NGƯỜI TÀY DỌ VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ TRỜI

Hà Bá TâmTâm (1)

Bài tham luận tại hội thảo khoa học phục dựng
Đền Chín gian và tín ngưỡng thờ trời huyện Như Xuân

Thanh Hóa, tháng 3 năm 2018.
Đền chín gian tại Như Xuân, Thanh Hóa

Tày Dọ (Táy Dọ, Tày Nhọ) là tên tự gọi (xưng danh) của một nhóm người Thái cư trú ở Thanh Hóa, Nghệ An (Việt Nam), Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô-ly-khăm-xay, Khăm Muộn (Lào). Tày Dọ là một khối thống nhất, bao gồm nhiều nhóm địa phương gọi là Tày Mường, Tày Chiềng/Xiềng (ở cả Thanh Hóa và Nghệ An), Tày Hàng Tổng (ở Nghệ An)… Về dân số, tính riêng tại 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có khoảng 300 ngàn người nói ngôn ngữ Tày Dọ, chiếm trên 55% số người Thái của 2 tỉnh và gần 20% người Thái ở Việt Nam(2).

1. Lịch sử cư trú và tên gọi và văn hóa của người Tày Dọ

1.1 Lịch sử cư trú 

Trước đây, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, người Thái ở Bắc Trung Bộ trong đó có người Tày Dọ có nguồn gốc từ Tây Bắc di cư đến, một bộ phận từ Lào sang vào quãng trước khoảng thế kỷ XIV không xa(3). Gần đây, một số nhà nghiên cứu chủ trương cho rằng người Thái có mặt ở Bắc Trung Bộ và Trung Lào phải sớm hơn quãng thời gian trên, có thể là từ hai ngàn năm trước và là một bộ phận cư dân có đóng góp vào nền văn minh Đông Sơn [18], [19]. Theo một số công trình nghiên cứu lịch sử Thái Lan, Lào…, thì thế kỷ thứ VII khi nhà nước Nam Chiếu (trung tâm là Mường Thanh – Điện Biên ngày nay) mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam thì người Thái với sự chỉ huy của Khun Borôm(4) đã có mặt ở Lào, Thái Lan và Tây Bắc, Bắc Trung Bộ nước ta [20], [21], [22], [23]. Trong tiềm thức một bộ phận người Tày Dọ ở Thanh Hóa, Nghệ An cho rằng ông thủy tổ của họ thuộc dòng dõi Khun Lò (con của Khun Borôm) đến từ Mường Xoa (tức Luong Phra Bang), trong các bài cúng, bài mo thường hay nhắc đến các địa danh liên quan đến nước Lào như: nhân danh chấn Lạn Xạng mường Phá (Luong Phra Bang)… Tại nhiều địa bàn cư trú của cư dân Tày Dọ, như Mường Luộc (xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân), mường Tráng (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân), nơi người Thái nhóm Tày Dọ được coi là có mặt sớm hơn cả trong các nhóm Thái (và các dân tộc khác) nên còn được gọi là Tày Mường (còn gọi là “tay Mường cuổng” – người Thái mường trong, tức người Thái bản địa, để phân biệt với “Tày Mường nọk” – người Thái mường ngoài, tức các nhóm đến sau mà người Việt quen gọi là dân ngụ cư) [19]. Trên các địa bàn này cũng đã đào được trống đồng có niên đại thế kỷ XII – XV; trong các bản làng trước đây còn rất nhiều cây trồng như mít, vải, quéo (một loại xoài)… ngàn năm tuổi. Các tài liệu ghi chép về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) cũng ghi nhận người Thái nhóm Tày Dọ (chủ yếu là dòng họ Lo Cắm – Cầm Bá) đã có mặt và đóng góp cho cuộc khởi nghĩa… Như vậy người Tày Dọ có mặt tại Thanh Nghệ cả ngàn năm trước đây. Sau thế kỷ thứ XV mới bắt đầu xuất hiện nhóm Tày Mười từ Tây Bắc và nhóm Tày Thanh (còn gọi là Tày Đèng) ở phía Tây Bắc Thanh Hóa vào, từ Lào sang định cư, làm phong phú thêm số lượng dân cư, nhóm Thái khu vực này.

Bản đồ phân bố ngôn ngữ Thái Kadai

Tại huyện Như Xuân, người Tày Dọ có khoảng trên 2,2 vạn người, tập trung ở các xã thuộc tổng Quân xưa (gồm các mường Lự, Tráng, Pán theo thiết chế xã hội Thái xưa). Người Thái huyện Như Xuân không còn lưu giữ được tư liệu thành văn nào về nguồn gốc lịch sử của mình nhưng có thể khẳng định chắc chắn họ đã có mặt từ rất lâu đời. Một số tài liệu sử học còn cho rằng một bộ phận của bộ lạc Tây Vu – bộ lạc căn bản của Thục Phán – An Dươn Vương là cư dân Tày – Thái cổ đã sớm có mặt ở Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, đi ngược sông Chu lên thượng lưu về phía Nam lập ra các kẻ: Kẻ Quăn, Kẻ Vu, Kẻ Bộc, Kẻ Ghi, Kẻ Trinh… thuộc tổng Thanh Quân, Trịnh Vạn xưa. Tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cách đây hơn 10 năm đào được một đôi trống đồng chứa tro, xương của con người, sơ bộ xác định cùng loại với trống đồng đào được ở xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, cũng như rất nhiều trống đồng tìm thấy ở miền núi Thanh Nghệ được cho rằng là của các chúa Thái (Khun), được xác định có niên đại từ thế kỷ thứ XII – XV. Thời điểm này hoàn toàn phù hợp với những tư liệu lịch sử, văn hóa cho biết đầu thế kỷ thứ 15, người Tày Dọ đã làm chủ hoàn toàn miền núi khu vực Nam Thanh – Bắc Nghệ, trong đó có vùng huyện Như Xuân. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nhân dân nơi đây đã có nhiều đóng góp cho cuộc khởi nghĩa, trong đó vùng huyện như Xuân cũng là một trong địa bàn hoạt động chiến lược của cuộc khởi nghĩa(5). Thế kỷ XVIII – XIX, vùng đất tổng Quân Nhân tiếp nhận thêm các nhóm Tày Dọ từ Thường Xuân vào, từ Nghệ An ra, bao gồm cả người Tày Thanh, Tày Mười ở phía Tây Thanh Hóa (chủ yếu là Lang Chánh), họ hòa hợp với người Tày Dọ, cho đến nay nói ngôn ngữ Tày Dọ.

1.2. Tên gọi (xưng danh) Tày Dọ

Đối với người Thái Tây Bắc, các nhóm địa phương được phân về 2 ngành đen – trắng, ở Thanh – Nghệ, việc phân ngành đen trắng đã mờ nhạt, các nhóm Thái thường phân biệt (tự nhận, hoặc gọi nhau) theo địa danh cư trú, nguồn gốc, xuất xứ, quy về 2 nhóm lớn: Tày Dọ/Nhọ và Tày Nhại/Tày Hạy. Nhà thái học Cầm Trọng xếp người Tày Dọ vào nhóm Thái Trắng (vùng 3) [18], phần lớn các nhà nghiên cứu đồng tình với quan điểm này. TS Vi Văn An dựa vào các đặc điểm về ngôn ngữ, văn hóa lại xếp người Tày Dọ vào nhóm Thái Đen [1]. Sự thiếu thống nhất trên xuất phát từ quan điểm và tiêu chí phân ngành (nhóm) của cá nhân các nhà nghiên cứu (ý thức tự giác tộc người, ngôn ngữ, văn hóa) và chưa coi trọng vấn đề cội nguồn lịch sử, văn hóa, gán ghép khiên cưỡng (thực tế việc tự nhận Thái Trắng ở người Tày Dọ không rõ ràng, khi được gợi ý thì mới tự nhận mang tính “ước lệ”) bởi người Thái không chỉ có 2 cặp đối lặp Đen – Trắng (Tây Bắc), mà còn có Lớn – Bé (Lào, Thái Lan), Cạn – Nước (Vân Nam – Trung Quốc, Tây Bắc, Lào) có Thái Nước – Thái Cạn (Thay Nặm – Thay Bốc).
Nhìn từ góc độ cội nguồn văn hóa, trong ý niệm và đời sống tâm linh người Tày Dọ vẫn coi mình thuộc dòng dõi mẹ rồng – cha chim. Tại Bản Chiềng, Mường Luộc (xã Xuân Lộc), nơi mà ít nhất người Thái Tày Dọ có mặt từ thế kỷ thứ XII, có địa điểm tâm linh gọi là xuôm náng (nghĩa là buồng nàng) là một vũng nước sâu trên con sông Luộc được giải thích là nơi trú ngụ của mẹ rồng. Nơi này được cho là thông lên một ngọn núi cao thuộc dãy Bù Kha (người địa phương gọi là Pú Ngúa) để thi thoảng mẹ rồng gặp cha chim là loài chim én (người Thái họ Cầm Bá nhóm Tày Dọ coi chim én là vật tổ kiêng không ăn thịt). Căn cứ vào sơ đồ của nhà Thái học Cầm Trọng (công bố trong các tài liệu viết chung với GS. Phan Hữu Dật, GS. Trần Quốc Vượng…) phổ quát nội dung thờ hồn thiêng của đất, nước ở các mường Thái xưa thì những mường thờ mẹ – rồng – nước > < cha – chim – cạn thuộc về một trong các ngành Thái: nước, bé, đen (đối lập với cạn, lớn, trắng thờ mẹ – chim – cạn > < cha – rồng – nước) [15], [18]. Cũng liên quan đến cúng tế, trong nghi thức “tế đen trắng”, người Tày Dọ ở Thường Xuân và Quế Phong đều có nghi thức tế trâu trắng trong lễ sớ phạ tại “pỏm minh mương” (pú mướng) giống như người Thái Đen.
PGS TS Lê Sỹ Giáo và một số nhà nghiên cứu khác như PGS.TS Hoàng Lương cho rằng tên gọi Tày Dọ (Do) xuất phát từ nguồn gốc lịch sử vì họ vốn từ Mường Xo/So (Phong Thổ, Lai Châu), Mường Do (Lai Châu), Mường Do (Vân Nam, Trung Quốc) khi vào Thanh – Nghệ được gọi theo tên quê hương cũ. Tuy nhiên, người Tày Dọ là cư dân Thái có mặt sớm hơn cả trong các nhóm Thái ở Thanh – Nghệ, chưa bao giờ tự nhận mình chuyển cư từ Tây Bắc xuống, ngay như dòng họ Cầm Bá (dòng dõi Cầm Bá Thước, thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp ở Thanh Hóa) tại Trịnh Vạn (Vạn Xuân, Thường Xuân) mà PGS TS Lê Sỹ Giáo lấy làm dẫn chứng nguồn gốc từ “từ Lai Châu, thượng du Bắc Kỳ” [7] có nguồn gốc từ Khăm Muộn (Lào) đến cư trú tại Thường Xuân quãng thế kỷ thứ XVII. Như vậy, nói rằng người Tày Do là gọi tên theo quê hương cũ (Mường Xo/So, Dọ) không có cơ sở(6). 
TS Vi Văn An lại cho rằng tên gọi Tày Dọ liên quan đến lịch sử cư trú. Từ “dọ” có nghĩa là tạm, chẳng hạn như “dú dọ” là ở tạm, chỉ nhóm Thái mới chuyển cư đến, lúc đầu chỉ xin ở tạm, sau đó mới định cư lâu dài [1]. Sau này, trong một cuộc trao đổi không chính thức với đồng nghiệp, ông “đính chính” lại “dọ” là cố định (đối lập “nhài” là di chuyển). Tuy nhiên, TS Vi Văn An chưa những cứ liệu ngôn ngữ chứng minh và còn những điểm chưa phục: Giả sử có nhóm (ngành) Thái được gọi là Tày Dọ chỉ nhóm (ngành) Thái định cư cố định, thì phải có nhóm (ngành) đối lập là di chuyển (du canh du cư), thì người Thái vốn là cư dân trồng lúa nước, sinh sống ở các thung lũng cố định, lâu dài trên địa bàn này đã hàng ngàn năm nay. Hoặc có thể có những nhóm Thái nhỏ “du canh, du cư” tại một vài bản, mường sau đó mới ở cố định, nhưng không thể có một “ngành” Thái du canh du cư trên một diện tích ước chừng 50.000km2 (cả ở Việt Nam, Lào), chiếm chừng một nửa dân số Thái trong cùng địa bàn trên mà không rõ nguồn gốc xuất xứ (?). Bên cạnh đó, từ trước đây nhà Thái học Cầm Trọng đã “giải nghĩa” từ nhại trong Tày Nhại (đối lập với Tày Dọ) có nghĩa là lớn, nguyên gốc phát âm là Nhaư (Tay Nhaư), sau khi chuyển từ phát âm nguyên âm kép (aư) sang nguyên âm đơn đã chuyển thành ay hay aii, Tay Nhaư chuyển thành Tay Nhay/Nhài (chỉ có ở ngành Thái phía Tây)[18]. Tày Nhại (Nhay/Nhai) là Thái Lớn thì sẽ không tồn tại cặp đôi (đối lập) với Tày Dọ – chỉ nhóm Thái “cố định” (hoặc “du canh du cư”) như cách lý giải của TS Vi Văn An.
Xuất phát từ cách lý giải của Cầm Trọng, Tay Nhại là Thái Lớn thì Tay Dọ là Thái Bé. Khẳng định này không chỉ dựa trên cơ sở ngành (nhóm) đối lập mà còn dựa trên cơ sở ngôn ngữ. Khi tìm hiểu về ngôn ngữ các nhóm Thái và cư dân ở Đông Nam Á khác chúng tôi nhận thấy các từ có nghĩa: nhỏ, bé, ít, không nhiều, không lớn, hạn hẹp, ngắn… có thể quy về 2 nhóm (tương ứng của tiếng Việt) là vần oi và vần o như sau

