXB QĐND năm 2016 (Cầm Trọng – Chu Thái Sơn – Chủ biên)

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *