QUAM TÔ MƯƠNG | CHƯƠNG XII – BẢN MƯỜNG THÁI THỜI KỲ THỰC DÂN PHÁP THỐNG TRỊ

Spread the love

Từ khi Pháp xâm lược nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Thái và các dân tộc Tây Bắc nói riêng chìm trong cảnh bần cùng. Vua quan thì không được tự chủ, người dân thì phải chịu đi phu, sưu cao thuế nặng, cuộc sống lầm than. Không khuất phục kẻ thù nhân dân Thái và các dân tộc Tây Bắc đã cùng với nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi bọn thực dân.
Chúng ta sẽ có được cái nhìn sáng tỏ hơn về các cuộc nổi dậy đó trong chương 12 của Quam Tô Mương.

Lời dẫn của Quản trị viên


1. Việc xếp đặt quan tạo ở Xứ Thái

[Ở Mường Mụa] Cầm Văn Thanh làm chủ được sáu năm. Khi Tây vào chiếm đất Thái, Thanh xin nghỉ cho Cầm Văn Oai lên thay. Năm đó là năm khốt nhì (canh dần) Thành Thái thứ hai, năm 1890. Cầm Văn Oai lấy bà Cầm Phá, con giái của Bun Hoan sinh con là Cầm Văn Dung, Cầm Văn Vinh và Cầm Văn Dong. Tây thấy Oai găn góc cho làm quản binh.
[Ở Mường La] Ở Mường Bú, có hai người là Bó và Khụt nổi dậy phá phách bản mường bắt giết phìa Phanh và ông Xổng tên là Chom. Chức dịch ở đó lên báo Hoan. Hoan báo Tây kéo binh xuống bắt được Bó và Khụt giết ở Dua Cá (Bản Cá – Mường La).
Sau việc này, Tây rời đồn ra Pá Giạng ven sông Đà gần bến Tạ Bú. Chỗ đó gọi là Vạn Bú.
Thời đó, Cầm Văn Hoan làm tuần phủ trông coi chín châu Thái Đen, lên làm tuần phủ năm táu xi (nhâm thìn – 1892). Cầm Văn Oai, tri châu Mường Mụa, kiêm chức quản đạo Thái Đen. Điêu Văn Trì giữ chức quản đạo Thái Trắng trông coi các châu Thái Trắng. Bạc Cầm Châu thay Bạc Cầm Hặc làm tri châu Mường Muổi. Hoàng Văn Cấp tri châu Mường Vạt. Xa Văn Cả tri châu Mường Xang.

2. Các cuộc nổi dậy của nhân dân Thái và các dân tộc Tây Bắc

2.1 Cuộc bạo động của các tù nhân ở Sơn La và Lai Châu

Vào năm 1911, những người tù do Cai Khại (1). Họ đánh giữa trưa ngày chủ nhật chiếm trại lính, dinh chánh xứ, nhà giám binh và nhà kho bạc tỉnh Sơn La. Ba tháng sau họ bị Tây đánh thua.
Trong dịp này những người tù ở Lai Châu cũng nổi lên nhưng bị thua ngay.

  • Cổng nhà tù Sơn La
  • Lối bên cổng vào nhà tù Sơn La
  • Cây đào Tô Hiệu tại nhà tù Sơn La
  • Nhà tù Sơn La ngày nay