Nhóm các từ có vần oi, tiếng Thái Việt Nam: nọi/noi, cói, nhoi; Thái Lan: you/gioi (ย่อย), h-yoi (หย่อย) = bán lẻ; plik gioi (lắc rắc), mày gioi (không ít), khai gioi (bán lẻ), roi rit (nhỏ nhoi, nhít), đoi (nho nhỏ); Lào: doi/gioi/yoi (ຍອຍ) = nhỏ, nhoi; Nùng: doi/gioi, nhoi/nhỏ = nhoi, nhỏ; choi (nhỏ, nhoi), khai gioi (bán lẻ); Khơ me: p-proi; Chăm: nhoi; Việt nhoi, (choi) choi, (ít) ỏi, (hiếm) hoi…

Nhóm các từ có vần o, tiếng Thái Lan: yỏ (ย่อ) = nhỏ, teo tóp, yốc yỏ (ยก ยอ) = nhỏ tí; Lào: yỏ (ຍອ) = nhỏ, bỏ nhỏ; Khơ me: tho; Chăm: yo; Việt: nhỏ, giỏ (phương ngữ Huế), nho nhỏ…
Xem xét vốn từ trên nhận ra ngôn ngữ Thái (cả Nùng) và các ngôn ngữ Nam Á có sự chuyển hóa phụ âm nh thành j, d, gi, r, thậm chí là đ, c/ch, n. Trong tiếng Thái gặp nhiều trường hợp như vậy, như trong tiếng Tày Dọ và Tày Mường (trong ngành Tay Nhại) có: nhàng ↔ jiáng (tiếng Việt nghĩa là bước đi), nhạng ↔ jạng (củ mài), nhốm ↔ dôm/jum (cây xoan đào), nhám ↔ dam (ngày xưa), nhéng ↔ gieng (dòm), nhóng ↔ dong (giống nòi)… Đối với vần oi và o không có chuyển hóa nhưng lại có sự tương ứng (tức là trong cùng một từ có vần oi thì cũng có từ có vần o có thể thay thế cho nhau), như nhỏ – nhoi (tiếng Việt), jo (yỏ) – joi (yỏi). Bên cạnh đó, đối với một số phụ âm đôi như ch, nh có hiện tượng mất đi một phụ âm như: choi ↔ coi (cói), nhoi ↔ noi… nên có thể quy các từ noi (nọi), nhoi, doi/gioi/roi, jo/do/nho cùng một nghĩa. Do đó, dọ/Tày Dọ cũng là nhọ/Tay Nhọ (theo cách nói/gọi của người Thái ở Nghệ An đã nói ở trên) và nọi/Tay Nọi (theo cách gọi/nói ở Lào). Như vậy, người Tày Dọ chính là người người Thái Bé (tương tự như Tày Nhài là người Thái Lớn), nằm trong ngành Thái nước, bé, đen (đối lập với cạn, lớn, trắng). Đây cũng chính là lời giải xác đáng khi ngôn ngữ và văn hóa của người Tày Dọ gần gũi với người Thái Đen (Tay Đăm), Thái Nước (Tay Nặm), còn người Tay Nhài gần gũi với người Thái Trắng (Tay Đon/Khảo), Thái Cạn (Tay Bốc).

1.3. Một vài đặc trưng ngôn ngữ, văn hóa mang tính địa phương

Trong khi hầu hết các phương ngữ Thái ở Tây Bắc và Tây Bắc Thanh Hóa gồm có 6 thanh thì tiếng Tày Dọ chỉ có 5 thanh, là loại phương ngữ Thái phổ biến ở phía Nam sông Chu, Lào, Thái Lan(7). Những trí thức dân gian Thái ở Nghệ An ký hiệu 5 thanh (xiểng) bằng các “mái” (dấu): pắc, xừ, bo mải, hỏ, pạy. Tương đương các “mái” trong tiếng Thái – Lào (lần lượt): tri, ệch, xả măn, chặt – ta – wa, thô. Khi đối chiếu với Tiếng Việt thường được quy tương đương với thanh (lần lượt): sắc, huyền, không dấu, hỏi, nặng.
So với tiếng Tày Mười (trong nhóm Tay Nhại), tiếng Tày Dọ và tiếng Tày Mười có sự chuyển hóa về thanh điệu (trong 1 từ cùng nghĩa) gần như thành quy luật ở 3 thanh: Tiếng Tày Dọ nói ở các thanh: pắc, xừ, bo mải thì tiếng Tày Mười lần lượt nói ở các thanh: xừ, bo mải, pắc. Tiếng Tày Dọ và tiếng Tày Mười (Tày Nhài), tiếng Thái Tây Bắc không chỉ khác nhau về thanh điệu mà còn bao gồm cả một khối lượng rất lớn từ vựng (bao gồm cả những từ cơ bản) có thể cản trở việc giao tiếp giữa họ nói phương ngữ của nhóm (ngành) mình. Tiếng Tày Dọ theo tìm hiểu bước đầu của chúng tôi có khoảng 30 – 50% từ vựng có yếu tố (hoặc cùng nguồn gốc) Môn – Khơme, rất gần gũi với tiếng Việt (phương ngữ miền trung) và các ngôn ngữ Nam Á, những từ gốc Hán chiếm tỉ lệ nhỏ.
Người Tày Dọ có chữ viết riêng (danh pháp khoa học là chữ Thái Quỳ Châu), trước đây được dùng phổ biến cả ở Thanh – Nghệ, hiện nay chỉ mới phục hồi được ở một số nơi tại Nghệ An. Chữ người Tày Dọ là loại chữ Thái duy nhất được viết theo hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới, theo dòng từ phải qua trái, theo trang từ sau ra trước và không hề có nguyên âm ghép vần với phụ âm theo trật tự đảo ngược như ở các hệ chữ Thái khác. Rất nhiều tác phẩm văn học, tài liệu được ghi chép bằng chữ của người Tày Dọ, trong đó nổi tiếng, được các cụ cao niên thường nhắc tới là: Lai Nộc Yêng (Chuyện chim Yểng), Lai Khủn Chương (Chuyện Khun Chương), Lái Lống Mướng (Xuống mường hạ giới), Lai Xử Thốn (Truyện Thi Thốn = Xi Thuần/Ú Thêm), Lai Trạng Nghiên (Truyện Trạng Nguyên = Tống Trân – Cúc Hoa)…
Trên cơ sở xem người Tày Dọ là một ngành (nhóm) Thái riêng, bên cạnh yếu tố ngôn ngữ như trên, còn có những đặc trưng văn hóa riêng. Nhà ở truyền thống của người Tày Dọ cũng là nhà sàn. Nhìn từ bên ngoài, đại thể nhà sàn người Tày Dọ giống với nhà sàn người Mường, 4 mái vuông góc với nhau, cũng không trang trí khau cút như người Thái Đen (Tây Bắc) mà dùng nứa đan chạy dọc theo nóc, 2 bên đầu hồi kết mỗi bên mỗi hình “hủ méo” (tai mèo) vừa có tác dụng chống tốc mái, vừa để trang trí. Bố trí không gian trong nhà gồm: gian buồng ngủ chính (cho các cặp vợ chồng) kề với bếp nấu ăn, gian hoong noọc (gian giữa), là nơi tiếp khách và đặt bàn thờ gia tiên, gian noọc chán (gian ngoài) có cầu thang chính lên sàn. Nhiều nhà nối thêm một gian nhỏ ngoài chái trước nữa gọi là pải chán (chán hé) không có mái lợp, dùng để phơi phóng.
Trước đây đàn ông mặc áo cộc xẻ thân trước với hàng khuy tết bằng vải vo tròn lại. Quần ống rộng, có dây thắt lưng, cả quần áo thường nhuộm màu chàm, đen, nâu. Trang phục của phụ nữ cầu kỳ hơn gồm váy thêu, khăn piêu, thắt lưng (xải hượt). Váy của phụ nữ Tày Dọ gồm các phần cạp váy (hủa xin), thân váy (tố xin), chân váy (tỉn xin) được khâu nối. Trang trí được tập trung vào phần chân váy, hoa văn chủ đạo là những hình cách điệu mặt trời, mặt trăng, sao, thuồng luồng, hươu, nai, ngựa…; và thường sử dụng một trong các màu trắng, đỏ, vàng, xanh, tím để thể hiện; sử dụng màu đối lập để thêu các hoa văn phụ, trang trí cho hoa văn chủ đạo (nhằm làm nổi bật hoa văn chủ đạo). Khăn của phụ nữ Tày Do cũng thêu 2 đầu nhưng không đính “cút piêu”. Phụ nữ Tày Dọ thường ngày không “tằng cẩu” như ở Tây Bắc mà chỉ búi hoặc quấn khăn cho gọn. Hội hè, tang ma có trang phục riêng…
Đám cưới truyền thống của người Tày Dọ gồm rất nhiều bước như lễ thăm hỏi (dảm xảo, lòng lènh), lễ đi hỏi, lễ ra mắt dâu, rể (ọc na pợ/khưởi), chàng trai đến nhà gái ở rể; sau đó mới dẫn nạp đồ dẫn cưới (phạc cà hủa), rồi tổ chức đám cưới tại nhà gái, lễ rước dâu (ton pợ) và tổ chức đám cưới tại nhà trai. Sau đám cưới, nhà trai, bố mẹ và chú rể, cô dâu đến nhà ông bà mối bày cỗ làm lễ tạ ơn; đi trả lối (hửn hói tỉn). Người Tày Dọ còn có tục “cướp dâu” khi đôi nam – nữ yêu thương nhau nhưng do bị ngăn cản (hoặc nhà trai không có điều kiện thực hiện đầy đủ các bước như trên), thì người đàn ông có thể đưa người con gái về nhà mình buộc bên gia đình cô gái phải cho tổ chức lễ cưới.
Tang ma người Tày Dọ tổ chức thành các bước khâm liệm và nhập quan, tiến hành tang ma (xăng phỉ), đưa tang và một số nghi lễ sau tang ma. Trong tổ chức tang ma, hướng (vị trí) đặt quan tài dọc nhà, ở ngoài gian khách, đầu quay ra ngoài ngược với lúc còn sống. Ông mo cúng lễ ngồi phía sau, bên trên quan tài. Có thể bố trí thêm bà Mo Một đến để làm lễ cho người đã khuất hoặc nếu không bố trí được thầy mo đưa (mỏ xờng) thì bà Mo Một có thể thay thế. Khi mổ trâu cúng tế người vừa khuất có tục các cô dâu hơ lửa qua cổ con trâu để cho chàng rể cả chém (tượng trưng) để giết mổ; đêm cuối cùng trước khi đưa ma (cứn lặn) tổ chức vui chơi gồm có ném còn, nhảy sạp, khắc luống và một số trò chơi khác. Trong tang ma có sử dụng nhạc lễ (ban nhạc lễ gọi là quản chại), có thể hòa tấu, hoặc đơn tấu các loại nhạc cụ gồm một dàn trống – chiêng (1 trống, 3 chiêng), mõ, pì lè… Ngoài ra còn có vỗ xạp, khắc luống cùng phụ họa. Trong nghi thức đưa tang con trai đầu, vác kiếm (dao) luồn ghế mây (đặt ngửa) đi đầu, khi hạ huyệt nhảy xuống huyệt đứng trên quan tài chống kiếm (dao) hát dẫn đường (tục gọi là hay đờn táng). Trước đây, đàn ông dòng dõi quý tộc được hỏa thiêu (như người Thái Đen ở Tây Bắc), phụ nữ và đàn ông thường dân trước khi hạ huyệt dùng bó đóm hơ xung quanh huyệt mộ mới cho quan tài xuống để chôn cất.
Trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tiêu biểu có hát nhuôn, xuổi. Hát nhuôn tạo ra không khí vui vẻ, nó thay lời chào hỏi, mời mọc khách trong bữa tiệc hoặc là đối đáp nam nữ trong cuộc vui, hoặc là các bài cúng của các ông mo trong khi hành lễ. Hát nhuôn là thường sử dụng nhiều từ đệm (như: ơi, nơ, đe, ơ hơi nơ, là hơi nơ là ơi, hà hơi nọ tàn ơi nhuốn ơi…) nhằm để ngắt, nghỉ giúp cho người hát lấy hơi. Thang âm của nhuôn là sol, la, đô, rế, mí (rế, mí chỉ được sử dụng ở câu mở đầu). Hát nhuôn có nhạc cụ riêng đệm kèm theo là sáo nhuôn (pì nhuốn), loại sáo nứa được ngậm để thổi dọc, đầu ngậm thổi được gắn lưỡi gà bằng đồng/bạc, thân sáo dùi 7 nốt bấm (nốt nhạc), trong đó nốt trên cùng dán tổ nhện mỏng, 6 nốt còn lại dùng ngón tay bấm tạo ra nốt nhạc. Hát xuổi giai điệu êm, thiết tha, vui tươi, hồn nhiên được cất lên khi có cuộc vui, uống rượu cần, đối đáp giữa hai bên nam và nữ trên đường đi, lúc gặp nhau bên suối, lao động trên nương rẫy, ngoài ruộng, hái củi… Thang âm của xuổi là sol, la, đố, rế (âm “rế” để diễn đạt tiếng “ơ” mở đầu bài hát). Xuổi có thể hát kèm với nhạc cụ như: pì xuổi (loại sáo nứa nhỏ như que đũa, dài độ gang rưỡi, phía đầu có mắt làm một lưỡi gà, phần thân khoét 6 lỗ bấm), pì nảnh (loại kèn lá sa nhân bánh tẻ), sáo dui lỗ thổi ngang, sáo dui vát một đầu theo kiểu sáo “tiêu”…

2. Tín ngưỡng thờ trời của người Thái Việt Nam và người Thái nhóm Tày Dọ

2.1 Nguồn gốc, quan niệm

Thờ trời là tín ngưỡng phổ biến và quan trọng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong đó có người Thái. Tín ngưỡng này xuất phát từ sự sùng bái, thần thánh tự nhiên và cả những vấn đề xã hội mà xã hội con người trước đây chưa lý giải được; sự cầu mong “mưa thuận, gió hòa” sản xuất gặp những thuận lợi, không có thiên tai gây thiệt hại cho sản xuất… Tuy nhiên, với mỗi vùng, mỗi dân tộc có những quan niệm khác nhau. Người Thái cũng như người Việt, người Trung Quốc, xem ông trời (ngọc hoàng, thượng đế) là đấng tối cao, sáng tạo và chi phối, quyết định thế giới tự nhiên trong đó có con người và xã hội con người. Người Thái gọi “đấng tối cao” ấy là then (thẻn), bôn (bổn/bủn), phạ. Như vậy, cùng lúc người Thái sử dụng đến 3 thuật ngữ để chỉ vùng không gian phía trên không gian sống của con người. Các cách gọi này ít nhiều có liên quan đến nguồn gốc lịch sử, đặc điểm văn hóa – xã hội:

  • Từ then có nguồn gốc từ tiếng Hán, có thể là biến âm của từ thiên (trời) hay sliên (thần tiên), mở rộng ra tức thuộc về trời. Có người còn cho rằng Mường Then là ký ức của người Thái về Mường Thanh (ký âm Hán là Mãnh Thiên, Mãnh = Mường, Thiên = Thenh/Thanh) giai đoạn thịnh trị.
  • Từ phạ có nguồn gốc từ tiếng Phạn, ban đầu dùng để chỉ Đức Phật hoặc nhà sư và khi đứng trước một danh từ chỉ người thì nó chỉ tính chất thiêng liêng, cao cả của nhân vật đó(8). Người Thái (cả người Tày – Nùng nữa) tiếp thu sử dụng từ phạ để chỉ “đấng tối cao” là “pò phạ” (pò = bố, chỉ thủ lĩnh tối cao, có thể dịch pò phạ = đấng trời)(9). Có người cũng cho rằng Mường Phạ là ký ức của người Thái về Luong Pha Bang – Lào giai đoạn thịnh trị.
  • Từ bôn/bun thiên về chỉ khoảng cách, không gian phía trên đầu con người, như ở mái nhà có vị trí gọi là “pải bổn”, mường trời là mướng bổn, gần gũi (hoặc có nguồn gốc) với các ngôn ngữ Nam Á, mà cụ thể hơn là ngôn ngữ Môn – Khơ me. Trong tiếng Bru – Vân Kiều trời đọc là paloang, tiếng Việt cổ trung đại (bao gồm cả tiếng Mường) là blời, gần gũi với bun/bôn/buôn trong tiếng Thái.
    Như vậy, then, phạ, bổn vừa là từ chỉ không gian – cõi trời, vừa để chỉ các đấng siêu nhiên cư trú ở đó. Theo quan niệm của người Thái vùng Thanh – Nghệ, Lào thì cõi trời là một khoảng rộng màu xanh, hình tròn úp lên mặt đất (mặt đất là một tấm rộng vô hạn mà trời chỉ úp được một phần). Cõi trời cũng có nhiều tầng, nhiều vùng, tầng trên cùng là nơi ở của các thế lực siêu nhiên, ít ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Xuống thấp hơn là Mường Then của các vị then và bộ máy giúp việc. Tổ tiên của người Thái thì ở một cõi riêng khác gồm 6 vùng, trong đó quan trọng nhất vùng đẳm đoi – liên pán nọi (cho các họ dân thường), liên pán luông (cho các họ quý tộc)…
    Mường Then trong cõi trời cũng là thế giới vô cùng phức tạp, người Thái vùng Tây Bắc quan niệm có 11 – 12 vị then đứng đầu gọi cai quản là then ngồi giường (thẻn nằng chóng), 22 – 24 vị then giúp việc gọi là then anh em (thẻn pì nọng), như vậy có cả thảy 33 – 36 then, mỗi vị then có chức năng, nhiệm vụ (cũng là quyền năng, sự chi phối đối với con người và xã hội con người). Người Tày Dọ ở Thanh Hóa, Nghệ An cũng có quan niệm gần như thế, nhưng tùy vùng mà tên gọi các then và chức năng có khác nhau, thường hay được nhắc đến là: Then Luông (Pó Then/Bổn/Phạ), Then Đa, Then Tènh, Then Ló, Then Thóng, Then Thào, Then Thướng, Then Ao, Then Lương, Then Mạ, Then Ủ, Then Khun (Chương), Then Cáo, Then Cùng, Then Xay, Then Xợ, Then Chằng Bằng, Then Bẩu, Then Bắc, Then Đin, Then Thứ, Then Thùm, Then Lôm… Then Luông là vị then chủ cõi trời (vua then), tượng trưng và tạo ra thế lực quyền quý và giàu sang trong xã hội Thái.
    Xuất phát từ ý niệm về then và quyền năng chi phối giới tự nhiên và con người, xã hội con người nên người Thái có tín ngưỡng thờ cúng then. Ở tính chất và quy mô gia đình có cầu cúng khi ốm đau, giải hạn; cẳm đỏi, lau kha (xên hươn). Ở tính chất và quy mô cộng đồng: ế xa, xằng khàn (cá xa, kin chiêng bóc mạy, then kin pang…). Cao nhất cả về tính chất và quy mô là xên mường ở Tây Bắc, xớ phạ ở vùng phía Nam sông Chu.

