Anh hùng ca Chương Han là một sử thi ca ngợi Chương Han có công tìm đất, mở mang bờ cõi, dựng mường, dựng bản, xây dựng một thiết chế xã hội liên mường thời kì tiền Nhà nước của người Thái. Bản thân hình tượng đó đã đi vào mọi ngóc ngách đời sống văn hóa của người Thái…
Ông vua xứ Chiềng Khừa đã già nua, không có con trai nối dõi. Vua sai Bà Một giỏi giang nhất nước lập dàn cúng Trời cầu tự.
Thừa lệnh cha Then, Khun Nhi – người con út của vua Then nhận lời xuống hạ giới đầu thai hoàng hậu Chiềng Khừa. Hoàng hậu sinh ra một đứa con trai thần đồng, mới lọt lòng đã biết nói, biết đi. Vua đặt tên cho cậu bé tên là Hung, nghĩa là sáng. Mấy hôm sau Hung đã lấy được kiếm thần (đáp hàng xễnh) do Then thả xuống vướng trên ngọn cây me, không ai có thể lấy được. Mười tuổi Hung đã văn võ song toàn, thống lĩnh quân mã của Chiềng Khừa và đặt tên mới là Chương Han, có nghĩa là vị anh hùng.
Chiến công đầu tiên của Chương Han là trận bênh vực xứ phụ thuộc yếu hèn Ngân Dang (nay thuộc đất Myanma) bị kẻ ngoại bang lấn át. Anh em kẻ tiếm quyền Tạo Qua, Anh Ca bại trận chạy trốn sang nương nhờ mường Pák Tăn của vua Phạ Huôm. Chiến công nối tiếp chiên công, Chương đã thu phục được hàng trăm xứ khác về mình. Binh Chương như lá rừng, đi tới đâu nghiêng đất nghiêng thành.

Trận huyết chiến lớn nhất và cũng là trận cuối cùng ở trần gian của Chương Han là trận chinh phạt mường Pák Tăn của vua Phạ Huôm để đòi giết anh em Tạo Qua và Anh Ca – người đã thua Chương Han ngay từ trận đầu, hiện đang sống lưu vong ở đó, mong thanh trừ hậu hoạ cho đất mình. Đó là sự xui khiến của nhiều thế lực nhà Trời có hiềm khích riêng với Chương Han dẫn đến cuộc huyết chiến chưa từng có ấy. Thua to và lo ngại trước Chương Han, nhưng lại không nỡ nộp mạng, Anh Ca, Tạo Qua và Pha Huôm phải cầu cứu quân nhà Trời. Quân nhà Trời, Chương cũng không tha. Chúng chết càng nhiều, nhà Trời càng nổi giận, đã hoá phép cho quân nhà Trời chết rồi sống lại, nên trận chiến này không thể chấm dứt được. Kiếm thần của Chương cứ lia đứt ngàn vạn cái đầu thì ngàn vạn cái đầu khác lại như chui từ dưới đất lên. Một mình Chương, một voi, một kiếm thần, cứ chém hàng vạn cái đầu quân nhà Trời mỗi lát. Máu đổ thành sông, thành bể, máu dâng ngập lún dần voi trận của Chương. Rồi Chương cũng chết ngập theo voi, kiếm thần không hoạt động được, chìm nghỉm trong bể máu. Cuộc chiến kết thúc vì lúc đó Thiên đình đã chấm dứt hạn xuống hạ giới của Nhi… Hung, Chương Han trở lại là Nhi. Nhưng Nhi lúc này đầy lòng căm phẫn trước trò chơi máu lửa của nhà Trời. Trở về Trời đã thấy tướng lĩnh, bè bạn ngồi chờ để rửa sạch mùi tanh hôi của máu trần gian. Rửa sạch bụi trần xong, họ căm tức nhà Trời hết mực. Họ lại khởi động đại chiến trên Thiên cung, quét sạch lực lượng xúc xiểm chuyên xúi giục gây chiến. Chiến thắng mọi thế lực hiểm ác trên Trời, Chương Han nhận chức vua Then, tha trả chủ trương một cuộc sống thanh bình trên cõi Trời, do đó cả trần gian chung hưởng thái bình lâu dài.
Ngày nay, hình tượng Chương Han vẫn còn được khắc sâu trong tâm trí của nhiều người Thái, không chỉ trong tác phẩm sử thi mà đi vào trong các thể loại khác như thơ ca, truyện cổ tích. Trong đời sống văn hóa dân gian thì đã hình thành nên một điệu hát riêng cho sử thi này, gọi là “Khắp Chương”, một hình thức diễn xướng độc đáo của người Thái (gần như hát tuồng của người Kinh). Nhân dân còn gắn kết người anh hùng Chương Han với các sự vật, hiện tượng trong đời sống hàng ngày, ví dụ ngọn núi Chương, cây hoa Chương, ve Chương… thậm chí ngưỡng mộ đến mức đặt tên Chương cho con cháu của mình. Và tất nhiên khi chúng ta khôi phục những điều này sẽ có ý nghĩa lớn với cộng đồng trong việc tạo ra sự đoàn kết dân tộc, niềm tự hào dân tộc cũng như việc gìn giữ và lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống vững bền.
Ca Chung
Bài viết này của Nhà nghiên cứu Cà Văn Chung được đăng tải tại địa chỉ: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=1757695024520062&id=100008387440943
Tải về bản đầy đủ (tiếng Thái)