1. Khái quát chung
Người Thái là một trong 54 dân tộc Việt Nam, theo thống kê của tổng điều tra dân số và nhà ở toàn quốc năm 2019, người Thái ở Việt Nam có: 1.820.950 nhân khẩu, cư trú liền một dải đất từ miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình và rải rác ở một số huyện thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Người Thái đã có mặt tại Việt Nam hàng nghìn năm, xây dựng bản mường, góp phần vào tiến trình lịch sử Việt Nam.
Người Thái có bề dày phát triển nhờ sớm có chữ viết riêng. Văn học nghệ thuật phát triển đã để lại hàng trăm tác phẩm thơ ca nổi tiếng; hệ thống hàng ngàn câu ca dao tục ngữ; các điệu xòe truyền thống….
Các nhà dân tộc học hiện nay đã xếp dân tộc Thái vào Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái … hệ ngôn ngữ Thái Kra-Dai cùng các cộng đồng người Thái ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Lào và Thái Lan.
Mặc dù có mặt ở Việt Nam lâu đời và ngày càng phát triển, tuy nhiên rất nhiều người kể cả người Thái vẫn còn chưa hiểu rõ về sự có mặt của người Thái tại Việt Nam. Vậy người Thái đến từ đâu?
Ngược dòng lịch sử, trước đây người Thái sinh sống chủ yếu ở khu vực Sipsongpanna và cánh đồng Mường Thanh (??), người Thái vốn là một phần cư dân của Vương quốc Nam Chiếu được thành lập vào năm 738 với Kinh đô Taihe quanh Hồ Nhĩ Hải (Vân Nam, Trung Quốc) nên người Thái còn gọi là Vương quốc Nam Chiếu là Nong Se. Tiếp nối của nó là Vương quốc Đại Lý (937 – 1253). Dưới áp lực của người Hán và các dân tộc khác, người Thái đã thiên di theo các con sông về phía nam (Đông Nam Á). Đặc biệt là sau khi Đại Lý sụp đổ trong cuộc chiến với quân Mông Cổ hùng mạnh thời bấy giờ. Sau đó họ thành lập các vương quốc như Mường Soa (Sawa / Luang Phrabang), Sukhothai, Lanna, Mường Phuôn, chính là tiền thân của Lào và Thái Lan ngày nay.
Trong các cuộc thiên di ấy có các cuộc thiên di của người Thái vào Tây Bắc Việt Nam. Ban đầu họ cũng cư trú ở khu vực Sipsongpanna họ đã di cư nhiều đợt có tổ chức vào khu vực Tây Bắc Việt Nam. Tiêu biểu trong số này là hai nhóm Thái Đen [Tay Đằm] và Thái Trắng [Tay Đón]. Qua các nguồn sử liệu của Việt Nam, nước ngoài và đặc biệt là thông qua các cuốn sách cổ của người Thái đã được nghiên cứu giúp chúng ta giải mã sự có mặt của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
2. Nhóm Thái Trắng [Tay Tấc & Tay Đón]
2.1. Tay Tấc (Phù Yên, Sơn La)
Nhóm người thái có mặt sớm nhất tại Tây Bắc Việt Nam có lẽ là nhóm Thái Mường Tấc. Theo truyền thuyết và các tài liệu đã có, nhóm Thái trắng Mường Tấc (Phù Yên, Bắc Yên) là có mặt sớm nhất. Người Di, Lão đã có mặt tại Phù Yên từ thời Tam Quốc. Sự kiện này đã được Tấn thư, Man thư ghi chép lại. Theo sự phân tích của nhà nghiên cứu Cầm Trọng thì người Di, Lão là tổ tiên của người Thái Mường Tấc ngày nay. PGS.TS. Hoàng Lương cũng căn cứ một số truyền thuyết của người Thái như: Khoai ọc chạng đón, Khau cút… cũng cho rằng người Thái đã có mặt tại Phù Yên trước Tạo Xuông, tạo Ngần rất lâu.
Như vậy, tổ tiên của người Thái Phù Yên đã có mặt ít nhất là 19 thế kỷ.
2.2. Tay Đón (Nhóm Thái Trắng phía Bắc: Mường Lay – So – Chiên – Chiến)
Cho đến nay chưa thể xác định rõ ràng nhất về thời gian cũng như diễn biến cụ thể mà tổ tiên người Thái Trắng ở khu vực này di cư vào TBVN. Những cuộc di cư đó có thể đã diễn ra vào cuối thế kỷ IX, thời kỳ Nam Chiếu suy yếu liên tiếp bị nhà đường tấn công, nội bộ lục đục. Điều này khớp với câu chuyện của người Hà nhì kể về một giai đoạn chinh chiến liên miên giữa các nhóm người ở các địa phương trong đất Hà Nhì và Thái là “Hà Nhì mi chạ”. Chuyện kể rằng:
Khu vực Lai Châu,Nam Vân Nam vốn là vùng đất do người Hà Nhì và Lô Lô làm chủ. Họ có những chủ tướng tài giỏi như Ka-la-a-thư và Pả Thoản Pì ở Vân Nam, A-bồ-chu-quầy ở Mường Lay. Dưới chướng của họ còn có rất đông người Thái. Trong một chuyến dân quân lính từ Mường Tè ra Mường Lay, khi quay về tướng Hà Nhì là A-bồ-chu-quầy đã bị lính Thái giết chết ở dốc Mường Mô. Sau một người hà Nhì khác tên là A-ka-na-bú lên thay thế để chỉ huy quân lính khống chế toàn bộ Mường Lay, Mường Tè để đánh lại sức tấn công của người Hán. Trận đánh thắng lợi, nhưng lập tức cũng bị lính Thái giết chết. Từ đó lính Hà Nhì và Thái đã đánh phá nhau. Dân Hà Nhì, La Hủ, Cống và Thái nữa sợ quá chạy tan tác đi khắp nơi. Bên kia Vân Nam, tướng Ka-la-a-thư (Hà Nhì) và nữ tướng Pả Thoản Pỉ hay Pa-thố-ma (La Hủ) cũng bị người Hán đánh bất ngờ nên phải chạy và hang đá. Được ít lâu hang đá đó tự nhiên khép kín lại…
Về sau người Thái từ Sipsongpanna đã đến đất Mường Tè, Mường Lay và Mường So sinh sống. Như vậy tổ tiên người Thái thuộc ngành trắng đã bắt đầu ổn định ở Mường Lay, Mường Tè. Từ đó về sau mới có những nhóm theo sông Đà thiên di tới ở Mường Chiên (Quỳnh Nhai) và Mường Chiến (xã Ngọc Chiến huyện Mường La).
3. Người Thái Đen (Tay Đằm)
3.1. Người Thái Đen đến Mường Lò
Người Thái Đen có nguồn gốc từ Mường Ôm, Mường Ai, Mường Tung Hoàng trong khu vực Sipsongpanna. Vào khoảng thế kỷ VII – VIII, tổ tiên của các dân tộc thuộc hệ ngôn ngữ Tạng – Miến (Hà Nhì) đã hưng thịnh để chiếm toàn bộ miền Vân Nam, thì người Thái cũng không còn ở đất Mường Ôm, Mường Ai được nữa. Như Táy Pú Xớc đã có câu:
“Thình lình Xá Mường Chiến, Mường Là đã tràn tới đất Mường Ôm, Mường Ai ngoài vòm trời.
Lúc đó, Mường Ôm đạot không dễ”
“Mường Ai không tốt lành như xưa”.
Các bộ lạc Thái lúc này đã phát triển đến một giai đoạn mà họ gọi là “thời kỳ tạo đi tìm mường” (pàng tạo to mương). Theo họ thì lúc đó “mường bản đã đầy ngập người” (Mương bản nhưng lụk côn) và do đó cần phải thiển di đi tìm đất mới để khai khẩn ruộng đồng, mở mang địa vực cư trú. Một trong những hướng thiên di của họ là theo sông Hồng về phía Nam, vì đó là …“vùng đất còn hoang vu vắng người”. “Đất ấy tuy đã có người Thái ở từ xưa rồi nhưng vẫn còn ít”…
Vào khoảng thế kỷ thứ XI, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần thuộc dòng dõi tạo đất Tung Hoàng ngày xưa, đã dẫn dắt đoàn quân chinh chiến và các họ của người Thái ra đi. Họ xuôi theo sông Hồng đến Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc). Tuy nhiên chỉ có một số ít người Thái Đen ở lại nơi này. Đoàn người tiếp tục di cư và đặt chân tới Mường Mìn (vùng Gia Hội – Văn Chấn – Nghĩa Lộ) rồi vào Mường Lò.
Về sự có mặt của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Đinh Mùi, năm thứ 2 (1067)…. Mùa xuân, tháng 2, các nước Ngưu Hống và Ai Lao dâng vàng bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi và các thứ thổ ngơi”. Ngưu Hống ở đây là từ để chỉ người Thái. Người Thái vốn có tục thờ rắn hổ mang và có lá cờ hình rắn hổ mang.
Từ Mường Lò, người Thái Đen lại tiếp tục di chuyển đi khắp nơi. Một hướng họ thi di đi ngược lên “vùng sông Thao nước đỏ”. Họ tới vùng lòng chảo Mường Than, Mường Khim, Mường Cang… Họ tới Mường Kim, Mường Tháo (Văn Bàn – Yên Bái) và các vùng khác thuộc miền tây tỉnh Lào Cai ngày nay… Một hướng họ tiếp tục xuôi theo sông Hồng tới Mường Hồng, Mường Hằng (Trấn Yên – Yên Bái), ngược trở lại Mường Nặm, Mường Piu (Thượng Bằng La – Văn Trấn – Hoàng Liên Sơn). Một hướng họ đi vào cánh đồng Quang Huy để cộng cư với người đồng tộc thuộc ngành trắng đã ở đây từ lâu.
3.2. Cuộc di cư vào Tây – Tây Bắc Việt Nam của người Thái Đen
Sau gần ba đời cư trú ở đất Mường Lò và miền hữu ngạn sông Thao, người Thái lại tràn vào vùng sông Đà, sông Mã, xâm nhập sâu hơn nữa đất đai miền Tây Bắc. Đây là cuộc thiên di lớn, có tổ chức do Lạng Chượng (Lạn Chượng) con út của Tạo Lò đất Mường Lò đứng đầu. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ XII, những đoàn quân chinh chiến Mường Lò bắt đầu ra đi. Rồi những đoàn người du cư từng đợt, từng đợt cũng lên đường. Từ cánh đồng Mường Lò họ đã đến Mường Min, Mường Lùng (vùng Gia Hội, Tú Lệ – Văn Chấn, Hoàng Liên Sơn). Họ vượt qua núi Khâu Phạ (thuộc huyện Mù Cang Chải) về Mường Chiến – một mường của người Thái Trắng đã di cư đến từ trước đó (Tại đây, Thủ lĩnh Mường Chiến đã gả con gái cho Lạng Chượng làm vợ).
Đoàn người của Lạng Chượng đi tiếp đến Sông Đà. Tại đây gặp phải đội quân Khun Quảng (người Khơ Mú) đang đồn trú trên các ngọn núi ra chặn đánh khiến quân Lạng Chượng thua nặng nề, tổn thất 800 binh sĩ. Lạng Chượng cử người tức tốc về Mường Lò xin viện binh. Viện binh từ Mường Lò đến, Lạng Chượng tiến công đánh Khun Quảng giành thành lợi. Đoàn người vượt qua Nặm Bú, núi Khau Pha Kéo Teo tiếng vào Chiềng An (Thành phố Sơn La ngày nay).
Tuy nhiên tại vùng đất này vốn đã có người ở như người Khơ Mú ở Mường La (vùng thành phố Sơn la bây giờ) có thủ lĩnh Quảng Têm, Quảng Mi; vùng Chiềng Dong (Mường Mụa – Mai Sơn) đã có người Xinh Mun; vùng Mường Muổi (Thuận Châu) đã có người Khơ Mú đứng đầu là Khun Ăm Poi rất mạnh.
Đầu tiên, Lạng Chượng dùng hỏa công tấn công Quảng Têm Quảng Mi tại đồi Bôm Tậu giành thắng lợi. Từ đây, ông xây dựng Mường La thành một mường kiểu mẫu của người Thái.
Từ Mường La đi lên Mường Muổi rất khó vì núi cao hiểm trở. Do vậy, Lạng Chượng chiếm vòng xuống phía nam chiếm Chiềng Dong. Đoàn dân Thái lập một Mường , đặt tên Mường Chiềng-Dong (sau này là huyện Mai-Sơn thuộc tỉnh SơnLa). Theo kiểu mẫu của Mường Chiềng-An đoàn dân di cư trụ lại một phần xây dựng mường mới, phần lực lượng còn lại tiếp tục tiến sang phía tây đến bờ sông Mã giáp đất nước Lào họ xây dựng một số “Mường Lộng” nhỏ đặt tên Mường Sốp-Cộp, Mường-Và phân chia ranh giới giữa ta với nước Lào, vùng đất này đặt dưới quyền cai quản của Mường Chiềng-Dong. Tiếp đó đoàn quân dân di cư quay lên lập Mường-Lầm rồi đi gặp cánh quân chủ yếu.Vừa lúc Lạng-Chượng mới tiến lên giáp vùng đất Mường-Muổi gặp trở ngại, nguy hiểm. Tại đây đã có tên Mường, một vùng đất có uy thế lớn của chúa đất người Xá. Cánh đồng và đất rừng thung lũng bằng nơi đây không rộng lắm , có nhiều dãy núi đá cao bao bọc, nhiều con suối, có mỏ nước ngầm, tiện dẫn nước vào đồng ruộng. Nơi Mường lỵ có thủ lĩnh người Xá đóng bản doanh trên đồi Khau-Tu do Khun Ăm-Poi cầm đầu. Mường này là Mường lớn, có nhiều Mường nhỏ dưới quyền nên vùng rừng đất khá rộng. Lạng-Chượng quyết tâm chiếm Mường-Muổi nhưng cần suy tính kỹ lưỡng, bởi Khun Ăm-Poi đóng đồn trại trên đồi hiểm trở, lực lượng quân sự và trang bị vũ khí khá mạnh, họ có cả voi chiến. Quân của họ quen thung thổ, giỏi đánh nơi miền núi, chiến đấu hăng, trung thành với chủ tướng.
Lạng Chượng mới lập mưu gả con gái cho Khun Ăm Poi làm vợ thứ. Bữa tiệc vui, Lạng-Chượng chúc rượu Khun ĂmPoi nhiều đợt. Mỗi lần nâng chén, các tướng sĩ người Xá đều nâng cạn chén theo thủ lĩnh. Khi thấy Khun Ăm-Poi và các tướng của ông ta đã ngà ngà say rượu, quân của Lạng-Chượng xông vào chém cổ đứt đầu Khun Ăm-Poi chết. Những tướng sĩ tùy tùng của Ăm-Poi trong bữa tiệc sợ quá, tay không có vũ khí chống đỡ, vùng chạy trốn, có người cũng bị quân của Lạng-Chượng chém chết, người thì bị thương máu tóe ra, một số người thoát thân chạy trở về doanh trại. Ngay lúc ấy , một đoàn quân của LạngChượng bố trí mai phục sẵn trong rừng gần đó xung phong ra, ào lên chiếm doanh trại của Khun Ăm-Poi trên đồi Khau-Tu. Quân lính người Xá bị mất tướng, lại bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp, không ai chỉ huy ai, bỏ đồn, bỏ của cải, chạy trốn thoát thân lẩn vào rừng. Các Bản người
Xá có người đi lính cho Khun Ăm-Poi đều sợ, đem gia đình chạy đi ở lưng núi xa, người chạy lên phía bắc, người lên tới tận vùng biên giới giáp đất Hán, kẻ chạy xuống vùng núi phía Nam, có một số hộ xuống ở dưới vùng đất Mộc-Châu lên lưng chừng núi lập Bản, phát nương rãy trồng trọt để sinh sống.
Sau khi chiếm được Mường Muổi ông giao cho Khun Duông cai quản. Còn mình tiếp tục dẫn đoàn người Thái di cư tiếp đến Mường Ék vượt qua đèo Pha Đin vào Mường Húak, Mường Quài (Tuần Giáo). Tại đây đã có người Thái sinh sống, họ tự xưng là Tay Bốc (Thái Cạn). Người Thái bản địa và người mới di cư đến đều chung sống hòa thuận. Mường Húak, Mường Quài cho Khun Dẹ cai quản. Lạng Chượng tiếp tục lên đường tiến qua Mường Ảng, tiến vào Mường Thanh.
Ở Mường Thanh đã có người Thái sinh sống, họ tự nhận mình là Tay Nặm (Thái Nước). Bất đồ có quân người Khơ Mú của tướng Khun Lường từ đất Lào tiến đánh. Quân Khun-Lường rất mạnh, Lạng Chượng một mình không chống nổi. Ông mới liên kết với người Thái Lự bên Mường Lự mới đánh đuổi được Khun Lường.
Lạng-Chượng tổ chức lại Mường-Thanh chia thành hai Mường gọi là Thanh Nưa (Thanh Thượng) và Thanh Tăử (Thanh Hạ). Mỗi Mường đều có bộ máy hành chính riêng, có một Tạo đứng đầu cai quản do ông điều hành chung cả hai Mường gộp lại thành một Mường Thanh lớn.
Ông giao việc cử “Thảu ké hang Mương”Hội-đồng bô lão đứng tổ chức khai quặng lấy gang đúc lưỡi cày, luyện thép lập lò rèn đánh dao, rìu, cuốc, mai, thuổng…cho dân dùng và làm súng kíp, đánh kiếm, gươm dáo trang bị cho dân binh bảo vệ Bản Mường thêm mạnh.
Sẵn biết nghề làm đồ gốm, ông cho tổ chức dạy dân khắp các nơi đều biết nặn nung nồi đất, ấm, bát, đĩa to nhỏ các loại. Chậu và chum, hũ, vò…đều được nặn nung. Người Thái thường cần dùng nhiều để chế biến và dành thức ăn lâu dài. Chum, hũ ủ rượu cất, làm rượu cần, làm măng chua để giữ có cái ăn từ năm này đến mùa măng sang năm khác.
Hũ dùng để muối dưa chua, đựng cá mắm…
4. Người Thái Mộc Châu – Yên Châu
Vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thể kỷ XIV, từ đất Viêng Chăn có một vị hoàng tử tên là Phaya Nhọt Chom Cằm dẫn một đoàn người Thái Trắng di cư vào khu vực Mường Sang (Mộc Châu – Sơn La). Phaya Nhọt Chom Cằm đã đánh bại những người bản địa nơi đây (Xinh Mun) để chiếm lấy những vùng đất đai màu mỡ, dễ canh tác. Thế lực của Phaya Nhọt Chom Cằm ngày càng lớn mạnh, ông đưa những người thân cận đi cai quản các vùng xung quanh: Mường Ét, Chiềng Cọ (Sầm Nứa, Lào), Đà Bắc… cùng với đó người Thái cũng định cự và phát triển bản mường của mình.
Cũng trong khoảng thời gian này, một bộ phận người Thái Đen bên Lào – được cho là đã di cư từ Mường Thanh vào thượng Lào trước đó – cũng di cư đến khu vực Chiềng Khong (thuộc Yên Châu ngày nay). Sau đó họ chuyển tới sinh sống tại: Mường Khoa, Chiềng Đông, Chiềng Xàng, Mường Lựm, Mường Ái.
5. Lời kết
Như vậy, người Thái đã có mặt hầu khắc khu vực Tây Bắc. Các bản mường mới được thành lập, tạo tiền đề cho sự hình thành của Mười sáu châu Thái sau này.
Dân tộc Thái ở Tây Bắc đã có chiều dài hơn 1000 năm xây dựng và phát triển, đã có những thời kỳ phát triển cao, đạt được nhiều thành tựu về văn hoá, xã hội.
Qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, các thủ lĩnh và nhân dân Mười sáu châu Thái đã cùng triều đình các triều đại Việt Nam đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược để giữ bản mường như: cuộc xâm lược của Nhà Minh vào thế kỷ XV, giặc Phẻ, giặc Giẳng vào thế kỷ XVII, giặc Cờ Vàng thế kỷ XIX. Đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chính phủ thành lập Khu tự trị Thái – Mèo (1955 – 1962) sau đó đổi tên thành Khu tự trị Tây Bắc (1962 – 1975). Đến ngày 27/12/1975 thì giải thể cùng với Khu tự trị Việt Bắc.
Tài liệu tham khảo
- Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, NXB Khoa học Xã hội, năm 1977.
- Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Cầm Trọng, NXB Khoa học Xã hội, năm 1978.
- Cà Chung – Nguồn gốc các nhóm Thái ở Sơn La.
- Quam Tô Mương – Biên niên sử Thái.
- Nguyễn Văn Hoà – Những hiểu biết về bước đường chinh chiến dựng mường của dân tộc Thái.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Cùng các tài liệu khác
Bạn đọc lưu ý: Nhưng thông tin trên đây chỉ mang tính tham khảo.