2.2 Tín ngưỡng thờ trời của người Thái Tây Bắc

Nhà thái học nổi tiếng Cầm Trọng từng nhận xét: “Trong tôn giáo tín ngưỡng Thái, tuy không có lễ nghi dành riêng cho việc cúng then (ông nhấn mạnh cụm từ không có lễ nghi dành riêng cho việc cúng then). Nhưng, đại bộ phận các lễ hội lớn như: xớ cha, xớ khoăn, xớ kẻ… trong bài bản mo dẫn đều đưa linh hồn sống tới gặp các Then để cầu mưu sinh hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, sống lâu trăm tuổi, “xấu đừng đến; tốt lại nhiều” [17, tr 250-251]… Nhận xét đó của Cầm Trọng có phần mâu thuẫn với chính mình bởi trong cuốn sách Văn hóa Thái Việt Nam [15] có hẳn một phần về tín ngưỡng then. Ngay tại Mường Thanh – trung tâm của người Thái ở Tây Bắc có đền thờ then như lời thầy Mo trong “Mo Khuôn” (cúng hồn):
Chủ quay mặt về phía Nỏng Búa (Ao Sen)
Nơi đó có nhà thờ nhỏ tế trời
Ngày mười giết trâu đen để tế
Tế rồi ma trời xuống nhập, xuống ăn(10)
Tìm hiểu về “xên bản, xên mường” ở Tây Bắc chúng tôi nhận thấy chỉ “xên mường” mới thờ trời và là nghi thức chính, xong xuôi mới thực hiện các lễ cúng tiếp theo trong “hệ thống” nghi lễ “xên mường – xên bản – xên hươn”. Thời gian tổ chức lễ xên mường giữa các mường có khách nhau, thường là cuối tháng Giêng hoặc đầu tháng 2 AL (tương đương với cuối tháng 7 đầu tháng tam theo lịch Thái) như Mường Lò, Mường La, Mường Mùn. Ở Mường Thanh tổ chức vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 (tương đương với cuối tháng 9 đầu tháng 10 theo lịch Thái). Muộn nhất là Mường Sang tổ chức vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch (tương đương với cuối tháng Giêng đầu tháng 2 theo lịch Thái). Thời gian tổ chức kéo dài từ 3 – 5 ngày, cụ thể như sau:

  • Ngày đầu tiên thực hiện lễ “cuộc rượu lấy khí thế tinh thần” (Láu khắt láu khánh) gồm các nghi thức mang tính chất thông báo với thần linh việc tế lễ và làm công tác chuẩn bị cho ngày chính lễ (phát dọn, dựng rạp tại nơi cúng tế)…
  • Ngày thứ hai (chính lễ): Tổ chức giết mổ vật dâng tế gồm trâu, lợn, gà, vịt và bầy cỗ cúng tế (tùy đống tượng cúng tế mà vật dâng tế khác nhau). Đầu tiên là cúng tế Then Luông (pò phạ – chủ cõi trời), Then Thóng (Then Vi), Then Xội, Then Chất – Then Chát (Thanh – Nghệ gọi là Then Ná hoặc mè náng Xỉ Đả) mới đến chư then (then anh em) và chủ (vua) các cõi trong vũ trụ. Kế đến là cúng tế linh hồn các chẩu mường (chủ/tạo mường); người có công với mường được thờ phụng; chủ các vùng đất, ngọn núi, khe suối; các loại ma (phi) cư ngụ trong phạm vi bản mường… Kết thúc việc cúng tế thì đánh trống khai hội (tại nhà chẩu mương) bắt đầu các cuộc vui chơi (múa hát, chơi các trò chơi dân gian…) cho đến khuya.
  • Các ngày tiếp theo (3 – 5 ngày tùy từng mường) tiếp tục vui chơi, gần cuối thực hiện nghi lễ tan cuộc (tế nhá) tiễn đưa các then, thần linh, phi về chốn cũ tại các điểm tế. Xong xuôi trở về nhà chẩu mương tổ chức lễ cọp xửa (nộp áo) và xú khuẩn (tụ hồn) cho chẩu xứa và toàn dân mường và liên hoan hưởng lộc, hát gọi và mừng linh hồn trở về…
    Chi tiết mỗi mường có khách nhau nhưng cơ bản là như trên. Riêng Mường Sang không mời gọi then và vua các cõi mà bà Mo Một phải dùng “phép thuật” để mời về hưởng lễ (tương tự như xớ phạ ở khu vực Nam sông Chu). Sự khác biệt này xuất phát từ nguồn gốc lịch sử của người Thái ở Mường Sang có nguồn gốc từ Lào sang định cư vào thế kỷ XV.

2.3 Tín ngưỡng thờ trời của người Tày Dọ Thanh Hóa, Nghệ An

Ở Thanh – Nghệ bước đầu tìm hiểu tại 4 mường có nghi thức tế và nhà thờ then gồm: Mường Ván, Mường Luộc (Thường Xuân), Mường Tráng (Như Xuân), Mường Tôn (Quế Phong)… cho thấy quy mô, nội dung, hình thức có khách nhau nhưng cái cốt lõi cơ bản giống nhau. Ở các Mường Ván, Mường Luộc, Mường Tráng trước đây tại nhà tế trời chỉ thờ cúng then, ngoài ra không thờ thêm bất kỳ thần linh, thần bản mường nào. Riêng tại đền chín gian ở Quế Phong, ngoài thờ và tế trời còn thờ thêm thần linh (Mè náng Xỉ Đả/Xỉ Đả Phạ Huồn), người có công với bản mường (Ló Ỳ, Căm Lạn). Theo một văn bản cổ (viết bằng chữ Thái Quỳ Châu) đã được dịch và công bố thì: “… khi Đền Chín Gian thờ trời xong rồi, thì các tổng, các xã, các bản mới được làm mọc cúng Pủ Chầu (Pủ Chầu Xừa, tức Ông Chủ Áo)… Thờ Pủ Chầu vào tháng 7, đúng ngày 17/7, rồi các ngày 19 – 21 phải kiêng không được làm việc gì, cả đám tang cũng cấm” [11]. Như vậy, việc thờ cúng thần linh và người có công với bản mường được thực hiện sau, có thể ngay sau khi tế trời như ở Tây Bắc, hoặc sau nhiều ngày miễn là xong trước ngày 17/7 Âm lịch.
Địa điểm: Ở mỗi bản mường Thái xưa đều có các khu rừng cấm, đó là ngọn đồi thấp ở ngay kề khu dân cư gọi là Pú Mướng (đồi mường) vừa nghiêm trang vừa thuận lợi cho việc dâng lễ vật. Do là đồi thấp, ngay sát khu dân cư (thung lũng), Pú Mướng thường có dạng bát úp nên còn được gọi là Pú Pỏm (nơi đặt đền 9 gian ở Quế Phong trước đây cũng có tên là Pú Pỏm, sau mới chuyển về Pú Cắm – Núi Vàng hiện nay). Khi đặt đền thời trời có thể được đặt tên khác gọi là Pú Pen (Vạn Xuân, Thanh Quân) vì có hướn pen, (nhà “nhà pen” nhà được lát ván, thưng ván, nhà dân thường chỉ thưng bằng nứa, luồng đan, không được to, đẹp hơn nhà pen; cũng có người cho rằng nhà pen có nghĩa là nhà dài vì pen = dẹt, dài). Pú Mướng/Pỏm/Pen chỉ xây dựng nhà thờ trời ngoài ra không xây cất bất kỳ công trình nào cả. Nhà thờ tạo chủ mường (tạo chau xưa) còn gọi là sớn mướng (như đình của người Kinh) thường được đặt ở nơi thấp hơn là bãi đất bằng trong mường, nơi có cột thiêng “lắc mướng” (cột mường) để cột trâu hiến tế (chém trâu).
Đền và đối tượng cúng tế: Nếu như ở Tây Bắc nơi (nhà) thờ then chỉ được xây dựng tạm bợ, quy mô nhỏ thì ở Thanh – Nghệ được xây dựng và tu bổ thường xuyên, gọi là “hươn pen”, “sớn xớ phạ” (đền thờ trời), “sớn (tến) cau hong” (đền 9 gian). Về kiến trúc và quy mô to đẹp nhất mường (như đã nói ở trên).
Đền 9 gian ở Mường Tôn (Quế Phong, Nghệ An) tương truyền có từ thời thuộc Minh (1407 – 1427), ở Mường Luộc (Xuân Lộc, Thường Xuân) được xây dựng trong giai đoạn là trung tâm của huyện Thọ Xuân cũ (sau khởi nghĩa Lam Sơn đến năm 1835) cũng đã được xây dựng, ở Mường Ván (Vạn Xuân, Thường Xuân), Mường Tráng (Thanh Quân, Như Xuân) có lẽ ra đời muộn hơn, theo truyền ngôn của nhân dân trong vùng thì sau khi Mường Luộc mất vị trí “mường luông” chuyển sang mường Ván (thế kỷ XVIII-XIX), được cho phép của tạo Mường Ván, các mường bắt đầu xây dựng đền thờ trời riêng nhưng Mường Tráng, Mường Lự, Mường Pán vẫn tham gia cúng tế ở đền Mường Luộc(11) cho đến đầu năm 1950 sau khi giải tán mường để xây dựng đời sống mới.
Tùy điều kiện mỗi mường mà quy mô đền 9 gian khác nhau. Ở Mường Tôn, Mường Ván, Mường Luộc đền được xây dựng kiên cố, vững trãi theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày Dọ; ở Mường Tráng chưa có điều kiện nên xây dựng theo lối kiến trúc nhà “nửa sàn nửa trệt” (phượng hạn phượng đỉn).
Cho đến nay vẫn chưa có một sự lý giải nào thật sự thuyết phục về quy mô, kiến trúc xây dựng tại sao phải 9 gian, có một số ý kiến như sau:

