Các nội dung chính
LỜI NÓI ĐẦU
Sách Huyền Thoại Mường Then của tác giả Cầm Trọng hệ thống lại các huyền thoại về Mường Then, được tác giả sưu tầm hàng chục năm, kể từ 1953 đến khi xuất bản sách này. Các huyền thoại đó bao gồm: ” “loài người sinh ra từ quả bầu mẹ”, sự phân chia thành Mường Đàn Bà, Mường Đàn Ông và chiến tranh giữa hai giới nam, nữ; các thần thoại như chuyện kể về ông bà So Công Tạo Trời, Tạo Đất, Ải Lậc Cậc tạo những cánh đồng trồng lúa và sự tôn thờ đã biến Ải thành vị thần nông của người Thái ở Việt Nam, cái truyền thuyết về sinh đất, sinh trời, sinh người… Tất cả những câu chuyện kể ấy chắc chắn sẽ giúp khá nhiều trong việc nâng cao hiểu biết về thời kỳ tiền sử của người Thái nói riêng và của nhân loại nói chung. Kể chuyện về thời kỳ tiền sử ấy khiến chúng ta hiểu biết thêm văn hóa dân tộc.”
MƯỜNG THEN RỘNG ĐẤT BẰNG TRỜI THẤP
“Mường Then rộng đất bằng trời thấp” (Mương Then quảng đin piêng pha tắm) miêu tả quang cảnh đất nước , con người đầu tiên được cha ông ghi lại trong đoạn mở đầu Quam tô mương (Kể chuyện mường):
Thủa ấy , loài người còn dại lắm
Họ từng đàn từng lũ lang thang ven rừng khe suối
Nhà cửa không biết làm
Đêm tối họ gặp đầu ngủ đấy
Nay hốc cây , mai hang đá
Họ kiếm được gì ăn nấy
Thịt , cá họ ăn sống nuốt tươi .
Không biết mùi tanh hôi
Thân hình họ tấn cao, to
Rắn khỏe tựa thanh đồng thanh sắt
Đôi chân chạy đuổi bắt con hươu, con nai
Đôi tay dài tóm được chim, được sóc
Họ không máy, không quần, không áo
Trần truồng như bảy thú hoang dại
Tưa loài vượn tháng ngày kêu hót vang rừng
Họ không biết nên vợ, nên chồng
Ăn chung ở đụng
Con đẻ ra không biết cha
Người lớn lên chẳng biết dòng biết họ
Lẫn lộn không biết nói
Loài người ở Mường Then như thế
Làm sao dựng được trần gian
Trời bèn đang tay rộng
Vợ ngay vào “túi Uông”(1)…
BA TẦNG MƯỜNG THEN (Biên tập)
Trời lại phải tạo dựng lại Mường Then, xếp thành ba tầng mường : giữa, dưới, trên. Ba mường ấy nằm chồng kề sát nhau như thân thể con người được phân chia thành ba phần: trên – đầu, giữa – mình, dưới – chân.
Chuyện kể được bắt đầu từ tầng mường giữa. Tầng mường giữa được xếp đặt ngay trên mặt đất, có núi cao, núi thấp, cây cỏ, sông suối và đồng bằng. Song dưới con mắt của các vị Then thì đó là vùng miền “bằng phẳng” ( piềng ) nên mang tên Mường Piềng. Nơi đây là trung tâm Mường Then, nằm ở vị trí giữa (cang) nên đã mang địa danh Chiềng Cang. Đất Chiềng Cang trải phẳng lì như “mặt tấm ván” (pha pen) nên còn có tên ghép là: Mường Piếng Chiềng Cang pha pen. Nhưng cũng có thể gọi tắt là Mường Piếng hoặc Chiềng Cang. Đây là nơi chứa đựng “người trần mắt thịt”. Họ ở mường giữa – Chiềng Cang nên thanh dao bỏ trong vỏ bao được đeo ở ngang lưng.
Tiếp theo, chuyện kể đến tầng dưới – đôi bàn chân của người. Tầng này nằm sâu trong lòng đất có tên Mường Phi Đông Kín giành cho giống người bé bằng ngón tay út. Thân hình giống người này không cao quá một chiếc tăm và họ được gọi là Phi Dóc Dách hay Phi Đông Kín. Vì ở trong mường dưới đất nền dao bỏ trong vỏ bao của họ được đeo ở cổ chân. Nhà của họ được dựng bằng những chiếc đũa nhặt được do người Mường Piếng đánh rơi trên mặt đất. Năm, tháng thảng hoặc cũng có một vài ngày họ dời nhà lên mặt đất rủ rê bọn trẻ mê chơi đùa. Nếu ta để ý trong năm, thế nào cũng có một vài ngày con cái của mình ham chơi quên ăn quên ngủ. Đêm về chúng mê sảng cười vui, la hét vì Phi Đông Kín rủ đi chơi trò ú tim.
