Các nội dung chính
1. Ba mươi vía phía trước, năm mươi vía phía sau
Người Thái quan niệm rằng từ khi lọt lòng sinh ra thành người đều có thể xác và phần vía. Thể xác là thân hình một con người trọn vẹn, vía là thành phần của các bộ phận sống trong cơ thể con người. Các bộ phận ấy biết hoạt động tinh xảo theo chức năng nhờ các bộ vía trọn vẹn của các bộ phận hợp thành. Thân thể con người nếu không có bộ vía thì chỉ là một khối thịt. Người ta cũng quan niệm rằng nếu vía của một bộ phận nào đó buồn chán rời khỏi bộ phận ấy thì bộ phận ấy sẽ đau nhức, thân thể người đó sẽ mệt mỏi, ốm đau.
Sách giảng giải về vía của người Thái(1) nói: Mỗi người ai cũng đều có một bộ vía đầy đủ, nam nữ đều như nhau. Khác nhau ở đôi vú, nữ có vú to mang bầu sữa, nam có vú tẹt và bộ phân sinh dục nữ có bộ “bướm”, nam có bộ “chim”, vẫn tính đủ số vía của các bộ phận bằng nhau.
Bộ 80 vía ấy người Thái chia làm hai phần, phần mắt người ta có thể nhìn thấy rõ gọi là vía phía trước và phần vía kín nằm trong cơ thể con người hoặc khuất mắt, nhìn thẳng không thấy gọi là phần vía phía sau. Mỗi người đều có 30 vía phía trước (sàm síp khuồn mang nả) và 50 vía phía sau (hả síp khuồn mang lằng).
Ba mươi vía phía trước (sàm síp khuồn mang nả):
- Vía thóp đầu (Khuồn cmom)
- Vía bộ tóc (Khuồn phồm)
- Vía hai thái dương (Khuồn sòng phái mít)
- Vía các chân tóc (Khuồn tìn phồm)
- Vía cụm chỏm đỉnh đầu, thần kinh chủ (Khuồn tàm mồi cảu, hòm khuồn)
- Vía dánh bộ mặt (Khuồn nả)
- Vía hai bên má (Khuồn sòng kẻm)
- Vía hai bên mi mắt (Khuồn pāu tà)
- Vía trán (Khuồn nả đén)
- Vía hai con mắt (Khuôn sòng ta)
- Vía hai tai (Khuôn sòng hù)
- Vía hai lỗ mũi (Khuôn xoong hú đăng)
- Vía miệng (Khuôn xốp)
- Vía cằm dưới (Khuồn cāng)
- Vía hai môi trên dưới (Khuồn xoong hīm xốp)
- Vía hai nách (Khuồn xoong hặc hẹ)
- Vía bộ ngực (Khuồn ấc)
- Vía bộ vú (Khuồn puông nôm)
- Vía hai bên mạng mỡ (Khuồn xoong cảng bang)
- Vía lưng (Khuồn eo)
- Vía hai bên mông (Khuồn sòng puông cồi)
- Vía bụng phía ngoài (Khuồn tọng)
- Vía bộ “chim” hoặc “bướm” trần lồm xồm (Khuồn pháng phe teo puā nuā)
- Vía hai chân (Khuồn sòng tìn)
- Vía lòng dưới hai bàn chân (Khuồn sòng phá tin nả tả)
- Vía huyệt giữa lòng hai bàn chân (Khuồn sòng xōng tìn)
- Vía mười ngón chân (Khuồn nịu tin xếp lúa)
- Vía hai cánh tay (Khuồn sòng khen)
- Vía hai bàn tay (Khuồn sòng phá mư)
- Vía hai bên vai (Khuồn sòng bả)
Năm mươi vía phía sau (Hả síp khuồn mang lằng):
- Vía bộ óc (Khuồn ék)
- Vía lợi trong miệng (Khuồn lứp hướk đèng)
- Vía bộ răng (Khuồn phú khẻo)
- Vía lưỡi (Khuồn lịn)
- Vía họng, phế quản (Khuồn buak co)
- Vía yết hầu bên trong (Khuồn cuồng tóm co)
- Vía các ống xương (Khuồn đúk co)
- Vía bộ xương sống lưng (Khuồn phú đúk xlăng)
- Vía bộ tủy trong xương (Khuồn phú ék đúk)
- Vía bộ xương sườn (Khuồn phú đúk hiêu sảng)
- Vía gáy sau (Khuồn cốc cđổn)
- Vía bộ xương chậu (Khuồn đúk cồi)
- Vía hai thăn thịt (Khuồn sòng sằn)
- Vía hai bả vai sau lưng (Khuồn xoong pẻn láy)
- Vía bụng trong (Khuồn pùm cuồng)
- Vía bộ gan mật (Khuồn puồng táp, bì)
- Vía bộ phổi (Khuồn puồng pót)
- Vía trái tim (Khuồn mák hùa chàư)
- Vía hồng huyết (Khuồn lượt đèng)
