QUAM TÔ MƯƠNG | CHƯƠNG XI – GIẶC PHÁP VÀO CHIẾM XỨ THÁI

Spread the love

Thời ký này vào những năm 1880 của thế kỷ XIX. Tàn dư quân Hán ở Xứ Thái vẫn còn. Người Thái lúc này chìm trong đau khổ khi bị kìm kẹp trong cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, thế lực người Hán và sự hùng mạnh của người Pháp. 

1. Quân Pháp giành sự chiến đóng Lào Cai từ tay quan Hán cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc.

Ở Mường Kinh, Tây trắng Lang Xa (1) vào chiếm đóng ở Ngọn thành Gia Lương (2). Họ mang binh kéo vào, nhưng miệng còn nói chỉ xin vào buôn bán nhờ đất nhà vua thôi. Vua Kinh không tin, đem quân vào đánh Tây chạy. Sau Tây lại đưa binh vào lần nữa. Đúng là họ có mưu đồ đánh phá đất Kinh. Tức giận, vua Kinh kháng cự. Sau Tây dụ dỗ: “Chúng tôi chỉ xin nhờ đất để buôn bán, thực không giám chiếm đất, vì nhà vua đánh nên phải chống cự lại”. Vua Kiến Phúc nghe lời ngon ngọt đó để cho Tây đánh chiếm được Ngọn thành Gia Định và Kinh đô (3).

Đến đời vua Hàm Nghi nguyên niên, 1885, quân Hán đứng đầu là ông Lưu nghe nói có Tây vào Mường Kinh cho binh về hiệp lực cùng các tỉnh kháng cự(4).

Quan về đóng binh ở Sơn Tây. Ông sai tướng Ba Dương cùng quân Ngô Thái giàn binh hai mặt đánh Tây, còn tự mình cầm binh đánh chẹn mặt sau. Khi lâm trận, Tây bắn bị thương tướng Ba Dương. Nhưng Ba Dương bắn trả trúng tên quan Tây rồi cùng chết với nó. Tuy vậy quân Tây còn mạnh, tiếp tục đánh; quân Hán bỏ chạy về Lào Cai.

Ít lâu sau, vua Hán sai tướng Xằm Công Pảu kéo quan qua Vân Nam, từ Mông Tự tới Lào Cai hiệp lực cùng ông Lưu đánh Tây. Theo lệnh ông Lưu, Mười sáu châu Thái phải đem quân đến Lào Cai cùng đánh giặc. Đại quân kéo cả xuống tỉnh Tuyên. Quân Tây kéo lên ứng chiến. Đánh mãi không phân thắng bại, hai bên đánh tiếp diễn vẫn không ai thắng ai. Tây mới bầy mưu mang tiền nộp tướng Xằm Cống Pẩu xin giảng hòa với vua Hán và hứa nộp trả đất Kinh cho nhà vua. Họ lại xin tất cả quân Hán ở đất Kinh đều rút về nước. Còn người Pháp ở lại đất vua để buôn bán. Vua Hán đồng ý, hạ lệnh cho Xằm Cống Pẩu rút về bỏ đất Kinh cho Tây ăn. Tây bèn kéo binh lên chiếm tỉnh Lào Cai(5).

Lúc đó, ở đất Thái, người Hán còn sót lại, nhân thời buổi loạn lạc, nổi lên chiếm bản mường. Trong số đó, có ông Phàng Xập (tức Phương Tập – ND) chiếm Mường Chai. Tạo Mường Chai là Cầm Văn Tứ còn trẻ đang ở cùng với bác là Nguyễn Văn Quang ở Châu Tiến. Thấy thế, ông xin bác đem binh đuổi Phàng đi để trở về làm phìa Mườn Chai.

2. Quân Pháp đánh quân Hán, chiếm Mười Sáu Châu Thái.

2.1 Bun Hoan và Nguyễn Văn Quang cầu cứu quan năm Tây ở Lào Cai.

Ở đất Mường Chăn, Hán cũng chiếm đất. Tri châu Mường Chăn Nguyễn Văn Quang đưa thư cho Bun Hoan xin mang binh giúp mình đánh chiếm lại. Hoan hợp cùng Quang tiến đánh. Hán bỏ Mường Chăn rút về Tạ Khoa uy hiếp Mường La. Bun Hoan sợ chạy ẩn vào rừng đưa gia quyến về Mường Chai bỏ Mường La cho hán ăn. Hoan cầu cứu Quang. Quang hẹn Hoan gặp nhau ở Mường Chăn cùng lên Lào Cai cầu cứu quan năm Tây. Đó là năm Đồng Khánh thứ 2, năm 1887. Lợi dụng dịp tốt đó, quan Tây báo cho quan sáu ở Hà Nội biết. Tây quyết định đuổi Hán chiếm đất Thái.

Trong lúc đó, quân Hán ở Mường La về chiếm Mường Chai. Hoa ở đất Mường Khim, Mường Cang được tin giữ, phái anh rể là Chưởng Cốc báo cho Quang ở Mường Chăn biết. Quang lại chạy lên lậy quan năm ở Lào Cai một lần nữa. Quan năm cử quan ba đem năm trăm lính Tây theo Quang về Mường Chăn chặn đánh Hán. Lúc này Hoan đã ở đó. Binh Hán từ Mường Chai đánh vào Mường Cang. Binh Hoan chống cự không nổi, bỏ chạy.

Trong lúc Hán đương mổ trâu, bò để ăn trưa rồi đánh về Mường Chăn, Tây được Quang và Hoan dẫn đường về đánh úp. Bị đánh bất ngờ, Hán thua chạy về Mường Khim. Hôm sau được biết binh Tây đã rút, Hán lại đánh lấy Mường Cang. Binh Quang, Hoan thua phải rút chạy bỏ mường cho Hán. Sau nhờ Tây tiếp viện, Quang, Hoan đánh thắng Hán. Mường Cang lọt vào tay Pháp. Trong trận này, Hán chết nhiều. Ai sống sót đều chạy về Mường La cả. Mường Cang biến thành vũng nước, làng mạc nhà cửa tan hoang.

2.2 Bun Hoan và Nguyễn Văn Quang dẫn quân Pháp lên xứ Thái đánh đuổi quân Hán.

Công trạng của Quang và Hoan được báo về Hà Nội biết. Bọn Tây ở Hà Nội muốn thấy mặt quan Thái vì đó là “giống người lạ”, đòi Quang, Hoan xuống hầu, Quang, Hoan tới quỳ tâu mọi lẽ và được Tây thưởng bốn mươi bốn mươi khẩu súng “phá thị” cùng đạn dược.

Pháp quyết định hành binh quét Hán khắp bản mường. Quan năm Tây sai Hoan dẫn đường đưa binh đánh Mường La và Quang dẫn đường đánh Mường Lay, đó là những năm mầng cạư (đinh hợi) Đồng Khánh thứ hai, năm 1887.

Hoan đưa Tây về Mường Chai. Hán túng thế bỏ về Mường La. Tây kéo binh về Tạ Bú. Ông ho luông Phanh trốn bỏ hàng ngũ Hán ra đón Hoan. Phanh báo Hoan rõ chỉ có độ vài trăm cây súng đương chẹn đánh ở Khau Pha Kéo Tèo, Hoan cử luôn Cầm Văn An là em đương làm phìa Mường Chùm và ông lam ho Ký đưa một bộ phận binh lính Thái theo đường Nà Xi (6) vê chẹn Mường La.

Đại binh của Tây do Hoan dẫn, phái hai lính gan dạ là Ba và Tun đi dò thám. Đến Pha Kéo Tèo, Hán bắn trọng thương cả Ba lẫn Tun. Hai đứa kêu lên. Binh Tây đổ tới đánh nhau to. Binh Hán do ông Lầu chỉ huy phải lui về Mường La. Binh Tây kéo quân đuổi tới bản Xẳng ăn sáng rồi kéo quân vây Mường La. Hán cố sức chống, sau thế yếu rút vào đồn ở bản Cá. Tây tới bản Phiêng Ngùa thấy bản Cọ tưởng đồn Hán, hỏi Hoan. Hoan chỉ cho Tây đánh đồn Hán ở bản Cá nấp vào vách đá bên phải. Tây kéo đến mô đất Chiềng Ngần thấy đồn Hán bèn nổ súng.

Hán chống không nổi phải chạy ra ruộng Xam Kha rút lên phía đầu Mường. Bất đồ gặp binh Cầm An phục ở đó chặn đánh. Hán chết nhiều. Số sống sót chạy lên Mường Sại, Mường Quài.

Tây chiếm được Mường La. Bun Hoan sai anh vợ là ông pằn Lò Văn Uộng tìm lợn, trâu mổ khao quân. Bốn ông xổng kéo dân chúng ra hàng Tây. Thấy vậy quan tư cười hề hề nói: Ta không giống người Hán hà hiếp dân đâu. Ta chỉ mong dân yên ổn làm ăn”… Quan lại, chức dịch hiểu vậy, mới xin làm tôi tớ cho Tây sai khiến.

Lại nói về cánh quân do Quang dẫn đánh Mường Lay. Quan năm Tây đánh đến Mường Xo. Tạo Mường Xo ra hàng. Tây cho ăn mường như cũ. Khi Tây kéo đến Pá Tần gặp quân tạo Điêu Văn Trì chặn đánh. Binh Tây đánh không lại phải tràn qua Mườn Lay đánh về Mường La. Khi đi qua, dân chúng bỏ bản, bỏ mường không ai chịu ra hàng. Hoan cùng tay chân ra đón quan năm Tây. Nghĩ thương hại hoan khó nhọc, quan thưởng tiền cho Hoan và cho thêm ba mươi cây súng có đồng bịt ở báng và được giữ ba mươi lính cơ để hộ thân. Ít lâu sau, cả quan năm, quan tư đều rút khỏi Mường La. Quan ba ở lại trông nom Mường La cùng Hoan.
Phìa Bun Hoan xếp đặt lại bản mường. Ai theo Hán đều bị giết cả. Người có công theo Hoan được giữ chức lớn.

Ông pằn, anh vợ Hoan được giữ chức phìa lý trong châu. Ông Táng Ùi làm pọng. Ông Văn Phanh, em vợ Hoan làm ho luông. Quảng Hoán làm lam ho. Quan xự ở xổng pằn ăn bản Hin. Quan xự xổng pọng ăn bản Họ. Quan xự xổng ho luông ăn bản Phiềng Nghè.

Ông xự xổng lam ho ăn bản Chậu. Mo Tiềm ăn bản Giảng. Chưởng Cốc có công theo Hoan đánh Hán ăn Mường Bằng. Mường này được coi như một xổng. Văn Hùi có công đánh Hán được ăn bản Cắp. Cầm Văn Tứ làm phìa chánh Mường Chai. Cầm Văn An, em của Hoan được làm thư lại trong châu.

Cầm Văn Hoan sinh con là Cầm Phá, Cầm Thị Hoa, Cầm Thị Vành và các ông Cầm Quế, Cầm Túng, Cầm Cả, Cầm Héo.

Thời đó, Điêu Văn Trì còn đóng quân rải rác khắp nơi đánh Pháp. Quan sáu ở Hà Nội sái Pavi lên bình định. Pavi thấy ai cưỡng lại thì giết, ai hàng cho làm chức dịch như xưa. Sai Pavi dụ được Điêu Văn Trì.

Thế là Mười sáu châu Thái thuộc về Tây (7). Tây lập đồn ở Đon Mèn tính nước ở lâu dài. Ở mỗi mường, Tây tuyển năm mươi lính Thái. Các chi châu chỉ được giữ ba mươi người. Còn hai mươi người Tây tập trung lại chỉ huy.

Ghi chú:

  1. Tây Trắng Lang Xa: Chỉ nước Pháp.
  2. Ngọn Thành Gia Lương hoặc Gia Định: chỉ Nam Bộ nói chung và Tp. HCM nói riêng.
  3. Việc Pháp chiếm nước ta được trình bày đơn giản và quy lỗi cho sự nhẹ dạ của vua Phúc Kiến(?). Điều này thực tế không phù hợp với lịch sử và bộc lộ sự thiếu hiểu biết và những sự kiện xảy ra trong nước ta của nhà chép sử Thái. Ở đây chúng tôi giữ nguyên văn và cũng đề độc giả thấy quan niệm của nhà chép sử Thái về kiện này thế nào.
  4. Thực tế, quân Cờ Đen đánh phá không phải chỉ từ thời vua Hàm Nghi năm 1885. Có điều việc vua Hàm Nghi chống Pháp có ảnh hưởng đến các từ trưởng Thái. Nên sử Thái ghi lầm coi như việc quân Cờ Đen giúp ta đánh Pháp, khởi đầu từ năm vua Hàm Nghi lên ngôi. Việc này mâu thuẫn ngay với sự kiện giết chết tên quan năm Hăngri Rivierơ ở Cầu Giấy vào năm 1883. Sử Thái chép lại qua câu chuyện tướng Ba Dương cùng tử trận với tướng Pháp.
  5. Việc rút quân Hán khỏi Việt Nam nhường quyền thống trị Việt Nam cho bọn thực dân Pháp là do hiệp ước Thiên Tân ký ngày 27-4-1885. Sử Thái ghi sự kiện này thật đơn giản. Chúng tôi cũng để nguyễn văn để độc giả tham khảo.
  6. Đường Nà Xi: Đường tắt từ bản Nà Xi (Mường Bú) qua bản Chón (Mường Bằn) tới bản Pát, Nong Đa, ao Huổi Hin, ao Áng. Ở đó rẽ qua khe núi tới ruộng Bó Phứa, Nà Ngùa (Chiềng An). Cánh binh này ra đón ở Đon Mèn (Chiềng An), chặn đường rút lui của quân Hán trên đường từ Mường La lên Thuận Châu. 
  7. Ở đây cũng như hai sự kiện trên, sử Thái chép rất đơn giản. Việc Pavi dụ Đèo Văn Trị ra hàng ra sao xin xem sử Việt. Ở đây thấy một câu ngắn gọn, “Pavi thấy ai cưỡng cũng giết, thấy ai ra hàng thì cho làm chức dịch như cũ”, nhà chép sử Thái nêu được rõ dã tâm, độc ác của Pavi. Điều đó trái với lời huênh hoanh của Pavi trong Mémories de Pavie thường cho mình luôn muốn hòa bình chịnh phục xứ Thái, Lào và Campuchia

Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977.