2.2 Khởi nghĩa của Lường Xám

2.2.1 Diễn biến cuộc khởi nghĩa

Vào năm 1914, có cuộc đánh Pháp do Lường Xám dấy lên từ tỉnh Sầm Nưa (Lào). Hảu Xám ở Mộc Châu cũng hưởng ứng. Hai ông là người Hoa đã ở đất Thái rất lâu đời. Cầm Văn Tứ nguyên phìa Mường Chai cũng theo. Khi Lường Xám chiếm được Sầm Nưa, Tứ theo những người nổi dậy ở Tạ Bú, Tạ Hộc, Tạ Chan chuẩn bị làm nội ứng cho Lường Xám khi đánh về Sơn La. Tháng sau, Lường Xám về chiếm tỉnh Sơn La. Bạc Cầm Châu nguyên tri châu Thuận Châu, Lường Văn Nó phìa Mường Lầm bị Tây nghi theo giặc.
Bạc Cầm An tri châu Thuận Châu theo Tây cầm binh án ngữ Lường Xám ở sông Mã bị giết chết. Bạc Cầm An và Lò Văn Cuộc người Mường Mụa đóng ở Chiềng Khươn giáp đất Lào. Giữa đêm, hai ông bị quân nổi dậy vây đánh bất ngờ. Lò Văn Cuộc trúng đạn, chạy vào rừng nhưng không kịp, phải chạy lên bản người Xá gần đó, giữa đường ông bị bắn chết, bị vứt xác xuống sông Mã. Em ông là Bạc Cầm Yên chi người đi tìm thấy xác ở bản Đán bên Lào, đưa về làm ma chôn ở đất Mường Muổi.
Cầm Văn Oai và Xa Văn Cả lừng chừng đứng giữa, ý nếu Lường Xám được theo Lường Xám, Tây được theo Tây. Quân Lường Xám đánh vào Sơn La chiếm được đồn Khau Cả, nơi có dinh chánh xứ, nhà giám binh và kho bạc. Chánh xứ và tuần phủ rút vào trại lính cố thủ. Họ vây hãm Bun Hoan cùng chánh xứ, lính Tây ở trong trại. Họ dùng dùng dơm trộn lẫn ớt dốt lùa khói vào trong trại lính. Chánh xứ, Hoan và lính Tây ở trong bị sặc. Nhưng sau nhiều lần tấn công, trại vẫn không bị phá. Đêm ngày thứ ba, viện binh của Tây do quan hai Môngsô cầm đầu cùng 80 lính từ Mường Lò về Sơn La. Quân Môngsô qua Mường Chiến, Mường Chai về Mường Bú. Từ đây không giám đi đường cái, phải theo đường tắt qua Pú Cưa đánh về Sơn La. 
Lúc này Oai mới ngả hẳn theo Tây. Khi Tây bắn pháo hạ lệnh tấn công quân nổi dậy ở đồn Khau Cả, Oai khôn khéo dốc binh lên chiếm được đồn trước Tây, lập công to. Năm đó vào năm 1918.

2.2.2 Hệ quả của cuộc khởi nghĩa

Cầm Văn Tứ bị bắt và bị án biệt xứ sang Thái Nguyên. Bạc Cầm Châu và Lường Văn Nó bị giết. 
Binh ông Lường Xám thua chạy sang Mường Lầm rồi lên miền Nậm U bên Lào. Sau khi cuộc nổi dậy bị dẹp, Tây giết nhiều người Hán vẫn ở đất Thái từ trước. Những người sống sót phải trà trộn giả làm người Thái mới thoát chết.
Sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy, ở Mường Muổi không ai dám làm tri châu. Con An là Bạc Cầm Quý đút lót tiền được Tây thương hại cho làm tri châu Mường Muổi(2).

2.3 Khởi nghĩa của người Mông do Giàng Tả Chay lãnh đạo

Năm 1918 – 1922, đồng bào Mông toàn Tây Bắc do Giàng Ta Chay(3) lãnh đạo, nổi dậy ở Tủa Chùa. Điện Biên (1918), Long Hẹ (1922) đánh Pháp mạnh mẽ. Sở dĩ dân Mèo nổi dậy là vì một năm Tây bắt nộp ba lần thuế. Tây và phìa tạo Thái bị thiệt hại nhiều. Thấy không thể dùng binh đàn áp được, Tây dùng lối lừa phỉnh mua chuộc. Trong túp lều nương ở ven rừng gần bản Xam Mứn ở Mường Thanh, Oai và Chay kết nghĩa anh em, Oai khuyên Chay tạm hoãn binh vì sức Tây còn lớn đánh chưa nổi. Oai lừa Chay nói mình cũng có ý định đánh Tây nhưng tự nhận mình còn yếu nên phải ẩn mình chờ thời cơ… Chay nghe lời, thu binh rút sang Lào. Oai lập được công to và Tây cho Oai mề đay Bắc đẩu bội tinh hạng tư. 
Vài năm sau, Chay nổi lên đánh Tây rất lớn ở Sầm Nưa bên Lào.

