HUYỀN THOẠI MƯỜNG THEN | PHẦN IV – MƯỜNG THEN – MƯỜNG THANH – ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chuyện Quả bầu mẹ (BT)

Thấy đất Mường Then vắng bóng người, Then Lớn bèn lệnh cho Nàng Bảu đúc thành loài người. Đấng sáng tạo ấy đã cho ba mươi giống người Xá và năm mươi giống người Thái (xam xíp phăn Xả, hả xíp phăn Tay) vào trong quả bầu mẹ khổng lồ rồi thả xuống đất Mường Then. Ba tháng sau, Then Lớn phái tay sai của mình là viên Quan Cong dẫn đoàn xuống xem lại việc làm của mình thể hiện như thế nào ở Mường Then. Đang đi trên đường đoàn Quan Cong bỗng nghe tiếng trống, chiêng, chũm chọe gõ theo nhịp điệu bài múa xòe ở đâu đó. Đoàn ông lập tức dừng chân, nghe kỹ và nhìn thấy quả bầu khổng lồ Then giáng ở ngay trước mắt. Ông biết chắc, tiến lại gần, đây là vật Then tạo để chứa các giống người giáng trần chẳng sai. Nghe thấy chăng, họ đang vui tiệc rượu, xòe múa theo nhịp trống chiêng tưng bừng, náo nhiệt. Ông bèn đem thanh sắt bỏ vào lửa nung cho thật đỏ rồi dùi thủng vỏ phía trái quả bầu. Có lỗ thủng, đoàn nữ cầm trong tay nhạc cụ hưn may vừa bước vừa nhún nhảy múa hát; đoàn nam cầm dỗ ống tang bu múa theo nhịp chiêng trống, lại có cả người vừa đi vừa nâng gáo bầu đưa cán dài vào mũi rồi đổ nước chua trộn gia vị ớt, mák khén, rau thơm vào uống; sau đó một đoàn người múa đạo cụ gỗ đẽo hình nộm dương vật nhảy múa lần lượt kéo ra. Quan Cong của Then nhìn, biết ngay các giống người Xá đương thoát thai khỏi quả bầu mẹ. Ngày nay, khi thấy người Xá, nhất là người Khơ Mú có nước da ngăm đen, ai cũng nghĩ ngay rằng, đó chẳng phải là dấu vết tổ tiên đã chui qua và cọ sát vào mép lỗ Then dài trên vỏ quả bầu mẹ đó sao?

Cái giống người Xá ra hết rồi mà trong quả bầu vẫn rộn ràng tiếng trống, chiêng, chũm chọe. Quan Cong ngạc nhiên tự hỏi, vậy bọn người vẫn tiếp tục say sưa tiệc rượu, xòe múa, hát hò không chịu chui ra khỏi lỗ ta dùi hay sao? Đang phân vân, bức xúc thì có tiếng người vọng ra từ đường dùi: – “Lỗ cửa ông dùi nhỏ quá, chúng tôi đông, lại là cháu chắt, chút của các ông bà So Công ngày trước nên thân hình ai cũng to khỏe, không thể chui ra được!”. Quan Cong nói với đoàn mình rằng, hình như bên trong trái bầu bọn người bị mắc kẹt rồi. Đúng rồi!” Sực nghĩ ra, ông bèn rút ngay dao trong bao đeo trên cổ chém và khoét thành cửa ở mặt phía phải trái bầu. Người ùn ùn kéo ra. Họ vừa đi vừa đánh trống, chiêng, chũm chọe, xòe múa, hát hò. Nhìn vui mắt, Quan Cong biết ngay người Thái. Nước da giống người này trắng nhờ không bị cọ sát bởi lỗ thanh sắt dùi nên không bị than bám quanh mép. Sự hiện loài người sinh ra từ quả bầu mẹ” đã được người đời ghi nhận thành câu tục ngữ: “Người Thái ra đường dao, người Xá ra đường dùi” (phủ Tay ók hu pạ, phủ Xả ók hu chi).

Ra khỏi quả bầu mẹ trước cũng có nghĩa là người thấy mặt trời trước (hên phạ cón), đương nhiên trở thành anh. Ra khỏi quả bầu mẹ sau, thấy mặt trời sau, mặc nhiên là em. Từ tích chuyện “Quả bầu sinh ra loài người, người Thái luôn luôn cho rằng, người Xá là anh của mình, và ngược lại, người Xá cũng coi người Thái là em. Trên đường lịch sử ngàn năm anh em không bỏ nhau.

Ngày nay các nhà Dân tộc học đã chứng minh và chúng ta hiểu, tất cả những nhóm Thái gọi chung bằng tên Xa ấy gồm nhiều dân tộc khác nhau: Khơ Mú, Kháng, La Ha, Dao, Hà Nhì, La Hủ, Cống… Và người cùng nói tiếng Thái, tức nòi Thái sinh ra từ quả bầu mẹ ấy cũng có các dân tộc: Thái [ Tay – (Thay), Lào, Lự, Giay, Tày, Nùng, Bộ Y, Cao Lan.]

Quả bầu mẹ, trời giáng xuống Mường Then để sinh ra loài người, thoạt đầu cũng như người khổng lồ vậy. Khi bị Quan Cong dùi, chém, khoét thành lỗ, thành cửa, qua bầu cũng đau nỗi đau của mẹ sinh con. Loài người sinh ra trong nỗi đau đớn của mẹ mình. Ngày nay, ta thấy trái bầu nậm có eo thắt, chính là dấu vết của bà mẹ khi sinh con kêu đau “thắt cả cổ cả họng”.

Để ghi nhớ công ơn mẹ, người Thái đã dùng quả bầu nậm đựng nước đặt ở gian thờ tổ tiên trong nhà, gọi là ống bầu tông tộc (bẳng nặm tảu tông). Sau khi sinh ra loài người, quả bầu mẹ đã hóa đá. Tại nơi có quả bầu đá đó, người Thái đã đến sinh cơ lập nghiệp, dựng bản mang tên Quả Bầu (bản Tảu Pung) nay thuộc xã Nà Tấu, huyện Điện Biên. Bản Tảu Pung ở cạnh đường quốc lộ, cung đoạn từ Tuần Giáo vào Điện Biên. Thật đáng tiếc, chỉ cách đây hơn chục năm, thần tượng quả bầu mẹ đã bị một số người kém văn hoá đặt mìn phá để lấy một chút đá rải đường. Đây là bằng chứng của sự không chịu đọc để học, hiểu, biết nên vô hình chung trở thành người phá hoại văn hóa dân tộc mình.

Chuyện “Loài người sinh ra từ quả bầu mẹ” có nhiều cốt được kể nhiều chi tiết tưởng như khác hẳn nhau, song nếu suy cho cùng thì cái chuyện kể ấy mang tính phổ biến trong nhiều dân tộc gốc Đông Nam Á và miền Nam Trung Hoa lục địa. Các dân tộc ở đây đều cho rằng, tổ tiên của mình nếu không sinh ra trực tiếp từ trái bầu mẹ cũng nở từ một bọc trứng như bà Âu Cơ – mẹ huyền thoại của người Việt lấy Lạc Long Quân sinh ra một bọc 100 quả trứng. Hoặc cũng có thể dùng biểu tượng cái trống thay cho quả bầu mẹ như cốt chuyện người Ba Na, người Mông… Trong dân gian, người Khơ Mú và người Thái còn kể chuyện mang những chi tiết hơi khác với cốt đã dẫn ở trên.

Chuyện hai anh em Mường Then (BT)

…. Ngày xưa, trời mưa to, gió lớn kéo dài ba tháng khiến nước ngập đến Mường Then. Người và muôn loài ở trần gian đều chết hết. Riêng có hai anh em con cô con cậu nhờ kịp thời đem theo một bao gạo nếp, một con dao và một bầu nước uống chui vào quả bầu mẹ mà nổi lênh đênh trôi trên mặt nước. Nước dâng sát lòng trời thì bắt đầu rút. Quả bầu mẹ đưa hai anh em mắc vào lỗ hang. Nước rút qua lỗ cạn, quả bầu mẹ nằm phơi ngoài bãi. Ở bên trong quả bầu, hai anh em không còn nghe tiếng mưa rơi, gió thổi, nước chảy nữa. Biết trời đã tạnh, hai anh em bèn lấy dao chém và khoét vỏ bầu mẹ mà thoát ra ngoài.

Hai anh em dắt nhau đi tìm bà con ở khắp nơi, chỗ nào cũng vắng bóng người. Sau đó họ đã phân mỗi người mỗi ngả, tiếp tục đi tìm đồng loại. Lần thứ nhất, người anh đi về phía tay phải, để em gái mình đi về phía tay trái. Họ đi mất ba ngày, hai người gặp lại nhau mà đồng loại chẳng thấy đâu. Lần thứ hai, họ thay nhau, anh đi về phía trái, em sang đằng phải. Họ đi mất ba tháng, lại quay về gặp nhau, bà con mình vẫn biệt tăm. Lần thứ ba, họ lại đổi phía đi theo hai hướng khác nhau. Sau ba năm, hai anh em gặp lại nhau, nhân loại vẫn biệt tích. Bất lực, hai anh em đành dắt nhau đi, đi mãi đến một khu rừng lớn đây tiếng chim kêu, vượn hót, suối reo, gió thổi mát rượi, hoa thơm cỏ lạ. Rừng đủ thức ăn hoang dại. Anh em mừng, sống rồi! Nhưng vẫn chẳng có ai, hai người vẫn sống nơi này. Đó chính là Mường Then.

Một hôm, hai anh em lấy đá cọ xát bật ra lửa, đốt vào cây khô cháy thành ngọn. Có lửa sưởi ấm và nấu nướng, dùng thức ăn chín. Sẵn suối có cá, hai anh em trần trụi xuống mò bắt. Đang cười nói với nhau ở dòng suối thì nghe tiếng chim Tắng Lò kêu da diết gọi bạn. Chim Tắng Lò đã gặp nhau và ghép đôi. Nhìn mãi đôi chim ân ái, tình tứ, hai anh em bắt chước. Từ đó anh em trở thành bạn trăm năm. Ba năm sau, người em ấy sinh nở một bọc đầy trứng. Lớp trứng nở đầu tiên thành “ba mươi giống người Xá”. Mười hai ngày sau, lớp trứng còn lại nở ra thành “năm mươi giống người Thái”. Sau đó mười hai ngày nữa, các trứng tiếp tục nở thành người Kinh, Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ…

Tạo Tum Hoàng và người Thái Lơn – Thái Bé (BT)

Trong Quam tô mương (Kể chuyện mường) ở đoạn chót của phần mở đầu cũng ghi về chuyện Quả bầu mẹ đã sinh ra loài người:

“… Thủa ấy, Tạo Tum Hoàng là con rể Then Lôm được phái cùng anh em Tạo Xuông, Tạo Ngân – con cô con cậu xuống dưng trần gian…”. Trong dân gian gọi hai vị thủ lĩnh này bằng tên nôm na. Tạo Đen, Tạo Trắng, vì nghĩa xuống là đen và ngân là trắng…” Tạo Xuông là con bà chị, còn Tạo Ngẩn là con của em trai. Hai anh em ấy được Then cho đi theo Tạo Tum Hoàng đem tám quả bầu mẹ với tám cột động chống trời xuống ăn ở, lập cơ ngơi đầu tiên tại Mường Ôm, Mường Ai Nặm Lai, Nong Xe, đầu sông Thao nước đỏ.

