QUAN NIỆM VỀ HỒN CỦA CON NGƯỜI (PHÌ KHUỒN)

Người Thái thường nói: Nhă̄ng pền côn tài pền phì – sống làm người chết làm ma. Khi sống, người ta ai cũng có đầy đủ 80 vía, khi người chết tất cả các vía đều rời khỏi cơ thể, thây người còn lại là xác chết vô tri vô giác.

Khi người ta tắt hơi thở cuối cùng là lúc tất cả 80 vía tụ lại thành hồn. Người chết vía không còn những hồn vẫn tồn tại trở về chốn hư vô. Do vậy, khi con người chết đi phải tổ chức tang ma, hỏa táng hoặc địa táng thân xác và đưa tiễn hồn về đâu? Tục tang ma của người Thái nói chung kể cả dòng Thái Đen và Thái Trăng đều có phân biệt từng hạng người chết khác nhau mà tiến hành lệ đưa đám khác nhau.

Lớp trẻ con từ lúc mới đẻ cho đến tuổi thiếu niên chết, người ta gọi là phi cướt – ma trẻ ranh. Loại hồn ma này không cần tiễn đưa tang chu đáo, bởi chưa được xã hội bản mường coi trọng. Ma trẻ ranh có nhiều lứa, thường lứa lớn cầm đầu lứa nhỡ và lứa bé. Hồn ma trẻ ranh vào những đêm tối trời đầu tháng, cuối tháng âm lịch chúng thường biến thành từng đàn như hình bóng những con khỉ lảng vảng chơi các nơi bên bờ suối. Chúng sợ người, không làm hại được gì cho ai. Hồn ma trẻ ranh ngụ dưới đất, không được lên xứ Then trên trời, không được cúng bái cùng tổ tiên.

Lớp người đẻ chết thì hồn biến thành phi pai – ma bà đẻ. Người đẻ chết, người Thái thường đem chôn ở nghĩa địa riêng và có cúng tiến hồn về trời nhưng hồn phải ngụ tại một khu vực trời riêng với nhau nơi hồ máu. Do hồn không sạch sẽ nên không được tới ở cùng với nơi hồn tổ tiên của dòng họ.

Lớp nam nữ đã trưởng thành khi qua đời, người Thái thường đem chôn và có tục cúng tiễn đưa hồn về trời với tổ tiên. Khi có cỗ xên hươn – cúng nhà hay pạt tông – cúng cơm tuần, hồn của họ được mời về dự cỗ cúng cùng tổ tiên theo thứ bậc.

Lớp người được gọi là người già trên năm sáu mươi cả nam lẫn nữ đều được bản mường có tục đền đáp công ơn bởi cuộc đời họ đã chăm lo xây dựng gia đình, sinh đẻ nuôi dạy con cháu nối tiếp và đã hoàn thành nghĩa vụ công dân đối với xã hội. Luật tục định rõ: Lớp người già qua đời, con cháu, anh em họ hàng, thôn bản phải tiến hành việc tang đám chu đáo. Đối với đám là thường dân hay viên chức không phải thuộc dòng họ “Tạo” (chủ mường) thì dù làm ma to cũng không được dựng quá ba “co heo” cột cờ phướn và cỗ lẽ không được mổ quá một con trâu. Nếu gia đình túng thiếu thì cỗ cúng chi mổ lợn, gà và dụng một cột cờ phướn cũng được nhưng phải đủ thủ tục hỏa thiêu hoặc có thể địa táng, phải có cùng tiến đưa hồn người quá cố lên trời về với “đẳm” dòng họ tổ tiên trên cõi Liên Pan Nọi (Niết bàn nhỏ).

Trong sách luật tục tăng ma thời xưa của người Thái Đen có hai quy định về việc tiễn đưa hồn người quá cố lớp già :

– Đối với dân thường và viên chức nhỏ được tiễn hồn lên đến Liên Pan Nọi (Niết bàn nhỏ), nơi ấy hồn ngụ theo từng dòng họ trên một khoảng trời bao la, các hồn vẫn phải làm ăn theo từng nghề nghiệp như khi còn sống làm người ở dưới trần gian.

– Thời phong kiến xưa, luật tục có quy định: Khi người đứng đầu bản mường “chủ mường” và gia đình dòng họ gọi là Tạo (nhà quan) qua đời có quyền làm đám ma to, số trâu lợn mổ cũng không hạn chế, dựng “co heo” cột phướn từ 5, 7 cột trở lên đến mấy chục cột không hạn chế và phải cúng theo thủ tục tiễn đưa hồn lên trời về với “đẳm” tổ tiên của dòng họ Tạo (họ quan chức) ngụ nơi cõi Liên Pan Luông (Niết bàn lớn). Nơi này hồn ngụ cực lạc như tiên, các hồn thảnh thơi không phải làm lụng, lo lắng gì, chỉ việc sẵn hưởng đủ mọi sự sung sướng trên cõi trời. Trên ấy có Hội đồng các Then do Then lớn đứng đầu cai quản khắp vùng trời và khắp cả dưới trần gian.

Facebook Comments