- Vía máu trắng – nước vàng trong máu (Khuồn dàng)
- Vía bộ ruột non (Khuồn phú xảy ón)
- Vía bộ lá lách (Khuồn puồng mạm)
- Vía dạ dày (Khuồn pùm luồng)
- Vía bộ thận bàng quang (Khuồn mák xlăng cuông neo)
- Vía ruột già (Khuồn sảy ké)
- Vía bộ thai nữ (Khuồn phú xai hái khòng nhing)
- Vía bộ bắp đùi (Khuồn Pỏng khà luồng)
- Vía bộ xương đùi (Khuồn Pỏng pản lăm đúk)
- Vía đoạn ống chân (Khuồn Pỏng keng)
- Vía mặt trước trong ống xương chân (Khuồn nả keng phái cuông)
- Vía đầu gối trong xương (Khuồn cuông hùa kháu)
- Vía hai khủyu chân (Khuồn sòng cnong)
- Vía xương ống chân (Khuồn đúk pỏng keng)
- Vía bộ xương mắt cá chân (Khuồn đúk tà tìn, xè tìn)
- Vía đốt ngón chân trong xương (Khuồn khỏ tìn cuồng)
- Vía đốt xương trong từng ngón chân (Khuồn đuk nịu tin)
- Vía mu trên bàn chân – trong da (Khuồn cuông văn tin nả nưa)
- Vía hai cẳng tay trong phía trước (Khuồn sòng khen nưa phái cuông)
- Vía hai khuỷu tay trong (Khuồn sòng xok khen phái cuông)
- Vía ông tay trên bên trong (Khuồn khen poỏng cái)
- Vía hai bàn tay bên trong (Khuồn phá mư)
- Vía vân tay từ trong nổi ra (Khuồn lại m)
- Vía mười ngón tay trong da (Khuồn mưa xíp nịu)
- Vía năm dòng xương ngón bàn tay (Khuồn hả khặc đuk me)
- Vía 28 đốt ngón tay trong da (Khuồn khổ mơ xao pét)
- Bộ da phủ khắp người – tính gộp cả sau trước (Phú năng kiểu mo)
- Bộ gân toàn thân người (Khuồn ên tua mo) xe tin)
- Bộ vía chim én cha(2) (Khuồn po én) Luông)
- Bộ vía mẹ rồng(3) (Khuồn me luô̄ng)
- Vía bộ tuần hoàn huyết (Khuồn xai lượt len dỏn).
2. Vận dụng thuyết 80 vía vào thực tiễn đời sống(4)
Người Thái ở Việt Nam vận dụng thuyết 80 vía vào thực tiễn đời sống để chăm lo sức khỏe cho người ta bằng hai cách:
Cách thứ nhất, dùng trong cung cầu sức khỏe như: Khi có một người bị ốm, đau bất kỳ ở một bộ phận nào trong cơ thể, người ta đi bói quẻ xem do bị làm sao? Ví dụ: Người ốm bị sưng khớp, hai bên đầu gối tấy đỏ, đau nhức, không đi lại được, ăn ngủ kém, người yếu mệt mỏi kéo dài. Quẻ bói báo: Vía hai bên đầu gối đã rời vắng xa thân chủ lâu ngày, về phải cúng tìm vía lạc Hiệk khuồn, gọi vía trở về với thân chủ. Khi người ta cúng tìm vía rồi có khi người ốm đỡ, có khi không khỏi đau lại, trường hợp ấy người ta phải chữa thuốc. Các trường hợp ốm đau khác đều thực hiện thủ tục như vậy, bất kể ốm đau thế nào ở một vài trong 80 bộ phận vía cơ thể của người ta. Tục cúng vía của người Thái không cứ nhất thiết khi ốm đau mới cúng. Lúc bình thường, muốn cầu khỏe mạnh, nhà có tiền của muốn vui liên hoan nhân thế, người ta cũng cúng vía. Cùng vía “tam khuôn” cho gia đình nhưng mời cả hàng xóm, anh em thân thích đến dự càng thêm mừng. Cúng xong người ta thụ lộc cúng vía, mỗi người cầm một thứ trên mâm cỗ ăn như : tấm mía, quả chuối, chiếc kẹo, chiếc bánh rán, bánh tẻ, vài hạt bánh nhãn… và buộc chỉ cổ tay lẫn cho nhau có ý nghĩa giữ vía lành cho mọi người đều mạnh khỏe Khi cúng, buộc chỉ cổ tay xong, gia chủ tiễn ông hoặc bà thấy cúng trở về. Những người dự lễ cúng đều ở lại ăn cỗ. Thịt lợn. thịt gà trên mâm cúng được gia chủ đem thái miếng nấu lại bày thành các mâm cỗ. Chủ nhà cùng khách vui vẻ dự tiệc cúng cầu vía lành cho mọi người.
(Video: Một lễ cúng vía tại Mường Lò [Nghĩa Lộ, Yên Bái])
Cách thứ hai, dùng trong thuốc dân tộc chữa bệnh : Người Thái từ xa xưa đã có thuốc y học dân tộc chữa tất cả các bệnh tật khi ốm, yếu, đau. Có khi ông hoặc bà thầy cúng đồng thời là thầy thuốc. Nhưng nhiều trường hợp các thầy thuốc bán chuyên nghiệp, họ vừa làm ruộng nương vừa thuốc chữa bệnh không biết cúng bái. Các thầy thuốc này dân gian Thái gọi là “mo da”. Các thầy thuốc người Thái không cúng vía nhưng họ cũng theo thuyết 80 vía ứng với 80 bộ phận trong cơ thể mỗi con người. Thầy thuốc chữa tính theo các căn bệnh nên rất nhiều bệnh tật. Một bộ phận vía của người ta có nhiều căn bệnh cụ thể. Ví dụ: Mặt chỉ có một vía của hai con mắt. Những bệnh về mắt thì có nhiều thứ phải chữa khác nhau như đau mắt đỏ, viêm xưng mi mắt, mắt mờ (quáng gà), đau mắt hột… Trong cùng vía bộ da phủ khắp người cầu cho luôn được sạch sẽ, đẹp lành. Nhưng trong chữa bệnh thì người thầy thuốc phải chữa nhiều thứ bệnh ngoài da. Nào là bệnh ghẻ, lở loét, hắc lào, nấm ăn da, nước ăn chân tay, bệnh giời leo, nám ngoài da, sởi lên mặt, rám má, lang ben, vẩy nến, phát ban… đều là các thứ bệnh ngoài da.
Còn nhiều thứ bệnh xã hội, không phải do vía vắng thân chủ mà phát sinh thành bệnh. Các bệnh xã hội thường lây lan lẫn nhau, rất nguy hiểm trong từng đời người mà xã hội bản mường phải quan tâm. Các bệnh xã hội thường người Thái thời trước không cùng vía vì rằng không phải do vía xấu gây nên. Ví như: Bệnh nghiện hút thuốc phiện làm cho người ta trở thành thân tàn ma dại, yếu sức, đói nghèo và người nọ truyền lan, rủ rê người khác cùng hút, cùng nghiện, hư hỏng cả xã hội. Bệnh hoa liễu từ thời xưa đã có, do quan hệ nam nữ chơi bời bậy bạ mà sinh bệnh rồi đổ lây lan lẫn cho nhau khiến cho nhiều người khác bị mắc các bệnh lậu, kim la rất nguy hiểm. Căn bệnh này không chỉ làm cho người bệnh bị chết non mà còn làm bị tiệt nòi giống hoặc sinh con ốm yếu, quái thai… Những căn bệnh xã hội, người Thái thường chỉ chữa bằng thuốc của các “ mo da ”, không thể cúng vía mà khỏi.
GHI CHÚ
- Người Thái Đen: có sách cổ nói kỹ về vùa và hồn của con người. Người Thái Trắng cũng cùng tục cúng vía nhưng không thấy có sách cổ kể lại kỹ.
- Vía chim én cha: Vía bộ phận sinh dục của nam giới, dòng cha.
- Vía mẹ rồng: Vía bộ phận sinh dục mà mang thai của phụ nữ, giống mẹ sinh ra người, có con cháu nối tiếp.
- Đây chỉ là quan niệm trong dân gian Thái mang tính tâm linh, không mang tính khoa học. Người đọc cân nhắc khi đọc hiểu nội dung này.
Theo Nguyễn Văn Hòa, Báo vía trần gian và báo vía mường trời, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2013.