Trong quả bầu ấy, Then cho săn ba trăm ba mươi giống người Xá, năm trăm năm mươi giống người Thái ba trăm ba mươi giống lúa dưới ruộng; năm trăm năm mươi giống cá dưới nước; có cả sổ ghi dùng để bói, cúng và xem ngày tháng. Đến Mường Ôm, Mường Ai, Tạo Tum Hoàng cùng hai Tạo anh em đã phân phát tám quả bầu và tám cột đồng chống trời đi khắp nơi…”.

Trong đó, một quả bầu mẹ và một cột đồng chống trời được Tạo Tum Hoàng trực tiếp đem đến đất Mường Then. Tạo dẫn đoàn tùy tùng khiêng quả bầu mẹ và cột đồng chống trời đến địa điểm bản Tảu Pung, trái bầu mẹ bèn thốt câu như ra lệnh: “Hãy cho ta xuống đây” (hảo ha lông ni). Tạo Tum Hoàng lệnh cho đoàn khiêng đặt xuống thì lập tức bên trong quả bầu mẹ cũng nổi trống, chiêng, chũm chọe xen lẫn tiếng reo hò nhộn nhịp. Tạo rút gươm chém, khoét vỏ quả bầu thành cửa. Người Thái Bé [ Thay (Tay), Nọi ] cùng người Thái Lớn [ Thay (Tay), Nháư (Nhay, Giày) ] vừa nhảy múa vừa hát hò, reo cười, tưng bừng theo nhịp trống, chiêng lần lượt thoát ra. Cho đến lúc người cuối cùng ra khỏi cửa, quả bầu mẹ ấy cũng hóa đá.

Thể hóa ra hai quả bầu mẹ này chỉ chứa bọn nòi Thái: Đen và Trắng ở điểm khởi đầu Mường Ôm Mường Ai; Bé Đà Lớn ở Mường Then. Chắc 6 quả khác lại chưa “ba trăm ba mươi giống người mang tên Xá cũng nên? Người kể xin tạm gác câu trả lời lại trong các tập sách sau vậy.

Thủa ấy, tại một địa điểm thượng nguồn Nậm Rôm cách bản Tảu Pung hơn một cây số có một ngọn núi lạ. Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ, từ trong lòng trái núi đó lại âm vang tiếng kêu “la ô! la ô!” Người ta bảo, đó là lúc thân rồng đực, thẩn rồng cái gặp nhau ân ái. Rồng cái đẻ trứng ở thượng nguồn sống Rôm. Rồng đực vươn đầu lên chầu chủ Mường Trời để điều hòa mưa, nắng, gió, tạo ra khí trời đặc trưng cho Mường Then. Ngọn núi đó được Tạo Tum Hoàng đặt tên là Ải Lao. Chữ lao ở đây tuy khác hẳn âm tiết, nhưng cùng nghĩa với Thay (Tay) là người. Ải Lao có nghĩa núi “cha của người”. Đặt tên cũng có nghĩa chọn núi làm nơi lắng hồn núi sông (pom minh nặm nen mương). Tạo Tum Hoàng đã cho đoàn tùy tùng mổ đôi trâu đen, trắng và cho ông mo vào làm lễ tế thần Mường Then. Rồi Tạo cho chôn “cột đồng chống trời” tại chân núi. Việc làm ban đầu này sau trở thành tục chọn “núi hồn mường” và chôn cột trụ “lắc mương” ở các mường người Thái xưa và nay. Tại Băng Cốc – thủ đô vương quốc Thái Lan hiện cũng có dựng Lắc Mương tại trung tâm.

Làm việc đó xong, Tạo Tum Hoàng đã dẫn dắt bộ phận người Thái Lớn đóng bè mảng xuôi theo dòng Nặm Rôm – Nặm Núa đến sinh cơ lập nghiệp, xây bản dựng mường ở miền lưu vực thượng Nặm U và Nặm Khong (miền đất này thuộc tây nam nước Trung Quốc và Bắc nước Lào).

Thoát ra khỏi quả bầu mẹ, tạm thời chia tay với người anh em cùng bọc bầu mẹ (Thái Lớn), người Thái Bé đã lan tỏa đi cư trú khắp địa bàn Mường Then. Họ còn tràn vào lưu vực sông Mã, khai phá và lập bản tại Mường Huốk, Mường Quài (huyện Tuần Giáo, Điện Biên ngày nay) và Mường Muổi (huyện Thuận Châu, Sơn La). Như vậy, trung tâm của Mường Then thời ấy đương nằm ở vùng núi đầu nguồn sống Rôm. Cho đến nay, địa điểm này vẫn còn in đậm sắc màu nửa thực nửa hư trong chuyện kể về cuộc sống tổ tiên ngày xưa.

Thủa ấy, có một bộ phận người Thái Bé đến ở đầu tiên tại một địa điểm cách bản Tảu Pung chếch về phía đông bắc khoảng gần ba cây số. Họ đã phá rừng cây sậy để làm ruộng. Thứ cây thân cỏ cùng họ với lúa này loài chuột thường lấy bụi làm ổ, gặm thân để ăn (ởi nu) như người nhai mía nên có tên Thái là ỏi nu (mía chuột). Người Thái Bé dựng bản ở mé đầu sườn núi sát đồng ruộng mang tên Nà Nọi (Ruộng Bé). Vùng ruộng sinh ra từ việc khai thác bụi sậy ấy nên bản có tên ghép đầy đủ là Nà Nọi Ải Nu (nay thuộc xã Nà Tấu, huyện Điện Biên). Lại cũng có bộ phận người Thái Bé từ Mường Then xuống ở Mường Muổi. Họ cũng tới khai thác ruộng, lập nơi cư trú và đặt tên bản là Nà Nội (nay thuộc xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu). Bản Nà Nọi này được ghi trong tập sách Táy Pú Xấc miêu tả người Thái Bé thời xa xưa ấy sống xen cài với tổ tiên người La Ha.

Chẳng ngờ sự nhỏ bé và tầm thường của bản Nà Nọi Ỏi Nu ở Điện Biên Phủ ngày nay lại trở thành quê hương trong huyền thoại, được xem như đất tổ của một bộ phận người trong nhóm ngôn ngữ Thái ở phía tây, nếu không nói đến nhiều vùng thuộc Đông Nam Á lục địa. Vậy ta phải hiểu tại sao bản Nà Nọi Ỏi Nu lại có giá trị văn hóa lịch sử như vậy?

Chuyện Nàng Luông – Tạo Én (BT)

… Thủa ấy, bản nhỏ bé tầm thường này đã sinh ra cô nàng mang tên Luông (Rồng). Nàng có nhan sắc và sức khỏe phi thường. Nàng đã tự cậy và nhấc được một hòn đá lớn ra khỏi vị trí để khơi nguồn chảy thành một chi lưu của nguồn nước Nặm Rôm. Hòn đá ấy to bằng thớt voi. Thế mà nàng Luông đã vác chạy đến đặt tại một địa điểm sát bờ bên phải mé cuối đầu nguồn sông Rôm, cách bản Nà Nọi Ải Nu chừng 800 mét. Sau đó, chính tay nàng Luông đã gia công đục, khoét và tạo ra mặt đá hình ang lớn để hàng ngày sử dụng làm bồn tắm cho mình. Người đời nay vẫn nhớ và gọi theo tên nàng đặt cho hòn đá ấy là Hin Chong Nang (Hòn Ang Nàng).

Hầu như ngày nào cũng như ngày nào, bất kể mưa, nắng, gió, phải tới lúc đêm khuya nàng Luông mới từ sông nước trở về yên giấc ngủ say tại nhà mình ở bản Nà Nọi Ủi Nu. Nàng thường sống với sông nước để xúc cá, tôm tép, hái ngắt rau rừng về làm bữa ăn cùng cha mẹ, anh em trong nhà như mọi chị em trong bản, trong mường khác.

Một hôm, nàng đương xúc cá, tôm tép ở ven bờ sông Rôm. Bỗng nhiên mây đen kéo đến, bầu trời tối đen như mực, sấm sét nổ ầm ầm. Gió nổi cơn lốc, xoáy nước sống Rôm cuộn tròn, bốc đá lên đắp núi Ải Lao ở bên bờ trái. Hình như Then không buộc nàng phải chạy trốn cơn phong ba bão táp, mà ngược lại, có lực vô hình nào đó làm nàng bình tĩnh, từ từ né nấp mình vào Hin Chong Nang. Trời vẫn mưa nặng hạt. Màn đêm buông xuống, rồi bỗng lúc trời quang tạnh. Nàng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu và chẳng muốn trở về nhà. Bầu trời trong vắt đầy sao, trăng tròn vằng vặc sáng. Ngồi trên ang đá, nàng tư lự, mơ màng. Chỉ có một mình như thế này mới biết mình đang trong tâm trạng quạnh hiu.

Vào lúc đó, từ núi Ải Lao gần đó hiện ra một chàng trai thân hình to lớn, vạm vỡ, quắc thước. Chàng đã tiến về phía nàng mỗi lúc một gần. Chẳng rõ nguồn cơn, nàng không sợ hãi, chỉ thấy trái tim dập dồn dập, Nàng cất tiếng nhè nhẹ hỏi:

– Chàng ơi! Chàng từ lâu tới Có 1 li liệu là 1 từ sông nước không?

– Nàng hỏi ta? Ta tên là Tạo Én . Ban ngày tu tung cánh bay trong bầu trời, ban đêm ta hóa rồng ngủ trong núi Ải Lao. Ngày mưa to gió lớn, lũ lụt bạn bè cử níu kéo ta xuống Nông nước gặp gỡ các nàng thuồng luồng. Ta phải dùng toàn lực để bứt khỏi tay họ, khước từ thứ tình ái ấy. Có phải nàng là hóa thân của thân nàng Mọm và Khính xửa xưa nào đó ấy không?
– Tạo En vừa đáp vừa hỏi nàng Luông.