  • Thứ nhất, cho rằng mỗi một mường như vậy có 9 mường phụ thuộc (tức mường nhỏ trong mường lớn/châu mường) đến cúng là chính, như ở đền 9 gian Quế Phong có 9 mường đến cúng (Mường Tôn, Mường Păn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quang, Mường Pha Quèn, Mường Miêng, Mường Chón). Tuy nhiên, ở các mường như Mường Luộc, Mường Ván, Mường Tráng chỉ có nhân dân trong mường cúng tế là chính, có sự tham gia của các mường lân cận, nhưng không đủ con số 9 mường/tổng.
  • Thứ hai, có người cho rằng xây dựng 9 gian là vì người Thái có “9 họ tổ tiên” (cau họ phạ) thực tế lại là 12 họ gốc. Có người lại cho rằng vùng phủ Quỳ Châu có 9 họ người Thái song không chỉ rõ được đó là những họ nào, có vai trò ra sao. Ở các Mường Ván, Mường Luộc, Mường Tráng cho đến cuối thế kỷ XIX chỉ có 3 họ (Cầm, Vi, Lương) chiếm đa số và giữ vai trò quản lý xã hội (tạo mường, tri châu, chánh tổng, lý trưởng), các họ khác không đáng kể và không giữ vai trò trong thực hiện tín ngưỡng thờ trời.
  • Thứ ba, số 9 thuộc về con số tâm linh, số 9 được dùng để bày biện trầu cau trong mâm lễ cúng lễ, lời mo cúng là mạc xì hủ, pú ha menh, tức là cau 4 tai/miếng, trầu 5 miếng (tổng số trầu và cau: 4+5 = 9); hay như trong bài hắp (hát cúng) Khun Chương trong lễ tục Chá Một (hết chá/ế xa, cá xa, kin chiêng bóc mạy…) cho biết quân Khun Chương phải sắm lễ 9 miếng trầu cau mang về trời để cầu cúng (đoạn giao chiến với quân Khun Bằng). Số 9 còn được đưa vào kiến trúc như chùa phật giáo của cư dân Thái – Lào thường xây 9 tầng tháp…
    Khi tìm hiểu các bài mo, một, mốn trong vùng chúng tôi nhận thấy người Tày Dọ quan niệm mường trời có rất nhiều vùng cho các thần linh, tổ tiên của các dân tộc khác nhau, nhưng chỉ có 9 khu vực (tầng) là nơi ở của các then, cho nên mới có câu “9 đường lên trời” (cau táng phạ), “9 gầm trời” (cau cong phạ). Trong lễ tục “xăng khan”, “hết chá” của ông mùn, bà Một, thường làm một chùa tháp 9 tầng gọi là “cau than” hình khối chữ nhật, cao khoảng 30cm, mỗi mặt rộng từ 4 – 5cm bằng khung nứa, chăng các sợi tơ nhiều màu… tượng trưng cho 9 tầng (khu vực) trời. Theo quan niệm thì chín khu vực (tầng trời) ấy là nơi ở của 9 then chủ và bộ máy giúp việc của các then gồm: Then Luông, Then Bun – Then Chăng, Then Ló, Then Chất – Then Chát, Then Xội, Then Hung – Then Khao/Then Lốm, Then Khớ – Then Khọ, Then Chương, Then Vi/Then Thóng (có thể mỗi vùng có tên khác nhau), còn lại 2 then ở ngoài cõi trời là Then Cùng, Then Cáo để cai quản các loài ma quỷ không siêu thoát về đẳm đoi được. Đó là nơi giáp giới giữa 3 cõi đất (con người ở), cõi trời (thần linh và tổ tiên con người ở) và bến nước nhà trời mênh mông (tà phạ). Như vậy, then có thể mường trường (cuổng phạ) những cũng có thể ngoài cõi trời (nọc phạ), còn pò phạ chỉ gồm các then ở mường trời (cuổng phạ). Do đó Mường Then (nơi ở của các then) không đồng nghĩa với Mường Phạ (nơi ở của các Pò Phạ) nên người Tày Dọ dùng thuật ngữ “xớ phạ” chứ không phải là “xớ thẻn” có thể vì lẽ này.
    Nhà tế trời ban đầu đúng với tên gọi của nó là “hướn xớ phạ” nên chỉ thờ then, sau đó đưa vào thờ cúng thêm thần linh và người có công với bản mường. Khảo sát một số đền thờ ở Quỳ Hợp, Quế Phong thấy rõ điều này, như Đền Ham (Châu Lý, Quỳ Hợp) lúc đầu thờ trời (cả Pò Thẻn và Náng Xỉ Đả) sau thêm Tạo Nọi; Đền Chọng (Châu Cường, Quỳ Hợp) thờ trời, sau đó là Náng Lẻ, Căm Lạn. Đền 9 gian ở Quỳ Châu được coi là bề thế, linh thiêng nhất vùng khi ở Pú Pỏm (Pú Vai Nhàng) cũng chỉ thờ then, sau chuyển sang Pú Cắm mới thờ thêm Xỉ Đả (còn gọi là Xỉ Đả Phạ Huồn) và các vị có công xây dựng bản mường.
    Vậy Xỉ Đả là ai mà được nhân dân thờ cúng? Người Tày Dọ ở Nghệ An gắn hình tượng Xỉ Đả (có ông mo, bà một gọi là Tỉ Đả) với vùng đất quê hương mình thông qua truyền thuyết và truyện thơ Khủn Tinh – Khủn Tưởng – Náng Ni (thực tế ở Tây Bắc mà cụ thể là Sơn La cũng có truyện thơ Quám Khun Tinh nội dung tương tự, đã được Sở VHTT Sơn La dịch xuất bản năm 1997). Truyền thuyết của người Tày Dọ Nghệ An (cả Thanh Hóa) cho rằng Xỉ Đả là con gái của vua trời (pò phạ) hạ phàm, là hiện thân của người phụ nữ có đức tính tốt đẹp, có tình thương bao la, là tổ sư của nhiều nghề như trồng bông, trồng dâu, chăn tằm, kéo sợi, dệt vải, dệt tơ sồi, nhuộm màu, dệt thổ cẩm, may vá, thêu thùa… Khi về trời Xỉ Đả trở thành một vị then quan trọng trong hệ thống then theo quan niệm của người Thái.
    Xỉ/Tỉ xuất phát từ tiếng Pali là Thêra (hoặc cả cụm từ Thêravađa), một thuật ngữ liên quan đến phật giáo (trường phái phật giáo tiểu thừa), xuất phát từ nghĩa gốc: người xưa, người đi trước, người cao tuổi, người con cả (ancien, ancient, old, elder) hoặc một người mang phẩm trật cao (senior). Người Thái đã sử dụng thuật ngữ trên để chỉ một đấng then ngự trên đỉnh Phạ Bôn – Phạ Chăng. Tùy mỗi vùng mà tên gọi và chức năng vị then này khác nhau, ở Tây Bắc theo Cầm Trọng là Then Bun – Then Chăng, biểu tượng tạo ra hạnh phúc, công danh, tình yêu, sắc đẹp phụ nữ [18]; còn theo Hoàng Nó thì vùng Sơn La gọi là Then Chăng-tê-ba chuyên đúc ra người [10]; ở vùng Thanh – Nghệ gọi là Then Ná – vị then quyền uy có thể sai khiến các then khách trong việc sinh ra, quyết định số phận và tuổi thọ con người và trực tiếp trông coi linh hồn tổ tiên một dòng họ Thái cụ thể nào đó ở cõi trời. Mỗi khi chết đi, linh hồn người chết phải về trình diện với Then Ná (với sự giúp sức của thầy Mo) để Then Ná xé bỏ đi tờ giấy ghi danh để từ về sau không phải thực hiện các nghĩa vụ của người “trần gian” đối với nhà trời nữa.
    Người Thái ở Thanh – Nghệ còn quan niệm, trên mường Then Ná còn có Mè Xuổn Ném và Pù Nỏng Pả trông coi vườn mệnh và ao cá vía để giữ cho mệnh luôn được bình yên. Trong vườn mệnh có một máng nước chảy vào ao nuôi cá mệnh (pa vẳn/bẳn) mỗi con tượng trưng cho một mệnh người dưới trần. Nếu nước chảy đều thì hồn khỏe mạnh, con người được bình an, nước không chảy thì cá chết, mệnh người cũng hết. Chính vì vậy khi con người lên cao tuổi thường tổ chức lễ “Tum bẩư nho bủn” (lau chài, sửa lại vườn mệnh, đặt lại máng nước), để tăng tinh lực và sức sống cho con người…
    Then Ná đối với các dòng họ có sự khác nhau vì bất kỳ một vị then nào trong hệ thống then đều có thể trở thành Then Ná bảo trợ cho dòng họ đó (nhưng chủ yếu là các then lớn – then ngồi giường), như Then Ná của dòng họ Lò có tên gọi là Then Ảo (còn gọi là Then Cùng), dòng họ Hà có tên gọi là Then Thưởng/Thướng, họ Cầm và họ Vi là Mè Náng Xỉ Đả(12)… Khi ấy then có chức năng tạo ra con người, thế giới vạn vật có tên là Then Ló (ló tương đương từ lò trong tiếng Việt, nghĩa là khuôn đúc), Then Tènh – Then Đả tạo ra vạn vật(13).
    Tại đền chín gian Quế Phong còn cúng tổ tiên dòng họ tạo có công khai phá vùng đất phủ Quỳ Châu xưa là Ló Căm Lạn (Cầm Lạn) và Ló Căm Ỳ (Cầm Ỳ). Sử thi Lai lông mương (Xuống mường) cho biết Then cho tạo Khun Vi (Hủn/Hổn Ví) xuống trước, rồi sau đó mới: “Bảo tạo Lo Căm xuống khai mường lập bản/ Chủ Căm Lạn xuống ngồi núi Pu Quai/ Bên trên tạo Lo Căm cai quản/ Bên dưới anh em Lê, Nguyễn cầm quyền”… Còn Ló Căm Ỳ thuộc dòng dõi hoàng gia ở Luông Pha Bang (Lào), trên đường từ mường Ca Da (Quan Hóa, Thanh Hóa) về kinh đô đi lạc vào miền Tây Nghệ An. Tại đây, ông được nhân dân dân Thái suy tôn lên làm chẩu mương (chủ mường) cai quản dân Thái “xây bản lập mường”. Dòng họ Ló Cắm đã dẫn dắt nhân dân Thái thành lập mường Tôn (mường gốc) rồi mở mang ra mường Nọc (mường ngoài) ở Quế Phong; sau đó phát triển xuống Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương…
    Thời gian cúng tế: Thời gian tổ chức nghi lễ thờ trời, được tổ chức trong quãng tháng 6 – 7 hàng năm, ở Nghệ An nhất định phải xong trước ngày 17/7 để thờ Pù Chau xưa của bản – mường (tức “tạo chủ áo”, tương tự như thành hoàng của người Kinh), rồi tháng 8 ăn khem, tức cẳm đỏi (giống như xên hươn ở Tây Bắc). Việc lựa chọn thời gian này xuất phát từ nguyên do đây là thời gian chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Trước đây, người Thái Thanh Hóa, Nghệ An thường cấy sớm (xong trước Tết nguyên đán) trong tháng 4 đã thu hoạch xong, nửa cuối tháng 6 bắt đầu cấy vụ mới để vào khoảng tháng 10 – 11 thu hoạch.
    Nội dung và các bước cúng tế:
    Việc tổ chức nghi lễ thời trời có quy định chặt chẽ được lưu truyền qua nhiều đời bằng truyền khẩu, riêng tại Quế Phong còn có cả văn bản bằng chữ Thái ghi lại để thực hiện, cụ thể như sau:
  • Người chủ trì và những người giúp việc:
  • Chủ trì điều hành lễ tế chung, cao nhất là ông chẩu hua (chủ đầu). Ông này phải là người họ Ló Cắm, là người có uy tín, thông thạo phong tục do dân bầu ra. Giúp việc cho chẩu hua là 2 ông nha. Trang phục của 3 ông này là áo lễ Thái, dài tới gót chân, đầu quấn khăn tải.
  • Một người phụ nữ làm cạu cống, múa hát, lên đồng khi tế lễ (người đi rước và phân công việc cúng Then, cúng tổ trong đền). Bà mặc áo lễ xừa lổm (áo dài), váy thêu, thắt lưng hoa(14).
  • 9 bà Mo Một của 9 tổng (mường) thực hiện việc cúng tại 9 gian thờ. Giúp việc các bà Mo Một là 9 cô gái xảo tồn (gái gốc). Một số trí thức dân gian Thái ở Nghệ An phỏng đoán là các bà Mo này làm nhiệm vụ cúng mường/tổng của mình (cúng thần khai mường lập bản).
  • 9 ông Ạp (ông Tắm) của 9 tổng dắt trâu của tổng mình đến (8 trâu đen, 1 trâu trắng), tắm rửa cho trâu, đem buộc trâu ở cọc trước đền để giết mổ trâu đặt vào gian thờ.
  • Ngoài ra còn có các chẩu ộng (các ông mường/chánh tổng), chẩu mệ (các bà) tự nguyện đến phục vụ thêm. Những người thích xem cũng có thể đến xem, nhưng phải giữ trật tự, ăn mặc nghiêm túc.
  • Việc tổ chức cúng tế theo các bước sau:
  • Đến kỳ thờ cúng mỗi tổng 01 con trâu, 30 thúng gạo, rồi xôi, tơ, vải… nạp cho chẩu hua; cử 1 ông Ạp (ông Tắm), đến ngày thờ đền chín gian đem trâu của tổng mình đi tắm cho sạch sẽ, dắt đến buộc vào cột để hiến tế. Khi giết mổ xong thì đem cả con vào các gian tế. Mệ Một của tổng nào cúng trâu tổng đó (để được biếu thịt trâu của tổng mình).
  • Xong việc thờ đền chín gian về nhà chẩu hua mới mở rượu cắm đủ 9 cần để cúng pò phạ. Cúng xong, các ông mường, ông quan thụ lộc, vừa uống rượu cần vừa đánh trống chiêng. Mỗi người luôn phiên uống 1 lượt cho đủ 9 lượt mới dừng, nổi trống chiêng cũng phải đủ ho được 9 hồi nếu không sẽ bị chẩu hua phạt.
  • Khi Đền chín gian thờ trời xong rồi, các tổng, xã, bản mới được làm mọc cúng pù chẩu (pù chẩu xưa, tức ông chủ áo như thành hoàng của người Kinh) [11].
    Ở Thường Xuân chủ trì lễ gọi là ông Đăm (khác với Quản Đăm là 1 trong 3 tạo cai quản mường), ở Thanh Quân là ông Mường (đồng thời là chánh tổng). Các mường (hoặc pọng) luôn phiên nhau góp trâu, trâu của mường (pọng) nào thì ở đó chọn người lam ông Ạp, bà Một Mường (bà Một đạt đến “đẳng cấp” cao nhất mường, tương tự như bà cạu cống ở Quế Phong) có nhiệm vụ cúng tế. Ở Mường Luộc và Chiềng Ván (Thường Xuân) còn thực hiện thêm nghi lễ bừa ruộng nhà Tạo Mường. Trước khi ông Ạp mang trâu đi tắm rửa dắt trâu ra ruộng nhà ông Mường (ở đầu bản Chiềng, thường gọi là hời muộc), ông Mường trực tiếp bừa chín lượt xong mới cho trâu đi tắm rửa. Tắm xong dắt về buộc vào “cột chủ áo” (cỏ lắc mướng), ông chà mướng (chức dịch trong mường) đến cúng “vía trâu” (cọp bẳn quái) xong mới chém trâu mổ thịt, bỏ nội tạng, để nguyên con (không thui, cạo lông) mang lên nhà 9 gian dâng cúng. Trâu và các mâm lễ được chuẩn bị đầy đủ bà Một bắt đầu cúng lễ theo điệp “hắp một” (hát một, ở Tây Bắc và các dân tộc Tày – Nùng gọi là hát then) có đệm sáo (pì một), bài cúng lễ kéo dài 2 ngày 1 đêm, suốt trong thời gian đó mọi người phải chầu trực tiếp tế, nghe hắp một.
    Nội dung cúng lễ đại khái:
  • Bà Một bày 01 mâm lễ (mâm đổ chừng 1 – 2kg gạo lên mặt mâm tạo thành hình bát úp, rồi đặt các lễ khác lên trên gồm 1 bát gạo gọi là thuôi kháu khoẳn [bát gạo hồn], phía trên bát gạo đặt một chiếc vòng bạc, giữa vòng bạc đặt một quả trứng dựng đứng. Trước bát gạo hồn bày 4 chén rượu, phía sau bày thung xeng (túi ngọc, bùa) của bà một, váy áo phụ nữ, một cuộn vải thổ cẩm dệt loại gọi là phai hắm)… Bà Một tiến hành cúng theo lối hát hắp/xển một. Nội dung bài cúng là đón rước phi một (tổ sư nghề Một) và các lực lượng trợ giúp khác để bà có thể đi mời các then được thuận lợi.
  • Bà Một tiếp tục dùng thuật Một (cưỡi chim tồ hống = chim hạc; hoặc thuyền bay = hứa lốm tùy vào cấp bậc đạt đến trong nghề một) lên trời đón Tạo Tôn (còn gọi là Pù Chau xưa), tức tạo gốc của mường, người có công khai lập mường bản (diễn tả bằng điệu hát hắp/xển một). Trong suốt hành trình của bà Một sau này Tạo Tôn đều cùng đi.
  • Bà Một (cùng Tạo Tôn) đi đón các Then về trần hưởng lễ (“mang theo” trầu cau, lễ vật làm quà thưa chuyện mời các then). Nếu như 2 nội dung trên chỉ kéo dài chừng 2 – 3 giờ và được thực hiện xong trước khi trời tối thì nội dung đi đón các then kéo dài cả đêm (thực hiện vào buổi tối để tăng thêm sự lung linh, huyền ảo, huyền bí). Bài ca miêu tả tỉ mỉ hành trình đi đường từ lúc bắt đầu rời đền tế cho đến ngọn núi có đường lên trời (Pú Tôn hay Pú Ché, tương tự như hát then ở Tây Bắc là núi Khộ Lộng = Cổ Rồng) qua nhiều bản mường của các loại phi khác nhau, với nhiều cạm bẫy, cám dỗ khác nhau mới đến cổng trời (cỏn phạ), rồi bến nhà trời (tà phạ)… để đi vào nơi trú ngụ của từng then, mời trầu cau thưa chuyện và mời then cùng về trần gian hưởng lễ.
    “Hắp” xong mỗi chặng (đăng) như vậy bà Một có thể nghỉ, lấy lại sức khỏe rồi lại tiếp tục. Trong các chặng, khi bà một đi đến và mô tả ở đâu thì có các cô gái, bà nàng hát đệm theo, thực hiện các động tác, múa phụ họa. Thí dụ bài xển bà Một đến đoạn leo núi các cô sẽ có những động tác rẽ cây leo núi, hay khi đi thuyền, các cô phải có những động tác chèo thuyền, đẩy thuyền…; cùng với âm nhạc (sáo pì một) làm cho hắp một trở thành trình diễn nghệ thuật phục vụ cho mục đích tâm linh và thưởng thức nghệ thuật của tầng lớp quý tộc, trí thức dân gian Thái.
    Về phần hội trong lễ tục xớ phạ trước đây ở Thanh – Nghệ được bắt đầu sau khi bà Một cúng lễ. Trong những ngày đó, nhân dân tập trung về xung quanh địa điểm cúng tế để vui chơi các trò chơi dân gian dân tộc Thái như: nhảy sạp (tặp xạc), ném còn (bít cón), kéo co (lạc xao), vật (păm cá/cắn), đánh quay (tò xàng), chọi gậy (chìm nều), đánh khăng (tành tù), đi cà kheo (tỉn tởng, cống quến), bắn nỏ (nhinh na), tò lẹ… Bên cạnh việc tổ chức các trò chơi thì bản mường tổ chức ăn uống gắn với múa hát, âm nhạc như uống rượu cần (ký lau xà), đánh cồng (tỷ công, tỷ cỏng), khắc luống (tung loòng/quènh lòng). Đặc biệt, trong dịp hội tụ đông người không thể thiếu hát nhuôn, lăm, xuối, khặp. Đây là dịp để các mó nhuôn, mó lăm, mó xuối (tức là các nghệ nhân) trổ tài phục vụ cộng đồng; trai gái thì hát đối đáp giao duyên để tìm hiểu, hẹn hò…