Hình ảnh của Giàng Tả Chay (Có tài liệu ghi Vừ Pa Chay) Nguồn: fb/HistorySonLa

3. Tình hình Xứ Thái sau khi Pháp bình định

Ngày 1-2-1917, chánh xứ Lômétli mở trường dạy chữ Quốc ngữ và chữ Tây ở Sơn La.
Cùng năm đó sau khi làm chủ Mường La được 33 năm, Hoan chết, thọ 65 tuổi. Khi làm ma, mổ 32 con trâu và trồng 36 cây heo ở mộ. Cầm Văn Quế là con cả lên thay. Tỉnh Lai Châu được thành lập, đất Mường Quài, Mường Thanh, tổng Sốp Cộp trước thuộc Sơn La, nay cắt về tỉnh Lai Châu.
Năm 1927, ở Mường Chai và vùng tả ngạn sông Đà thuộc Sơn La bị lụt lớn. 49 người Thái, 6 người Mông và 4 người Xá bị chết. Ruộng mất 286 mẫu.
Năm 1928, có bọ xít nhiều. Bọ xít lan từ bản Tin Tốc ở Mai Sơn ra mọi nơi, gây thiệt hại lớn cho mùa màng. 
Năm 1931, Tây xây nhà tù Sơn La; mở đường cái ô tô đi Tạ Khoa. Năm 1932, Tây lại mở đường đi Thượng Lào và từ Mộc Châu về suối Rút. Con đường này người Thái gọi là đường Pha Đỉ, Pha Tổ(4). Biết bao người Thái bị chết trên con đường này. Con Trai đi phu, con gái phải gả bán sớm, bản mường không yên vui(5).
Năm hặp hạu (Ất dậu – 1945) có người Nhật lên đánh Tây ở Sơn La. Tây bỏ đồn chạy lên Mường Muổi rồi về đất Hán. Bốn tháng sau, binh Thống chế Tưởng Giới Thạch về giải giáp quân người Nhật thua Đồng minh.
Về sau đó, ngựa thay yên quan thay nước (ꪣ꫁ꪱ ꪖ꪿ꪱꪥ ꪮꪱꪙ, ꪀꪫꪱꪙ ꪖ꪿ꪱꪥ ꪹꪘ꪿ꪀ).

4. Ghi chú

  1. Cai Khại: Lãnh đạo cuộc bạo động phá nhà tù Sơn La ngày 25 tháng 12 năm 1909, sau thất bại.
  2. Vì còn nhỏ, Tây cho Quý đi học ở Hà Nội ba năm. Trong lúc đó, thư lại Bạc Cầm Chính được làm quyền tri châu. Khi trở về, Tây bắt Quý tập sự ở tỉnh Sơn La một năm nữa. Sau đất, mới cho Quý về làm tri châu Mường Muổi.
  3. Cuộc khởi nghĩa của Giàng Tả Chay: (1918 – 1922) Đó là cuộc khởi nghĩa lớn của dân tộc Mông và các dân tộc khác chống Pháp ở miền Tây Bắc Việt Nam và miền Thượng Lào. Nguyên nhân là các dân tộc không chịu nổi sự áp bức ngày một tàn khốc của thực dân Pháp do hậu quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ I gây ra. Giặc Pháp mất ăn, mất ngủ nhiều năm mới dẹp được. Ở đây nêu câu chuyện dụ hàng của Cầm Văn Oai với Giàng Tả Chay. Điều này không thể tin được vì thực tế chủ trương của Giàng Tả Chay sang hoạt động ở Lào là do mong muốn phát triển địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Mặc dù bị thất bại, giặc Pháp buộc phải nới rộng quyền tự trị cho người Mông và giảm bớt thuế má.
  4. Đường Pha Đỉ, Pha Tổ: Nghĩa đen là đường núi rắn như gỗ lim, núi nhiều dốc. Ở đường dốc, lắm đá rắn khó đào, phu làm đường hay bị tai nạn.
  5. Dưới thời Pháp thuộc, một trong những điều làm nhân dân Thái lo sợ là chế độ đi phu làm đường quốc lộ. Người đi phu thường hay đi một thời gian dài và hay bị tai nạn chết chóc. Nên gia đình có con gái thường gả bán con sớm để có rể đi phu thay bố vợ. Do đấy trong bản làng, gái chưa chống rất ít vì chưa đến tuổi đã có rể tới nhà ở. Các cuộc vui không nhộn nhịp như xưa. Bản mường trở nên buồn tẻ. Trong từng gia đình, nhà nào cũng có người đi phu đâm lo lắng không lúc nào yên. Lại thêm sưu cao, thuế nặng, công việc tạp dịch nhiều nên bản mường không vui vẻ.

Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 1977.