– Dạ! Vâng thưa chàng. Trí nhớ chàng khó có người Bánh kịp. Tổ tiên em đây chính là thân nàng Mọm chuyên nhả “ngọc hạnh phúc” (xết bun) cho loài người. Nòi của em là giống sống nhởn nhơ, tung tăng bơi lội nhảy múa và vờn đá ngầm dưới dòng nước mát trong. Mẹ em là người. Khi bà đi xúc cá ở dẩu nguồn sông Rôm, đã được thần nàng Mọm trao cho viên ngọc quý. Từ đó, bà luôn đeo vật báu bên mình. Bà đã mang thai 3 năm, 3 tháng, 3 ngày 3 đêm và sinh ra em. Mới thoát thai từ lòng, mẹ đã bế em ra tắm rửa ở Nặm Rôm. Em lớn phổng thành người ngay tức khắc. Và em luôn luôn sống với dòng sông quê hương này. Thay vậy, bà đã đặt tên em là Luông – nàng kể cùng chàng.

– Ồ! Thật may mắn cho ta. Hai ta gặp nhau hôm nay chính là duyên phận. Hôm nay rồng cạn đã gặp rồng nước. Thần Chim Én gặp thần nàng Thuồng Luồng, vui sao! – Chàng nói.

Tâm tình đôi lứa càng về khuya càng quyện chặt. Họ đã gửi giấc mộng về với vầng trăng. Ngày này qua tháng khác, nàng Luông đã mang thai. Lại đúng sau 3 năm, 3 tháng, 3 ngày, 3 đêm, nàng đẻ ra quả trứng trên Hin Chong Nang. Chẳng biết ngày tháng dài hay ngắn, tưởng chừng chỉ qua đêm, trứng đã nở ra một chàng trai tuấn tú lạ thường. Thân hình cao to ngang lưng núi Ải Lao. Người con của loài chim thần có khuôn mặt hình chim én, tóc râu uốn mềm như sóng nước Nặm Rôm. Nàng Luông đặt tên con trai mình là Bó Rôm. Bó có nghĩa là nguồn, hay còn gọi là mỏ. Rôm là tên con sông phát nguồn từ vùng núi phía đông bắc Mường Then được phủ đầy một màu xanh cây rôm. Cây gỗ này xếp vào loại quý hiếm (người Kinh gọi là lác). Đặt tên chàng như thế, bà nghĩ, tuy là con của mình đẻ ra, nhưng cha chàng chính là thần sông núi, nơi khởi nguồn dòng Nặm Rôm, chảy dài theo cánh đồng Mường Then vĩ đại.

Thuở ấy, người Thái Bé thấy chàng Bé Rôm thông minh, tướng mạo phương phi, khoẻ khoắn vào bậc nhất nên suy tôn làm Khun (thủ lĩnh). Khun Bó Rôm xuất hiện như một vị thần quy tụ người Thái Bé cùng các nhóm tộc người khác như Xa Uông Anh Ca, Xá Cha… đến Mường Then cư trú, khai phá đất đai, biến Mường Then thành Mường Then của con người hiện thực. Khun Bó Rôm đã rời bản Nà Noin Ỏi Nu quê mẹ đến đóng trung tâm tại vùng đất rộng lớn cuối cánh đồng Mường Then rộng lớn, nơi có hồ U Va của các bà mẹ xưa vẫn dùng “nuôi linh hồn của con cái”, nơi có Cỏn Đeng (Đá Lửa) ở giữa dòng Nặm Rôm và núi mang tên Khẩu Chí (Xôi Nướng) của Ải Lậc Cậc… Ngoài việc khai phá ruộng đồng, lập bản, dựng mường, Khun Bó Rôm còn trực tiếp chỉ huy việc xây dựng Viêng Xam Mứn. Các nhà chép sử của các triều đại phong kiến nước ta đã trực dịch, ghi và đọc tên Viêng Xam Mứn theo âm Hán – Việt là Tam Vạn Thành. Ở đây, ta thấy Tam Vạn là Xam Mứn, còn Thành là Viêng. Giải thích tên gọi đó, người Thái có câu nói vần:

…Xam Mứn Chộc
Hốc mướn lỏng
Hua mương chạng phẻ họng
Cỏng mương bảu nghin xăng…

Nghĩa là:

Ba vạn cối tròn hình trụ
Sáu vạn cối giã hình thuyền
Voi thét ở đầu mường
Cuối mường chẳng nghe thấy…

Ở đây, người ta lấy cối giã gạo làm đơn vị tính số dân. Nếu cứ căn cứ đúng câu miêu tả trên, thì trong phạm vi vùng đất của Việng Xam Mứn thời Khun Bó Rôm ấy đã có 30.000 – 60.000 hộ gia đình cư trú. Con số lớn có thể khó tin, nhưng chắc chắn thành phải rộng lớn và chứa nhiều người lắm. Khi biện lý do, tại sao phải xây thành lớn và quy mô rộng như vậy, người kể ở mọi nơi đều dẫn câu mở đầu:

…Hua mương mi vớc Xả
Lả mương nên vớc Hán
Pản viêng hom phủ han
Phăn côn chan, khả rớc…

Nghĩa là:
…Đầu mường có giặc người Xá
Cuối mường có giặc Hán
Đất thành tụ anh hùng
Chém quân gian, giết giặc…

Viêng Xam Mứn ra đời để chống giặc, bảo vệ bản mường và cũng để mở màn cho một thời “dòng con tạo cầm gươm đi tìm mường” (uả lụl tạo khắm đáp to mương) trong dòng lịch sử ngàn năm của các bộ phận người trong nhóm ngôn ngữ Thái.

Quy mô thành đến nay chưa ai đo đạc và khảo sát cụ thể, chỉ thấy cảnh phá hoại di tích văn hóa cha ông thì nhiều. Tuy nhiên, nếu quan sát thật kỹ cũng có thể hình dung: Viêng được xây dựng thành ba lớp xoay vòng hình xoáy trôn ốc tụ vào một điểm chóp.

Hồi ấy số đông người đã được quy tụ. Khi có lệnh của Khun Bó Rôm ban xuống, mỗi người một sọt nhỏ đựng đất đem chất, tạo ra điểm chóp thành quả núi to hình nón đầu bằng mang tên Pom Lót.

Ngữ nghĩa của pom là núi, lót là chiếc sọt nhỏ (mỏng) đan bằng lạt tre, lạt giang hoặc mây để phụ nữ Thái dùng đựng đồ dệt vải, đem đi đem lại nhẹ nhàng, thuận lợi. Như vậy, Pom Lót không phải ngọn núi tự nhiên mà do số đông người, do nhóm Thái Bé đóng vai chủ lực tạo ra.

Thời ấy, đỉnh Pom Lót là nơi Khun Bó Rôm tiến hành lễ tế hồn thiêng của mường (minh mương). Từ đỉnh xuống chân núi là những bậc thềm xoáy trôn ốc để Khun Bó Rôm mở các chum rượu cần thết quan quân thời chinh chiến mỗi khi xuất trận hoặc đánh thắng trở về. Tiếp chân núi Pom Lót là lớp một gọi là Viêng Cuông (thành trong), là nơi ở của Khun Bó Rôm và các bộ hạ thân tín. Lớp hai gọi là Viêng Tó (thành nối) là nơi giành cho quân lính chinh chiến. Thời đó người ta gọi chiến binh là ải ón (chàng trai trẻ). Và lớp ba mang tên Viêng Nok (thành ngoài), vừa giành cho các phiên đội lính canh, lại vừa để phòng khi giặc tới quấy phá, mọi người đều có thể chạy vào trong thành lánh nạn. Lúc đó lính thiện chiến của Khun Bó Rôm sẽ bố trí giữ Viêng Nok để bảo vệ mọi người. Trên đường thành cao bằng hai ba chồng người với, người ta còn xây đắp các vị trí đồn tiêu gọi là che. Bởi vậy, ngoài tên Viêng Xam Mứn, người ta còn gọi tên thành này là Che Xam Mứn.

Đường đi lối lại ở trong Viêng được sắp xếp chạy theo tuyến so le, uốn khúc hợp lý bằng những tấm chắn đất nện cao thấp khác nhau. Điều đó đã tạo ra ảo giác tưởng có hàng trăm lối vào, hàng ngàn lối ra. Đi trong thành, nếu không có người dẫn, chắc chắn không thể tìm được lối thoát. Đúng như cầu: Người tự vào không biết lối ra, người tự ra không biết đường lần (phủ khảu lẹo báu hu tang ok, phủ ók leo báu chắc tang cưn). Từ đó mà các khun, quan bố trí quân lính phòng thủ kiên cố… Nếu kẻ địch dám xông lọt vào Viêng, chắc chắn lạc, mệt mỏi để cuối cùng bị quân Khun Bó Rôm diệt gọn.

Khun Bó Rôm lấy nàng Am Ba, hai người sinh con, đặt tên kèm theo biệt danh tạo là: Lo, Lạn, Chúc, Phương, Nho, In, Chương và ba con gái đặt tên kèm theo biệt danh nàng: Khạy, Keng, Duông. Nàng Âm Ba là con của thủ lĩnh người Xá ở bản 0 Lo Păm. Sau khi sinh hạ được Tạo Lò, Khun Bó Rôm đổi tên thành bản Pak Pe. Ngữ nghĩa của pe là sinh sôi nảy nở.

Khi các con trai khôn lớn, Khun Bó Rôm phân cho đi làm người đứng đầu ở tám mưởng lớn. Trong đó, người Thái ở nước ta chỉ kể đến sự nghiệp và vinh quang của Tạo Khun Lò.

Được Khun cha khởi đầu và trao cho chỉ huy tám trăm quân chinh chiến của người Thái Bé. Khun Lò cho quân đóng bè, mảng và thuyền xuôi theo dòng Năm Núa ra Nặm U phối hợp với quân của người Thái Lớn anh em do Chau Khăm Xương chỉ huy đánh chiếm miền đất đai thuộc phía Bắc nước Lào ngày nay. Sau khi đánh bại quân người Khạ do Khun Cán Hạng chỉ huy ở Pak U, tức của sông U đổ nhập sông Mê Kông, quân Thái Bé, quận Thái Lớn đã chiếm được Mường Sao Va (Swa). Biến đất này thành Mường Luông và đặt đúng tên Thái là Pha Băng. Pha là núi và băng là che chở. Tên này đặt theo ngọn núi khởi nguồn được chọn làm nơi lắng hồn mường (pom nen (minh) mương). Về sau, người Lào đã tiếp thu đạo Phật một cách nghiệt ngã và sâu sắc. Hầu như họ đã quên Khun Bó Rôm ở Mường Then. Có thể họ vẫn nhớ tên ông tổ Khun Bó Rôm. Song quên hẳn sự tích gốc mà hiểu theo sự tích Phật, đọc là Khun Brôm. Mường Luổng họ gọi theo tên phật là Prabăng. Núi nen (minh) mương được gọi là Phu Si. Chiềng Đông. Chiềng Tòng vốn là trung tâm Mường Luông được dựng chùa thờ phật nên gọi là Vặt Xiêng Đông – Xiêng Thong.

