Vào thế kỷ 19, các nước phương Tây bắt đầu lăm le xâm chiếm các nước phương đông vốn lạc hậu và trì trệ. Việt Nam và Trung Quốc cũng là những nước bị xâm lược. Năm 1851, ở Trung Quốc, Hồng Tú Toàn cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại sự cai trị của nhà Thanh, sự xâm lăng của phương Tây, gọi là Thái Bình Thiên Quốc và đã lập được một nhà nước riêng. Tuy nhiên, đến năm 1864 cuộc khởi nghĩa tan dã. Các tàn quân của cuộc khởi nghĩa này chạy sang miền Bắc Việt Nam tổ chức thành các băng đảng. Triều đình nhà Nguyễn đã lợi dụng các băng đảng này như đội quân đánh thuê để chống lại Pháp. Tuy cũng có mặt lợi là các băng đảng giúp nhà Nguyễn được phần nào đánh pháp, thế nhưng việc dung túng và mất khiểm soát của triều đình với các băng đảng này cũng gây ra cảnh cướp phá khắp nơi làm cho nhân dân miền Bắc cũng như Mười sáu châu Thái tan tác bản mường.
NỘI DUNG:
Các đảng thổ phỉ Hán tràn vào Việt Nam, Quân Cờ Đen kèo vào Xứ Thái
Phìa Bun Yêu làm tri châu Mường La được bảy năm thì bản mường loạn lạc. Năm táu xăn (nhâm thân – 1873) giặc Cờ Vàng do tướng Dịp Tài chỉ huy kéo đến cướp phá bản mường.
Nguyên nhân chuyện này như sau:
Hồi đó, binh Ngô Hán(1) đã tràn vào đánh đất người Kinh. Họ đánh phá và chiếm được tỉnh Bắc Thành. Nhưng chỉ được ít lâu, quân nhà vua ở ngoài thành phản công lại, giết được tướng của quân Ngô Hán. Quân Ngô Hán chạy tán loạn lên tỉnh Lào Cai. Quan quân Kinh ở Lào Cai sức yếu không chống cự được phải bỏ chạy.
Ông Lưu(2) cậy quân minh mạnh vào chiếm đóng thành Lào Cai. Ông Phằn Lằn Xi tự cho mình là người đứntg đầu quân Ngô Hán buộc ông Lưu phải rút khỏi thành để quân mình vào đóng. Hai bên thương thuyết với nhau nhưng không kết quả. Ông Phằn Lằn Xi tức giận cho quân đánh thành. Hai bên đánh nhau được ba hôm thì ông Lưu rút quân. Ông định xuôi gặp vua Kinh, nhưng bị quân ông Phằn Lằn Xi đuổi riết nên phải rẽ vào Mường Lò. Lúc đó, ông Cầm Ngọc Hãnh giữ chức hiệp quản phó đề đốc của người Thái ở Mường Lò ra đón ông Lưu vào trú chân ở Mường Lò. Ông Lưu nói với ông Hãnh: “Tôi có việc nhà vua cần kíp lắm phải lên Mường La và Mường Lay ngay, nếu quân Ngô Hán là Phằn Lằn Xì(3) đến đánh thì đừng có sợ. Hãy về bày binh đánh chặn nó lại đừng để chúng đánh tràn phía trên”. Rồi ông Lưu kéo quân ngược lên Mường Lùng, Mường Chiến, Mường Chai lại ngược sông Đà lên Mường Sại, Chiềng Muôn, Mường Muổi.
Ông Lưu đòi tri châu Mường La Cầm Ngọc Yêu và tri châu Mường Muổi Cầm Ten đến hầu. Ông nói: “Chúng tôi có việc ủa nhà vua sai đến, nay hành binh lâu ngày lương, tiền đã hết xin hai ông giúp đỡ”. Hai tri châu bèn giao cho ông Lưu môt trăm nén vàng, một nghìn nén bạc. Ông Lưu nhận và ngược lên Chiềng Vai, Mường Lao gặp tạo Điêu Văn Trì(4).
Quân Cờ Vàng kéo lên cướp phá Xứ Thái
Tướng Ngô Hán là Dịp Tài đem quân đuổi theo ông Lưu. Dịp Tài là tướng Hán Cờ Vàng(5) kéo quân tràn qua Trái Hút vào Mường Lò. Nó ra lệnh bắt chủ đất Mường Lò phải nộp lương tiền, lấy cớ là cần vội ngược lên đuổi bắt ông Lưu. Phó đề đốc Cầm Ngọc Hãnh bày binh đón đánh quân Dịp Tài. Nhưng vì quân Thái không gan dạ nên phải lui vào trong châu mường cố thủ.