Bảng: Tổng hợp, so sánh tín ngưỡng thờ trời của người Thái các vùng

Các mườngTên gọiNơi thờ cúngThời gian tổ chức (Âm lịch)Vật chính, đối tượng cúng tếNgười cúng tế chính, nội dung cúng tế
Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái),
Mường La (Sơn La)… Xên Mường
Tại rừng cấm của mường. Làm sạp thờ tạm (không có đền thờ kiên cố) Tháng 01 – 4 (là tháng 7 – 10 lịch Thái) – Lễ vật: Trâu, lợn, gà, chó, vịt; hoa quả, gạo, rượu, xôi và các món ăn truyền thống
Các then, thần linh, tạo mường các đời. – Ông mo
Mời gọi về hưởng lễ
Xên MườngTại rừng cấm của mường. Làm sạp thờ tạm (không có đền thờ kiên cố)Tháng 01 – 4 (là tháng 7 – 10 lịch Thái) Lễ vật: Trâu, lợn, gà, chó, vịt; hoa quả, gạo, rượu, xôi và các món ăn truyền thống
Các then, thần linh, tạo mường các đời.
Ông mo
Mời gọi về hưởng lễ

Mường Sang (Mộc Châu, Sơn La) Mường Mùn (Mai Châu, Hòa Bình)
Xên MườngTại rừng cấm của mường.
Làm sạp thờ tạm (không có đền thờ kiên cố)
Tháng 6 – 8 (là tháng 01 – 3 lịch Thái)Lễ vật: Trâu, lợn, gà, chó, vịt; hoa quả, gạo, rượu, xôi và các món ăn truyền thống
Các then, thần linh, tạo mường các đời.
Bà một, ông mo.
Bà một “xên Một” cúng lễ Then (có sáo đệm). Ông mo mời gọi các thần linh, các đời tạo về hưởng lễ
Mường Bán, Mường Luộc, Mường Ham,
Mường Tráng…
Sớ phạTại rừng cấm của mường.
Nơi thời cúng là nhà sàn 9 gian (Mường Tráng xây dựng 3 gian nhà nửa sàn nửa trệt)
Tháng 06 – 8 (là tháng 01 – 3 lịch Thái)Lễ vật: Trâu, lợn, gà, chó, vịt; hoa quả, gạo, rượu, xôi và các món ăn truyền thống.
Ở Mường Luộc, Bán, Tráng cúng các then; riêng ở Mường Tôn cúng thần linh và Pù Chau xưa.
Bà Một “hắp một” cúng lễ Then (có sáo đệm)