Từ đó ngành người Thái Bé vốn sinh ra từ đất Mường Then dần dần thiên di sang ở đất Lào và trở thành người Lào sau khi hòa nhập với người Thái Lớn. Hiện nay, hậu duệ của người Thái Bé còn có những nhóm nói tiếng Thái cư trú ở lưu vực sông Mã. Người ta gọi họ là Lào Nọi. Nhóm Lào Nọi này ở nước ta phân thành hai dân tộc thiểu số. Một là, nhóm mang tộc danh Thái ở miền tây Thanh Hóa, Nghệ An tự nhận thuộc ngành Thái Đen và gọi là Tay Thanh (theo quê tổ Mường Thanh) hay Tay Nhại(!). Hai là, nhóm mang tộc danh Lào ở dọc biên giới Việt – Lào. Ở Lào, nhóm này còn tự nhận là Phu Thay (người Thái), Thay Đeng (gốc ở Mường Đeng) hoặc Lào.

Một bộ phận người Thái Bé ở Mường Then còn sớm di cư xuống miền trung đất Thái Lan. Nhiều người còn nhớ tên gốc của mình là Thay Nỏi. Chắc chắn nhóm này cũng trở thành một trong những bộ phận cấu thành người Thái Lan. Nhiều người trong số hàng triệu người của họ, nhất là tầng lớp tri thức khoa học xã hội vẫn còn nhớ đến bản Nà Nội Mi Nu đất Mường Then quế tổ.

Trong khi ở mọi nơi, người ta vẫn gọi tên Điện Biên Phủ là Mường Than thì trước hết người Thái Đen và sau đó là người Thái ở Việt Nam gọi là Mường Thanh. Từ chữ Thọn chuyển thành Thanh chắc cũng có lý do thể hiện thành câu chuyện cũng khá lý thú. Thích nghe kể về các điều muốn biết ấy, ta phải cùng nhau hồi tưởng trở lại Mường Ôm, Mường đi trên lưu vực Nặm Lào, Nong Xe – nơi ngọn nguồn sông Thao nước đỏ.

Trên đây, người kể mới dẫn sự tích về một “quả bầu mẹ”và một “cột đồng chống trời” do Tạo Tum Hoàng con rể Then Luông giáng xuống Mường Then để khai sinh ra hai ngành Thái Bé và Thái Lớn. Gắn bó với Mường Then chuyển từ huyền thoại sang hiện thực sau Khun Bó Rôm còn phải kể tới sự tích “quả bầu mẹ” và “cột đồng chống trời” do hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngẩn do Then sai đem xuống Mường Ôm, Mường Ai. Khi xuống đến nơi, hai Tạo đã rút gươm thiêng chém và khoét vỏ “quả bầu mẹ” thành cửa lớn để hai ngành Thái Đen, Thái Trắng thoát ra ngoài. Hai Tạo được Then cho thực sự hóa kiếp người.

Tạo Ngân trở thành người thủ lĩnh đầu tiên của ra từ ông cậu. Vậy người Thái Trấng sinh ra từ ngành nam. Ngành Thái Trắng đã chọn thắn chim ở núi làm biểu tượng tâm linh nên còn có tên gốc nữa là Thái Cạn [Tay (Thay, Bốc)]. Tạo Xuông, người cha đầu tiên của ngành Thái Đen cư trú ở Mường đi. Tạo Xuống là con bà chị, tức Con cô, Vậy người Thái Đen thuộc ngành nữ. Ngành Thái Đen đã chọn thân rồng ở nước làm biểu tượng tâm linh nên còn có tên gốc nữa là Thái Nước [Tay (Thay) Nặm].

Hai Tạo cắm “cột đồng chống trời”tại núi Pha Mương, nương bóng xuống Nặm Lài, Nong Xe thuộc địa phận Mường đi. Lễ cắm “cột đồng chống trời”có nghi thức đem áo hai Tạo ra đặt bên cạnh cột để biểu thị linh hồn của đất mường. Và từ đó, dòng con Tạo được giữ thiên chức tâm linh gọi là “Tạo Chủ áo” (Tạo Cháu rửa). Ngày lễ phải mổ đối trâu đặt mâm. Trâu trắng tế thần núi Pha Mương. Núi này được chọn làm “nơi lắng hồn thiêng của mường trom minh (nen) mương ]. Trâu đen tế thản rồng ở Nặm Lài, Nong Xe. Hai Tạo đã cho ông mo mường vào đọc lời cúng. Bài này có bốn câu miêu tả đời sống của người Thái thời đó như sau:

….
Mương Ồm dú đì lài
Mương Ài dú đì lắm
Mường tòm khảu dệt bà
Mương hốm pha năng nỏng…

Nghĩa là:
Mường Ôm sinh sống yên lành
Mường Ai ăn ở càng tốt hơn
Mường dùng nhíp ngắt bông lúa bó cụm
Mường đắp chăn vỏ sui…

Song, đời sống yên ổn làm ăn ở Mường Ôm, Mường Ai chẳng được mấy năm tháng. Người Thái Đen, Thái Trắng đã bị giặc Xá ở Mường Là, Mường Tiến đến quấy phá liên tục. Mặc dù anh em hai Tạo đã tổ chức binh mã đánh lại và giữ được quyền làm chủ hai mường. Nhưng dân tình luôn luôn phải sống trong cảnh loạn lạc. Cuối cùng phải tổ chức dẫn hai ngành Thái di dời khỏi quê cha đất tổ Mường Ôm, Mường Ai.

Đầu tiên hai Tạo dẫn dắt người Thái Đen (Thái Nước) theo triền sông Thao nước đỏ thiên di ở rải rác và tập trung vào đất Mường Lò đông đúc hơn cả (nay là thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Trấn, Trạm Tấu, Mu Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái). Sau khi chiếm lĩnh địa bàn thung lũng lòng chảo rộng lớn còn hoang vu này, Tạo Ngẩn quay trở lại Mường Ai dẫn dắt nganh Thái Trắng (Thái Com) sang cư trú tại Mường Bó Te ở vùng thượng nguồn sông Đà. Từ đó hai anh em Tạo không còn gặp nhau nữa.

Tạo Xuông đã dẫn dắt người Thái Đen vào khai phá cánh đồng Mường Lò. Quang cảnh ấy đã được tặp sử thi Táy Pú Xớc (Những bước đường chinh chiến của cha ông) ghi nhận:

Mường Lo híp pá hu pá xa tặc tay
Túp pá ở lăm cắm uồn chuôn
Pú chống tích nhỉnh chai khẩu lao
Lao pá hù dệt na
Lao pá xà dệt bản
Tản xùm lau pò bék
Tản xùm phék po hàm
Phay cuồng bẳng mà chẹk
Phay cuồng chọk mà phàu
Thán phay phụng xì xạ
Thán phay pạ pời xời
Pẳm mạy ma dệt phài
Khát căn cu àu nặm
Nặm lay khảu cặp mương
Côn têng mương háy na kìn khảu
Chắc án kỉ lài khảu chắng đảy thòng đìn Lo
Đảy ngọn phụ thóng mượng tè leo…

Nghĩa là:
Mường Lò ngập toàn rừng “hu” rừng “xa”
Đầy rừng lau rừng sậy um tùm
Ông cho lùa trai gái vào phá
Phá rừng “hu” làm ruộng
Chặt rừng “xa” làm bản
Đào khóm lau chất cao bằng một vác
Bạt búi sậy chất cao bằng một khiêng
Mồi trong ống lấy ra đánh lửa
Lửa trong ống đổ ra để thiêu
Than cháy đỏ rừng rực
Tàn lửa bay tứ tung
Chặt cây để dựng phai
Đào đất, khơi mương để lấy nước
Nước chảy đầy lòng mương
Người trong mường làm ruộng thu lúa
Bao nhiêu năm trời mới được nửa Mường Lò.

Người Thái Đen xây dựng Mường Lò được ba đời người: Tạo Xuông, Tạo Lò và Ta Đúc. Chính nhóm Thái Đen ở đây đã là lớp người tạo nên hiện thực, chấm dứt các huyền thoại về Mường Then và chuyển đổi tên thành Mường Theng (Thanh). Gọi chệch âm đi như thế vì cho rằng, Mường Then là cõi ông cha “tái hiện cuộc sống” ở “bên kia thế giới”, thường được gọi là vĩnh hằng. Giờ đây, nếu lúc nào cũng cứ nhắc đến mường cha ông mũi, theo tâm linh là điều hết sức kiêng kị. Vậy để tránh điều đó, từ nay trở đi ta gọi là Mường Thanh. Đúng như ca dao Thái có câu:
Mường Then vạy pên mương pảu pú
Chu héng vả chạt chặn hau Mường Thanh.
Nghĩa là:
Mường Then để thành mường ông cha
Lớp lớp con cháu ta gọi Mường Thanh.

Đến đời thứ ba, có ông Lạng (Lạn) Chượng con út của Tạo Lò, cháu đích tôn Tạo Xuông đã triệu tập bình ngàn binh vạn, tướng mạnh thực hiện cuộc chinh chiến mở đường cho cuộc thiên di của người Thái Đen hữu ngạn sông Thao nước đỏ với trung tâm Mường Lò vào khắp vùng Tây Bắc nước ta.

Sau bao nhiêu năm rong ruổi chinh chiến, cuối cùng quân Thái Đen dưới sự chỉ huy của Lạng Chượng đã chiếm được Mường Thanh. Lúc ra đi, Lạn Chương mới ở vào tuổi hai mươi, đến khi đoạt được Mường Thanh nhờ người Thái Bé còn ít ỏi làm nội ứng đã ở vào trạc ngoại tứ tuần. Quân chinh chiến Thái đã đóng đại bản doanh tại đồi Ai hiện nay. Chỗ này người Thái xưa cũng như nay vẫn gọi là Pom Lạn Chương (Đổi Lạn Chượng) chắc là để ghi nhớ công ơn cha ông xa xưa của mình.

Hiện nay người Thái Đen đang sinh sống ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu Việt Nam); Luông Nặm Thà, Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ cũng như miền Bắc nước Lào khác; Suphaburi, Thonburi, Rachaburi, Smutsakorn và Photchaburi (Thái Lan). Họ đều là hậu duệ của lớp cha ông xưa đã từng chinh chiến dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh nổi tiếng Lạn Chượng. Câu chuyện huyền thoại về Mường Than kết thúc ở đồi A1 với tên Thái là Lạng Chượng. Lạng Chương là tên gọi cuối cùng của phần chót Mường Than chuyển thành Mường Thanh.

A1 là của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vĩ đại chấn động địa cầu gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp. Như vậy địa danh của một vùng đất thay đổi có nghĩa thời đại thay đổi, con người thay đổi. Đúng! Hiện nay Mường Thanh – Điện Biên Phủ đang chuyển mình cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam Quang Vinh. Thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo Huyền Thoại Mường Then – Cầm Trọng | Nhà xuất bản Văn Hóa Dân Tộc – 2007

Facebook Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *