QUAM TÔ MƯƠNG | CHƯƠNG IX – CÁC TẠO MƯỜNG MUỔI, MƯỜNG LA TRANH NHAU ĐẤT. MƯỜNG LA VẪN LÀM CHỦ

Spread the love

Thời kỳ này diễn ra từ cuối thế kỷ 18 từ sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn giành chính quyền, đến niên hiệu Tự Đức thứ 19 tức vào nửa đầu thế kỷ 19 – 1886. Thời kỳ này là thời kỳ mà Mường La vẫn làm chủ khu vực Tây Bắc, các mường chung quanh phải cống nạp về Mường La, sau đó Mường La lại triều cống về triều đình dưới xuôi. Dù vậy các thủ lĩnh các châu mường vẫn hay tranh chấp lãnh địa, tranh quyền làm chủ.

NỘI DUNG:

TẠO MUỔI – TẠO LA PHÂN TRANH

Tạo Mường Muổi Cầm Pâng tham ăn kéo binh về chiếm đất Mường La của Bun Hiềng. Phìa Bun Hiềng sai Bun Xung đem quân về đón đánh ở Hong Hốc. Tạo Muổi thua chạy sang Lào.
Lúc đó, người Man đùi xăm, đùi vằn ở Mường Xủi, Mường Puồn đã chiếm Xốp Ét, Chiềng Cọ. Tạo Muổi xin nhập bọn họ. Người Man bèn kéo binh đưa tạo Muổi về lấy lại bản mường và tiến đánh Mường La. Bun Hiềng phải tạm lui về Ít Ong, Chiềng Tè. Riêng phìa Bun Mi chạy ra hàng người Man đùi xăm, đùi vằn và được họ trao cho ăn đất Mường La.
Ít lâu sau, người Man đùi xăm, đùi vằn trở về đất Lào. Thừa cơ hội đó, Bun Hiềng lấy binh về chiếm lại đất Mường La. Bun Mi sợ quá bỏ chạy về với Mường Muổi.

CÁC TẠO SẮP ĐẶT BẢN MƯỜNG (Mường Muổi – Mường La)

[Ở Mường Muổi]

Phìa chinh Cầm Inh làm chủ đất Mường, lấy nàng Ngần Bun sinh con là: Cầm Pằn, Cầm Ín, Cầm Đanh, Cầm Phanh, Cầm Thông, Chưởng Lục.
Phìa chia cho các con đi ăn:
Cầm Pằn ở cùng ăn đất Mường Muổi.
Cầm Ín đi ăn Mường Sại.
Cầm Đanh đi ăn Mường Lầm.
Phìa Cầm Inh chết, phìa cốc mường Cầm Pằn lên thay. Phìa cốc mường Cầm Pằn lấy nàng Cầm Thông, con phìa Vinh ở Mường Quài sinh con là: Cầm Bông tức Bạc Kim Phủ, Cầm Pành tức chưởng Thu, Cầm Bong tức Chưởng Nguyên, Cầm Chười tức chưởng Hang, Cầm Ten tức Chưởng Tháo, Cầm Phanh, Cầm Chum tức Chưởng Hom, Chưởng Nhọt.
Phìa cốc mường Cầm Pằn khéo xếp đặt công việc nên yên ổn bản mường. Chúa được vua Kinh yêu, vua Lào mến, tiếng tăm vang lừng. Phìa chia đất cho các con:
Cầm Bông tức Bạc Kim Phủ ăn đất Chiềng Đi.
Chưởng Chu làm phìa Mường Muổi.
Cầm Bon cho đi làm thầy phán ở Mường La.
Cầm Ten và Cầm Chười cho ở cùng.
Cầm Chum làm phìa phó Mường Muổi.

[Ở Mường La]

Phìa Bun Hiềng vẫn làm chủ. Phìa Bun Xung con cả ông chết sớm nên ông cùng các bô lão cho Bun Nhò làm phìa chính. Chúa chia đất cho các con đi ăn:
Phìa Bun Nhò ở cùng làm phìa chánh trong châu.
Phìa Kẻo Ún Mường làm phìa phó trong châu.
Ông Phúc đi ăn Mường Bú.

Phìa Cầm Hom tức Bun Xôm ăn Mường Chai gồm từ ven sông Đà đổ về.
Chưởng Vụ ăn Mường Chùm.
Chưởng Sinh ăn Mường Bằng.
Chưởng Nguyên ăn nương bản Búc, Bản Lạnh.
Chưởng Phanh ăn Bản Cắp.
Còn các Mường ở xa phìa cho bô lão làm lam:

Ông pằn tức Quảng Hiềng làm lam Mường Muổi và Mường Bú.
Ông pọng tức Quảng Tâm làm lam Mường Quài và Mường Chùm.
Ho luông tức Quảng Đức làm lam Mường Mụa và bản Cắp.
Quảng Hùn làm lam Mường Thanh, Mường Ẳng.
Ông Quyền (Quảng Quyền) làm lam Mường Bằng và Mường Bon.
Quảng Tiềm làm lam Mường Xang và Búc, Lạnh.
Xự Pằn làm lam Mường Tấc, Mường Pùa.
Bấy nhiêu mường hàng năm phải cống tiến lễ vật.

BUN HIỀNG MẤT – CHƯỞNG KẾ TRANH QUYỀN LÀM CHỦ MƯỜNG LA

Bun Hiềng làm chủ Mường La thọ tớ 80 tuổi. Chúa mất, Bun Nhò thay làm chủ đất Mường La.
Dưới Kinh đô, Vua Gia Long lên ngôi (1802).
Bun Nhò lấy nàng Ngần Ban, con Quảng Lảng sinh con là: Bun Inh, Chưởng Quý, Chưởng Phúc, lấy vợ lẽ là nàng Cầm Pầng ở Mường Muổi, sinh con là Chưởng Hân.
Phìa kẻo Ún Mường làm phìa phó được một năm thì mất. Phìa Nhò sai bô lão đưa phìa An về tâu vua. Nhà vua ban sắc cho phìa An làm phìa phó. Phìa An lấy nàng Ngần Ín con Quảng Lột sinh con là: Chưởng Ban, Chưởng Tây. Chiều An làm Phìa phó được ba năm thì mất. Bun Nhò cho Chưởng Kế lên thay.
Chưởng Kế muốn làm phìa chính nên đã cho em và cháu là Chiều Yên, Chiều Khiên cùng Chưởng Xinh xuôi tâu vua. Khi họ trở về, nhà vua đòi Bun Nhò xuống hầu. Chiều Yên, Quảng Lương bèn kéo quân từ Mường Bú, Mường Bằng về cướp phá bản mường. Ông Pằn và Quảng Nghiên cử một số bô lão tức tốc về báo cho Bun Nhò biết. Bun Nhò tâu việc đó lên vua. Nhà vua cho người lên bắt phó Kế, Chưởng Xinh, Chiều Khiên xuống bỏ cũi bốn năm, đồng thời cách chức Chưởng Kế.
Nhà vua cho binh lính đưa Bun Nhò lên làm chủ đất Mường La như cũ và ban ấn, sắc phong cho chức: Chiêu thảo tướng quân.

Bun Nhò phái bô lão đưa Bun Ín xuống tâu vua. Bun Ín được nhà vua ban cho chức phìa phó.
Chưởng Vụ được ăn Mường Bú.
Cầm Nhò tức Chưởng Kéo ăn Mường Chai. Ông lấy nàng Ngần Bun, con Cầm Xôm sinh con là Cầm Pháư tức Bun Quảng, Chưởng Hai, Chưởng Ba, Chưởng Tư.
Cầm Nhò lại lấy con Chưởng Công ở đất Mường Pục, Mường Mảnh tên là Cầm Đức sinh ra Cầm Nhân Đức tức Bun Long, Chưởng Thiếp và Chưởng Hôm.
Bun Nhò tiếp tục cho con cháu họ hàng đi ăn đất:
Chưởng Phủ ăn Mường Chùm. Chưởng Thế ăn Mường Bằng. Quảng Kế ăn Búc, Lạnh. Quảng Tào ăn bản Cắp.
Đất mường xa, Bun Nhò phân cho bô lão làm lam.
– Ông Pằn Quảng Nghiên làm lam Mường Bú.
– Ông pọng Quảng Kế làm lam Mường Chùm, Mường Mụa, Mường Quài.
– Ho luông Hiền làm lam Mường Thanh, Xốp Cộp, Mường Hung.
– Ho luông Quảng Châu làm lam Mường Bằng, Mường Ẳng.
– Ông Bách ở xổng pằn làm lam Búc, Lạnh.
– Bách xổng ho luôn làm lam Tạ Bú và Chiềng Tè.
– Bách xổng lam ho luông làm lam Pìa, Vàn, Chiêng Chan, bản Áng.
– Ông nghe Quảng Quyền làm lam Mường Vạt.
Các bản mường trên hàng năm phải nộp lễ cống lên chủ đất Mường La.
[Ở Mường Muổi] Cầm Pằn già, mất. Cầm Chười tức Chưởng Hàng lên thay được bốn năm thì mất. Ông xen cùng bô lão đồng ý mời Cầm Ten, Chưởng Tháo lên thay.
Cầm Ten lấy vợ sinh con là Cầm Hặc tức Chưởng Thể. Cầm Ten được nhà vua phong chức tri phủ kiêm tiến y coi cả đất Thái Đen.
[Ở Mường Mụa] Phìa Cầm Nhân Quý tuổi già không về chầu vua được mới cho phìa Thơm lên làm chủ đất mường. Phìa chính Thơm được vua Lào ưa nên cắt đất bản Đán, Chiềng Khún, Hin Cỏn nhập vào đất Mường Mụa.
Phìa chính Thơm lấy con Bun Hiềng là Cầm Mưu ở Mường La sinh con là Chưởng Hiền, Chưởng Chu, Chưởng Ba. Chưởng Ba tức Cầm Pành lấy vợ hai là nàng Cầm Xọn, con Cầm Pằn ở Mường Muổi sinh con là Cầm Hói.
[Ở Mường La] Bun Nhò già rồi mất. Phìa Bun Ín lên thay vào năm hặp hậu (ất dậu) vua Minh Mạng thứ sáu năm 1825.
Bun Ín phái bô lão đưa chú là Chưởng Ban về tâu xin vua cho làm phìa phó, nhà vua ưng thuận, ban ấn sắc, cho về cùng với Bun Ín trông coi bản mường.
Phìa Bun Ín lấy vợ cả con Cầm Nhò ở Mường Chai là bà Cầm Ban; lấy vợ hai là bà Cầm Pằn con Cầm Pháư ở Chiềng Pấc; lấy vợ ba là bà Cầm Ánh con Quảng Châu ở Muổi nọi sinh con là Cầm Bông.
Vì có người xúi bẩy, chú cháu Bun Ín và Chưởng Ban lôi kéo nhân dân chia làm hai phe chống lại nhau. Họ xuôi về kiện vua Minh Mạng. Nhà vua cách chức cả hai người. Hai chú cháu hối tiếc muốn xin ở lại chức cũ nhưng không được. Bản mường không có ai trông coi. Bô lão bàn nhau cử pằn mường và Cầm Chum cùng với mo Thông đi đón Cầm Nhò ở Mường Chai về làm chủ đất Mường La. Cầm Nhò không ưng, cho con trai mình là Cầm Pháư đi thay mình. Bô lão đưa Cầm Pháư xuống tâu vua. Nhà vua ban ấn sắc cho làm chủ đất mường. Bô lão suy tôn Cầm Pháư làm chúa, tên hiệu là Bun Quảng. Năm đó là năm khốt nhì (canh dần) Minh Mạng thứ 11 (1830).
[Ở Mường Chai] Phìa kẻo Cầm Nhò già, mất. Chưởng Ba tức Bun Long lên thay.
[Ở Mường Mụa] Phìa chính Thơm mất, Cầm Pành lên thay vào năm hài xa ngạ, Thiệu Trị thứ sáu năm 1486. Cầm Pành được vua Kinh ưa, vua Lào mến. Chúa lấy vợ sinh con là Cầm Nhân Ba, Cầm Văn Vân, Cầm Nhân Nhi.
[Ở Mường La] Bun Quảng làm chúa đất, lấy nàng Cầm Nhò con tạo Mường Quài, vợ hai là nàng Ngần Liều, con phìa Mường Chăn sinh con là Cầm Vinh, Cầm Hương, Cầm Pụa, Cầm Piệng, Cầm Bốn, Cầm Chạ.
Bun Quảng làm chủ đất mường đến năm hặp xảư (Ất tỵ – 1845) thì rủ bô lão đi đào ao Bôm, Vài, vỡ đất làm ruộng Cáy Chố, ao Nong Đa, bản Pục, suối Co Pục. Đến năm mầng một (Đinh mùi – 1847), chúa rủ già, trẻ vỡ ao Huổi Hin để thả cá.

CHUYỆN MƯỜNG MỤA LẤN ĐẤT MƯỜNG LA

Năm pấc xăn (mậu thân – 1848) lý châu Cầm Pành ở đất Mường Mụa đem bô lão về lấn đất Mường La, Cầm Pành lấy ngà voi cắm đất ở Mường La, từ Bó Luồng, Bó Xàng đến Kéo Nộc Xâu để sát nhập vào đất Mường Mụa. Bun Quảng tức giận phái Chưởng Hơn đi đòi lại nhưng không được. Ông bèn nổi cong, chiêng triệu tập bô lão về bàn. Bô lão nói: “Đất mường ta từ ngày xưa đã định như vậy, Mường Mụa làm thế không được…” Bun Quàng phát Quảng Tỵ cầm đơn xuống kiện vua. Nhà vua sai thủ nhì Đỗ Châu lên cùng với phìa Bun Quảng đi đuổi bắt Chưởng Châu, lý Tam, quan bản Mạt, bản Lầu xuống hầu vua.
Mường Mụa thua phải trả lại đất cho Mường La. Nhà vua có chát ban cho Bun Quảng ăn cả đất Mường Mụa. Được bốn năm, vì già yếu, Bun Quảng không trông coi được Mường Mụa, xin trả cho vua quan cử người khác trông nom như cũ. Bun Quảng được vua Kinh ưa, vua Lào mến.
Bun Quảng định chức cho bô lão:
Chưởng Nhạc làm pằn, Quảng Chính làm Pọng, Quảng Tỵ làm ho luông, Quảng Bua làm lam ho. Quảng Văn làm ông quyền. Quảng Hiềm làm bách ở xổng pằn. Quảng Tương làm xự xổng pọng. Quảng Tiềm làm xự ở xổng lam ho. Quảng Thông làm mo ăn bản Giảng, Quảng Quyên làm nghe ăn bản Phường. Quảng Văn làm quan cuông ăn bản Phiêng Ngùa. Quảng Khánh làm chủ Mường Bằng. Quảng Hiền làm chủ Búc, Lạnh.
Chiều Tâm làm chủ bản Cắp. Cầm Nhân Đức tức Bun Long ở Mường Chai.
Tiếp đó, chúa phân cho bô lão làm lam các nơi:
Chưởng Nhạc làm lam Mường Chai.
Chưởng Chính làm lam Mường Chùm.
Quảng Tỵ làm lam Mường Bú.
Quảng Bua làm lam bản Cắp và Mường Mụa.
Quảng Văn làm lam Mường Bằng.
Quảng Hiềm làm lam Búc, Lạnh.
Quảng Quyền làm lam Mường Vạt.
Bấy nhiêu mường hàng năm phải tới nộp lễ vật cho chủ đất Mường La.

CHÚA MƯỜNG LA BUN QUẢNG XUỐNG CỐNG NẠP VÀ MẤT Ở DƯỚI XUÔI

Năm mầng xảư (Đinh Tỵ) Tự Đức thứ 10, năm 1857, Bun Quảng xuống nộp lễ vật ở Hưng Hóa. Vì tuổi già sức yếu ông qua đời ở đây. Nhà vua thương hại, cho đưa thi hài ông trở lại bản mường bằng thuyền ngược sông Đà qua Chiềng Chan, Mường Bon, bản Ót, bản Muông. Bô lão và vợ Bun Quảng ra đón đưa thi hài về làm lễ an táng.
Mường La không có chủ. Bô lão bàn nhau đưa Cầm Vinh xuôi về tâu vua, được vua ban ấn sắc cho về làm chủ đất Mường La. Bô lão tôn Cầm Vinh làm bun Piệng.
Bun Piệng lấy nàng Cầm Thân ở Mường Ký, lấy vợ hai là nàng Ngần La con Quảng An ở bản Nà Hạ sinh con là Cầm Hiềng.
Cầm Nhân Đức tức Bun Long ăn Mường Chai, được đưa về làm phó châu. Bun Long Sinh con là Cầm Ngọc Y, Cầm Ngọc Yêu, Cầm Văn Lả, nàng Cầm Tó.
[Ở Mường Mụa] Cầm Pành làm chủ mường được hai mươi năm. Năm hặp pẩu (ất sửu) Tự Đức thứ mười tám, năm 1865, ông mất. Nhà vua ban ấn sắc cho Cầm Nhân Ba cho làm tri châu Mường Mụa thay cha.
Cầm Nhân Ba sinh con là Cầm Văn Bon.
Cầm Nhân Ba định chức cho họ hàng, con cháu:
Cầm Văn Vận tức Cầm Inh là em cho ở cùng. Em thứ ba là Cầm Nhân Nghi tức Cầm Ành được làm thư lại. Cầm Văn Bon được làm phìa chính trong châu. Cầm Văn Bon sinh con là Cầm Văn Tâm.
Cầm Nhân Nghi sinh con là Cầm Văn Chinh và Cầm Văn Thanh.
Cầm Nhân Ba làm tri châu được chín năm thì mất. Cầm Văn Vận tức Cầm Inh lên thay. Lúc đó vào năm Tự Đức thứ hai mươi sáu, năm cá hậu (quý dậu – 1873).

CẦM VĂN THANH LÊN LÀM CHỦ MƯỜNG MỤA

Cầm Văn Vận không có con trai bèn lấy con của Cầm Nhân Nghi tên là Cầm Văn Thanh về làm con nuôi để nối dõi.

Cầm Văn Vận làm tri châu được hai mươi năm thì mất. Bô lão đưa Cầm Văn Tâm , con Cầm Văn Bon lên thay. Năm cáp xảư (giáp tỵ – 1884) vua Kiến Phúc ban ấn sắc cho Cầm Văn Tâm làm tri châu Mường Mụa. Nhưng được sáu tháng thì Cầm Văn Tâm mất. Bô lão đưa Cầm Văn Thanh xuống tâu vua Hàm Nghi. Nhà vua ban ấn sắc cho Thanh về làm tri châu Mường Mụa. Năm đó là năm hặp hậu (ất dậu – 1885).
[Ở Mường La] Cầm Vinh tức Bun Piệng làm chủ đất được năm năm thì lâm bệnh điên đoạn. Bà chính phải trông coi bản mường cho đến khi chồng mất. Phìa lý châu là Cầm Phanh cũng mất. Bô lão bèn đưa quyền suất đội là Cầm Ngọc Yêu lên làm chủ đất Mường La. Bô lão suy tôn là Bun Yêu. Lúc đó là năm Tự Đức thứ mười chín, năm hài nhì (bính dần – 1866).
Cầm Hương làm phìa chánh tổng Mường Chai.
Cầm Ba làm phó châu Mường La.
Cầm Lả tức Bun Hoan cũng làm phó châu Mường La, ăn đất Mường Bằng.

Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977.