Dịp Tài cho quân vào vây chặt bảy vòng. Quân Thái bị vây lâu ngày nên sợ. Cầm Ngọc Tâm phải bội ra hàng Dịp Tài. Bản Mường xiêu đổ, toàn bộ đất Mường Lò lọt vào tay Dịp Tài tướng Ngô Hán.
Cầm Ngọc Tâm tường được yên ổn và làm chủ đất Mường Lò như cũ. Có ngờ đâu, Tâm bị Dịp Tài giết cùng với ông Cầm Ngọc Hãnh và nhiều người Thái khác nữa.
Sau khi chiếm Mường Lò, Dịp Tài kéo quân chiến đất Mường Chiến và sai người lên loan báo cho tri châu Mường La Cầm Ngọc Yêu ra hàng. Bun Yêu biết, cử đội sáu và ông lam ho mang phục binh phục sẵn ở núi Khau Xam Xíp, ở giáp giới giữa Mường Chiến và Mường La. Đội sáu theo lên Bun Yêu lập nhiều bẫy đá ở những nơi xung yếu để chặn đánh Dịp Tài.
Hai bên đánh nhau dữ dội, binh Thái thua phải rút lui về báo cho Bun Yên. Bun Yêu đem hết binh lực của ông ra chặn đánh quân Dịp Tài ở Mường Bú. Ra tới đó, Yêu gặp quân nhà vua phải lên giúp ông. Binh nhà vua do lãnh binh làm tướng. Quân Thái và quân Kinh hiệp làm một kéo qua sông Đà sang Ít Ong thì gặp quân Hán. Hai bên đánh nhau to. Người Hán bắn trúng ông lãnh binh ngã ngựa và chết. Ngựa ông Bun Yêu cũng bị trúng đạn ngã gục. Bun Yêu bỏ ngựa chạy trốn. Quân Thái, Kinh tan vỡ cả về Mường La. Theo lệnh Bun Yêu, dân chúng chạy cả vào rừng ẩn nấp ở hang núi.
Bun Yêu xuôi về thành Hưng(6) tâu vua. Người Hán thuê người bỏ thuốc độc giết Bun Yêu. Phìa lý Bun Hoan bỏ chạy sang Chiềng Cọ đất Thượng Lào. Đất Mường La bỏ lại cho quân Hán ăn.
Người Hán đè nén, hãm hiếp đàn bà con gái, chém giết bừa bãi, cướp tiền, cướp vải, dân chúng khổ sở. Số phận họ lúc đó như cá sa vào lưới vậy.
Ông pọng Chính sống không nổi ra hàng Hán Cờ Vàng. Lần lượt, bốn ông xổng khác cũng theo ra hàng. Hán Cờ Vàng đánh đập dân chúng như lợn, như chó.
Đất Thái bị phá tan hoang. Riêng có Mường Lay là được yên vì theo ông Lưu.
Quân triều đình lên chặn Quân Cờ Vàng, bản mường vẫn loạn lạc
Dịp Tài ăn đất Thái được nhiều năm. Vua Tự Đức mới sai quan thống lãnh kéo binh lên thu xếp việc bản mường. Đến Chiềng Chan, quan thống lĩnh đưa trát đòi Dịp Tài ra hàng, nếu không sẽ bị giết. Dịp Tài vờ xin quy phục: “Chúng tôi người Hán phiêu bạt tới đây sống nhờ đất thôi”. Nghe vậy, thống lãnh không đánh đuổi quan Hàn Cờ Vàng nữa.
Thống lãnh gọi bô lão trong Mường La ra hỏi: “Chủ đất Bun Yên của các người chết rồi, nay các người tính sao?” Bô lão nói: “Tùy nhà vua thu xếp”. Thống lãnh bèn cử Cầm Hiềng em Cầm Vinh lên thay làm quyền tri châu Mường La. Thư lại Cầm Chính được giữ chức thổ thiếp châu.
Xếp đặt xong, quan thống lãnh xuôi về tâu vua Tự Đức. Nhưng bản mường lại vẫn phải làm tôi đòi cho Hán như cũ. Dịp Tài vẫn đóng quân ở Mường La và ức hiếp nhân dân. Phìa chánh lý Bun Hoan ở đất Thượng Lào, Chiềng Cọ ăn không ngon, ngủ không yên phải rời về Sốp Cộp ở cùng với phìa điểm. Được ít lâu, bố nuôi ông là người Hán ở Bó Lù, Mường Mần sang đóng ông đến ở cùng. Sau có người ghen ghét báo Dịp Tài biết. Dịp Tài đòi Bun Hoan về hầu, lừa cho Bun Hoan làm chủ đất Mường La như cũ. Phìa Bun Hoan tưởng thật, đưa cả gia quyến về Mường La. Đến nơi người Hán trói ghì ông lại và bắt ông phải nộp tiền.
Phìa Bun Hoan biết thế nào ông cũng bị người Hán giết cả ba họ. Ông nghĩ cách nói dối: “Xin cho tôi lấy vải. lấy tiền ở Mường Bằng về chuộc tội”. Dịp Tài cho bốn người khiêng kiệu ông đi Mường Bằng. Đến đến ao Bôm, Vài, phìa Bun Hoan giả cách đánh rơi gối xuống đất, bảo bọn khiêng kiệu đặt xuống để nhặt. Nhân đó, ông trốn thoát. Dịp tài được tin này bắt anh ông là Cầm Vinh và bà Chính giết đi. Còn vợ ông là nàng Ngần Pâng và con là nàng Cầm Phá may nhờ ông ho luông chưởng Văn xin đem về nuôi nên thoát chết.
Phìa Bun hoan ẩn ở Mường Bằng được ít lâu rồi chạy sang Mường Chai ẩn ở bản Huổi Cằm, nơi giáp giới đất Mường Than, Mường Khim. Ở đây được bốn năm, ông lại chạy sang Mường Chiến. Đến đây ông nhờ bác ông, tạo Mường Chiến tên là Cuộc đón về đón vợ con ông xuốn Xam Lò. Gặp vợ con, ông vui lòng đôi chút nhưng vẫn nghĩ đến đất Mường La đang gặp lúc giặc giã.
Các thủ lĩnh Thái lãnh đạo nhân dân đánh giặc Cờ Vàng
Trong khi đó tạo Mường Lay đưa thư lên ông Lưu ở Lào Cai xin tiếp quân xuống đánh đuổi giặc cờ vàng ở Mường La. Ông Lưu đồng ý và báo cần gọi ông Văn ở Mường Tấc lên hiệp lực. Điêu Văn Trì hành binh về Mường Muổi. Quân Hán lui về đóng ở Mường La. Trì đưa thư gọi Bun Hoan ở Mường Lò lên giúp. Được thư, Bun Hoan tức tốc lên đường về Mường Chiến gặp cánh quân đường thủy của Điêu Văn Trì do Nguyễn Văn Quang chủ đất Mường Khoa, Mường Chăn, Châu Tiến chỉ huy. Hai ông đưa thư báo ông Văn kéo binh lên Chiềng Dong, gặp binh tạo Lay phá giặc Cờ Vàng.
Hán Cờ Vàng cũng kéo quân lên bản Vai. Binh Tạo Lay gặp đánh lui được quân Hán trở về Mường La. Tạo Lay thúc quân đuổi theo quan bản Phiêng Nghè đến bản Panh thì gặp quân Hán tập trung cả ở đây để chống cự lại.
Năm cắt mẩu (kỷ mão – 1879) Tự Đức thứ 12, tạo Lay mở đại binh vào đánh Hán Cờ Vàng nhưng bị thua. Điêu Văn Trì, Cầm Văn Hoan, Nguyễn Văn Quang cùng ông Văn tập trung dân đặp kè chắn con suổi Mường La ở khúc chỗ bản Phiêng Ngùa hòng nước ngập làm quân Hán chết đuối. Nhưng ông Văn bị quan Hán bắn chết ở Đon Nát đang lúc ông thúc dân chúng đắp đê. Thừa thế, quân Hán đánh bừa vào làm binh tạo Lay hoảng sợ phải rút lui và sau bị quân Hán bao vây. Điêu Văn Trì phải tức tốc đưa thư báo ông Lưu ở Lào Cai về cứu. Ông Lưu báo về vua Kinh. Nhà vua phải Lê Ngô đem đại binh lên Lào Cai cùng với ông Lưu kéo cả quân về Mường Chai.
Lê Ngô dàn xếp cho quan Hán và Thái phải bãi binh không được đánh nhau nữa. Hán Cờ Vàng phải bỏ đất Thái về ở Xắn Phòng. Năm đó là năm khốt xi (canh thìn) Tự Đức thứ 32, năm 1880.
Năm sau, khốt xi (canh thìn) Tự Đức thứ 33, năm 1881, Cầm Hiêng Chủ đất Mường La bị bệnh điên dại. Lê Ngô đưa Cầm Hương con Bun Quảng ở đất Mường Chai về làm tri châu Mường La nhưng Cầm Hương không nhận. Sau Bun Hoan được cử giữ chức ấy.
Ở Mường Tấc: Cầm Văn Núi làm tri châu và năm Tự Đức thứ 29, năm 1870(7).
Ở Mường Xang: Xa Văn Cả làm tri châu vào năm Tự Đức thứ 31, 1878.
Ở Mường Muổi: Cầm Ten bị Hán Cờ Vàng giết ở Mường La. Cầm Chung, con thứ Cầm Bòng được lên thay làm chủ đất Mường Muổi, Năm đó là năm cá một ( quý mùi) Tự Đức thứ 36 năm 1883.
Cầm Chung có con là : Bạc Cầm Muôn, Bạc Cầm Chính , Bạc Cầm Huấn, Bạc Cầm Năm. Cầm Chung làm tri châu được hai năm thì mất. Con trai ông Bạc Cầm tên là Bạc Cầm Hặc trước làm đội bảy, lên thay.Dân thường gọi là tri châu Bảy. Bạc Cầm Hặc còn có tên là Bạc Cầm Thế. Chúa sinh con tên là Bạc Cầm An, Bạc Cầm Yên, Bạc Cầm Dọn tức Bạc Cầm Dung (II)
Ở Mường La: Cầm Bun Hoan xếp đặt lại các chức dịch trong mường. Quyền Nó làm pằn ; chưởng Chính làm pọng. Chưởng Văn làm ho luông. Văn Nhộc làm lam ho . Mo , nghe cùng các bô lão khác đều được xếp đặt lại đầy đủ chắc như cột sàn nhà.
Pằn Nó sau làm trái phếp bị giết ngay. Bun Hoan cất nhắc chưởng Văn là anh vợ lên thay. Bun Hoan làm chủ đất Mường La được ba năm thì gặp phải thời buổi loạn lạc.
Ghi chú
1. Ngô Hán: Dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc. Lúc đầu chỉ Quân Cờ Vàng và Quân Cờ Đen, sau chỉ riêng giặc Cờ Vàng.
2. Ông Lưu: Tức Lưu Vĩnh Phúc chủ tướng Quân Cờ Đen là một nhóm đảng cướp có quân số đa số xuất thân từ quân đội người Tráng, di chuyển từ vùng Quảng Tây của Trung Quốc băng qua biên giới vào hoạt động ở miền núi phía Bắc thuộc triều đình Huế vào năm 1865, được biết đến nhiều chủ yếu do những trận đánh với lực lượng Pháp theo như thỏa hiệp với cả triều đình Việt Nam và Trung Quốc. Đội quân này mang tên Cờ Đen là do thủ lĩnh của họ, Lưu Vĩnh Phúc, ra lệnh dùng cờ hiệu màu đen.
3. Phằn Lằn Xì: là một tướng của quân Cờ Vàng, không rõ họ tên.
4. Điêu Văn Trì: tức Đèo Văn Trị, lãnh chúa Mường Lay, về sau là người đứng đầu Khu tự trị Thái (Xíp hốc chầu Tay).
5. Hán Cờ Vàng: Quân Cờ Vàng là một đảng cướp thổ phỉ, có nguồn gốc từ tàn quân của phong trào Thái Bình Thiên Quốc (Trung Quốc) kéo sang Việt Nam từ giữa thập kỷ 1860. Đội quân này do Hoàng Sùng Anh cầm đầu, dùng hiệu kỳ màu vàng để phân biệt với quân Cờ Đen và quân Cờ Trắng, thường xuyên tổ chức cướp phá, bách hại dân chúng, đồng thời tìm cách loại trừ, tiêu diệt hai nhóm thổ phỉ còn lại. Về sau, Hoàng Sùng Anh bị quân Cờ Đen tiêu diệt, quân Cờ Vàng tan rã. Quân Cờ Đen kiểm soát khu vực trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam.
6. Thành Hưng: tức Hưng Hóa. Xưa các chúa Thái phải xuống Hưng Hóa để chầu quan Kinh ở đó. Ở cuốn sử Thái chép cho là vua thì không đúng.
7. Có thế người ghi chép có sự nhầm lẫn
Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977.