Cuối cùng, chuyện kể đến tầng trên. Đó là Mường Bôn hay Mường Phạ. Thực ra ở mường này, loài người chỉ nhìn được mặt dưới, không thấy mặt bằng phía trên. Gọi cho đúng, đây là bầu trời giành cho cặp người khổng lồ mang tên ông Chống Trời và bà Chống Mây ( pú Căm Phạ, gia Cặm Mók). Ở tầng trên cùng, ông bà Chống Trời, Chống Mây đeo bao da ở cổ. Bà Chống Mây bằng tư thế duỗi chân, dùng năm ngón đặt vào điểm tận cùng phía mặt trời lặn. Và duỗi tay vươn mình ra, dùng 5 ngón bám vào điểm tận cùng phía mặt trời mọc. Rồi cong khum mình tạo thành bầu trời bao la. Trong tư thế ngồi chống gối, ông Chống Trời che kín Mường Piếng, dùng tay phải đỡ đôi vú và tay trái che “chỗ kín” của bà Chống Mây. Phía trên lưng bà Chống Mây là mặt bằng của Mường Trời, nơi ngụ của các vị Then chuyên tạo ra trời, đất, loài người, loài vật và xem xét mọi thứ, mọi điều ở dưới Mường Piếng Chiềng Cang pha pển.
Thủa ấy, mọi vật đều biết nói
Con đỉa kêu khát máu
Con mắt nói như người
Rái cá biết trả lời
Hươu, nai biết kêu than
Con cú biết gọi hồn
Con bọ biết cúng ma
Chim ưng biết kế chuyện
Kể chuyện, kế thù thì thù thì
Lợn chó biết kêu xin
Lạy ban người đừng giết, đừng giết
Cây cỏ biết tiếng người
Bộ đề rợp bóng mát
Bảo người ngồi bóng râm
Mùa nóng trời mưa đổ
Cỏ cây biết reo cười
Kêu mát lắm, mát lắm.
Người với cây nói chuyện
Như người nói với người
Người muốn chặt, cây kêu xin
Người muốn đăn, cây dọa sẽ kiện Then
Riêng chỉ có cây chuối
Không biết nói năng gì
Người chặt lá về lợp mái lán Lán đặt gác treo trên cành cây cao
Ban ngày người xuống đất
Lang thang đi trong rừng kiếm ăn
Đêm về treo mình nằm trên bán
Thủa ấy, loài cá ở dưới nước
Cũng không biết nói, biết cười
Đáng để người ăn thịt… ”
Trích đoạn mở đầu Quam Tô Mương
Người Mường Piềng thời đó chỉ sống có “ ba mùa lúa rừng, năm mùa cá ở nước ” (dưn xam khảu nạư pá, dàn ha pa naư năm). Xem vậy, loài người thời đó chỉ sống có 3 – 5 năm. Duy chỉ có loài rắn, trời cho sống đời đời kiếp kiếp. Bởi vì, hễ cứ già sắp chết rắn lại lột xác cho thân hình trẻ lại. Người Mường Piềng tức quá, ngày ngày cầm dao đi giết rắn ăn thịt. Xương rắn chết chất thành núi. Thịt rắn rữa thối hoàng cả đất mường.
Thủa ấy, rắn là bạn của cóc. Cóc là em của Then. Trời sắp mưa, Then báo cóc kêu. Cùng loài với các có cả ếch, nhái, chảo chuộc… cất tiếng hùa vào. Mùa mưa chúng kêu rầm trời. Trong tiếng kêu ấy có tiếng cóc bảo rắn hãy lánh vào hang mà trú. Nghe theo, rắn bò chui vào hang sâu. Người tìm giết, giết chẳng được. Một hôm, rắn ngỏ ý cùng cóc : “… Loài người ác lắm, vừa giết vừa ăn thịt ta… ”. Nghe lời ông bạn vàng, cóc lên nói với Then. Tiếng cóc nói lóp ba lóp bóp, ộp ộp, ạp ạp, Then nghe mãi chẳng hiểu đầu đuôi gì, lại nghĩ rằng : ở Mường Piềng Chiêng Cang pha pen ấy, người cũng như muôn loài chẳng ai thương mình. Năm, tháng, ngày họ chỉ mong mình chết đi cho chúng sướng ! Cóc vừa dứt lời, Then quát thẳng vào mặt : “ Hãy câm ngay cái miệng ộp ộp, ạp ạp đó lại ngay ! ” Từđó đến nay, loài cóc tức người nên mỗi khi trở trời thường nghiến răng két két, két két. Cóc muốn cắn người, nhưng chẳng làm gì được, chỉ làm cho trẻ con ghê tởm mà thôi.
THEN GIẢ CHẾT THỬ LÒNG MUÔN LOÀI (Biên tập)
Tức khí Then nằm lăn đùng và chết. Cóc kêu khóc. Con cày bay (tô báng) vốn thuộc loài được Then cho làm chức “đầu sai” gọi là lam pọng, bèn vừa khóc vừa tức tốc bay xuống, dậy tiếng trống, tiếng “cong” loan báo khắp Mường Piềng rằng: “ Ở Mường Trời, Then Lớn đã qua đời. Người và muôn loài hãy nhanh chân lên lo việc điều chúng ”. Người và muôn loài kéo nhau lên Mường Trời, khóc Then. Nghe tin cày bay báo, biết thân phận, rùa lên đường trước người và muôn loài.
Rùa bò trên đường dài đúng 12 ngày đêm, chẳng ngờ có thân cây đổ chắn ngang đường. Rùa đành nằm ở đó than thân, trách phận, một mực thốt câu :
“Tôi biết! Tôi biết!”.
Hổ phóng nhanh đến, nghe tiếng than ấy, dừng chân quan sát :
Ô ! Hóa ra con nhà rùa ! Thân rùa đi đâu vậy ? Tại sao kêu câu đó ?
Tôi biết ! Tôi biết ! – Rùa đáp.
Chẳng cần suy nghĩ gì, hổ gầm thét bật thành câu :
– Tên nhà người gắn với chữ chậm chạp, còn kêu tôi biết, tôi biết ! Thử hỏi biết gì nào ?
– Ông hổ ơi ! Ông là chúa của rừng của núi. Thấy ông ai cũng khiếp vì sợ ông bắt ăn thịt. Chỉ có ta mới biết co thân mình, dấu đầu đuôi và tứ chi vào vỏ mai. Toàn thân ta hóa thành cục rắn như đá. Ông vỗ ngực, ông khỏe hơn muôn loài, khôn hơn cả người, ông cũng chẳng ăn thịt ta được. Bây giờ ta đang bị khúc cây lớn cản đường. Van ông, hãy đỡ tôi vượt qua chướng ngại này !
– Rùa đi đâu ? Về đâu ? – Hổ hỏi.
– Lên Mường Thời khóc Then – Rùa đáp.
– Hừ ! Chậm như rùa còn đòi lên khóc Then à ? Thật nực cười.
Nói đoạn hổ vụt nhảy phắt qua khúc gỗ chắn, phóng thẳng hướng lên trời. Gấu phục phịch chạy tới. Rùa lại van xin. Gấu vốn loài vô tư, chẳng để ý gì xung quanh trừ tổ ong mọng mật, vì mật ong là thức ăn của gấu. Còn đây là lời cầu mong của rùa. Như không biết, gấu bỏ mặc rùa, cứ thế cúi đầu đi về phía trước. Đến lượt ngựa lao tới. Rùa lại van xin và thốt ra câu cửa miệng. Thuở đó, ngựa có sừng nhiều gạc như nai. Nghe lời rùa van xin, ngựa hí cười, nói :
– Thân tôi mang đôi sừng trên đầu như đeo gông vào cổ. Đường trường nào vướng cây vướng cối, vướng bụi rừng rậm, chắc gì đã đến nơi. Rùa hãy chờ đấy…
– Nói đoạn, ngựa nhảy phắt qua khúc gỗ, thẳng đường phi nước đại đi tới.
Cứ như thế, hết lượt hươu, nai đến voi ngà trắng; hết rái cá đến cày hương; hết mèo đến chó; hết đàn mối đếm xỉa đến việc giúp rùa. Đã thế lũ kiến còn chui cả vào mũi, làm rùa hắt hơi liên tục. Cuối cùng đến lượt người đi tới. Rùa nói :
– Ông ơi! Ông hãy giúp tôi lên khóc Then. Tôi biết! Tôi biết!
Nhờ có trí khôn, người tuy chưa đoán được đích xác nội dung câu cửa miệng của rùa. Song, người vẫn nhận lời đem rùa đi cùng làm bạn. Ngẫm nghĩ trong giây lát, người cắp ngay rùa vào nách rồi bước tiếp. Sướng quá, rùa cười khành khạch, bắn cả phân vào người. (Ngày nay nách người có mùi mim khi táu – hôi cứt rùa là vậy). Trên lộ trình, người rùa cười nói vang cả rừng núi. Đường dài bỗng “rút ngắn”.
Ơn, thương người, rùa nói thật:
– Tôi biết, Then không chết đâu, giả vờ đấy! Thử nghĩ xem, nếu Then chết, Mường Piềng Chiềng Cang pha pen còn không ? Người thì bị hồn lìa thân xác. Cây cỏ chết khô héo. Song suối cạn dòng chảy, bỏ trở đất đá. Muôn loài vật đều chết vì chẳng còn gì ăn. Mường Then đất bằng, trời thấp bỗng trở thành tàn tã. Tôi biết, Then và chết để thử lòng trung của người và muôn loài. Ông hãy nghe tôi, phải biết ý đó mà tỏ lòng thành kính, thương mến Then. Phải khóc và van xin thực sự, Then mới cho yên. Cứ làm theo đúng lời, tôi sẽ còn giúp ông nhiều việc nữa đấy!
Cám ơn rùa! Thế rùa còn giúp gì mình nữa nào?
– Mình sẽ giúp ông kiểu dựng nhà. Mình muốn nhà của người phải có hình dáng đẹp. Có như vậy mới có nơi ăn, chốn ở, sinh hoạt, làm lụng thoải mái, khoáng đãng.
– Ừ! Tôi xin hứa sẽ làm theo đúng lời rùa khuyên.
Người và muôn vật đã tới Mường Trời. Tại đây, Then đang được “quàn” ở giữa nhà. Người và muôn vật nhìn thấy òa lên khóc. Người và rùa khóc than thảm thiết rằng :
Cụ Then ơi! Hỡi cụ Then!
Cụ Then cha chết, chúng tôi biết đường nào ở
Cụ Then già, sẽ cho chúng tôi tìm đường nào mà ăn
Cụ qua đời, chúng tôi sẽ xếp đặt đất Mường Piềng thế nào?
Cụ khuất núi, biết lấy ai chỉ đường bảo lối làm người ở Chiềng Cang
Cụ Then ơi ! Hỡi cụ Then !
Mọi loài vật cũng kêu khóc theo, nhưng lại thì ngược lại, thật mỉa mai :
Cụ Then hỡi, cụ Then!
May Then chết chúng tôi mới được tự do ở
May Then già chúng tôi mới được tự do ăn
Đất Mường Piềng thoắt đã do chúng tôi làm chủ
Chiềng Cang đã lọt vào tay chúng tôi cũng chỉ trong ngày hôm nay
Cụ Then hỡi, cụ Then!
Nghe tiếng khóc, Then biết chỉ có loài người thật sự thương mình. Ngược lại, mọi loài vật đều muốn mình chết đi. Then ngồi phắt dậy trút uất hận xuống đầu muôn loài vật. Đầu tiên, sẵn trong tay tẩu thuốc lá, Then dương cao, đập một nhát trúng ngay vào mỏ con cú lông trắng. Từ đó loài cú vọ phải mang chiếc mỏ nhọn khoằm quặp xuống đất và đeo mãi thói lì là lì lợm, nó không biết hót, chỉ tự gọi tên mình bằng tiếng kêu cú cú về ban đêm. Ban ngày Then bắt cá lóa mắt, không nhìn thấy gì nên cú phải ngủ ngày để đêm đến, mắt sáng mới bay đi kiếm ăn được. Tiếp đó, thấy sừng trâu cong chĩa hai đầu nhọn ra đằng trước, Then bỏ quặp lại đằng sau và bắt phải ngoan ngoãn làm tôi đòi cho người. Then đập rồi bẻ sừng bò ngắn lại và chĩa đầu nhọn về đằng trước. Bò đực hung hăng phải đeo bướu nặng trên vai để nhớ hiến thịt ngon cho người.
Đoạn rồi Then xông tới vặn nhổ sừng ngựa cắm chặt vào đầu nại và bảo : “Từ nay trở đi loài ngựa phải để người cưỡi, thở. Nếu mang sừng nặng sẽ không phi nhanh được. Ngược lại, nai là loài để người ăn thịt, phải mang sừng, đi đâu cũng vướng trên vướng dưới, người dễ săn bắt. Đối với loài hổ, gấu, Then bắt nhốt vào cũi ở giữa sân rồi chất rơm, cỏ khô vào đốt. Lửa cháy, hổ lồng lên, y vút qua khỏi cũi, lửa bén cháy thành từng vệt trên lông hổ. Ngày nay lông hổ vàng và điểm khoang, đó chính là dấu vết do Then trừng phạt. Gấu chậm chạp, chạy mãi mới thoát vòng lửa nên đời đời phải mang bộ lông “cháy” đen thui. Cũng may, khi chạy, gấu cúi gập đầu, tránh được ngọn lửa cháy xém mà tạo ra vệt lông trắng hình chạc cây ở chỗ cổ liền ngực.
Mệt quá, Then không thể trực tiếp trừng phạt lần lượt khắp từng loài, trong khi muôn vật thì đồng nghìn nghịt đua nhau kêu la “khóc mừng Then chết”. Then bèn ngồi tót lên giường cao mà quát to : “ Từ nay trở đi, mọi loài vật ở Mường Then này phải sợ người một phép. Thấy người phải mau lần, mau tránh. Then ra lệnh, loài nào ăn thịt được, người có quyền được săn được bắt. Loài nào cần cho cuộc sống của mình như trâu, bò, ngựa, lợn, chó, dê, mèo, gà, vịt… người được quyền thuần dưỡng. Muôn loài nghe rõ chưa?”.
Mọi loài vật đều phải phủ phục chịu lệnh Then.
Cuối cùng, Then tước quyền lột xác của loài rắn, đem tặng thưởng cho người. Người cúi đầu tạ ơn Then muôn phần.
Sau này, rồi để ghi nhớ công ơn của loài rùa đã giúp mình, người Thái Đen ở Mường Then và các nơi mới theo tập quán dựng nếp nhà sàn có mái hình mai rùa. Đó cũng là cách mà rùa bảo cho người cách dựng nhà. Họ còn có tục làm hình nộm hoặc lấy mai rùa khô, cùng “ bó cỏ ” treo ở cột chính của nhà mang tên xau hẹ.
THEN TẠO DỰNG LẠI MƯỜNG THEN THÀNH HAI TẦNG (BTV)
Mường Then vẫn đất bằng trời thấp.
Không giống với thời trước, lần này Then tạo dựng lại Mường Then thành hai tầng. Trong đó, Mường Then Dưới là tầng mặt đất, tầng Mường Piềng Chiêng Cang pha pen hay cõi Người, và Mường Then Trên là tầng Mường Trời hay cõi Then.
Không hiểu vì lý do gì mà Then giữ nam giới ở lại Mường Then Trên, ngụ ở cõi Then, họ phải mang danh po mải (ông góa vợ). Then thả nữ giới xuống ở Mường Then Dưới, họ cũng được gọi bằng tên me mải (bà phụ)… Câu chuyện do đó cũng có nhan đề: Mường đàn ông góa bà góa (Quam tô po mải mê mải).
Nói vậy, hai tầng mường thời đó gần nhau lắm.
Phía cuối Mường Then Dưới có hồ U Va rộng lớn. Tại giữa hồ có cây dây leo khau cát hay còn gọi là khau cát khau lài cuốn bám rất chặt vào mặt dưới của Mường Then Trên. Đó là thang nối giữa đất với trời của người đời xưa (thang Khau Cát). Để nhập cõi trời, người trần mắt thịt phải chui qua tu hươn Then (cửa nhà Then) đặt nằm úp lên đầu cầu thang Khau Cát. Khi lật, cánh cửa mở, thì từ Mường Then Dưới nhìn lên sẽ thấy như một cái lỗ. Vì lẽ đó, người ta mới gọi cửa là chong phạ (khe gác sàn nhà trời).
Mặt trời, trắng, sao, mây xuất hiện ở mặt dưới Mường Then Trên mà người ở Mường Then Dưới có thể quan sát được. Mường Then Dưới do đó có ngày do “cửa nhà Then mở” và đêm do “cửa nhà Then đóng”. Người kể chuyện bao giờ cũng cho rằng “cửa nhà Then mở thường vào giờ nhi (giờ dần, 5-6 giờ sáng ngày hôm trước) và cửa Then đóng vào giờ màu (giờ mão, 3 4 giờ sáng ngày hôm sau. Ngược lại, Mường Then Trên là thế giới của đêm tối mịt mù. Từ trong đêm tối Then nhìn thấu suốt tất cả mọi chuyện diễn ra ở Mường Then Dưới để sáng tạo và phán quyết.
Ở Mường Then Dưới, nữ giới đương nhiên trở thành hiện thân của loài người, và đã là người. Then không cho phép tự ý leo thang Khau Cát, qua cửa nhập cõi trời nếu Then không gọi. Ngược lại, tuy ở Mường Then Trên nơi cõi trời, nhưng nam giới vẫn là “người trần mắt thịt” nên ban ngày họ vẫn được xuống Mường Then Dưới, vào đúng cõi của mình, để ban đêm trở về Mường Then Trên.
Thủa ấy, đàn ông đã biết đan chài, lấy đá cuội làm chân chài. Có chài, ban ngày, đàn ông Mường Then Trên thường xuống Mường Then Dưới kiếm cá ở Nặm Rôm, Nặm Núa. Bắt được con to thì đem về cùng các bà ăn. Được con nhỏ thì đem thả vào hồ U Va để các bà đánh, xúc ăn dân. Việc đi lại giữa hai giới, nếu vụng trộm “ vượt phép Then”mà sinh con đẻ cái thì chỉ biết xúc cá ở hồ U Va lên mớm. Việc làm ngày xưa ấy, ngày nay đã trở thành dấu vết in mãi trong tâm linh Thái. Theo đó thì con người sinh ra nhờ có nàng Then Bảu đúc sẵn thành hình hài cõi trời. Tại Mường Bảu của nàng Then hiện đang có hồ mang tên U hay U Va để nuôi cá. Đúc xong người, trước khi thả xuống trần gian để đầu thai vào các bà mẹ, Then Bảu đã xúc cá ở hồ – Va của mình để mớm. Được ăn miếng cá ở hồ – Va Mường Trời, loài người mới có linh hồn sống. Đó chính là pa khoăn ( cá hồn ) trong tâm linh Thái xưa nay.
HUYỀN THOẠI VỀ TA LEO (BTV)
Trở lại chuyện đời xưa.
Một hôm, ở Mường Then Trên có một chàng trai khỏe mạnh, gương mặt tuấn tú tên là Leo đem chài xuống quảng cá trên dòng Nặm Rôm. Thoạt tiên,
chàng quăng chài từ đầu ngọn nguồn xuống tận cuối sống mà chẳng được con nào. Không nản chí, chàng lại tiếp tục quăng ngược dòng đến khúc Thác Bay ( nay thuộc xã Nà Tấu, huyện Điện Biên ) thì bắt được một con cá mắm to. Kéo được mộm lên bờ, cá hóa thành thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần và tự nhận thuộc loài rồng ở nước. Chàng Leo sợ quá, bỏ cả chài ù té chạy. Lập tức nàng Mạm vơ lấy chài quăng úp lấy, kéo chàng lại gần:
– Chạy đi đâu, hỡi chàng thân yêu ? – Nàng nói nhỏ nhẹ, êm dịu.
– Xin nàng hãy tha tội. Tôi người Mường Then Trên, không dám…!
Chàng quỳ gối cúi đầu vừa run, vừa đáp tấm lòng thiện cảm của nàng. Nàng tiến sát gần, từ từ nâng chàng dậy. Thân hình óng muốt, trần trụi của nàng soi dung nhan trên mặt nước Nặm Rôm trong xanh, khiến trái tim chàng xao xuyến rung động. Và như bị thôi miên, hai người đã ôm nhau tự tình. Chẳng ngờ, trên trời cao, Then nhìn thấy, lập tức mở ngay cửa mưa, đóng sập cửa nắng. Trời đổ mưa to, gió lớn, sấm sét đánh xung quanh như muốn cảnh cáo và trừng trị đôi bạn Leo, Mom dám phạm phép Then. Trong thế bí, đôi uyên ương vội vàng kéo vén chài úp lên hai thân mình. Trời bỗng tạnh mưa, lặng gió, im tiếng sét và quang đãng. Sau cuộc ái ân, nàng Mạm rồng đã tặng chàng Leo viên ngọc quý hiếm mang tên Xết Pa Mom để làm vật bảo mệnh rồi biến vào Nặm Rôm.
Từ đó người Mường Then hiểu và tương truyền cho người đời sau, chài không đơn thuần chỉ là công cụ đánh cá mà còn là vật “che chở linh hồn người khỏi bị các lực lượng ác tà trong cõi trời đất làm hại”. Rằng đây là vật kiêng cấm của cõi tâm linh. Tuy nhiên trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng đem chài để hộ mệnh. Dần dần, người đời sau đã nghĩ ra cách lấy lạt tre, nứa đan thành tấm mắt cáo để thay thế chài. Ghi nhớ ơn chàng Leo với nàng Mom xưa đã thoát chết nhờ chài, người đời lấy tên của chàng để gọi tấm mắt cáo đan. Đó chính là ta leo, gọi tắt cụm từ “mắt chàng Leo”. Có “mắt chàng Leo” thì mọi a hờn quỷ dữ, kể cả Then – đấng sáng tạo tối cao đều sợ. Nếu đã có chài, lưới hoặc ta leo che chắn, các lực lượng ác tà còn liều xông tới làm hại hồn người thì sẽ bị “mắt chàng Leo” găm cổ lại, như loài cá dưới nước, loài thú rừng bị mắc lưới. Từ tích chuyện này, Quam tô mương chuyển thành câu vần và miêu tả thời cha ông ngày xửa ngày xưa:
Chài chân nặng đá cuội
Chài quăng xuống nước
Được ăn cá triên, cá bống
Quăng lên cạn lên rừng
Được ăn hoằng ăn nai
Quăng vào nơi chốn bản
Úp đậy che hồn người.
Người Mường Then dù ở tầng trên hay tầng dưới vẫn là người trần nên phải kiếm ăn. Công việc rất bận rộn và nặng nhọc. Ở tầng dưới, nữ phải hái lượm: lựa chọn các loài thảo mộc để có thể phân biệt thức nào ăn được, thức nào không ăn được, thứ này thì lành, thứ kia thì độc… Bắt côn trùng, ếch, nhái, xúc tôm tép, cá con ở ven sông, ven suối, ao, hồ… Nam săn muông thú hết rừng này sang núi khác hoặc quăng chài, giăng lưới bắt cá lớn ở những vùng sâu từ suối này sang sông kia. Những ngày lao động như thế sức nam và sức nữ đều cùng cực. Trong điều kiện đó buộc họ phải có mùa nghỉ ngơi, dùng thức ăn dự trữ như sấy khô, ướp chua…
Thủa ấy, Then cho người lột xác
Người trẻ mãi, sống mãi, không chết
Bắt rắn già, rắn chết Xác phơi dưới nắng mưa…
Then chủ trời ban phép đó và nghiêm cấm người sinh con đẻ cái. Song nhờ người có chài, lưới và ta leo che mặt trời, người Mường Then Trên, và Mường Then Dưới vẫn vụng trộm ghép đôi. Trong việc này, nhằm vào mùa nghỉ lao động, nữ chủ động tấn công nam. Tuy nhiên, con người thì vẫn còn dốt nát lắm, chưa biết quan hệ nam nữ phải thực hiện như thế nào, đàn bà bao giờ cũng “trèo lên trên”. Đàn ông “nằm dưới”, thụ động và khó chịu… Hơn nữa, mùa nghỉ thường ngắn ngủi, ngược lại mùa kiếm ăn thì kéo dài. Người kể thường nghĩ rằng, đâu cứ 12 tháng thì có 12 ngày nghỉ hợp bầy đế nữ chủ động tấn công nam. Mười hai ngày ấy việc hái lượm, săn bắt, đánh cá trở thành điều kiêng kị. Những ngày tháng lao động kiếm ăn thì kiêng không hợp bấy giao duyên. Ngày hai giới gặp nhau được thực hiện kín đáo trong hang núi. Ở đó, những lối vào hang người ta thường cắm ta leo, còn ở cửa hang thì giăng chài, lưới. Then có nhìn xuống cũng chẳng hay biết gì. Sinh hoạt bầy đàn của người Mường Then như thế cứ lặp đi lặp lại hàng nghìn năm này sang hàng ngàn năm khác để cuối cùng người đời còn thấy lác đác đó đây những ngày “hội chơi hang” kỳ lạ. Trong khi ở Mường Then chỉ còn lại trong áng truyện cổ thì ở Mường Lò đến đầu thế kỷ XX, người ta vẫn giữ tục “chơi hang Le”. Nói đến đó, người Thái ở khắp nơi thường nhớ câu cửa miệng vần vè:
Về Mường Lò quê tổ
Vào Thẳm Lẻ ái tình.
