QUAN NIỆM VỀ TỔ TIÊN – THẦN BẢN – THẦN MƯỜNG – CÕI TRỜI – Văn hóa tâm linh dân tộc Thái (phần II)

Từ khi lập bản lập mường, từ khi có ‘tạo’ có ‘dân pay’ người Thái rất coi trọng việc cúng tổ tiên, tôn kính thần bản, thần mường. Và đặc biệt là quan niệm về sức mạnh tối cao của Mường Trời


1. TỔ TIÊN (PHI HƯƠN, PHI ĐẲM, PHI PẢU PÚ, PHI PÚ DA, PHI HÓNG)

Người Thái theo tục cúng tổ tiên, không theo bất cứ tôn giáo ngoại tộc nào. Đây là đặc trưng nổi bật trong tôn giáo – tín ngưỡng Thái.
Khi chết, linh hồn (hồn chủ) hóa kiếp về cõi đẳm để trở thành tổ tiên (phi hươn) đặt ở gian gọi là hóng (ꪬ꪿ꪮꪉ) bên phía quản. Với nhóm Thái Đen, lễ cúng tổ tiên gọi là cúng nhà (xên hươn – ꪹꪎꪸꪙ ꪹꪭꪙ) được xem như ngày tết. Dịp vui của một nóc nhà thu hút sự tham gia của bà con trong bản và một vùng rộng lớn. Vật hiến tế là lợn to. Cúng xong đặt bàn cỗ mừng. Người đọc khấn lễ là mo không phải một. Ngày cúng cũng là ngày vui, người ta uống rượu, hát đối đáp theo là điệu dân ca suốt ngày thâu đêm, đánh trống, chiêng, xòe múa, hát hò. Người Thái Đen xưa không ăn Tết Nguyên Đán như người Hán, người Việt hay người Thái Trắng. Ngày nay, hai sự kiện: “cúng nhà” và Tết Nguyên Đán thường kết hợp làm một.


2. THẦN BẢN – THẦN MƯỜNG (PHI BẢN – PHI MƯỜNG)

Bản – Mường là một thể thống nhất tâm linh, có nhiều linh hồn và một linh hồn chủ. Linh hồn bản – mường gồm tất cả các linh hồn của mọi thành viên trong một đơn vị cư dân mang tên bản hay mường. Hồn chủ là linh hồn người được bản mường chọn áo để cúng. Người Thái gọi người đó là chảu xửa, chủ áo, chủ các linh hồn. Chảu xửa ở bản trước tiên là ông cha người có công khai phá ra bản đó, nay con cháu vẫn tiếp tục đưa ra làm người đứng đầu bản. Cũng có thể về sau, con cháu của người có công khai phá bản đó không giữ chức đứng đầu bản nhưng vẫn được người ta chọn là chảu xửa. Nếu đã quên người khai phá, lập bản đầu tiên, nhất thiết phải coi người đứng đầu bản là chảu xửa.

Lễ cúng bản mường ở Huyện Sốp Cộp, Sơn La.
#YoutubeChannel: Lò Xuân Trường
Chảu sửa của mường là người đứng đầu thuộc dòng quý tộc cai quản mường đó. Họ phải là người thuộc con cháu của lớp tạo đầu tiên có công dẫn dắt người Thái trong mường dựng nên tổ chức của mường đó. Bởi vậy, thủ lĩnh châu mường, phìa, tạo thường là chảu xửa. Tuy có trường hợp ngoại lệ, một mường có một người làm thủ lĩnh, một người khác đứng đầu làm chảu xửa gọi là tạo chảu xửa. Đó là trường hợp đứng đầu một mường là người thuộc một dòng quý tộc ở nơi khác được cử đến thay thế. Linh hồn của mường cũng có minh, nen như linh hồn cá thể. Minh, nen ngụ ở một quả núi nương bóng bên dòng sông, suối được người ta chọn, đặt tên là pom minh mường (ꪜꪮꪣ ꪣꪲ꪿ꪉ ꪹꪣꪉ).
Thành phần phi bản, phi mường gồm cả “thế giới của linh hồn bất biến” gọi chung là phi đẳm. Khi các thành viên của bản, mường chết đi, tất cả linh hồn của họ “tiếp tục tái sinh” ở cõi phi do tổ tiên của quý tộc làm chủ. Phi bản, phi mường còn có lực lượng thần linh là chủ các khe suối, dòng sông, ngọn núi trong phạm vi đất mường, được hợp lại gọi chung là Chủ đất – Chủ nước (Chảu nặm, chảu đin – ꪹꪊ꫁ꪱ ꪙꪾ꫁, ꪹꪊ꫁ꪱ ꪒꪲꪙ). Khe suối lớn, con sông chảy qua đất của mường còn có nơi được chọn để thờ Chủ cõi nước gọi là Văng mương hay Phi mương.
Hình thức cúng bản – mường được tập trung ở đất chiềng. Như Mường Mụa (Mai Sơn – Sơn La) có đến 12 kiểu cúng. Đây chính là lễ hội của mỗi đơn vị mường của người Thái xưa.


3. CÕI TRỜI (PHI PHẠ – PHI THEN)

Theo quan niệm xưa, cõi trời là thế giới chứa đựng mọi lực lượng quyết định tất cả sự việc và hiện tượng trên thế gian. Đối với họ, cõi trời cũng là một mường nên có tên là Mường Phạ (ꪹꪣꪉ ꪡ꫁ꪱ). Mường Phạ do các vị Then làm chủ nên còn gọi là Mường Then (ꪹꪣꪉ ꪵꪖꪙ). Mường Phạ chia làm hai phần. Một là nơi chứa đựng “những linh hồn bất biến” gọi là đẳm hay đẳm pang (ꪒꪾ꫁ ꪜꪱꪉ). Hai là nơi ngụ của các vị Then do Then luông (lớn) làm chủ. Then luông (ꪵꪖꪙ ꪨꪺꪉ) tương tự như Ngọc Hoàng thượng đế trong quan niệm của người Việt.
Việc cúng Then bao giờ cũng gắn với lễ nghi cúng linh hồn người và linh hồn bản – mường. Ngày nay, việc cúng bái này không còn thấy ở đâu tổ chức nữa.


Bài viết được trích từ sách Văn hóa tộc người Thái, NXB QĐND năm 2016 (Cầm Trọng – Chu Thái Sơn – Chủ biên)

Facebook Comments

3 Replies to “QUAN NIỆM VỀ TỔ TIÊN – THẦN BẢN – THẦN MƯỜNG – CÕI TRỜI – Văn hóa tâm linh dân tộc Thái (phần II)

  1. Add làm ơn cho mình hỏi, bài viết trên trích từ trang bao nhiêu đến trang bao nhiêu vậy? xin chân thành cám ơn!

    1. Cảm ơn bạn Bùi Niên đã quan tâm đến bài viết của lichsuvanhoathai.com. Bài này được trích từ trang 171 đến 180 sách Văn hóa tộc người Thái nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *