QUAM TÔ MƯƠNG | CHƯƠNG VIII – HOÀNG CÔNG CHẤT CHIẾM XỨ THÁI. BUN HIỀNG CHIẾM LẠI MƯỜNG LÒ TRONG TAY GIẶC GIẲNG, HỎ. CẦM QUÝ LÊN LÀM CHỦ MƯỜNG MUỘK

Spread the love

Thời này dưới Kinh đô, trong triều chia làm nhiều phe, đảng. Hoàng Mật, Hoàng Hai ở Huế không được, kéo binh lên đóng ở Mường Mók, Mường Xang, bỏ cung để vua Cảnh Hưng ngồi. Ít lâu, hai ông kéo binh lên chiếm đất Mường La. Chúa Bun Phanh chống cự không nổi phải chạy về ẩn ở đất Mọi, đất Mang cho qua ngày tháng. Lúc đó, Cầm Yêu lên làm chủ đất Mường La thay Bun Phanh.
Bốn năm sau, Bun Phanh mới kéo binh về đánh đuổi Hoàng Mật, Hoàng Hai chạy sang Xốp Hào ở đất Lào, Cầm Yêu sợ quá cũng chạy sang Lào.
Bun Phanh trở về đất Mường La. Vì già yếu ông nhường cho con cả là ông chính Lương Quyền làm chúa bản mường và cho con thứ là ông Hom đi ăn đất Mường Chai.
Ông chính Lương Quyền lấy nàng Ngần Xen, con ông ho luông, sinh con là ông Mường tức Bun Hiềng. Ông làm chúa Mường La được mười năm thì mất.
Bun Phanh lại phải làm chúa như cũ. Chúa nuôi cháu nội là ông Mường lấy vợ là nàng Ngần Ún, con ông nghe Dong ở bản Phường.

Hoàng Công Chất chiếm Xứ Thái, giết chúa Thái Bun Phanh

Bun Phanh tuổi già tưởng được yên ổn. Nào ngờ gặp buổi đất trời chật hẹp, có Kinh Thiên Chết(1) lên xây thành ở Mường Thanh. Thiên Chết đòi Bun Phanh đến hầu, nhưng tạo không phục, không chịu đến. Chúa Thiên Chết bèn đem quân đến đánh. Bun Phanh đem binh đánh nhau ở Cặm Khắt, nơi ranh giới đất mường. Quân Bun Phanh chống cự được bốn năm, mong chờ binh nhà vua lên giúp. Bản Mường Loạn lạc, nhân dân làm ăn không được, đói kém, chạy tán loạn khắp nơi. Binh lực của Bun Phanh mỗi ngày một yếu, cuối cùng ông phải lui binh. Thiên chết đuổi, bắt được ông và toàn gia đình đem về Mường Thanh.
Chúa Thiên Chết bảo: “Nếu nhà ngươi chịu hàng, ta sẽ cho làm chủ mường lớn như cũ. Ngươi chỉ phải nộp cống lên Mường Thanh cho ta và coi ta là vua đất Thái. Nếu không hàng, ta sẽ bắt nhà ngươi làm tôi tớ”.
Bun Phanh nghĩ, nếu hàng là trái ý nhà vua. Sau này, quân nhà vua thắng, con cháu không được ăn bản mường nữa, lại có thể bị giết sạch cả ba họ. Nghĩ vậy nên ông không chịu hàng.
Bun Phanh thọ tám mươi ba tuổi, chết ở Mường Thanh. Cháu nội là ông Mường tức Bun Hiềng trốn thoát về ẩn nấp ở đất Mọi, đất Mang ở Mường Cha, Mường Lò và chuẩn bị đón quân nhà vua lên đánh chúa Thiên Chết.
Mẹ và vợ con ông Mường bị Thiên Chết bắt làm tôi ở Mường Thanh. Một năm sau họ trốn thoát, chạy đến đất họ ngoại ở bản Phường để ẩn. Họ được họ hàng ở đấy dẫn xuyên qua rừng núi về đất Mọi, đất Mang với ông Mường.
Mường La không có ai trông coi. Bun Xao, con Bun Pằn, chạy theo giặc Phẻ trước đây, nay về hàng chúa Thiên Chết, được Thiên Chết cấp sắc cho về ăn đất Mường La.
Bun Xao lấy nàng Cầm Ún, con ông Cầm Pằn ở Mường Bú và bà Cầm Xôm, sinh được: Chưởng Hai, phìa Bun Mi, chưởng Hom, chiều Chính, chiều Dong, chiều Hương.
[Ở Mường Mụa] cha con Cầm Phẳn, Cầm Vang đương làm chủ đất mường dưới quyền chúa Thiên Chết. Nhưng vì tạo Pị và khun Mong không ưa, không phục, gièm với Thiên Chết và đón quân chúa về đánh bắt được Cầm Vang đem giết đi. Cầm Phẳn vẫn được làm chủ đất Mường Mụa. Đến khi cầm phẳn chết, không có người thay. Bô lão mới đón ông Cầm Nguyên ở Mường Chanh về làm chủ đất. Cầm Nguyên sinh con là chưởng Mường, chưởng Cả, chưởng Ban và chiều Phúc.
Thời đó, chúa Thiên Chết đã xưng chúa ở đất Mường Thanh. Các tạo mường không đi công nạp lễ xuống kinh đô nữa mà lên cống chúa Thiên Chết.

Quan triều đình đánh đuổi Hoàng Công Chất, Bun Hiềng lên làm chúa Mường La

Ông Mường đang ở đất Mường Cha, Mường Lò biết tin quân nhà vua kéo lên đánh chúa Thiên Chết bèn ra đón. Người cầm quân nhà vua là ông lãnh binh Tả Tiệp ban ấn sắc chỉ khánh đỏ cho ông Mường và bảo ông lập ra một châu mường mới lấy tên châu Mọi. Châu Mọi mới lập gồm có: Mường Khim, Cang, Mường Chai, Ít Ong. Chú ông Mường là ông Hom ăn đất Mường Chai. Ở Mường La, bun Xao ra hàng ông lãnh binh Tả Tiệp nên làm chủ như cũ. Ông lãnh binh Tả Tiệp đánh đuổi chúa Thiên Chết chạy sang Nậm U, Nậm Khong đất Lào. Quân nhà vua, sau khi đã xem xét công việc bản mường rồi xuôi về tâu vua Cảnh Hưng.

[Ở Mường Muổi] Ở đất Mường Muổi, phìa Chu làm chủ. Các con là: Chưởng Nam, Chưởng Tây, Chiều Hương. Nhưng phìa Chính ở Mường Lầm muốn tranh nên xuôi về tâu với vua. Vua Cảnh Hưng ban ấn sắc cho Phìa Chính làm chủ đất Mường Muổi và bắt Phìa Chu đưa về kinh đô.
[Ở Mường La] Phìa Bun Xao làm chủ được chín năm. Sau vì không nghe lời bô lão nên họ bàn nhau truất đi và đón ông Mường ở Ít ong, Chiềng Tè về thay. Ông Mường xuôi về tâu vua, được nhà vua ban ấn sắc, chỉ đỏ, khánh cho làm chủ đất Mường La. Bô lão suy tôn là chúa Bun Hiềng. Bun Xao được chúa cho về ăn đất Mường Bằng và chết ở đấy. Chúa Bun Hiềng sinh con là phìa Cầm Bun Xung, Bun Thó, Chưởng Ba. Phìa Bun Xung lấy nàng Ngần Đôi làm vợ cả và Cầm Viện làm vợ lẽ.

Chúa Bun Hiềng, Bun Xôm đánh đuổi giặc Hỏ, Giẳng chiếm lại Mường Lò đất tổ

[Ở Mường Chai] Bun Xôm là chú Bung Hiềng làm chúa ở đó, sinh con là: ông Chiêu Ban, Chiêu Cả tức Phìa Nguyên, Bun Inh, Chiêu Ban tức Cầm Xưởi, Chiêu Mầng Kẻo tức Cầm Nhò và Cầm Hiếng.
Bun Xôm muốn tìm đất cho các con đi ăn nhưng không có. Chỉ còn đất Mường Lò là đất của ông cha ngày trước để lại hiện đang bị giặc Hỏ, giặc Giẳng đến chiềm và ở đó đã ba bốn đời nay rồi. Bun Xôm cử bô lão về bàn với Bun Hiềng tìm cách chiếm lại Mường Lò. Mọi người đều đồng lòng. Bun Hiềng phái người xuống tâu vua. Nhà vua cấp giấy cho Bun Hiềng được phép đi đánh Mường Lò.
Được ngày lành tháng tốt, chú, cháu, anh em ra quân và đánh tan được giặc. Giặc thua chạy tan tác lên miền đầu sông Nặm U, Pù Phang.
Sau khi lấy được đất Mường Lò, Bun Hiềng trao quền làm chủ đất này cho em mình là phìa Bun Inh, con thứ ba của Bun Xôm.
Phìa Bun Inh xuống tâu vua, được nhà vua ban sắc, chỉ đỏ cho về làm chủ đất Mường Lò và lập thành một châu mường như trước, gồm có các lộng:
– Mường Lò Cha cho Chưởng Ban ăn
– Mường Lùng cho Chiêu Bun ăn
– Chiềng Cại và Ít Ong cho Cầm Hiềng ăn.
– Cầm Nhò Kẻo ở với cha ở Mường Chai. Chiêu Cả ăn Mường Pia, bản Áng.
[Ở Mường La] Bun Hiềng làm chủ được vua kinh yêu, vua Lào mến. Sau vì tuổi già sợ không về chầu vua được nên cho con cả là Bun Xung lên thay. Bun Xung xuôi về tâu vua, được vua ban ấn sắc cho về thay cha. Bun Nhò Kẻo làm phó chủ mường.

Cầm Quý tranh quyền làm chủ đất Mường Mụa

[Ở Mường Mụa] Cầm Nguyên chết. Phìa Ún tức Chưởng Mường lên thay Bất đồ, Phìa Cầm Quý(2) kéo binh từ đất Mường Hung ven sông Mã về đuổi. Phìa Ún phải chạy đến cầu cứu chúa Bun Hiềng. Bun Hiềng đưa Phìa Ún về tâu vua Cảnh Hưng, vua Cảnh Hưng ban ấn sắc cho Phìa Ún về ăn đất Mường Mụa. Chúa Bun Hiềng sai viên lam mo và ông quảng Hiệu đem binh đánh đuổi phìa Cầm Quý. Phìa Cầm quý chống cự không nổi phải lui về đất Chiềng Khương, Mường Hung. Phìa Ún xin Bung Hiềng cho đất Mường Mụa làm nơi lệ thuộc Mường La.
Hồi ấy, ở dưới xuôi, vua Cảnh hưng làm vua được 47 năm thì mất (1786). Vua Chiêu Thống lên ngôi. Nhưng ở đất mường rộng lớn phủ Đồng Nai (Ý nói miền Nam Trung Bộ nơi anh em Nguyễn Nhạc xưng vua – ND) có gia đình biện Nhạc lên làm vua gọi là vua Thái Đức (niên hiệu của Nguyễn Nhạc). Vua kéo binh ngàn, vạn ra đánh vua Chiêu Thống. Vua Chiêu Thống chống cự không nổi phải chạy cầu cứu vua Hán Thiên Triều. Quân của thiên triều tới bị vua Thái Đức đánh tan.
Vua Thái Đức lên ngôi được ba năm thì quay về quê cũ. Vua Quang Trung lên ngôi được bốn năm thì mất. Vua Cảnh Thịnh lên ngôi. Vì Bun Hiềng có công theo vua đánh giặc ở Mường Tụ, nhà vua ban ấn sắc cho Bun Hiềng gọi là Đông hưng hầu. Vua còn cho nhập Mường Vạt, Mường Mụa vào đất Mường La.
Nhưng phìa Cầm Quý xuôi về kiện vua Cảnh Thịnh nói mình cũng có công đi đánh giặc Hỏ theo vua. Nhà vua ban ấn sắc cho Cầm Quý chức Quả cảm tướng quân, được ăn đất Mường Mụa. Nhà vua cho Phìa Ún về ăn đất Mường Chanh,nhưng phìa chưa nhận chức đã bị mất. Đất Mường Chanh đưa chiều Hai lên làm chủ.
[Ở Mường Xang] ông Giám tướng lên làm chủ. Ở Viêng Chăn, chảu Mần làm chủ. Chảu đã phật ý Tôi Nhay, Tôi Nhay bất Chảu Mần về giam, rồi cử chảu In về thay. Ở Mường Luông, chảu Vông Mất, ông Dũng lên thay.
[Ở Mường Lay], Chiều Phương mất, chiều Ban lên thay. Chiều Ban mất, tạo Xin Dẹ lên thay. Tạo Dẹ mất, chiều Ngọc lên thay.
[Ở Mường Muổi] phìa Cầm Pâng làm chúa, Xự Hưởng làm xen. Xen đã làm ông, lại muốn làm tướng, đã làm xen lại muốn làm tạo, nên lộng quyền. Phìa Cầm Pâng chịu không nổi, cắt chức Xự Hưởng. Ông bỏ chạy về Mường Thanh. Phìa Cầm Pâng cho Xự Hồng lên thay. Vì Xự Hồng không được việc, phìa cũng cánh chức nốt. Phìa cho Xự Phúc lên thay, Xự Tâm làm pọng.
Chúa phân bản mường cho con cái và họ hàng đi ăn. Phìa Kẻo Cốc Mường Cầm Inh được ăn Mường Muổi cùng cha. Cầm Ín ăn Mường Quài. Ở đó, Xự Hin giữ chức pằn, Xự Tứa giữ chức Pọng. Cầm Xảư làm phìa Mường Lầm ít lâu thì mất. Cầm Phưa lên thay rồi mất. Cầm Ven lên thay. Phìa An ăn Mường Ék.


Ghi chú:
(1) Kinh Thiên Chết hay Keo Chết: là Hoàng Công Chất, một thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân ở Đàng ngoài chống lại chính quyền Vua Lê – Chúa Trịnh vào thế kỷ XVII. Sau nhiều lần thất bại ở miền xuôi, ông rút quan về Hưng Hóa năm 1750, sau đó chiếm Mường Thanh vào năm 1751.
(2) Cầm Quý làm chúa đất Mường Mụa có nhiều công lao đánh giặc ngoại xâm ở Xứ Thái

Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977.