Người Mường Then thời ấy không những chỉ tuân thủ phép Then lột xác, trẻ mãi, không già, không chết mà còn sinh con đẻ cái. Việc làm trái phép Then nên tháng đầu mới sinh, mẹ con sản phụ được người ta lấy chài lưới và ta leo che chắn. Trong thời điểm này, trẻ phải lập tức tắm nước hồ U Va để lột xác thành người lớn ngay. Kíp thời lớn và kíp thời phân nửa. Nữ ở lại cùng mẹ thành bà góa nơi Mường Then Dưới và mang tên Hai ( bọc thai ). Ngược lại, nam phải rời ngay bây mẹ lên Mường Then Trên với bẫy cha và mang tên Đẳm. Chữ này ngoài tên riêng chẳng có nghĩa gì. Tuy nhiên, do có tích chuyện này mà người Thái ngày nay vẫn nhớ câu tục ngữ lịch sử: nhinh toi hai, chai toi đẳm (nữ theo bọc thai, nam theo đẳm). Giờ đây chữ đẳm đã trở thành tiếng trong văn hóa tâm linh dùng để chỉ những linh hồn của người khuất núi được tái hiện cuộc sống ở bên kia thế giới tổ hợp thành công đồng cùng chung dòng máu cha, người đời thường gọi là tổ tiên. Và cũng ngày nay, người Thái vẫn giữ tục, khi sản phụ sinh nở, tháng đầu người ta treo ta leo ở cột chân cầu thang để “che mắt trời”. Đó cũng là dấu hiệu báo điều kiêng kị, khách lạ mặt không được lui tới nhà.
Trải qua hàng ngàn mùa hợp đàn, rút cục rồi người đàn bà ở Mường Then Dưới trong khi vẫn chung cha với nhiều đàn ông khác thì cũng chọn được “một ông góa mình yêu nhất” để kết cặp giao duyên thường xuyên hơn.
Thuở ấy, ở Mường Then Dưới, bầy đàn bà góa đã tìm ra một khẩu to nuôi mák phặc (hạt lúa to bằng quả bí xanh). Vào thời điểm đó, có một bà góa lười biếng, làm gì dù to hay nhỏ bà luôn kêu mệt nhọc rồi bỏ mặc đấy. Bà không chịu bệ hạt lúa to bỏ vào bịch. Có ông góa nào ở Mường Then Trên xuống bà cứ kêu họ giúp. Rồi trong số những người đàn ông ấy, có một ông góa thường xuyên nhận giùm bà. Ngày ngày giao tiếp, bà ta nổi cơn cuồng nhiệt đã chủ động tấn công ” ông. Hai người yêu nhau, bà đã có mang và sinh hạ được một cậu con trai. Khi con trai lột xác trở thành người lớn, biết con mình sẽ phải trở về Mường Then Trên, bà lấy dây mây (vai) làm vòng đeo vào cổ tay và đặt tên con là Vai. Nhìn thấy trong bầy đàn ông có một người đeo vòng mây, bà biết đó là Vai – con trai của mình. Vai mới lột xác lớn, thân còn mềm như cua báy, sức yếu ớt chưa thể bị được hạt thóc to như quả bí xanh giúp mẹ.
Hồi ấy ở Mường Then Trên có nữ thần Mai Tàu đã dạy các ông góa lấy thanh tre cọ sát mạnh, bật thành lửa (xi phay). Đây là một trong bốn việc làm nặng nhọc, đòi hỏi đàn ông phải hao tổn sức lực nhất: trèo núi, đào đất, chặt cây cổ thụ, ăn nằm với đàn bà và cọ sát bật thành lửa. Lửa bật ra, các ông góa nhờ các bà góa đốt những khúc gỗ cháy âm ỉ quanh năm suốt tháng để sưởi ấm, chống thú dữ và nướng, lùi thịt cá.
Ở Mường Then Trên, Vai chẳng biết ai là người đích thực đã sinh ra mình, nên với Vai, các ông góa đều là cha. Bà góa lười làm lụng, luôn luôn sại Vai lên Mường Then Trên gọi “cha” xuống giúp. Vâng lời mẹ, Vai bảo hết ông cha nọ sang ông bố kia. Giúp mãi việc đàn bà, các ông góa tỏ ra chán nản, sinh lười nhác. Mẹ bảo Vai thúc từng người mà họ vẫn chây ra. Chẳng những thế, khi xuống Mường Then Dưới, họ còn bị các bà góa “nổi cơn loạn, tấn công”. Họ rất hãi, không khác gì hươu, nai sợ cọp vồ. Mặc cho Vai giục chẳng có ai trong số họ chịu xuống Mường Then Dưới trực tiếp giúp đàn bà. Họ chỉ lẻn xuống săn bắt, đánh cá rồi thả cá, thịt xuống Mường Then Dưới để các bà tự nướng, lùi ăn.
Tức quá, các bà ra hồ – Va đứng thành hàng ngay trước chân cầu thang Khau Cát và kêu toáng lên trời: “Trời ơi! Then ơi! Giúp… Giúp!”. Nghe thấy, Then giật mình bật dậy và lệnh cho hạt lúa to tự lăn về với bà góa lười ở Mường Then Dưới. Then còn lệnh cho cá ở Nặm Rôm, Nặm Núa tự bơi đến để các bà bắt…
Thủa ấy, lúa hết lúa tự đến
Cá hết cá tự lại
Người ngồi không tự khắc được ăn.
Bà góa, ông góa trở thành lười nhác
Ngồi đó ăn của rừng của núi
Của sông suối Then ban.
Lúa lăn tới nhiều quá, chất cao ngập tới mặt dưới Mường Then Trên, tràn ngập Mường Then Dưới. Mẹ của Vai tức quá đem đòn gánh đi đập lúa ở rừng. Lúa van xin, bà không nghe cứ đập, cứ đánh. Thế là hạt lúa to đã bị vụn ra. Trước khi biến vào lòng đất để chạy trốn đòn trừng trị của bà goá lười, lúa còn thét tiếng to để Then tường:
Từ nay trở đi
Đừng hòng thay mặt tôi
Ai biết trồng biết trỉa
Tôi sẽ mọc thành cây
Và cho bông mà hái
Lười nhác như bà góa
Chắc chẳng có lúa ăn.
Nghe lúa kêu, Then lập tức phán ngược lại: “ Lúa hết không tự đến, cá hết không tự lại ”. Người Mường Then vì thế đã thốt lên câu mà ngày nay người Thái coi như châm ngôn của mình:
Miếng cơm ở nơi đất
Miếng ăn ở nơi rừng
Xuống tay làm thì được
Chây lười cho mất ăn
Lúa phải trồng mới có
Cá phải kiếm mới ra.
……
Mường Than rộng đất bằng trời thấp
Vòm trời hình lòng chảo
Trắng, xanh, vàng mỏng tựa vỏ trứng
Úp kín Mường Then Dưới
Bà góa cất tiếng kêu:
Giã gạo trời sướng chày
Phơi thóc trời vướng cót…
Ở Mường Then Dưới, các bà góa khó làm ăn, lại không có các ông góa ở Mường Then Trên xuống giúp các bà sinh cáu gắt bực mình. Cái bực chất đầy tim, cái uất to bằng con trâu, cái hận lớn bằng voi, bằng núi. Trong cơn thịnh nộ, mẹ chàng Vai bèn chặt đứt cầu thang Khau Cát Khau Lài ở giữa lòng hồ U Va. Then bỗng nổi cơn thịnh nộ, sa sầm mặt tối đen như mực và bật dâng lên cao, lên cao mãi. “Cao tới mức bắn 330 phát tên bay tiếp nhau cũng chẳng đến, bắn 550 phát đạn nối tiếp nhau cũng chẳng tận”. Khi trời quang mây tạnh, không gian Mường Then lồng lộng hiện rõ cỏ cây hoa lá, rừng núi trập trùng. Hai con sông Rôm, Núa chảy uốn mình qua khe lạch hiện ra giữa vùng đồng bằng lòng chảo Mường Then rộnh lớn rồi lại chảy lẩn vào các vực sâu thăm thẳm. Bình tĩnh lại, từ trên cao Then nhìn xuống và tự suy nghĩ sẽ sắp xếp lại trật tự Mường Then này như thế nào(!).
Thời gian không cho phép kéo dài. Then lập tức gạt hết ông góa xuống mặt đất, xóa hẳn Mường Then Trên và biến Mường Then Dưới thành một mường mang tên Then.
Theo Huyền Thoại Mường Then – Cầm Trọng | Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc – 2007