Trên cơ sở đã phân tích, diễn giải về lễ tục xớ phạ chúng tôi tạm rút ra vài đặc điểm nổi bật chung nhất của tục lệ này tại mường Thái xưa, đó là: Về bản chất đây là tục hiến sinh (vật hiến tế là trâu và các con vật đi kèm như cá, gà, lợn, trong đó riêng trâu cúng thịt sống). Việc thờ trời chỉ thực hiện tại mường lớn, do nhân dân toàn mường đóng góp. Quá trình thực hiện phải có chủ tế, thầy cúng là bà Một, thể hiện bằng lối hát “hắp/xển một”. Các bước nghi lễ tuần tự là xướng báo tại nơi thờ cúng để các thần linh được biết, gồm có 2 bài cúng chính “đuổi ma tà” (sắp khuổng), xướng báo thần linh. Tiếp đến thực hiện nghi thức – nghi lễ liên quan đến con trâu (vật hiến tế chính) như: bừa ruộng, tắm rửa, cúng vía trâu, hiến tế trâu (nghi thức giết mổ)… cho thấy sự liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Đại tế mời các then về hưởng lộc, cầu mong các then phù hộ, giúp sức, làm cho mưa thuận, gió hòa:
Sắm cỗ mang lên dâng cầu Tạo Chủ
Bày cỗ mang lên cầu Tạo Then
Xin cho trần gian được lành
Xin cho người trần gian được an
Đừng cho phải lo tai ương, bệnh tật
Dưới nước cho xin vía cá
Trên ruộng cho xin vía lúa
Vào làng cho xin vía của cải
Dưới nước cho nhiều cá
Trên ruộng cho nhiều thóc
Vào làng nhà nhà lắm của cải(15).

3. Phục dựng tín ngưỡng thờ trời gắn với tổ chức lễ hội ở một số địa phương: Những vấn đề cần quan tâm

Những năm gần đây, một số huyện như Quế Phong, Nghệ An và Như Xuân, Thanh Hóa (ở Tây Bắc một số địa phương cũng đã phục dựng lại lễ xên mường như Mường Thanh, Mường Lò, Mường Sang, Mường Mùn)…, đã quan tâm phục dựng lại đền chín gian và các nghi thức cúng tế, nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, khôi phục bản sắc văn hóa, phát huy giá trị truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (từ phát triển dịch vụ – du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương). Tuy nhiên, các địa phương gặp rất nhiều khó khăn do lớp người được tham gia tổ chức, tham dự lễ tế trời không còn; ngoài văn bản ghi chép về việc tế trời ở huyện Quế Phong (đã dẫn ở trên) thì chưa phát hiện thêm một văn bản nào. Do đó việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu vào từng chi tiết, từng nội dung và lý giải nó thực sự là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu, trí thức địa phương, nhà quản lý. Ngay cả nghi lễ tế trời ở đền chín gian Quế Phong được khôi phục đã nhiều năm, tổ chức nhiều hội thảo, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, trí thức dân gian Thái, các nghệ nhân dân gian hết sức tâm huyết, trách nhiệm, song nhiều vấn đề cho đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng như: trước khi thực hiện chính lễ bao gồm những nghi lễ nào, bài cúng tế câu từ, chữ nghĩa ra sao; trong việc tế trời thì thực hiện như thế nào, tại sao có bà cạu cống mà còn cần thêm 9 bà một cúng, bài cúng ra sao mà kéo dài 2 ngày 1 đêm? Rồi làm thế nào để phát triển lễ tục này thành lễ hội…, là những câu hỏi để nghỏ.
Nhìn chung, việc phục dựng tín ngưỡng thờ trời mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng nơi thờ cúng (nhà 9 gian), nhưng cũng chưa xác định được rõ ràng, cụ thể đối tượng thờ cúng (thờ ai?); thực hiện như thế nào (nội dung các bước), sử dụng bài cúng tế nào, ai cúng tế, theo truyền thống (trước đây) hay đổi mới, cải tiến… các địa phương còn lúng túng. Việc phát triển tín ngưỡng này trở thành lễ hội rất được các địa phương chú ý, phần lễ bước đầu được phụng dựng lại song chưa khôi phục đầy đủ các yếu tố theo truyền thống (như đã nói ở trên), phần hội rất được quan tâm, ngoài các trò chơi truyền thống, đã tổ chức thêm những nội dung mới như tổ chức hội chợ quảng bá hình ảnh địa phương, hội thi biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể dục – thể thao, thi người đẹp trong trang phục dân tộc… nhưng để đạt được đúng nghĩa của lễ hội vẫn còn nhiều vấn đề phải thực hiện, theo chúng tôi để đạt đến cấp độ lễ hội phải thỏa mãn có đầy đủ 5 thành tố giống như cấu trúc lễ hội của đồng bào Kinh (Thành hoàng – Thần tích – Thần điện – Tục lệ – Trò diễn), hội đủ các yếu tố của phạm vi lễ hội (thời gian, không gian, nội dung ý nghĩa và văn hóa bản làng), thỏa mãn đầy đủ nhu cầu hội hè đình đám của người nông dân và nhân dân nói chung, và là biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng nông nghiệp, lễ nghi nông nghiệp trong các bản làng xưa. Và để đạt đến cấp độ lễ hội thì cấp ủy, chính quyền thời gian tới cần quan tâm xác định một số nội dung sau:

  • Không gian, phạm vi lễ hội: Không thể tách khỏi không gian bản mường của người Thái, ở đây là địa phương nơi có đền cúng tế và các địa phương cùng tham gia cúng tế, như ở đền chín gian Quế Phong là toàn bộ các địa phương thuộc phủ Quỳ Châu xưa, ở huyện Như Xuân bao gồm các xã thuộc tổng Quân Nhân xưa… Mở rộng không gian, phạm vi lễ hội theo quan niệm hiện đại không giới hạn về không gian, đối tượng tham gia.
  • Thời gian: Ngày tế lễ theo đúng truyền thống hay tổ chức lại cần phải cân nhắc, xem xét thời gian phù hợp bởi các yếu tố như điều kiện kinh tế – xã hội, nhu cầu văn hóa tâm linh, đời sống văn hóa tinh thần… đã có sự thay đổi, song vẫn nên tôn trọng truyền thống. Thường ngày, nhất là dịp lễ, tết mở cửa cho nhân dân và khách thập phương đến dâng hương thỏa mãn nhu cầu tâm linh (trước đây không có việc này).
  • Chủ thể và nội dung: Hiện nay, không riêng gì đối với lễ hội đền chín gian mà hầu như tất cả các lễ hội đều do chính quyền địa phương (hoặc ban quản lý di tích thay mặt chính quyền địa phương) đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, nếu trả về đúng vị trí của nó thì chủ thể tổ chức phải là cộng đồng dân cư (bản mường); cấp ủy, chính quyền hỗ trợ, giám sát… Bởi nhân dân, cộng đồng dân cư mới thực sự là chủ thể của lễ hội
    Cần đầy đủ nội dung, các bước như truyền thống hay cắt bỏ cho gọn cho phù hợp với bối cảnh hiện nay? Nếu cắt bỏ nội dung nào đó cho gọn thì vẫn phải thực hiện đầy đủ bước theo truyền thống để đảm bảo ý nghĩa phục dựng văn hóa cổ truyền. Nghiên cứu, sưu tầm may lễ phục truyền thống cho từng người thực hiện nhiệm vụ trong nghi thức cúng tế. Rồi cần khôi phục đầy đủ các bước, các nghi thức và các bài cúng. Việc khôi phục việc cúng tế theo nghi thức “xển một” rất quan trọng vì đây là nghi thức chính tế (theo truyền thống) nhưng hiện các nơi chưa làm được vì một bộ phận còn chưa hiểu biết đầy đủ về “xển một” trong nghi thức tế trời. “Xển một” tế trời là hình thức cao nhất của hát then, phản ánh hiện thực xã hội ở các giai đoạn lịch sử, phản ánh thế giới tâm linh của các giá trị truyền thống; đồng thời còn phản ánh sự đa dạng của văn hóa người Tày Dọ hay cũng có thể nói “xển một” chính là sự tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc trưng của người Tày Dọ, tiêu biểu là nghệ thuật biểu diễn cộng với môi trường diễn xướng mang đậm màu sắc tâm linh (hát, múa, âm nhạc)… Việc khôi phục “xển một” trong nghi thức tế trời không nhằm phục dựng đầy đủ, đúng với nghi thức xưa mà còn giúp chúng ta góp phần vào việc thực hiện cam kết giữ gìn và phát huy, phát triển di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là hát then… dẫu biết rằng đây là nội dung khó vì, số người hiểu biết rất ít, nghề Một tại một số địa phương gần như đã “thất truyền”… Do đó cần được quan tâm và có giải pháp để thực hiện./.

Ghi chú

  1. Ban tuyên giáo Huyện ủy Thường Xuân (Hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam). Bài viết được in trong tập kỷ yếu Hội thảo Khoa học phục dựng đền chín gian huyện Như Xuân và đăng trên tạp chí Khoa học Văn hóa Dân gian Việt Nam (Viện Nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
  2.  Chúng tôi ước tính dựa trên số liệu Tổng điều tra dân số năm 2009, hiện nay sau gần 10 năm đã có sự gia tăng (tăng trưởng dân số tự nhiên trong các vùng trên ở mức 1-1,5%/năm).
    Theo trang https://www.ethnologue.com/country/VN thì riêng Bắc Nghệ An có 300 ngàn người Tày Dọ (2003), nếu chính xác như vậy, thì ở Việt Nam có khoảng 345 ngàn người (ước tính vùng Nam Thanh Hóa có khoảng 45 ngàn người).
  3. Trong công bố của các nhà nghiên cứu như: Mạc Đường (1964), Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Lê Sỹ Giáo (1998), Vi Văn An (1998)…
  4. Thái (cả ở Việt Nam, Lào, Thái Lan) coi Khun Borom là vị vua đầu tiên của mình. Borom (Bó Dôm) là tên của con sông Nậm Rốm (Nặm Dôm), chảy qua Điện Biên sang Lào đổ vào sông Mê Kong. Theo truyền tích của người Thái Lào thì Khun Borom đầu tiên đã xây dựng Mường Then (Hán tự: Mãnh Thiên) thành trung tâm của hoàng gia. Borom không phải là tên riêng mà là danh xưng, bằng chứng là danh xưng này còn được hậu duệ của Khun Borom cai trị vương quốc Ayutthaya sau này sử dụng như: Borom pMaratcha hay Borom Trailokanat. Theo Vương Trung trong sử thi Tay pú xậc (Những nẻo đường chinh chiến của cha ông) thì người Thái Đen ở Mường Lò khi mở rộng địa bàn cư trú lên Mường Thanh đã gặp (hòa hợp) với nhóm Thái dưới sự cai quản của thủ lĩnh Khun Bó Dôm (danh xưng).
  5. Theo cuốn: Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (Nxb Văn hóa, Hà Nội – 1960) trong bài chế phong bà Chiêu Nghi làm Trinh Ý nguyên phi có câu: Khi ở núi Linh Sơn lương thực gian nan từng nhờ lo chạy. Buổi ở trại Lẫm Lộ áo xiêm rách rưới vẫn cậy khâu may. Lẫm Lộ tức là Lâm Lư, thời Lê đổi từ trại thành sách, thời Nguyễn là xã, thuộc tổng Quân Nhân.
  6. Chúng tôi cũng giả sử có sự di cư đến từ Mường Dọ/Xo nào đó thì khoảng 1000 trước đây cuộc di cư ấy không thể vượt qua con số 3.000 dân (tương ứng với số dân của một châu mường thời Đồng Khánh 1885-1888). Với mức tăng dân số tự nhiên 2%/năm (thực tế mức tăng tự nhiên cao chỉ trong giai đoạn sau 1945 đến 1990) thì sau 100 năm tăng thêm 6.000 người, sau 1.000 năm là 60.000 người, so với con số 300 – 350 ngàn người hiện nay chênh lệch hơn 50 lần.
  7. vùng Tây Bắc vẫn có những nhóm Thái nói ngôn ngữ 5 thanh như ở Mộc Châu, Mai Châu, Phù Yên, Đà Bắc (nhóm phương ngữ Thái Trắng phía Nam Tây Bắc – tức nhóm Thái Trắng 3 theo phân loại của Cầm Trọng). Về lịch sử, nhóm Thái Trắng 3 này cùng một nguồn gốc. Theo Sơn La ký sự của Nguyễn Khôi thì người Thái họ Xa ở Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên (Sơn La) được vốn họ Vi, từ Luong Phra Bang qua Mường Xáng, Mường Săm (Lào), rồi sang Mường Xén (Kỳ Sơn, Nghệ An). Từ Mướng Xén tỏa ra Thanh Hóa qua Mướng Ánh, Mường Khòng (Tây Bắc Thanh Hóa) vào Mường Mùn – Mai Châu (Hòa Bình), lên Mộc Châu (Sơn La) và tỏa đi các nơi [10].
  8. Thông thường các nhà sư Lào, Thái Lan có tên gọi bắt đầu bằng phạ (phra, pra), cố đô Luông Pha Băng (Luổng Phá Bàng) được đặt tên theo một bức tượng vàng của Đức Phật…
  9. Cho đến nay chúng tôi chưa lý giải được vì sao các dân tộc trong nhóm Tày – Thái ở phía Đông ít tiếp xúc (không tiếp xúc) với Lào, Thái vẫn gọi trời là phạ.
  10.  Nguyên văn tiếng Thái:
    Chau bài na mứa xù Nỏng Búa
    Mí thiểng xển tể phạ
    Xíp cằm ha quái đắm lống tể
    Chọm tể lẹo phỉ phạ hạc lống [11]
  11. Theo ông Hà Xuân Việt (86 tuổi, thôn Chiềng, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân) cho biết đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 các mường Lự, Tráng, Pán vẫn đem trâu đến Mường Luộc cúng tế. Sở dĩ như vậy vì tương truyền khi Mường Tráng mổ trâu tế trời ở Pú Pỏm có con quạ xà xuống gắp miếng xương trâu về đặt ở đền Mường Luộc nên cho rằng Then không thích cúng tế ở đó đã theo sang Mường Luộc tế (tương tự như chuyện chuyển đền 9 gian từ Pú Pỏm/Pú Vai Nhàng sang Pú Quái ở Quế Phong). Việc sang cúng tế này thực hiện theo tục lệ truyền nhiều đời có thể do mối quan hệ mường lớn (luông) – mường phụ thuộc, có quan hệ đặc biệt (chung một nguồn gốc), hoặc đơn giản chỉ là giao hiếu vì theo ông Lương Văn Mão (79 tuổi, thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân) cho biết Mường Luộc cũng mang trâu sang Mướng Tráng cúng tế (?).
    Về thời gian xây dựng đền tế trời ở Thanh Quân có nhiều ý kiến khác nhau, người cho rằng đã có từ lâu đời, người lại nói mới có từ cuối thế kỷ XIX giai đoạn Cầm Bá Thước khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1884 – 1895), thậm chí muộn hơn mới xây dựng năm 1938. Theo chúng tôi có lẽ đã có từ lâu, nhưng trước đây chưa được xây dựng quy mô, kiên cố, trong các giai đoạn đó được xây dựng lại.
  12. Xuất phát từ quan niệm về mường then như vậy, nên người Thái trước đây thường có các lễ cúng xên mường then như cúng để xin thay đổi Then Ná (khi có một nhánh họ có điều kiện kinh tế hoặc địa vị xã hội thay đổi nên xin thay đổi Then Ná của mình cho tương ứng với chức vụ hay địa vị xã hội của nhánh họ ở cuộc sống dưới Mường Lùm hoặc cúng lên Thẻn Ná để cầu xin cuộc sống bình an, thịnh vượng…
  13. Tènh là từ gốc Thái kết hợp với từ cùng nghĩa gốc Pali là Đả (như đã nói ở trên) thành một từ ghép mà vẫn có thể tách ra để sử dụng riêng ngữ nghĩa không đổi. Một điều khá lý là người Khơ me cũng có một vị thần gọi là Têvêđa (Thêvêđa), được xem là thần tiên do trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian một năm. Trong dịp tết Chôl Chnăm Thmay (lễ mừng năm mới) cúng tiễn đưa ông Têvêđa cũ, rước ông Têvêđa mới mong được ban phúc lành.
  14. Bà cạu cống trong lễ tế trời ở đền chín gian Quế Phong chính là bà Một Mường (ở Tây Bắc gọi là then). Để làm được Một Mường phải được “chân truyền” và phải trải qua 9 lần tổ chức lễ hết chá (ế xa, cá xa, kin chiêng bóc mạy, kin pang then…) đạt đến “bậc” cao nhất trong nghề, có thể thực hiện mọi nghi thức của nghề Một; quản lý, phân chia địa bàn cho những người làm nghề Một toàn mường.
  15. Nguyên văn tiếng Thái như sau:
    Kiệu ngái mứa Pò Thẻn cáu tàn Pò Chau
    Kiệu ngái hưn Pò Phạ cáu tàn Thẻn nửa
    Pò Bổn đay ký ngái xỏ hơ mướng lùm pển tỏ
    Nhớ hơ đay táy mướng đỉn mướng piếng pển tôn
    Nhá hơ khôn, hớ nạn, hơ việc lống lờ
    Tơ nặm xì xỏ tè bẳn pả
    Tênh ná xỏ tè bẳn khau
    Hau ban xỏ bẳn xình hỏng hướn
    Tơ nặm hơ nổi pả
    Tênh ná hơ nổi khau
    Hau ban lồi sình hỏng hướn.
    (Đoạn hát một này do bà Một Mường Cầm Thị Đènh, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân cung cấp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Vi Văn An: Góp phần tìm hiểu 2 nhóm Thái Đen và Thái Trắng ở miền Tây Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 4 -2001.
  2. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội -2005.
  3. Vi Văn Biên: Văn hóa vật chất của người Thái ở Thanh Hóa và Nghệ An, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội -2006.
  4. Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa: Trống Đồng Thanh Hóa, Nxb khoa học xã hội, Hà Nội – 2013.
  5. Charles Robequain: Tỉnh Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa – 2012.
  6. Lê Huy Dũng: Tín ngưỡng dân gian của người Thái ở Thường Xuân, Thanh Hóa, Luận văn cử nhân Sử học, chuyên ngành Dân tộc học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, tháng 6 – 2000
  7. Lê Sĩ Giáo: Lần tìm cội nguồn lịch sử người Thái Thanh Hóa, Tạp chí Dân tộc học, số 2 -1991
  8. Lê Sỹ Giáo: Sự phân loại các nhóm Thái ở các tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An, Tạp chí Dân tộc học, số 1-2000.
  9. Vũ Trường Giang: Trở lại vấn đề tên gọi và lịch sử cư trú của người Thái ở miền núi Thanh Hóa, Tạp chí KHXH Miền Trung, số 2 -2010
  10. Nguyễn Khôi: Sơn La ký sự, đăng trên cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La (http://www.sonla.gov.vn), truy cập tháng 3-2018.
  11. Quán Vi Miên: Lễ hội đền chín gian, Tạp chí Thế giới di sản, số 4-2014
  12. Quán Vi Miên: Văn hóa Thái Nghệ An – Tìm hiểu và khám phá, tập 2, Nxb Sân khấu, Hà Nội – 2016
  13. Hoàng Minh: Lễ dâng trâu tế trời của người Thái bản Lùm Nưa, xã Trịnh Vạn, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1 (29) – 2009.
  14. Hồ Thị Thủy, Hồ Mạnh Hà: Lễ hội đền 9 gian với văn hóa tâm linh của người Thái Nghệ An, Tạp chí KH-CN Nghệ An, số 12 – 2016.
  15. Cầm Trọng – Phan Hữu Dật: Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội – 1995.
  16. Vương Trung: Mo Khuôn (sưu tầm và biên dịch), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội – 1999.
  17. Cầm Trọng: Những hiểu biết về người Thái ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 2005
  18. Trần Quốc Vượng – Cầm Trọng: Sự tham gia của văn hóa Thái vào sự hình thành và phát triển văn hóa Việt Nam, Báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị quốc tế Thái học lần thứ 2 tại Băng Cốc, Thái Lan, tháng 8 – 1984
  19. PGS, TS Hoàng Lương: Người Tày – Thái cổ Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội – 2015.
  20. Sila Viravong, M.S: History of Laos (Lịch sử Lào), Paragon book reprint corp, New York – 1964.
  21. M.L. Manich: Historv of Laos (Lịch sử Lào), Nai Vitaya Rlijiravanichathep, Bangkok – 1967.
  22. Wyatt, David K: Thailan – A short History (Lược sử Thái Lan), Yale University Press, New Haven and London – 1984.
  23. Dominique Menguy: Le Mythe de Khun Burôm – Les Origines du Laos d’après un Manuscrit ancien (Thần thoại về Khun Burôm – Nguồn gốc của Lào từ một bản thảo cổ), Publisher SevenOrients, Paris – 2007.
  24. Langsith THANASOUK: Perceptions on LAOS – History, basis, and strengthens for developments (Nhận thức về Lào – Lịch sử, nền tảng và triển vọng phát triển), Graduate School of Public Administration, Seoul National University, Republic of Korea, August 2011 (Báo cáo khoa học).

Cảm ơn độc giả Hà Nguyên Trừng đã cung cấp cho chúng tôi bài viết ý nghĩa này!

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *